Vì sao giá mua sắm trực tuyến vẫn còn cao?

Kinh tếThứ Bảy, 25/10/2014 07:11:00 +07:00

(VTC News) - Chất lượng dịch vụ chuyển phát chưa cao là một trong những yếu tố giá mua sắm trực tuyến không rẻ hơn đáng kể so với mua sắm truyền thống.

(VTC News) - Chất lượng dịch vụ chuyển phát chưa cao là một trong những yếu tố giá mua sắm trực tuyến không rẻ hơn đáng kể so với mua sắm truyền thống.

Sáng 24/10, tại Hà Nội đã diễn ra “Hội thảo Dịch vụ chuyển phát với Thương mại điện tử” do Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (VECITA) phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tổ chức.

mua sắm, mua sắm online, mua sắm trực tuyến
Ông Trần Hữu Linh – Cục trưởng Cục TMĐT và CNTT (Bộ Công Thương) phát biểu tại hội thảo 
Theo thống kê, tính tới đầu năm 2014, có 91 doanh nghiệp đã được cấp phép kinh doanh dịch vụ bưu chính. Nhưng trên thực tế, một số doanh nghiệp đã được cấp phép chưa hoạt động hoặc hoạt động không đúng mục đích. Có đơn vị chuyển phát chỉ làm thương mại, liên kết, hợp tác với một số đơn vị chuyển phát lớn rồi kinh doanh trực tuyến hoặc mở văn phòng giao dịch thu gom thư từ, bưu phẩm, bưu kiện… của khách hàng rồi chuyển cho bên đại lý của họ.


Trong khi đó, do sức ép hội nhập, các hoạt động giao dịch thương mại đang được dịch chuyển từ phương thức truyền thống (offline) sang thương mại điện tử (online), tức là người tiêu dùng sẽ tương tác thông qua các thiết bị như smartphone, PC...  để mua hàng và nhận hàng từ các nhà cung cấp dịch vụ chuyển phát. Điều này đặt ra cơ hội “bắt tay” giữa doanh nghiệp thương mại điện tử và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuyển phát.

Hiện nay, quy mô thị trường bán lẻ online vẫn còn khá khiêm tốn so với quy mô bán lẻ nói chung song theo nhận định của các hãng thống kê, tốc độ tăng trưởng sẽ ở mức 2 con số trong 1 - 2 năm tới. Mua sắm trên mạng đang trở thành phương thức mua hàng mới và có sức lan tỏa nhanh.

Tiềm năng là vậy song chất lượng dịch vụ chuyển phát chưa cao là một trong những yếu tố chủ yếu khiến cho giá mua sắm trực tuyến không rẻ hơn đáng kể so với mua sắm truyền thống. Đây là một cản trở đối với lĩnh vực thương mại điện tử ở Việt Nam, một lĩnh vực được đánh giá có tiềm năng phát triển rất mạnh trong những năm tới.

Theo ông Trần Hữu Linh - Cục trưởng VECITA, thị trường thương mại điện tử Việt Nam hiện vẫn có tiềm năng phát triển rất lớn và nhu cầu mua sắm qua mạng sẽ là xu hướng tất yếu.

Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất hiện nay chính là chuyển phát. Các nhà cung cấp dịch vụ chuyển phát sẽ đóng vai trò rất quan trọng để mang tới cho khách hàng dịch vụ thương mại điện tử tốt hơn, chất lượng hơn và giá rẻ hơn.


Trong vài năm gần đây, dịch vụ chuyển phát đã phát triển mạnh mẽ. Các doanh nghiệp có thị phần lớn nhất như Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VietnamPost), Công ty DHL-VNPT…có mạng lưới chuyển phát đã phủ rộng khắp tới tất cả tuyến xã trên cả nước.

Tuy nhiên, dịch vụ chuyển phát ở Việt Nam chưa đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường thương mại điện tử. Đó là do hệ thống quản lý hàng hóa chuyển phát còn tương đối thủ công, hạ tầng nhà xưởng kho bãi và phương tiện vận chuyển chưa hiện đại, phụ thuộc vào bên thứ ba khi hàng hóa được chuyển phát bằng hàng không, hàng hóa chuyển phát đi quốc tế phụ thuộc trên 95% vào các hãng chuyển phát nước ngoài, đội ngũ lao động chưa qua đào tạo còn chiếm tỉ lệ cao…


Do đó, việc hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp chuyển phát và thương mại điện tử sẽ thúc đẩy sự phát triển chung của cả dịch vụ chuyển phát và thương mại điện tử. Đặc biệt khi xu hướng bán hàng qua điện thoại, “chợ ảo”, mạng xã hội có quy mô tăng lên, ngày càng phổ biến và phát triển mạnh mẽ.

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn