Về đâu số phận biệt thự cổ tại TP.HCM?

Kinh tếChủ Nhật, 29/11/2015 11:10:00 +07:00

TP.HCM hiện có hàng trăm biệt thự cổ được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Trải qua hàng trăm năm tồn tại, những biệt thự cổ này đang xuống cấp, biến dạng.

TP.HCM hiện có hàng trăm biệt thự cổ được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Trải qua hàng trăm năm tồn tại, những biệt thự cổ này đang xuống cấp, biến dạng.

Không trùng tu được nên đua nhau rao bán

Theo tìm hiểu của phóng viên, gần một nửa trong số hơn 100 biệt thự cổ tại TP HCM hiện làm viện bảo tàng hay nhà công vụ. Những biệt thự này được tu sửa và bảo vệ, nên còn giữ được kiến trúc. Trong khi đó, phần lớn trong số những biệt thự còn lại thuộc về sở hữu tư nhân. Những biệt thự này xuống cấp nghiêm trọng, có biệt thự chủ nhân không dám ở vì sợ sập.

Về đâu số phận biệt thự cổ tại TP.HCM?
Về đâu số phận biệt thự cổ tại TP.HCM? 
Tại đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, người đi đường không khỏi ngạc nhiên với căn biệt thự cổ tại số nhà 237, với kiến trúc đậm nét Pháp cổ.


Ông Lê Thanh Công, chủ sở hữu biệt thự này cho biết, gia đình ông mua lại từ những năm 1990. Căn biệt thự này được xây trước năm 1945 cho viên quan Pháp ở, sau đó, qua nhiều đời chủ và hiện giờ gia đình ông đang rao bán với giá 35 tỷ đồng, vì không thể tu sửa để ở do khó khăn kinh tế.

Căn biệt thự số 138 đường Châu Văn Liêm, quận 10 giờ đây cũng thành nơi để xe máy. Căn biệt thự rộng khoảng 500 m2, với một tầng trệt và một tầng lầu. Bà Ngô Thanh Hiền, chủ ngôi nhà cho biết, trước kia, gia đình bà muốn tu sửa lại căn nhà, nhưng vì thủ tục tu sửa rườm rà và số tiền sửa quá lớn, nên cuối cùng bà đành bỏ hoang.

“Hư hỏng hết rồi, cả 3 thế hệ gia đình tôi đều ở đây, nhưng tới đời tôi phải đi qua quận 8 ở, giờ tôi rao bán, chứ ở sao nổi”, bà Hiền nói.

Đầu tháng 10/2015, căn biệt thự cổ số 110-112, đường Võ Văn Tần (phường 6, quận 3), sau nhiều năm cho người dân sinh sống buôn bán đã được bán với giá 35 triệu USD cho một chủ nhân nước ngoài.

Đây là ngôi biệt thự tọa lạc ở vị trí được xem là đẹp nhất, nhì Thành phố với 3 mặt tiền đường Võ Văn Tần, Bà Huyện Thanh Quan và Nguyễn Thị Diệu. Căn biệt thự này rộng hơn 2.900 m2 (44,3 x 66,5 m2). Vật liệu để xây dựng ngôi biệt thự được vận chuyển từ Pháp sang Việt Nam theo đường biển.

Được biết, trước khi bán thì căn biệt thự này đã được Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc (Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM) xếp vào danh mục các biệt thự cổ trên địa bàn Thành phố trong diện bảo tồn.

Loay hoay phương án bảo trì

Theo Thông tư 38/2009/TT-BXD của Bộ Xây dựng thì biệt thự cổ được xây dựng từ thời Pháp thuộc thuộc nhóm 1. Đây là những biệt thự gắn với di tích lịch sử - văn hóa, được xếp hạng theo quy định của pháp luật về di sản văn hoá.

Tuy nhiên, cũng theo văn bản này, trường hợp thực hiện việc bảo trì đối với biệt thự nhóm 1 mà có thay đổi về màu sắc, vật liệu thì phải được UBND cấp tỉnh chấp thuận sau khi có ý kiến góp ý của cơ quan quản lý về xây dựng - kiến trúc và cơ quan quản lý về văn hoá cấp tỉnh.

Ông Bùi Văn Hiếu, Chánh Văn phòng Sở Xây dựng TP HCM cũng cho biết, để bảo tồn biệt thự cổ thuộc sở hữu tư nhân không đơn giản. Theo quy định hiện nay, nhà thuộc dạng biệt thự muốn thay đổi hiện trạng, kết cấu phải thông qua Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM thẩm định và được sự cho phép của UBND TP HCM.

Theo danh sách của Hội Kiến trúc TP HCM, trên địa bàn TP HCM hiện có 168 công trình biệt thự nằm trong danh sách xếp hạng bảo tồn đang được gìn giữ, trùng tu rất tốt. Tuy nhiên, hầu hết đây là các công trình công cộng, tín ngưỡng.

“Các công trình của người dân hiện nay chưa được thống kê, đưa vào trong danh sách bảo tồn và đặc biệt là chưa có quy chế quản lý, nên đang bị xuống cấp. Trước áp lực chỗ ở và kinh tế, người dân đã tự đập bỏ nhà cổ để xây mới”, ông Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Hội Kiến trúc TP HCM cho biết.

Vì vậy, cần phải có quy chế, hướng dẫn và quan trọng nhất là chính sách hỗ trợ duy tu nhà của người dân. Chẳng hạn, tại một số nước như Trung Quốc, Singapore…, nhằm khuyến khích người dân bảo tồn nhà cổ, Chính phủ các nước này đã hỗ trợ tài chính để chủ nhà ở chỗ khác.

Ngoài ra, theo một vị lãnh đạo Sở Xây dựng TP HCM, việc các nhà biệt thự cổ thuộc sở hữu của tư nhân tại Thành phố đang xuống cấp nghiêm trọng vì Thành phố chưa có tiêu chí phân loại bảo tồn, nên Nhà nước không có chính sách hỗ trợ duy tu, bảo tồn.

Chính vì điều này mà người dân không thể tu bổ, trong khi nhà xuống cấp không thể ở, khiến người dân buộc phải rao bán hoặc tìm cách phá dỡ xây dựng công trình mới.

Theo kiến trúc sư Trần Ngọc Lâm, Giám đốc Công ty Kiến trúc Mộc Lâm, việc bảo tồn một ngôi biệt thự cổ cần xem xét trên nhiều yếu tố như giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật kiến trúc, vai trò đối với cảnh quan môi trường khu vực… để cân đối lợi ích khi thực hiện bảo tồn hay phá bỏ, xây mới.

Theo ông Lâm, những ngôi biệt thự cổ tại Thành phố hiện nay là minh chứng cho một lịch sử phát triển của địa phương. Ngoài giá trị lịch sử, văn hoá, nếu biết khai thác sẽ mang lại lợi ích kinh tế không nhỏ.

“Do vậy, Thành phố cần có chính sách bảo tồn, vừa đảm bảo an toàn, vừa đảm bảo lợi ích kinh tế cho chủ sở hữu. Không thể bắt người dân tự bỏ tiền bảo trì”, ông Lâm nói.

Ông Nguyễn Trường Lưu, cho rằng, TP HCM cần lập ra hội đồng xét duyệt nhà nào cần phải giữ, sau đó ra quy chế bảo tồn nhà cổ để người dân thực hiện. Đồng thời, Thành phố cũng cần hỗ trợ tài chính để người dân có kinh phí duy tu, bảo dưỡng nhà.

Nguồn:Báo Đầu tư
Bình luận
vtcnews.vn