Vì sao 2 công ty mua 'hớ' 1.100 tỷ đồng cổ phiếu nhà bầu Đức vay được vốn lớn từ ngân hàng?

Kinh tếThứ Ba, 01/03/2016 10:05:00 +07:00

Lý do gì 2 đối tác của Nông nghiệp Hoàng Anh Gia Lai chỉ có vốn điều lệ 60 tỷ đồng lại vay được gần 900 tỷ từ ngân hàng đang khiến dư luận tò mò.

(VTC News) – Lý do gì 2 đối tác của Nông nghiệp Hoàng Anh Gia Lai chỉ có vốn điều lệ 60 tỷ đồng lại vay được gần 900 tỷ từ ngân hàng đang khiến dư luận tò mò.

Thương vụ mua lại 59 triệu cổ phiếu HNG của hai công ty cao su An Thịnh và Cường Thịnh đang ồn ào trên các phương tiện truyền thông. Câu hỏi đặt ra là tại sao 2 công ty này chỉ có 60 tỷ đồng vốn điều lệ lại có thể vay gần 900 tỷ từ ngân hàng. Câu trả lời chính là tài sản đảm bảo của 2 công ty này khá lớn.
Tại thời điểm cuối tháng 7/2015, An Thịnh và Cường Thịnh đang có trong tay tổng tài sản trị giá tới 2.400 tỷ đồng.
Trang trại bò của Hoàng Anh Gia Lai tại Lào

Trong khi thương vụ mua lại 59 triệu cổ phiếu HNG của hai công ty cao su An Thịnh và Cường Thịnh đang ồn ào trên các phương tiện truyền thông thì thông tin HNG đã mua lại toàn bộ phần vốn góp của An Thịnh và Cường Thịnh tại Công ty Cao su Đông Dương lại được ít người quan tâm và biết tới.

Theo trình tự thời gian thì trong danh sách đăng ký mua cổ phần riêng lẻ của HNG, Công ty TNHH Đầu tư cao su An Thịnh và Công ty TNHH Đầu tư cao su Cường Thịnh đã có tên từ ngày 30/10/2015. Mặc dù đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận việc chào bán riêng lẻ nhưng HNG vẫn chưa thể chào bán hết cho đến hạn chót 31/12/2015 nên đã xin giãn thời gian kết thúc việc phát hành xuống trước ngày 24/02/2016.

Hai công ty An Thịnh và Cường Thịnh sau đó đã gom sạch toàn bộ lượng cổ phần chào bán khi HNG giãn đợt phát hành thêm hai tháng, lần lượt nắm giữ 31,5 triệu cp và 27,5 triệu cp, tương ứng tỷ lệ 4,11% và 3,58% vốn. Số tiền dự kiến thu về 1.652 tỷ đồng sẽ được dùng để bổ sung nguồn vốn đầu tư cho các dự án của HNG.

Công ty An Thịnh và Công ty Cường Thịnh đều đăng ký thành lập vào tháng 3/2014, với số vốn điều lệ 30 tỷ đồng mỗi công ty. Tuy nhiên, hai công ty này cũng là hai cổ đông lớn của Công ty cao su Đông Dương (CSDD) hiện đang sở hữu các dự án lớn trồng và phát triển cao su tại Campuchia, với số vốn điều lệ 1.465 tỷ đồng. Trong đó, Công ty An Thịnh sở hữu 774 tỷ đồng (tương đương gần 53% giá trị vốn điều lệ), và Công ty Cường Thịnh sở hữu hơn 47% còn lại (tương đương 691 tỷ đồng). Theo báo cáo tài chính hợp nhất vào thời điểm 31/07/2015 do công ty Ernst & Young kiểm toán, tổng tài sản của CSDD đạt hơn 2.400 tỷ đồng.

Như vậy, có thể nói tại thời điểm cuối tháng 7/2015, An Thịnh và Cường Thịnh đang có trong tay tổng tài sản trị giá tới 2.400 tỷ đồng. Đây có thể là nguồn tài sản đảm bảo để hai “đại gia” này vay vốn tại một ngân hàng.

Được biết, CSDD hiện đang sở hữu các dự án trồng và phát triển cao su thuộc huyện Snoul, tỉnh Kratie, Vương Quốc Camphuchia, bao gồm Eastern Rubber, Sovann Vuthy và Bình Phước Kratie 2 với tổng diện tích là 25.000 ha (hai mươi lăm ngàn hecta), trong đó diện tích vườn cao su có năm tuổi đến 3 năm là khoảng 11.000 (mười một ngàn hecta). Đây là địa điểm khá gần biên giới Việt Nam – Campuchia với giao thông thuận tiện. Vì thế, việc xây dựng nhà máy chế biến tại đây rất tiện cho hoạt động vận tải và xuất khẩu nguyên liệu về Việt Nam.

Đáng chú ý, nghị quyết Hội đồng quản trị ngày 22/12/2015 của Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (mã số HNG) đã thông báo việc mua lại toàn bộ phần vốn góp của An Thịnh và Cường Thịnh tại Cao Su Đông Dương. Và như vậy, bản chất giao dịch giữa HNG và An Thịnh – Cường Thịnh chính là vụ mua bán sáp nhập các doanh nghiệp cao su với nhau.

Sau thương vụ sáp nhập này, HNG có được tổng diện tích trồng cao su, mía đường và dầu cọ lên đến khoảng 100.000 hecta và trở thành một trong nhóm các Công ty đứng đầu khu vực Đông Nam Á về quy mô diện tích trồng cây nông nghiệp.

Bảo Bình
Bình luận
vtcnews.vn