Venice - Thành phố tình nhân

Tổng hợpThứ Sáu, 16/11/2012 08:01:00 +07:00

Nhìn từ bản đồ vệ tinh, phần chính của Venice có hình thù như một con cá đủ đầu, đuôi, vây, rất sinh động...

Tôi sẽ không viết về lịch sử, các địa điểm nổi tiếng của Venice. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy những thông tin như vậy trên các trang web du lịch. Tôi sẽ viết những cảm nhận của tôi về một nơi tôi đến, tôi cảm, và tôi yêu…

Venice (tiếng Ý là Venezia, tiếng Pháp là Venise) - thành phố xinh đẹp được xây dựng trên 127 (theo Wikipedia là 118) hòn đảo lớn nhỏ trong Vịnh Venezia (Laguna Veneta), biển Adriatic, nằm ở phía Bắc nước Ý. Venice được mệnh danh là Thành phố của những cây cầu, Thành phố ánh sáng, Thành phố nước, Nữ hoàng của biển Adriatic, được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Trên khắp địa cầu, chỉ có một nơi như thế, ừ, chỉ có một Venice mà thôi.


 
Chúng tôi rời Paris lúc 8h20 tối, và đến Venice lúc 9h30 sáng hôm sau. Tàu chạy không nhanh như chúng tôi mong chờ trước khi mua vé. Cả hai vợ chồng đều hy vọng đi chặng xa như vậy chúng tôi sẽ đi bằng TGV của Pháp, nhưng kết quả là đi tàu của đường sắt Ý. Còn tiếc một điều là trong hành trình của mình, tàu dừng ở Verona (thành phố của câu chuyện tình nổi tiếng Romeo và Juliette) và Milano (chồng tôi là cổ động viên cuồng nhiệt của AC Milan), mà chúng tôi không thể xuống được. Đành tự an ủi nhau là lần sau sẽ đi bù vậy. Dù sao, những gì chúng tôi cảm nhận được từ Venice đã là quá đủ cho một chuyến đi.

Nhìn từ bản đồ vệ tinh, phần chính của Venice có hình thù như một con cá đủ đầu, đuôi, vây, rất sinh động (bạn download Google Earth và gõ Venice vào Search thì sẽ thấy rất rõ). Chúng tôi đã có cơ hội đi gần hết cả thân con cá, chỉ trừ phần đuôi của nó là khu vực cấm của hải quân nên dân thường và khách du lịch không được vào. Ngoài ra, chúng tôi cũng ra đến được mặt hướng biển của đảo Lido, và lang thang trên đảo Murano vài tiếng buổi chiều. Venice nhỏ xinh, chỉ cần 2 ngày là đi hết, nhưng để cảm nhận có lẽ phải gấp nhiều nhiều lần như thế.

Nắng vàng ươm khi chúng tôi đặt chân lên đất Ý. Nắng Địa Trung Hải đẹp và ấm áp, tôi vẫn thường nghe kể nhưvậy, nhưng nếu có cơ hội so sánh nhiệt độ trong bóng râm và nhiệt độ trong nắng ở đây, mới thấy nắng ở châu Âu quý giá đến thế nào. Tôi không chịu được lạnh, cứ thấy nắng là nhoài người ra, cho nên sau 1 tháng ở châu Âu tôi còn đen hơn chính bản thân mình sau một mùa hè ở Việt Nam.

 
Khách sạn ở Venice đắt khủng khiếp, không chỉ vì đây là thành phố du lịch nổi tiếng thế giới, mà còn vì mọi thứ đồ sinh hoạt tiêu dùng ở đây đều phải chở bằng xuồng máy từ đất liền ra. Venice chỉ sống bằng du lịch và các sản phẩm thủ công phục vụ du lịch. Chúng tôi may mắn tìm được một khách sạn với mức giá “trời ơi” nếu tính ra tiền Việt Nam, nhưng thực sự là giá tốt trong mùa du lịch ở thành phố này: 220EUR cho 2 đêm. Nếu các bạn có dịp đến Venice trong tương lai, có thể thử tham khảo Hotel Ai Tolentini tại địa chỉ Calle Amai, Santa Croce 197/G 30135 Venice, Italy (website: http://www.albergoaitolentini.it/en/index.htm ).

Ai Tolentini rất ấm cúng, sạch sẽ, tiện nghi tối thiểu đầy đủ, và nhất là vị trí tuyệt vời, chỉ cách ga Venice 5 phút đi bộ. Nếu lần đầu đến Venice, và không muốn lạc đường trong mạng ngõ ngách bé tí chằng chịt ở đây với một đống valise túi xách cứ giật cà tưng trên những con đường lát đá, thì vị trí khách sạn là yếu tố bạn nên tính đến đầu tiên khi lên kế hoạch ở lại. Vào mùa vắng khách (off-season), giá phòng khách sạn có thể rẻ hơn một nửa. Bạn có thể đến vào tầm tháng 10-11 để ngắm nước ngập trên quảng trường San Marco (Campo San Marco), nước tràn vào sàn các ngôi nhà, cửa hàng, quán ăn, nhà thờ. Ấy là Venice mùa nước nổi.

Cái làm Venice nổi tiếng là những con kênh ngang dọc chi chít trong thành phố. Như đã nói, thành phố được xây dựng trên rất nhiều hòn đảo nhỏ, nối với nhau bằng hơn 400 cây cầu. Vì thế, ở nơi đây không có một phương tiện giao thông nào có bánh xe được sử dụng, chỉ có xuồng máy, đò, thuyền Gondola, vaporetto (tàu khách chạy theo tuyến, đỗ tại các trạm dọc Grand Canal ngăn đôi đảo chính Venice, giống như bus), và xe “căng hải”. Nếu dư dả thời gian, bạn có thể cầm bản đồ, lang thang khắp các hang cùng ngõ hẻm của đảo, cái hệ thống giống như ma trận và chẳng tuân theo một quy luật nào cả, để khi mỏi chân dòm lại bản đồ thì mới phát hiện bạn đã hoàn toàn đi nhầm hướng mà lúc đầu dự định đi.


 
Chính ra tôi yêu Venice nhất ở những ngõ hẻm nhỏ xinh lắm khi ngoằn ngoèo ngút ngát không biết dẫn về đâu. Những ngõ hẻm Venice luôn chứa đựng những điều bất ngờ không báo trước, cuối đường có thể là ngõ cụt và bạn phải lần mò ngược trở lại cái mạng nhện để lần ra điểm gần nhất bạn biết, nhưng cũng có lúc khi bạn chán nản và muốn buông xuôi, thì con đường mở ra trước mắt bạn một cảnh tượng mê hồn. Trong mỗi con hẻm, bạn đều có khả năng bắt gặp những cánh cửa sổ mở rộng và một người phụ nữ Ý với nụ cười đôn hậu ngó ra nhìn xuống dòng người lững thững trôi qua, hoặc bạn sẽ đi dưới hàng tá quần áo phơi trên dây chăng ngang giữa những ngôi nhà hai bên đường, hoặc sẽ bắt gặp những chiếc chong chóng xinh xinh đầy màu sắc trên cao, bên cạnh những chậu hoarực rỡ của mùa hè, duyên dáng trong nắng vàng ngay bậu cửa sổ…

Bạn sẽ cảm thấy Venice rất thích hợp với chữ “vừa đủ”, mỗi khi cảm thấy bước đi giữa những ngõ hẻm là nhàm chán, thì đã lại thấy trước mặt mình hiện ra một Campo hoặc Campielli – nghĩa là quảng trường, là tên gọi những khoảng không mở, xung quanh có các quán ăn, cửa hàng, nhà thờ. Ở Venice có rất rất nhiều Campo, mặc dù khoảng không duy nhất có thể được gọi là quảng trường ở đây là Piazza San Marco, nơi có Basilica di San Marco – một trong những nhà thờ đẹp nhất nước Ý.

Tôi đặc biệt yêu thích một số nhà thờ ở Venice. Tuy không theo đạo, nhưng tôi thích đi xem nhà thờ. Cùng là mái vòm, tượng đá, bệ thờ, các bức bích họa, nhưng nhà thờ ở Bỉ thì hoành tráng mà đơn giản, ở Pháp tráng lệ và nguy nga hơn, còn nhà thờ ở Ý thì diêm dúa và tỉa tót nhiều. Trong nhà thờ Ý, các chi tiết thường được thếp vàng, tỷ lệ cửa sổ kính để trắng, không vẽ là khá nhiều, ánh sáng trời tràn vào khiến khung cảnh ấm áp và đầy sinh khí  (về điểm này tôi không thích nhà thờ ở Pháp vì thường tối thui). Đi nhà thờ nhiều và chụp ảnh không ít, tôi rút ra kinh nghiệm là sẽ không bao giờ chụp ảnh bên trong các tòa nhà này.

 
Vì ánh sáng nơi đây không đủ, nét ảnh rất nhòe nhoẹt, cho dù hình ảnh có lên rõ thì cũng không thể hiện được hết sự vĩ đại của kiến trúc. Tôi thà không lưu lại các hình ảnh trên máy ảnh, mà dành thời gian thu lại hết những thứ nhìn thấy vào trí óc, để cảm nhận và cảm thấy mình thực sự sống trong những không gian đặc biệt ấy. Nhà thờ tôi thích nhất ở Venice là Basilica Dei Santi Giovanni e Paolo (dịch sang tiếng Anh là Church of Saint John and Paul), được xây trong vòng 2 thế kỷ từ năm 1234 theo kiến trúc Gothic.

Nếu chỉ được phép dùng 1 từ để nói về nhà thờ này, tôi sẽ dùng từ “nghẹt thở”. Tối ngày đầu tiên, tôi ngồi phệt xuống sân quảng trường để chiêm ngưỡng nhà thờ từ bên ngoài. Còn sang ngày cuối cùng ở Venice, tôi đã thực sự nghẹt thở và cảm thấy thời gian như đọng lại khi đứng thừ người và ngắm nhìn những tuyệt tác về điêu khắc và kiến trúc bên trong. Có một điều đặc biệt thú vị ở các nhà thờ Ý, đó là tính không đối xứng. Ở các nhà thờ Pháp, đứng ở một khu vực nào đó, bạn có thể đoán gần như chính xác phía bên kia so với bàn thờ, hay phía bên kia trên trần là cái gì, thì ở Ý, bạn sẽ đoán trật nhiều lắm. Tính tôi hay tò mò, và Venice thực sự quyến rũ tôi ở chỗ, mỗi góc chưa qua đều có thể ẩn chứa một bất ngờ.

Đến nước Ý, bạn phải ăn, hoặc chí ít phải thử pizza, spaghetii hoặc lasagne. Tôi là tín đồ của pizza, mặc dù nó béo kinh khủng. Và tôi nghĩ bạn đoán được hậu quả xảy ra sau chuyến đi với tôi là thế nào. Pizza ở Ý ngon vô cùng, nhắc đến còn thèm. Chúng tôi cũng thử một món đặc sản Venice: spaghetii với mực và xốt đen. Ăn món này xong cả vợ lẫn chồng đen xì cả miệng, nhìn cực kỳ gợi cảm, đóng phim ma không cần hóa trang. Bạn cũng cần phải thử artichaud, đặc sản của đảo. Và nhất là đừng quên ăn kem (gelato - cái quán Ý mới mở ở chỗ Thợ Nhuộm tên là Mondo Gelato, nghĩa là Thế giới kem đó). Kem Ý là loại kem ngon nhất trên đời tôi được ăn, và còn rẻ nữa, ít nhất là so với kem ở Pháp. Ba ngày ở Venice, vợ chồng tôi xơi mỗi ngày trung bình 3 cái kem. Cho nên dù đi lại rất nhiều, nhưng tôi chẳng thể gầy được lạng nào, hic hic (cái này là có phần tham gia của McFlurry nữa, hẹ hẹ, chẳng oan tí nào).

Đa phần người Ý không thân thiện như tôi tưởng. Nói thành thực, trong mấy ngày ở Venice người thân thiện duy nhất tôi gặp là Massimo, anh chàng lễ tân của Hotel Ai Tolentini. Anh không đẹp trai lắm, nhưng nhìn nam tính và rất hay cười. Còn thì người bán hàng, nghệ nhân làm mặt nạ, phục vụ bàn… đa phần mặt lạnh lùng vô cảm, nếu không nói có vài người còn cau có đáng ngạc nhiên. Con gái Ý thì đẹp, có thể nói là rất thanh tú, và còn thanh lịch nữa. Người Ý cũng không nói ngoại ngữ nhiều. Chúng tôi đã khá vất vả trong các quán ăn khi muốn yêu cầu đồ ăn tuyệt đối không có hành (chồng tôi không ăn hành). Phục vụ bàn, kể cả trong các khách sạn lớnchỉ nói được vài câu tiếng Anh hoặc tiếng Pháp cơ bản, nhiều người chỉ nói được tiếng Ý. Đôi khi tôi mỉm cười mà nghĩ, Tom Hanks đóng “Không ngủ ở Seattle”, Nguyễn Huy Thiệp viết “Không khóc ở California”, còn tôi có thể sẽ có “Không hành ở Venice”. “Oai - nót”?

 

Nước Ý có một điểm đáng yêu nổi bật so với nước Pháp là đồ thời trang rất rẻ, có lẽ chỉ bằng 1/2, 1/3 giá cả ở Pháp. Tôi không phải người duy nhất nhận xét như vậy. Một cái áo khoác dạ giá 39EUR ở Venice sẽ có giá không dưới 120 - 150 EUR tại Paris tuỳ mác. Một cái áo da thật dáng cực đẹp dài đến đầu gối giá chỉ 59EUR, thậm chí còn rẻ hơn ở Việt Nam. Túi da thật sản xuất tại Ý từ 50-70EUR là được đồ đẹp ngất ngây, có nhãn hiệu nghiêm chỉnh hẳn hoi, trong khi ở Pháp thì không có giá ấy đâu. Chưa bao giờ tôi ước mình có nhiều tiền như khi ở đây. Thói thường phụ nữ ham mê shopping là điều dễ hiểu. Thích mà không có tiền mua, cái nỗi “sở cầu bất đắc” ấy là khổ nhất trong tám cái khổ vậy.

Có một điều ít người biết, rằng giá sinh hoạt ở Venice đắt đỏ, nhưng đó là giá dân du lịch phải trả. Dân địa phương ở đây lại trả một giá khác. Còn làm thế nào để có thể chỉ phải trả giá dân địa phương ở đây, chắc còn lâu lắm tôi mới có thể trả lời được.

Với bản thân tôi, Venice là một giấc mơ đã trở thành hiện thực. Tôi biết về Venice từ sách báo phim ảnh, tôi luôn nghĩ về Venice đúng nghĩa một giấc mơ. Nhưng để yêu thì cần phải đến và cảm nhận. Thành phố giống cô gái ngàn năm tuổi mà vẫn trẻ trung, nồng nàn, thật dịu dàng mà kiêu kỳ lắm. Chúng tôi đã có một kỳ nghỉ thật đẹp và hạnh phúc.

 
Tôi vẫn nhớ khi nắng chiều dần tắt khoác tay chồng đi về dọc bờ kênh, hai bên bờ đã thắp sáng những chiếc lồng đèn kiểu cổ, nhớ khi sương đêm lạnh buông ngồi tựa vào nhau trên một góc quảng trường San Marco và lắp chân máy ảnh chụp toà nhà Procuratie lung linh ánh đèn, nhớ khi sưởi nắng trên bờ kênh trước Basilica Dei Santi Giovanni e Paolo, nơi anh đã ngã vì rêu trơn khi chụp ảnh cho tôi, nhớ lúc lang thang tìm nhau trong Cá D’Oro, nhớ khi cùng nhau mò mẫm lạc đường trên đảo Murano giữa những sân nhà vắng người và trời thì bắt đầu lạnh cóng...

Tôi yêu chồng tôi vì rất nhiều điều, một trong số đó là chúng tôi có rất nhiều điểm chung. Venice là điểm đến đầu tiên cả hai vợ chồng cùng lựa chọn. Và không gì tuyệt vời hơn được chia sẻ ước mơ thành sự thật với người mình yêu. Mơ màng, lãng mạn, ngọt ngào, say đắm... với rất nhiều cảm xúc như thế, tôi xin được gọi Venice là Thành phố tình nhân.

SAU ĐÂY LÀ MỘT SỐ GỢI Ý CHÚNG TÔI RÚT RA KHI ĐẾN VENICE:

- Vaporetto - dịch nôm na là “tàu bus”: dù bạn ở lại bao lâu, bạn cũng phải sử dụng vaporetto ít nhất là 1-2 lần. Giá vé một lượt rất đắt (6 EUR), nên tuỳ thời gian lưu lại, bạn không nên mua vé theo lượt, và mua theo giờ thì sẽ kinh tế hơn. Chúng tôi ở đây 3 ngày 2 đêm, và bắt đầu mua vé vaporetto trong 12h từ 8h sáng ngày thứ 2 (giá 15EUR nếu tôi nhớ không nhầm). Hãy sắp xếp hành trình của mình để tận dụng tối đa vé vaporetto của bạn: đi lại giữa các đảo, đi dọc Grand Canal. Hãy tận hưởng khung cảnh độc nhất vô nhị trước mắt bạn khi ngồi trên vaporetto, cả ban đêm và ban ngày.

- Traghetto: Đây là loại đò đi lại giữa 2 bờ Grand Canal. Dọc Grand Canal chỉ có 3 chiếc cầu. Để đi đến Piazza San Marco từ nhà ga Santa Lucia Venezia, bạn bắt buộc phải qua 1 trong 3 chiếc cầu này. Nếu có khi nào đó mỏi chân lên xuống giữa những nhịp cầu bắc qua kênh nhỏ mà lại muốn nhanh chóng sang bờ bên kia của kênh lớn, hãy dùng Traghetto, giá một lần qua đò là 0.5EUR.

- Đừng vội hoảng sợ khi nhìn mạng lưới ngõ ngách chằng chịt của Venice, kể cả khi không có bản đồ trong tay, bạn vẫn dễ dàng tìm được 1 số điểm chính của thành phố bằng cách đi theo những mũi tên chỉ dẫn vẽ trên tường các Calle (ngõ), ví dụ: Per Ponto Rialto nghĩa là đi theo hướng mũi tên chỉ bạn sẽ đến được cầu Rialto. Đến trưa ngày thứ 2, vợ chồng tôi đã đi lại khá dễ dàng giữa những con phố nhỏ. Nhưng trước khi tập cho thành thạo, bạn hãy thử ném mình vào cuộc mày mò khám phá và tự để bản thân lạc đường trong những ngóc ngách dễ thương này. Có nhiều thứ đáng để bạn ồ lên trên mỗi bước đi.

- Các quán ăn ở San Marco, Santa Croce, Dorsoduro thường rất đắt vì nhiều khách du lịch. Nếu được, nên sắp xếp lịch trình để các bữa ăn của bạn có thể diễn ra ở các khu xa khu trung tâm du lịch, tức là các khu dân cư, ví dụ như phía Bắc của khu Canaregio, hoặc phía Đông Castello. Giá cả rẻ hơn, vắng vẻ ít người hơn và khung cảnh do đó thực sự rất trữ tình. Nếu có thói quen ăn sáng, tôi khuyên bạn hãy dậy sớm và ra khỏi khách sạn vào lúc 7h. Khi đó người dân Venice ra khỏi nhà đi làm, một số ăn sáng/uống café đứng trong những quán bánh ngọt. Bánh mới, nóng, và trong một buổi sáng sớm còn ướt hơi sương se lạnh, vừa nhảy lò cò để giữ ấm người, vừa hớp một ngụm café thơm lừng, thấy cuộc sống thật là tươi mới và đáng yêu biết chừng nào.

- Venice nổi tiếng với các sản phẩm thủ công bằng thuỷ tinh và mặt nạ (bạn có thể đọc thêm về lễ hội Carnival). Cửa hàng lưu niệm thì có nhiều, nhưng hãy tìm những cửa hiệu của nghệ nhân hoặc nhãn hiệu lâu đời, các sản phẩm có thể đắt hơn, nhưng độ tinh xảo của mỗi sản phẩm tự khẳng định đẳng cấp của nó.


Việt Lan
Bình luận
vtcnews.vn