Về quê "cõng" hàng ra phố chống bão giá

Kinh tếThứ Tư, 06/04/2011 08:29:00 +07:00

(VTC News) - Nhiều gia đình chọn giải pháp mua hàng thực phẩm tại các vùng quê ven Hà Nội để tích trữ ăn dần do giảm được 1 phần chi phí đáng kể.

(VTC News) - Thực phẩm tại Hà Nội tiếp tục thiết lập một mặt bằng giá mới sau khi giá xăng chính thức được điều chỉnh tăng lên 21.300đ/lít. Không chỉ các bà vợ thở dài sau mỗi lần đi chợ  mà các ông chồng đã “vào cuộc” giúp vợ bằng cách: Về thăm quê và mua thực phẩm từ quê ra phố như một giải pháp tạm thời trong hoàn cảnh hiện nay.

Tất nhiên, chiêu này chỉ thực hiện được với những gia đình có quê ven Hà Nội, không xa quá 100km như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Vĩnh Phúc...

Khu tập thể nhà anh Hoàng chiều 31/3 nhộn nhịp hơn bởi những gia đình vừa về từ quê ra. Chiếc xe máy trở thành phương tiện hữu dụng khi vừa chở người vừa vận chuyển được nào gạo, rau và thịt cá các loại. Chị Thi, vợ anh Hoàng, vừa chuyển đồ vào nhà vừa nói: “Hôm nay, tôi phải nhờ chồng về quê mang hàng quê ra phố, đảm bảo ngon – bổ - rẻ. Một công đôi việc, vừa về thăm ông bà, vừa mua thực phẩm ở quê rẻ hơn nhiều lắm”.

Theo chị Thi phân tích, những mặt hàng thiết yếu có thể để lâu dài được như gạo, lạc thì thường mang vài chục kg một lần. Rau xanh sẽ được sơ chế, rửa sạch, để ráo nước và cho vào tủ lạnh cũng dùng được cả tuần. Thịt, cá thì để vào ngăn làm đá và dùng dần cũng có thời gian sử dụng được lâu. Thỉnh thoảng, nếu gia đình muốn đổi bữa chỉ cần mua ít đậu phụ hoặc trứng là ổn.

Về các vùng quê mua thực phẩm mang ra thành phố dùng dần đang là giải pháp của nhiều hộ gia đình công nhân trọ tại Hà Nội. (Ảnh minh họa) 

Các gia đình trẻ, chủ yếu làm công nhân trong các khu công nghiệp đều rơi vào tình trạng “thiếu trước hụt sau” trong tình hình kinh tế hiện nay. Mai, công nhân một Nhà máy sản xuất linh kiện của Nhật Bản thở dài: “Cả tháng đã khốn khổ vì ảnh hưởng sóng thần từ Nhật tác động tới công ty ở Việt Nam, giờ lại thêm tăng giá xăng mới, thực phẩm leo thang, chẳng biết sống cách nào?”. Chị cũng cho biết, trong khu nhà trọ của chị có tới 5 hộ gia đình trẻ và có con nhỏ. Với tổng thu nhập 5,5 triệu đồng/tháng, vợ chồng chị được coi là hộ có thu nhập ổn định nhất trong xóm trọ. Nhưng xem ra khoản lương đó chẳng thấm tháp vào đâu vì cả trăm thứ phải chi từ số tiền lương ít ỏi của 2 vợ chồng. Trẻ con gửi đến trường phải là trường tư thục vì họ không có hộ khẩu ở thành phố, mức học phí cao gấp đôi trường công, tiền thuê nhà, tiền xăng xe đi làm, điện, nước ở trọ cũng cao gấp ba. Tính hết các khoản, vợ chồng Mai cũng chỉ dành ra được 1,5 – 1,7 triệu đồng tiền ăn hàng tháng. Hai quê nội ngoại đều ở Hưng Yên, cách Hà Nội 50 km, vì vậy, cứ 2 tuần chồng chị Mai lại chịu trách nhiệm về quê một lần. Chị Mai gọi điện trước, nhờ mẹ mua giúp rau, thịt, cá, còn gạo thì bố mẹ hai bên hỗ trợ, mỗi lần 20 kg. Theo chị, giá thực phẩm ở quê rẻ hơn thành phố đến 40%, lại đảm bảo sạch và an toàn.

Tại một số chợ tạm các khu dân cư như Nam Đồng, Thủy lợi, Vân Hồ thuộc quận Đống Đa, Hà Nội giá thực phẩm đã thiết lập một mặt bằng giá mới. Theo khảo sát của PV VTC News, giá rau xanh như xu hào, bắp cải, rau ngót… đều tăng từ 1.500 – 3.000đồng/kg. Thịt lợn ba chỉ từ 8.000đồng/lạng đã tăng lên 9.000đồng, thịt lợn thăn từ 11.000đồng/lạng tăng lên 12.000đồng/lạng, thịt bò thăn từ 18.000đồng/lạng tăng lên 19.500đồng/lạng…

Trong khi đó, theo anh Hùng, nhân viên bảo vệ một nhà hàng tại quận Cầu Giấy thì ở vùng quê Bắc Giang của anh, giá các loại thịt chỉ dao động từ 7.000 – 8.500 đồng/lạng là cao nhất. Anh Hùng nói: “Về quê, đi lại hơi vất vả nhưng chợ quê thấy cái gì cũng rẻ hơn thành phố nhiều lắm mà cũng tươi ngon. Mỗi lần về quê mất 60.000 đổ xăng xe nhưng thực phẩm mua rẻ lại ăn được 2 tuần nên tính ra vẫn còn kinh tế hơn nhiều”.

Bác Chung, một cán bộ hưu trí nhớ lại: “Nhìn bọn trẻ trong khu nhà trọ cứ chiều thứ Bẩy lại kéo nhau về quê mua đồ ăn ra thành phố để dùng dần tôi lại nhớ thời chúng tôi mấy chục năm về trước. Đi làm công nhân mà không đủ sống, thậm chí còn chật vật hơn ở quê vì từ cái tăm cũng mất tiền mua. Ở quê, dù sao cũng còn có ruộng, vườn, vẫn còn nuôi được con cá, trồng được cái rau mà ăn”.

Anh Hùng góp thêm chuyện: “Vậy ra về quê trong thời bão giá này vẫn sướng hơn bác nhỉ? Chắc cháu phải nghĩ đến chuyện hai vợ chồng về quê làm quá bác ạ!”

Hoài Nam

Bình luận
vtcnews.vn