Về làng càng giàu, càng nhiều người chết ở Hải Phòng

Thời sựThứ Năm, 23/10/2014 06:32:00 +07:00

Nhà cao tầng mọc lên san sát nhờ vào đá núi nhưng cũng vì đá núi mà số người thiệt mạng ngày càng nhiều.

Nhà cao tầng mọc lên san sát nhờ vào đá núi nhưng cũng vì đá núi mà số người thiệt mạng ngày càng nhiều.

Hai xã Lại Xuân và An Sơn (huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) nhà cao tầng mọc lên ngày càng nhiều, phố xá san sát. Tất cả là nhờ vào đá núi. Nhưng theo thống kê chưa đầy đủ của chính quyền địa phương nơi đây, hàng chục người thiệt mạng cũng vì đá núi.

Tan xác vì nổ mìn đánh đá


Hàng trăm năm nay, người dân hai xã Lại Xuân và An Sơn (huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) sống nhờ vào những mỏ đá. Ông Chu Văn Hinh, Phó Chủ tịch UBND xã Lại Xuân cho biết, nghề khai thác đá của người dân có từ lâu đời.

Bao nhiêu năm nay, không chỉ người dân địa phương mà nhiều người nơi khác sống nhờ vào việc khai thác đá. Do diện tích đất nông nghiệp ít, không có nghề phụ gì khác nên dù họ biết làm đá khó nhọc, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng. Nhưng họ vẫn phải bám trụ với nghề.

Nhiều mỏ đá ở xã Lại Xuân vẫn hoạt động.  
Chuyện những người lao động nổ mìn, vác đá bị đá chôn vùi vẫn còn nhiều ám ảnh đối với người dân nơi đây. Anh Nguyễn Văn Tình, một phu đá làm việc tại bãi đá thuộc thôn Pháp Cổ (xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên) kể: Những năm trước hầu như ngày nào nơi đây cũng có người bị tai nạn, vì khai thác đá. Anh Tình và các phu đá còn khiếp sợ khi nhớ lại vụ nổ mìn khiến 10 người thương vong.

"Hôm đó vào cuối buổi sáng ngày 21/5/2012, 10 công nhân ở khu vực Trại Sơn B (làng Pháp Cổ) miệt mài khoan đá, nhồi thuốc mìn vào các hốc đá hẹn giờ nổ mìn. Công việc tiến hành giữa trời nắng chang chang, bỗng trời nổi cơn giông tố. Sấm chớp ầm ầm, họ chưa chạy xuống núi thì tiếng mìn chát chúa nổ ầm ầm, hàng tấn đá núi đổ sập xuống. 10 công nhân bị vùi lấp trong đất đá. Chúng tôi đưa họ đi bệnh viện cấp cứu ngay sau đó, nhưng cứu được 4 người còn 6 người chết do bị thương nặng", anh Tình kể.

Mới đây, ngày 2/8/2014 một vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra tại bãi khai thác đá trên địa bàn xã An Sơn. Bà Vũ Thị Hoa, thôn Lò Vôi, xã An Sơn nhớ lại: Từ chiều tối ngày 1/8 người dân đã nghe thấy tiếng nổ mìn từ bãi khai thác đá do Công ty Xi măng Phúc Sơn khai thác. Ban đầu người dân cũng không biết là xảy ra tai nạn, Khi nghe công nhân nói chuyện với nhau mới biết. Họ bảo, do nhóm công nhân nhớ nhầm giờ hẹn nổ mìn, nên khi mìn nổ vẫn ở khu vực đó. Vì thế, đá sạt lở xuống khiến 5 người bị vùi lấp tại chỗ. 

"Không tính được số người thương vong"


Ông Phạm Văn Dậu, Phó Chủ  tịch UBND xã An Sơn xác nhận, hai năm nay, năm nào cũng có người chết do khai thác đá. Cuối năm 2012 một vụ khai thác đá không đúng quy trình khiến 2 người bị chôn vùi dưới đá. Đau đớn nhất là vụ tai nạn đá xảy ra đầu tháng 8 năm nay. "Nhóm công nhân này làm việc cho Công ty Xi măng Phúc Sơn. Vừa nổ mìn, đá chưa rơi hết họ đã đi xuống và bị đá sạt lở đè vào người. 5 nạn nhân đều là những lao động từ địa phương khác đến làm thuê", ông Dậu kể.

Theo ông Dậu, xã An Sơn có hai khu vực khai thác đá (Công ty Xi măng Phúc Sơn và khu vực núi đá Trại Sơn). Nhưng hiện nay chỉ còn khu vực khai thác đá của Công ty Xi măng Phúc Sơn hoạt động, các mỏ đá khác đã cấm khai thác. 
Đá tạo ra nhiều việc làm nhưng cũng lấy đi không ít mạng người

Ông Chu Văn Hinh, Phó Chủ tịch UBND xã Lại Xuân cho hay, trước đây trong xã có rất nhiều cơ sở khai thác đá. Nhưng từ sau vụ việc 10 lao động thương vong do nổ mìn thì các cơ quan chức năng vào cuộc chấn chỉnh việc khai thác. Hiện nay, trên địa bàn của xã chỉ có 3 đơn vị được cấp phép khai thác đá.

Ông Hinh bảo, chính quyền không thể tính được số người bị thương vong khi khai thác đá. Bởi các mỏ đá nằm biệt lập, cán bộ xã không thể kiểm tra suốt ngày đêm. Những lao động làm cho các mỏ đá đa số là người dân nơi khác đến, chủ lao động không báo với chính quyền. Khi xảy ra tai nạn, các cơ quan chức năng vào cuộc mới biết. Thường các vụ việc tai nạn không quá nghiêm trọng chủ mỏ ém nhẹm và tự thỏa thuận với người lao động. 

Góa chồng vì... đá núi

Làng Pháp Cổ, xã Lại Xuân có truyền thống làm nghề đá lâu đời nhất nơi đây. Nghề đá, cho người dân cơm ăn, áo mặc. Nhưng nhiều gia đình con mất cha, vợ mất chồng cũng vì đá. "Từ khi có tên làng là có nghề này. Trước đây trong làng có 5 thôn đều làm nghề khai thác đá.

Mặc dù, nghề này vất vả, nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng người dân nơi đây vẫn phải làm để kiếm sống. Nhiều phụ nữ trong làng chồng mất do tai nạn đá", ông Ngô Văn Thắng, quyền Trưởng làng Pháp Cổ cho biết.


Theo thống kê của chúng tôi, trong làng Pháp Cổ hiện có hàng trăm người vợ sống trong cảnh góa chồng. Cụ Nguyễn Thị Phú, 93 tuổi ở xóm 5 có hoàn cảnh đặc biệt nhất trong làng. Chồng cụ mất cách đây mấy chục năm cũng vì tai nạn đá. Gia đình cụ có 8 người con thì 3 người cũng mất do nổ mìn phá đá. Cụ Phú hiện sống cùng với 3 người con dâu góa chồng. Cụ bảo, biết rằng đời thợ đá là gian nan vất vả, tai nạn có thể ập đến lúc nào. Nhưng đây là nghề cha ông để lại, không làm đá biết làm gì để kiếm sống đây.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, xóm 5 làng Pháp Cổ tập trung nhiều mảnh đời góa chồng nhất. Trước đây, hầu như năm nào cũng có người bị tai nạn đá, nhẹ thì gãy tay gãy chân. Nặng thì đá đè thịt nát, xương tan. Ngay trong vụ tai nạn 7/2012 ở xóm 5 có 3 người thiệt mạng.

Chúng tôi tới thăm gia đình chị Nguyễn Thị Út xóm 5 làng Pháp Cổ - một trong 10 gia đình có người thương vong trong vụ tai nạn đá vào tháng 7/2012. Nhìn chị Út già hơn cái tuổi gần 30 của chị. Chị Út kể: "Hơn 2 năm nay anh Anh (chồng chị Út) mất, đêm nào tôi cũng mơ thấy anh. Tôi còn nhớ rõ như in cái ngày cuối cùng anh đi làm. Hôm đó, gia đình có việc, tôi bảo anh nghỉ một hôm.

Dù đau khổ cái chết của chồng, nhưng chị Út vẫn cố gắng sống để nuôi các con. 

Nhưng anh nói, công việc đang nhiều cố làm nốt buổi sáng, chiều mới nghỉ. Hơn 11h trưa tôi và các con dọn cơm chờ anh về ăn thì mọi người thông báo anh bị tai nạn đá. Trước khi anh mất, vợ chồng tôi sinh 2 người con. Một cháu trong bụng 5 tháng tuổi".


Công việc của anh Anh hằng ngày là khoan đá, đặt mìn phá đá. Đây là công việc vất vả nhất tại các mỏ đá. Nhưng bù lại, chủ trả thù lao cao. Mỗi ngày anh nhận được 500.000 - 700.000đ. Nhiều hôm, chị Út khuyên anh chuyển sang công việc khác làm. Nhưng anh cũng chỉ ừ rồi để đó. Vì nếu không làm đá, biết làm gì để nuôi vợ con. Sau hơn 2 năm kể từ ngày anh Anh mất đi, cuộc sống 3 mẹ con chị Út giờ đã tạm ổn định. Hiện gia đình chị thuộc hộ nghèo, được chính quyền quan tâm trong việc hỗ trợ cuộc sống hằng ngày.

Theo phản ánh của người dân làng Pháp Cổ, hiện nay ô nhiễm môi trường do khai thác đá là vấn đề báo động. Ở làng Pháp Cổ, bụi đá làm hạn chế sản xuất nông nghiệp. Nhiều người mắc bệnh ung thư do hít phải khí bụi. Họ mong muốn các cơ quan chức năng về thẩm định mức độ ô nhiễm môi trường để có hướng xử lý.

Theo Kiến thức
Bình luận
vtcnews.vn