Ví điện tử - Cần lắm sự ủng hộ của người dân!

Tổng hợpThứ Tư, 14/07/2010 04:46:00 +07:00

Việc sử dụng tiền mặt trong các giao dịch thanh toán vẫn tồn tại phổ biến tại Việt Nam, ước tính tỷ trọng tiền mặt chiếm xấp xỉ 20% tổng khối lượng tiền...

   Hiện nay việc sử dụng tiền mặt trong các giao dịch thanh toán vẫn tồn tại phổ biến tại Việt Nam, ước tính tỷ trọng tiền mặt chiếm xấp xỉ 20% tổng khối lượng tiền tệ lưu chuyển. Thói quen này gây ra rất nhiều bất lợi cho nền kinh tế, cũng như những vấn đề tiêu cực phát sinh. Mặt khác, việc sử dụng tiền mặt gây tốn kém cho nền kinh tế do phải in ấn, vận chuyển, bảo quản... Vì vậy, xu thế chung của nền kinh tế thị trường buộc các nhà quản lý phải thu hẹp dần phạm vi thanh toán không dùng tiền mặt.


 

Cứu tinh cho... shopping...

 

Mấy hôm nữa ra mắt gia đình người yêu, Lan muốn mình phải thật xinh đẹp. Chiều chủ nhật rảnh rỗi, cô nàng quyết định đi “shopping”. Cũng lâu rồi Lan chưa “tậu” chiếc váy mới nào.

Thay vì chuẩn bị đầu tóc, quần áo, trang điểm... rồi dắt xe ra đường lượn lờ giữa con nắng tháng 8 gay gắt, cô nàng với tay thực hiện thao tác kết nối máy tính với mạng internet. Chưa đến 10 giây, một loạt các shop quần áo online lần lượt hiện ra, đủ loại kiểu dáng mới nhất với những màu sắc bắt mắt. Nếu như trước đây Lan sẽ chỉ... ngắm cho “sướng” chứ không bao giờ đặt lệnh mua bất cứ sản phẩm nào. Có quá nhiều lý do khiến cô không có lòng tin với việc mua hàng online. Thứ nhất cô chỉ được nhìn hàng qua ảnh, hoàn toàn không được sờ chất liệu vải hay thử xem size có vừa với mình không? Trong khi đó Lan đã quá quen với việc phải sờ tận tay, hay tận mắt, mặc cả từng chút một trước khi mua. Thứ hai, có đặt hàng online thì cô vẫn phải lọ mọ ra ngân hàng hoặc ATM để chuyển khoản hoặc gặp trực tiếp chủ hàng để thanh toán offline. Thế cũng chẳng khác việc cô lượn phố mua hàng là bao. Mà rủi gặp mặt hàng mình thích vào đúng ngày chủ nhật ngân hàng nghỉ làm, hoặc chuyển khoản trên ATM gặp trục trặc thì việc mua hàng cũng coi như... hỏng! Thêm nữa, sau khi thanh toán, phải mất hàng tuần cô mới có thể nhận hàng. Mà nếu như hàng đó không vừa với người, không hợp với vóc dáng, không ưng ý... thì cũng chẳng có cách nào đổi lại. Lúc ấy Lan sẽ phải chịu cảnh ví thì “lõm” mà áo thì không mặc được... Vậy là, tốt nhất chẳng mua online làm gì...

Nhưng, đó đã là chuyện của quá khứ, còn hiện tại, Lan là tín đồ của shopping online bởi cô đã tìm được cho mình... một vị cứu tinh.

Chỉ bằng một tin SMS đơn giản, Lan đã chuyển 500 nghìn đồng từ tài khoản ngân hàng sang tài khoản của nhà cung cấp dịch vụ “ví điện tử” để đặt mua một gói tiền “ảo” trị giá tương đương. Với Lan, chiếc “ví điện tử” ấy chẳng khác nào một “anh trợ lý tốt bụng”, một cứu tinh cho tín đồ mua sắm như cô. Chỉ cần Lan thông báo mình muốn mua mặt hàng nào, ngay lập tức “anh trợ lý” sẽ thay cô thực hiện các thủ tục thanh toán với chủ cửa hàng, đồng thời thúc đẩy việc chuyển hàng diễn ra nhanh nhất. Chỉ một ngày sau, Lan đã nhận được chiếc váy mình yêu cầu. Nhưng nó quá rộng so với người cô. Màu sắc, kiểu dáng... của chiếc váy cũng không giống với những gì chủ hàng đã quảng cáo. Cô thông báo điều này với “anh trợ lý”. “Anh trợ lý” lại lĩnh trách nhiệm khiếu nại cửa hàng, đòi tiền về cho Lan và tiếp tục nhiệt tình hỗ trợ cô cho đến khi cô tìm mua được chiếc váy ưng ý nhất cho buổi ra mắt... Tất cả đều diễn ra vô cùng nhanh chóng.

Nhờ “anh trợ lý”, Lan đã có thể tìm ra cho mình một phương thức mua sắm online đơn giản, thoải mái và... an toàn... Nhưng, câu chuyện của Lan mới chỉ là sự bắt đầu cho rất nhiều lợi ích khác mà dịch vụ “ví điện tử” mang tới cho người sử dụng...

 

Ví tiền của Thế giới số

 

Khác với tài khoản trong ngân hàng là tiền thật, “Ví điện tử” là một loại tài khoản dùng để thanh toán trong các giao dịch nhưng tiền trong ví chỉ là tiền “ảo”. Chỉ cần đăng ký tài khoản ví điện tử qua website dịch vụ của nhà cung cấp, người dùng có thể tiến hành nạp tiền vào ví từ tài khoản ngân hàng, tài khoản thẻ ATM, thẻ trả trước... Sau đó có thể dùng ví điện tử để thanh toán các giao dịch áp dụng hình thức thanh toán này. Đơn vị cung cấp ví điện tử có trách nhiệm đảm bảo quyền lợi cân bằng giữa các bên bán và mua, chính vì thế ví điện tử trở nên an toàn và có nhiều lợi ích hơn so với tài khoản ngân hàng khi dùng để thanh toán.

Vấn đề lớn nhất của thẻ tiêu dùng chính là an ninh thẻ. Các chiêu ăn cắp mật khẩu của chủ thẻ từ các giao dịch trên máy ATM, lộ thông tin cá nhân hay gặp sự cố khi rút tiền trên máy ATM đều là những điều khiến người dùng e ngại. Ví điện tử như “một người trung gian giữ tiền” cho phép người dùng có thể giao dịch, mua bán, trao đổi tại các website thương mại điện tử... mà không cần phải có tài khoản ngân hàng cũng như các loại thẻ tín dụng quốc tế, như vậy dù có bị ăn cắp mật khẩu thì người dùng ví điện tử cao lắm chỉ bị mất số tiền đã chuyển vào ví để thanh toán, còn tài khoản ngân hàng hoàn toàn không ảnh hưởng gì. Không cần tài khoản ngân hàng và các loại thẻ tín dụng cũng là một tiện ích lớn trong điều kiện thẻ ghi nợ nội địa còn ít được chấp nhận tại các website bán hàng.

Với ví điện tử, người dùng cũng có thể nạp tiền từ tài khoản ngân hàng, rút, chuyển tiền từ ví dễ dàng trên nhiều phương tiện khác nhau như internet hay trực tiếp tại các điểm giao dịch. Họ cũng có thể thực hiện truy vấn, quản lý các giao dịch phát sinh, theo dõi số dư trên internet, trên mobile...  Ngoài ra, do giảm bớt các khâu trung gian như đi lại, ký giấy tờ, rút tiền mặt… nên người dùng thường tiết kiệm được thời gian, đồng thời được hưởng mức giá thấp hơn so với việc mua hàng trực tiếp tại cửa hàng.

Hầu hết các ví điện tử được gắn kết với tài khoản tiền gửi, hoặc tài khoản thẻ của người dùng, do đó họ có thể dễ dàng chuyển tiền giữa ví điện tử và tài khoản tiền gửi. Đối với những người dùng chưa đủ tuổi để mở tài khoản thì “ví điện tử” cũng được coi là một giải pháp. Cha mẹ có thể mở cho con mình một “ví điện tử” để thanh toán những chi phí của con mà vẫn có thể quản lý dễ dàng... Ngoài ra “ví điện tử” còn có thể giúp người sử dụng tặng, cho mượn tiền hay thanh toán giúp rất tiện dụng. Từ đó tạo ra một cộng đồng thanh toán không tiền mặt.

Với những lợi ích không thể phủ nhận, ví điện tử thực sự đã tạo ra một phương thức thanh toán trực tuyến an toàn, ít chi phí và không thể thiếu trong nền kinh tế hội nhập toàn cầu....

 

Từ “hiện tượng” PayPal...

 

Được coi là “điểm khởi đầu” cho “ví điện tử”, cho đến ngày nay PayPal vẫn chứng tỏ mình là thương hiệu số một cho loại hình dịch vụ thanh toán trực tuyến này trên toàn thế giới.

Ví điện tử PayPal được thành lập năm 1998. Nó đã nhanh chóng trở thành một phương thức thông dụng để thanh toán cho những hàng hoá được mua trên Ebay. Thành công đến nỗi vào năm 2002, trang web đấu giá số 1 thế giới này đã từ bỏ chính dịch vụ thanh toán Billpoint của mình và trả 1,5 tỷ USD để mua PayPal. Sau đó 3 năm, PayPal đã vượt ra ngoài cái bóng to lớn của Ebay. PayPal đã ký hàng loạt hợp đồng độc lập, cung cấp dịch vụ thanh toán cho các cửa hàng nhỏ bán bánh Pizza đến các công ty lớn như Overstock.com, ha iTunes Music (Apple)... đồng thời nhanh chóng mở rộng ra nước ngoài bằng các website địa phương ở hơn chục quốc gia khác nhau. Mục đích của PayPal là “trở thành chuẩn mực thanh toán trên mạng”.

Số tiền giao dịch năm 2003 của “ví điện tử” này đạt 2,8 tỷ USD trong 1 quý, tương đương 360 USD/giây.Trong năm 2009, khối lượng tiền giao dịch của PayPal đạt con số 6 tỷ USD, tăng 38% so với năm 2008. Hiện nay PayPal có khoảng gần 200 triệu tài khoản và đã quốc tế hoá. Số nước sử dụng phương thức chuyển tiền của PayPal đã lên tới con số hơn 190 với 18 loại tiền tệ trên toàn thế giới.

Sự ra đời của ví điện tử PayPal khiến cho không chỉ nó mà chính các công ty bán hàng trực tuyến cũng được hưởng lợi. Doanh số “ngoài Ebay” đã tăng từ 33% lên 39% sau khi mua PayPal.

Tốc độ phổ biến cực nhanh, cực rộng và những thành công của PayPal đã cho thấy một điều: ví điện tử đã trở thành một khái niệm không mấy xa lạ đối với người dùng trên toàn thế giới... Giờ đây, bên cạnh PayPal người ta đã biết đến nhiều “ví điện tử” khác như: Alibay, Amazon...  nhưng PayPal vẫn là biểu tượng của thanh toán trực tuyến toàn cầu hiện nay.

 

 

... Tới Smart Agent ở Việt Nam

 

Chính thức hoạt động từ ngày 11/5/2010, Smart Agent - “ví điện tử dành cho người Việt” đang là một điểm nóng gây nhiều sự chú ý và kỳ vọng từ người tiêu dùng bởi những ưu điểm nổi bật trong giải pháp thanh toán trực tuyến.

Smart Agent được xây dựng và quản trị bởi Trung tâm Thanh toán điện tử, trực thuộc Công ty Đầu tư và Phát triển CNTT (VTC Intecom). So với những hình thức thanh toán trực tuyến khác, Smart Agent có rất nhiều những lợi thế khi triển khai, trong đó lợi thế lớn nhất chính là cộng đồng người sử dụng. VTC có sẵn trong tay một tập khách hàng 40 triệu tài khoản trực tuyến, đây là điều mà các doanh nghiệp triển khai ví điện tử ở Việt Nam luôn khao khát.

Mỗi khách hàng sử dụng dịch vụ Smart Agent sẽ được coi như một đại lý phân phối và được hưởng toàn bộ phần trăm chiết khấu từ 6,1 % đến 25% tùy theo từng mặt hàng mà nhà cung cấp dành cho đại lý của họ. Ví dụ như khi mua thẻ điện thoại MobiFone có mệnh giá 100 nghìn, bình thường khách hàng mua lẻ sẽ phải thanh toán đủ 100 nghìn đồng. Còn khi sử dụng Smart Agent, khách hàng sẽ chỉ phải trả 93 nghìn. (Vì đã được hưởng chiết khấu dành cho khách mua sỉ). Khách hàng của Smart Agent cũng hoàn toàn yên tâm với việc họ được miễn phí dịch vụ mãi mãi.

Với hơn 30 đối tác là các nhà cung cấp dịch vụ, Smart Agent đã trở thành “Trung gian” uy tín thanh toán nhiều sản phẩm giao dịch phong phú, đa dạng nhất trên thị trường Việt Nam như: viễn thông di động (Mobifone, Vinaphone, Sfone, Viettel, EVN); dịch vụ giải trí trực tuyến (VTC online,VTCZ-One, Vinagame, FPT Online, Asia Soft, VDCNet2e, Vgame…); học trực tuyến (Global Education, truongtructuyen.vn, hocmai.vn…); phần mềm diệt virut (Bkav, BitDefender); gọi điện thoại quốc tế VTSFone…

Trên thực tế, tài khoản đăng nhập dịch vụ Smart Agent chính là số điện thoại di động của khách hàng. Với phần mềm tiện ích Smart Agent trên điện thoại di động, người dùng không những thực hiện giao dịch thông qua máy tính nối mạng mà còn có thể giao dịch trong bất cứ thời gian nào, ở bất cứ đâu bằng điện thoại di động.

Điều quan trọng nữa là tất cả các giao dịch đều được đảm bảo an toàn với hệ thống có độ bảo mật tốt nhất hiện nay. Website https://net.vtc.vn (webstie giao dịch của Smart Agent) được chứng nhận giao dịch an toàn bởi Entrust (Một đơn vị chuyên chứng nhận sự an toàn website  của Anh – PV). Tất cả các giao dịch đều được mã hóa bằng SSL, tất cả các kết nối với ngân hàng, doanh nghiệp đều được chứng thực bằng chữ kí điện tử… Bên cạnh đó, để nâng cao tính bảo mật cho tài khoản khách hàng đối với mỗi lần giao dịch, mua hàng hay chuyển tiền, Smart Agent cung cấp dịch vụ OTP (One time password) – mật khẩu sử dụng một lần, điều này giúp khách hàng hạn chế những rủi ro trong việc quản lý tài khoản Smart Agent…

Sau hơn một tháng hoạt động, Smart Agent đã đạt được những kết quả đáng khâm phục: đạt gần 2 tỷ đồng giá trị giao dịch trong 1 ngày, mỗi ngày có khoảng 1 nghìn tài khoản tham gia giao dịch, số lượng kích hoạt tính đến ngày 25/6/2010 đạt hơn 4000 tài khoản…

Với những tiện ích của hệ thống phân phối thông minh, Smart Agent được đánh giá là một trong những “ví điện tử” tốt nhất trên thị trường Việt Nam hiện nay. Không ít người hi vọng dịch vụ này sẽ trở thành một “PayPal” Việt Nam trong tương lai gần.

 

Ví điện tử - có thể kết thúc thời tiêu dùng tiền mặt?

 

Mặc dù được đánh giá cao về mặt giải pháp cũng như những tiện ích mang lại, nhưng cho tới thời điểm hiện tại Smart Agent mới chỉ dừng lại ở mức… sơ khai, mới chỉ triển khai ở các mảng dịch vụ giải trí trực tuyến, game online, giáo dục trực tuyến, mua thẻ điện thoại trả trước… Những tính năng mà nhiều người tiêu dùng quan tâm nhất là thanh toán hóa đơn điện, điện thoại, internet, đặt vé máy bay, mua bán các sản phẩm tiêu dùng… vẫn nằm trong kế hoạch… của nhà cung cấp. Phát triển từ lâu và được phổ biến rộng rãi trên thế giới, nhưng ở Việt Nam “ví điện tử” vẫn còn là mô hình mới mẻ. Vì thế triển khai các dịch vụ đặt vé tàu xe, máy bay, thanh toán hóa đơn, mua bán các mặt hàng gia dụng… sẽ còn cần phải có thời gian”, ông Nguyễn Thanh Hưng – Phó giám đốc Trung tâm Thanh toán điện tử VTC Intecom chia sẻ.

Bên cạnh đó, theo ông Hưng: để “ví điện tử” hoạt động tốt cần có cộng đồng sử dụng nó. Tuy nhiên, điều này ở Việt Nam vẫn là một rào cản. Rất nhiều ví điện tử đang có mặt trên thị trường nhưng không liên thông với nhau nên rất khó cho người sử dụng. Giống như trước kia chưa có sự liên kết giữa các ngân hàng thì việc rút tiền từ các máy ATM rất khó khăn. Khi sử dụng ví điện tử, nghĩa là người dùng phải làm thủ tục tạo ví. Nói nôm na là họ phải mua một cái ví đựng tiền. Nhưng ví phải có tiền mới tiêu được, nên họ phải làm thủ tục chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng hoặc ATM vào ví để tiêu. Ví này lại chỉ tiêu được ở một số website Thương mại điện tử có chấp nhận ví ấy nên nhiều khi một người phải có… vài cái ví… Việc liên thông giữa các ngân hàng, các “ví” với nhau cũng là một điều kiện cần có để ví điện tử có thể phát triển ở Việt Nam.

Hiện nay, để thu hút người dùng, các nhà cung cấp đã phải đưa ra rất nhiều chiêu thức khuyến mãi như: miễn phí cho doanh nghiệp bán hàng chấp nhận ví, miễn phí đăng kí ví, tặng tiền vào tài khoản cho khách hàng đăng kí ví… Nhưng kết quả đạt được vẫn còn khá khiêm tốn.

Mặc dù vậy, trong bối cảnh Việt Nam gia nhập tổ chức WTO, mọi giao dịch kinh tế, thương mại đều mang tính chất toàn cầu phi tiền mặt thì việc triển khai “ví điện tử” một cách toàn diện là điều chắc chắn phải làm. Nghị định 291 của Thủ tướng Chính phủ: “Từ nay đến năm 2020 phải phát triển mạnh về thanh toán điện tử, dần đưa người Việt ra khỏi thói quen dùng tiền mặt, tạo điều kiện thuận lợi cho loại hình dịch vụ mới, hiện đại và tiện lợi như ví điện tử phát triển” đã cho thấy tầm quan trọng của vấn đề này.

Và bản thân những nhà cung cấp biết nhìn xa trông rộng cũng tỏ ra lạc quan hơn bao giờ hết. “Cách đây 5 năm, nhiều người không dám tin vào tương lai của Công nghệ thông tin Việt Nam. Nhưng hãy so sánh CNTT Việt Nam ngày ấy với bây giờ sẽ thấy không có lý do gì để chúng ta không đặt niềm tin vào sự phát triển của “ví điện tử” trong tương lai gần. Không lâu nữa hình ảnh các bà nội trợ tay cầm một nắm tiền mặt đi chợ sẽ trở thành… quá khứ”, ông Nguyễn Thanh Hưng khẳng định.

Và để lời khẳng định này thành sự thật sẽ cần rất nhiều cơ chế, chính sách, hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam. Nhưng quan trọng nhất vẫn là… sự ủng hộ của người tiêu dùng.

 Khánh Toàn - Ảnh: HTS

Bình luận
vtcnews.vn