Vẽ lại đường “thoát thân” của lao động VN từ Libya

Thời sựThứ Tư, 02/03/2011 02:40:00 +07:00

(VTC News) - Những người lao động VN đã chủ yếu rời khỏi Libya bằng những con đường nào? VTC News xin vẽ lại con đường di tản ấy để độc giả tiện hình dung.

(VTC News) – Ngay sau khi bạo loạn ở Libya xảy ra, hàng vạn người nước ngoài đáng sống và lao động ở quốc gia này đã tìm mọi cách để di tản ra khỏi những khu vực có bạo loạn, trong đó chủ yếu sang các nước thứ 3.

Trong ngày 1/3, chuyên cơ VN6569 của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (VNA) đã thực hiện chuyến bay sang thủ đô Cairo Ai Cập để đưa 318 lao động Việt Nam vừa di chuyển sang đây trở về nước.

Ngay sau đó ngày 2/3 một chuyên cơ khác đã cất cánh từ sân bay Nội Bài sang Tunisia để tiếp tục đưa các lao động Việt Nam vừa di tản vào quốc gia này trở về.

Để độc giả tiện hình dung ra các con đường và hướng di chuyển của những người di tản, trong đó có các lao động Việt Nam, VTC News xin đưa ra sơ đồ di chuyển của dòng người di tản khỏi Libya.


Libya là quốc gia nằm ở khu vực Bắc Phi có đường biên giới với các nước Ai Cập ở phía Đông Đông Bắc, Sudan ở phía Đông Nam, Tchad và Nigeria ở phía Nam, Algeria và Tuynidi ở phía Tây. Toàn bộ phía Bắc của Libya được bao bọc bởi Địa Trung Hải, thuận tiện cho di chuyển bằng đuờng biển sang khu vực Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Malta, Italia.

Libya có 32 tỉnh thành phố nhưng dân cư và người lao động nước ngoài chủ yếu tập trung ở khu vực phía Tây Bắc, nơi có thủ đô Tripoli và phía Đông Bắc, nơi có thành phố cảng Benghazi.

Sau khi xảy ra bạo loạn, từ thủ đô Tripoli người di tản di chuyển theo ba đường là đường hàng không, đường biển (đường biển sang Malta gần nhất, biểu hiện bằng đường nét đứt màu vàng. Nhưng nét đứt cho thấy tính không phổ biến do tình hình bạo loạn cản trở) và đường bộ, biểu thị bằng đường màu đỏ cho thấy tính phố biến hơn cả.

Từ thủ đô Tripoli, dòng người di tản theo con đường ven biển qua hai tỉnh Sabratan và Zuara để tới cửa khẩu Ra's Ajdri nằm trên biên giới giữa Libya và Tuynidi. Đây là con đường nhanh nhất cho những người di tản, bởi cửa khẩu Ra's Ajdri chỉ cách thủ đô Tripoli khoảng 150 km, đường đi lại thuận tiện. 

Cũng bởi sự thuận tiện ấy mà cửa khẩu Ra's Ajdri trên biên giới Libya và Tuynidi những ngày qua đã phải đón một lượng người di tản quá lớn đổ về dẫn đến những nguy cơ khó lường về thiếu lương thực, nước uống, sự hỗn loạn vì thiếu kiểm soát an ninh. Thậm chí những người lao động Ai Cập cũng di tản theo đường này sang Tuynidi thay vì di chuyển về hướng Đông Bắc để trở về đất nước ngay. Ra's Ajdri đang đứng trước những nguy cơ khó lường về thiếu lương thực, nước uống, sự hỗn loạn vì thiếu kiểm soát an ninh. Có khoảng gần 300 người lao động Việt Nam đã di chuyển vào Tuynidi.

Benghazi là thành phố cảng nằm ở phía Đông Bắc Libya, đây cũng là khu vực tập trung lượng người lao động Việt Nam đông nhất (Khoảng 7.000 người). Thuận tiện với việc di chuyển theo đường bộ sang Ai Cập (đường màu đỏ) và theo đường biển sang Thổ Nhĩ Kỳ (đường màu trắng nét đứt), sang Hy Lạp (đường màu trắng),và sang quốc đảo Malta (đường màu vàng)

Mặt khác, lực lượng nổi dậy ở khu vực này chiếm được kiểm soát trước quân chính phủ, nên việc di chuyển của những người lao động nước ngoài ở khu vực Đông Bắc thuận tiện hơn khu vực Tây Bắc, nơi có thủ đô Tripoli đang nằm trong sự kiểm soát của quân chính phủ. Trong ảnh là thành phố cảng Benghazi nhìn ra Địa Trung Hải.

Nắm bắt được tình hình đó, các quốc gia nằm bên eo biển Địa Trung Hải đã nhanh chóng đưa tàu lớn và cả tàu quân sự như Thổ Nhĩ Kỳ tới Benghazi để sơ tán người lao động nước ngoài khỏi Libya. Trong ảnh là cảng Benghazi nhìn từ Địa Trung Hải vào. 

Từ Benghazi, rất nhiều người lao động Việt Nam đã lên tàu để di tản sang các nước thứ 3. Cụ thể sang Malta 1.378 người (đường màu vàng), Hy Lạp 229 người (đường màu trắng), Thổ Nhĩ Kỳ 557 người (đường màu đỏ) và theo đường bộ 991 người sang Ai Cập (đường màu nâu)

Biên giới giữa Libya và Ai Cập cách thành phố Benghazi khoảng 500 km về hướng Đông. Đường đi này chủ yếu là xuyên qua các sa mạc và tương đối lạnh về đêm. Trong ảnh là sa mạc trên đường đi từ Benghazi ra khu vực cửa khẩu Musaid.

 Cửa khẩu Musaid nhìn từ Libya qua Ai Cập (đường màu vàng là đường biên giới)

Hà Thành
Ảnh chụp từ Google Earth

Bình luận
vtcnews.vn