VFF lạnh nhạt khiến Lee Nguyễn lỡ thời cơ thi đấu cho tuyển Việt Nam

Thể thaoThứ Sáu, 02/10/2015 12:00:00 +07:00

Lee Nguyen khoac ao Viet Nam:VFF bỏ lỡ thời cơ "chiêu mộ" Lee Nguyễn vào đội tuyển Việt Nam khi tiền đạo nổi tiếng này ngỏ ý muốn cống hiến cho đội bóng quê cha

VFF bỏ lỡ thời cơ "chiêu mộ" Lee Nguyễn vào đội tuyển Việt Nam khi tiền đạo nổi tiếng này ngỏ ý muốn cống hiến cho đội bóng quê cha.

Lee Nguyễn thừa nhận, anh trở lại Việt Nam thi đấu theo "tiếng gọi từ đồng tiền" của bầu Đức. Dĩ nhiên, anh xác định, sau khi về Việt Nam khoác áo HAGL rồi sau đó là Becamex Bình Dương, cánh cửa quay lại đội tuyển Mỹ lúc đó vẫn do HLV Bob Bradley dẫn dắt đã đóng sập.

Rất trùng hợp, đây là giai đoạn mở cửa hiếm hoi ở đội tuyển Việt Nam. HLV Henrique Calisto cho gọi các cầu thủ ngoại nhập tịch như thủ môn Phan Văn Santos (Brazil), Đinh Hoàng Max (Nigeria) và Huỳnh Kelsey Alves (Brazil) lên tuyển và Lee Nguyễn hiển nhiên là sự lựa chọn không tồi.
Lee Nguyễn
HAGL chiêu mộ Lee Nguyễn là bản hợp đồng đình đám năm 2009
Cuối năm 2010, cha con Lee Nguyễn tiến hành thủ tịch nhập quốc tịch Việt Nam. Công việc kéo dài khá lâu với hai lần đi - về giữa Mỹ và Việt Nam mới hoàn thành vào khoảng tháng 5/2011. Ý nghĩ về việc Lee Nguyễn thi đấu cho tuyển Việt Nam manh nha trong thời gian này. Bởi vậy, khi về Mỹ, ông Phẩm (bố Lee Nguyễn) có nhờ tìm luật sư để tham vấn xem Lee Nguyễn còn đủ điều kiện thi đấu cho tuyển Việt Nam hay không.

Kết quả rất bất ngờ, khi FIFA mở rộng các điều kiện từ năm 2009 cho các tuyển thủ muốn chuyển đổi đội tuyển quốc gia thì Lee Nguyễn rơi vào đúng trường hợp rất đặc biệt và vô cùng có lợi cho việc thi đấu cho đội tuyển Việt Nam.

 
Không thấy ai ở VFF đả động, hay gọi hỏi chúng tôi câu nào cả
Bố Lee Nguyễn
 
Để xác định một cầu thủ đã thi đấu cho đội tuyển nước A sau muốn chuyển sang thi đấu cho đội tuyển nước B, bên cạnh việc có quốc tịch của quốc gia B, thì phải xem xét cầu thủ đó đã thi đấu cho đội tuyển nước A ở cấp độ nào.


Lee Nguyễn sinh ngày 7/10/1986 tại Dallas, Texas (Mỹ), được đào tạo tại Học viện bóng đá Dallas Texans. Ở cấp độ tuyển trẻ, trong năm 2005 anh cùng U18 Mỹ dự giải trẻ Copa Chivas, cùng U20 Mỹ thi đấu tại vòng chung kết U20 thế giới rồi vô địch giải U20 Milk Cup và tháng 5/2008 cùng U23 Mỹ dự giải quốc tế Toulon.

Ở cấp độ đội tuyển quốc gia tháng 6/2007 anh được gọi vào tuyển Mỹ đá giao hữu với Trung Quốc (vào sân từ hiệp hai), tháng 7/2007 dự Copa America và vào sân thay người ở hiệp hai trong hai trận gặp Paraquay và Colombia.

Như vậy, Lee Nguyễn đã thi đấu ba trận cho tuyển Mỹ khi chưa đầy 21 tuổi và đều dự bị. Các trận đấu anh tham dự đều không phải giải do FIFA tổ chức. Trước năm 2009 FIFA quy định một cầu thủ dưới 21 tuổi chỉ cần khoác áo tuyển Olympic hay đội tuyển quốc gia, dù chỉ một lần ở bất kỳ cấp độ nào, đều không được chuyển sang thi đấu cho đội tuyển quốc gia khác. Nhưng đầu năm 2009, tổ chức này đã điều chỉnh về luật, nới rộng thêm các điều kiện:
Lee Nguyễn về chơi bóng ở MLS
 Lee Nguyễn chơi bóng ở MLS
Đầu tiên, cầu thủ đó không thi đấu chính thức cho đội tuyển quốc gia ở các giải đấu cấp độ cao của FIFA (gồm: World Cup, EURO, vòng loại World Cup và vòng loại Euro). Thứ hai, có thể áp dụng cho cả cầu thủ trên 21 tuổi (quy định cũ chỉ dành cho lứa U21). Thứ ba, căn cứ vào vai trò và thời gian ra sân của cầu thủ đó trong màu áo đội tuyển quốc gia, nguyện vọng và mức độ giải quyết giữa hai Liên đoàn liên quan đến cầu thủ đó, thời gian cầu thủ đó đã không khoác áo đội tuyển quốc gia đầu tiên bao lâu…

Trường hợp của Lee Nguyễn đã thi đấu ở Copa America 2007 là giải đấu cấp độ cao nhưng không phải do FIFA tổ chức. Lee Nguyễn chỉ dự bị ở thời điểm dưới 21 tuổi (20 tuổi 9 tháng) và tính đến năm 2011 đã có năm năm không đá cho tuyển quốc gia Mỹ.


 
Có thể Lee Nguyễn không đủ điều kiện đá cho tuyển Việt Nam thật nhưng chỉ cần họ (VFF) gọi và nói một câu rõ ràng thì cha con tôi sẽ cảm giác được an ủi phần nào
Cha Lee Nguyễn
 
Đối chiếu với các điều kiện, việc Lee Nguyễn thi đấu cho tuyển Việt Nam là hoàn toàn khả thi. Theo quy trình, anh sẽ gửi đơn lên Liên đoàn bóng đá Mỹ và FIFA đề nghị nguyện vọng thi đấu cho tuyển Việt Nam, sau đó VFF gửi đơn lên FIFA đề xuất mong muốn gọi Lee Nguyễn vào tuyển Việt Nam.


Sau khi nắm đầy đủ các thông tin do luật sư ở Mỹ tư vấn, ông Nguyễn Văn Phẩm mừng rỡ quay lại Việt Nam. Ông thông qua một số kênh truyền thông để thông báo và mong nhận được phản hồi từ VFF, nhưng chờ mãi không thấy gì.

Phản hồi duy nhất mà ông Phẩm nhận được chỉ là một bài viết ngắn chừng 200 chữ trên một tờ báo của VFF, trong đó có dẫn trích lời của vị Tổng thư ký thời điểm đó rằng Lee Nguyễn không đủ điều kiện đá cho tuyển Việt Nam. Tất cả chỉ có vậy.


Ông Phẩm nói: "Tôi nghĩ rất đơn giản vì thấy ở Mỹ, Liên đoàn nước này cũng tìm kiếm cầu thủ giỏi ở khắp nơi nếu có gốc gác Mỹ, mời về thi đấu cho đội tuyển quốc gia. Ở Nhật Bản hay Thái Lan, họ cũng làm vậy. Khi nhập tịch xong, tôi nhờ người đánh tiếng giùm chuyện của Lee. Tuy nhiên, không thấy ai ở VFF đả động, hay gọi hỏi chúng tôi câu nào cả".
Lee Nguyễn
 Lee Nguyễn và Leandro trong màu áo B.Bình Dương
Ở đội Dallas Texans, có cầu thủ lai gốc Thái Lan là Anthony Amtaipitakwong (sinh năm 1988) cũng từng đá cho tuyển U17 Mỹ, chỉ mới được dự bị tại San Jose Earthquakes tại MLS mùa 2011 và 2012. Tuy nhiên Liên đoàn bóng đá Thái Lan đã cử người sang để thuyết phục về đá cho Buriam United, rồi khoác áo tuyển Thái Lan.

Sự lạnh lẽo của VFF khiến mong muốn Lee Nguyễn thi đấu cho tuyển Việt Nam vừa nhen nhóm đã tắt ngấm. Sau đó, cha con Lee Nguyễn không còn luyến tiếc gì nữa, khi giã từ Việt Nam về lại Mỹ cuối năm 2011. Lee Nguyễn điều trị chấn thương và tìm thấy cơ hội ở MLS, còn ông Phẩm quay lại công việc của một kỹ sư điện toán.

"Có thể Lee Nguyễn không đủ điều kiện đá cho tuyển Việt Nam thật nhưng chỉ cần họ (VFF) gọi và nói một câu rõ ràng thì cha con tôi sẽ cảm giác được an ủi phần nào", ông Phẩm chia sẻ khi kết thúc câu chuyện.

Nguồn: VNE
Bình luận
vtcnews.vn