Vì sao Công an Hà Nội kêu gọi người bắt giữ cán bộ ở Đồng Tâm đầu thú?

Pháp luậtThứ Hai, 16/10/2017 08:05:00 +07:00

Theo quan điểm của cơ quan tố tụng, chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước thể hiện ở nhiều chỗ chứ không phải bỏ lọt tội phạm thì mới là khoan hồng, nếu như vậy sẽ không đảm bảo pháp chế.

Chú trọng chính sách nhân đạo

Theo quan điểm của cơ quan tố tụng, ngay từ khi bắt đầu giải quyết vụ việc, đơn vị đã xác định khởi tố vụ án là đúng quy định của pháp luật. Sự việc xảy ra có dấu hiệu tội phạm, theo Hiến pháp và Pháp luật, mọi hành vi phạm tội phải được phát hiện kịp thời, xem xét, xử lý công minh.

Tuy nhiên, việc khởi tố vụ án không phải là không nhân đạo. Chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước thể hiện ở nhiều chỗ chứ không phải bỏ lọt tội phạm thì mới là khoan hồng, nếu như vậy sẽ không đảm bảo pháp chế.

dong-tam

  Cán bộ, chiến sĩ công an bị giữ tại nhà văn hóa thôn Hoành đã được thả hôm 22/4.

Trong quá trình xử lý, vẫn có nhiều cách để thực hiện chính sách khoan hồng đối với những người vi phạm. Việc thực hiện chính sách nhân đạo sẽ được thể hiện cụ thể trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng, Điều tra viên cao cấp của cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.Hà Nội cho biết: “Vụ Đồng Tâm xảy ra có dấu hiệu của tội phạm và cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án rồi. Phải xác định ở đây có sự việc phạm tội và do rất nhiều người tham gia.

Tuy nhiên, cũng nhất quán ngay từ đầu về chỉ đạo của thành phố là lấy tuyên truyền, vận động, giải thích cho bà con là chính, để chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật. Với những người đã trót có hành vi có dấu hiệu của tội phạm thì quan điểm chung của lãnh đạo thành phố cũng như các cơ quan bảo vệ pháp luật là trong quá trình xem xét, xử lý sẽ chú ý thực hiện chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước. Thực hiện chỉ đạo ấy, cơ quan điều tra kêu gọi những người có hành vi vi phạm pháp luật ra tự thú, đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng”.

Cán bộ, chiến sĩ công an bị giữ tại nhà văn hóa thôn Hoành đã được thả hôm 22/4. Thượng tá Hùng phân tích: “Đây là những người thiếu hiểu biết pháp luật, do bị kích động nên đã có hành vi vi phạm. Nếu đã lỡ vi phạm pháp luật, về nguyên tắc thì phải xử lý, nhưng trong việc xử lý thì vấn đề khoan hồng đối với bà con, đối với những người vi phạm sẽ được hết sức quan tâm.

Theo quy định tại Điều 3, Bộ luật Hình sự, nguyên tắc xử lý là khoan hồng với những người nhất thời phạm tội, những người ra tự thú, ăn năn hối cải.

Khoản 2, Điều 25, Bộ luật Hình sự cũng quy định rất rõ, với những người phạm tội mà tự thú, có hành vi khắc phục thiệt hại, khai báo thành khẩn thì thậm chí có thể được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 46 quy định về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, cũng nhấn mạnh việc người phạm tội ra tự thú được coi là tình tiết giảm nhẹ, còn đầu thú thì cũng có thể được xem xét coi như tình tiết giảm nhẹ”.

Cần nắm bắt cơ hội

Thượng tá Hùng chia sẻ: “Pháp luật đã quy định rất rõ ràng như thế rồi, với tinh thần không làm xấu thêm tình trạng của những người đó, quan điểm của cơ quan điều tra là kêu gọi họ ra đầu thú để được hưởng lượng khoan hồng. Nếu như họ không đầu thú, với những tài liệu chứng cứ đã thu thập đầy đủ, cơ quan điều tra sẽ phải khởi tố, bắt giam. Lúc đó họ sẽ không được hưởng tình tiết giảm nhẹ nữa, tình trạng của những người vi phạm sẽ bị xấu hơn. Với tính chất nhân đạo, cơ quan điều tra không muốn làm xấu hơn tình trạng của những người trót có hành vi vi phạm như thế nên mới có thư vận động ra tự thú, đầu thú.

Có thể thấy, đối với những người trót vi phạm pháp luật, hiện cơ quan chức năng vẫn tạo điều kiện cho họ để có thể giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Nhưng những người đó phải nắm bắt lấy cơ hội này, ra tự thú, đầu thú, khai báo thành khẩn để hưởng lượng khoan hồng của pháp luật.

Video: Tuyên án 14 cán bộ sai phạm trong quản lý đất đai ở Đồng Tâm

Với những người cố tình lẩn tránh, không ra tự thú, đầu thú hoặc cản trở người khác ra tự thú, đầu thú thì sẽ phải chịu trách nhiệm. Bởi thực tế đây là vụ án đông người tham gia, có rất nhiều người biết, thậm chí có cả các clip ghi lại hình ảnh nên muốn trốn tránh cũng không được. Càng trốn tránh sẽ càng làm xấu thêm tình trạng của mình”.

Thượng tá Hùng cho hay, thư kêu gọi là thư ngỏ, công khai, được phát trên hệ thống truyền thanh của xã Đồng Tâm, đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng để ai cũng biết. Những người vi phạm mà chưa biết thì để những người biết thông tin trên nói lại, giúp họ nắm được tinh thần nhất quán của cơ quan tố tụng và ra tự thú, đầu thú.

“Quan điểm của cơ quan điều tra là những trường hợp nào được miễn giảm, thậm chí được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan điều tra cũng sẽ miễn trách nhiệm hình sự. Điều đó nhằm thể hiện rõ tính nhân đạo và cũng để từ việc đó phổ biến, tuyên truyền đến những người khác, để không làm vụ án phức tạp thêm. Càng nhiều người ra đầu thú, tự thú thì việc giải quyết vụ án càng nhanh, người dân cũng có cơ hội được giảm nhẹ hình phạt, thậm chí có người còn có thể được miễn trách nhiệm hình sự nữa”, Thượng tá Hùng cho biết.

Sự việc tại Đồng Tâm xảy ra ngày 15/4 khi 4 người bị bắt để phục vụ điều tra vụ án Gây rối trật tự công cộng liên quan đến giải tỏa đất ở đồng Sênh (Đồng Tâm, Mỹ Đức). Lực lượng thi hành công vụ gặp phải sự phản ứng dẫn đến 38 cảnh sát cơ động, cán bộ bị giữ tại nhà văn hóa thôn. Một số ô tô công vụ bị hư hại. 7 ngày sau, toàn bộ người bị giữ được thả khi Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cam kết làm rõ nguồn gốc đất tại đồng Sênh - mấu chốt trong cuộc đấu tranh đòi quyền lợi của dân Đồng Tâm; điều tra đúng sai việc bắt 4 người nêu trên và “không truy cứu hình sự với toàn thể người dân trong sự việc giữ cán bộ, cảnh sát cơ động”.

Dân làng Đồng Tâm đã cùng ký vào “tâm thư” gửi lãnh đạo thành phố, thừa nhận nhiều sai sót, không hiểu biết nên vi phạm pháp luật trong quá trình chống tham nhũng, tiêu cực. Họ cho hay các chiến sĩ cảnh sát bị giữ tại hội trường nhà văn hóa được đối xử tốt.

Chiều 13/6, cơ quan cảnh sát điều tra (Công an Hà Nội) đã khởi tố vụ án hình sự liên quan việc bắt giữ 38 người thi hành công vụ tại thôn Hoành (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức) để điều tra về tội Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật theo Điều 123, Bộ luật Hình sự và Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 143, Bộ luật Hình sự. 

“Đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại”

Nội dung thư kêu gọi tự thú và đầu thú của các cơ quan tiến hành tố tụng TP.Hà Nội nêu rõ: Trong cuộc sống, đôi khi vì sai lầm trong nhận thức, hành động có thể làm cho cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật, thậm chí phạm tội. Điều đáng tiếc, không mong muốn đó ảnh hưởng tiêu cực cho người thực hiện hành vi, gia đình họ và cho xã hội...

Cha ông ta đã dạy “đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại”. Đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ta nghiêm khắc thật nhưng cũng nhân đạo, khoan dung. Theo đó, người có hành vi vi phạm pháp luật nếu thực sự ăn năn, hối lỗi bằng việc tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, góp phần khắc phục hậu quả mà mình đã gây ra thì luôn được xem xét, giảm nhẹ đáng kể trách nhiệm pháp lý…

Công an TP.Hà Nội và VKSND TP.Hà Nội đề nghị các cấp chính quyền, gia đình, thân nhân của những người đã có hành vi vi phạm pháp luật nêu trên động viên công dân, người thân của mình có thái độ tích cực trước thư kêu gọi này và phối hợp với cơ quan điều tra và VKSND TP.Hà Nội bảo đảm tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của người tự thú, đầu thú.

Đồng thời kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn động viên những người vi phạm ra tự thú, đầu thú; cung cấp những thông tin, tài liệu có liên quan bằng các hình thức tự lựa chọn. Cơ quan điều tra và VKSND TP.Hà Nội sẽ không bắt, giam giữ người tự thú, đầu thú và bảo đảm tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của người tự thú, đầu thú theo quy định của pháp luật. Người che giấu, cản trở người có hành vi vi phạm pháp luật tự thú, đầu thú sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật…

(Nguồn: Người đưa tin)
Bình luận
vtcnews.vn