Về 7 người làm ôsin cho Chúa Sơn Lâm ở Hà Nội

Phóng sự - Khám pháThứ Hai, 08/03/2010 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Để chúa sống thọ, họ phải sử dụng cả biện pháp đặt tên thật… xấu. Vì thế, mà hàng loạt chúa có những cái tên xấu xí như: Điên, Sên, Đen, Sứt Tai...

(VTC News) - Anh em cán bộ, kỹ sư, công nhân chăm sóc đàn hổ thường nói vui: “Nghề chăm nuôi hổ còn vất vả hơn cả ôsin, chăm hổ như chăm vua chúa, nên nghề nuôi hổ đúng là nghề ôsin cho chúa”.

Thức ăn của hổ là thịt bắp hoặc thăn bò và sườn lợn. 

Đội công nhân chăm sóc thú dữ có 7 người, làm nhiệm vụ chăm sóc 8 con hổ, 10 con gấu và báo hoa mai, báo gấm. Trước đây còn có một đàn sư tử nữa, nhưng đàn sư tử sinh sản cận huyết, nên đã chết sạch.

Anh em cán bộ, kỹ sư, công nhân chăm sóc đàn hổ thường nói vui: “Nghề chăm nuôi hổ còn vất vả hơn cả ôsin, chăm hổ như chăm vua chúa, nên nghề nuôi hổ đúng là nghề ôsin cho chúa”.

Thì hổ đúng là chúa của rừng già. Loài vật mà theo các nhà khoa học, có mặt trên trái đất này cỡ 3 triệu năm trước, đã quen với cuộc sống hoang dã phóng khoáng, giờ bị nhốt trong cũi, chúng trở nên khó sống là điều dễ hiểu.

Ở ngoài tự nhiên, lãnh địa bất khả xâm phạm của chúng lên đến 4.000km2, trong khi đó, tại Vườn thú Hà Nội, mỗi con chỉ có vỏn vẹn 20m2, một diện tích quá nhỏ so với cuộc sống hoang dã.

Hổ sống ngoài tự nhiên tuổi thọ có thể lên đến 30 năm. Nhưng sống trong điều kiện nuôi nhốt, chúng chỉ thọ được mười mấy năm, hiếm hoi lắm thì được 20 năm tuổi. Phần lớn số hổ đều chết trong quá trình nuôi dưỡng. Để hổ sống được, cán bộ, công nhân sử dụng cả biện pháp đặt tên thật… xấu. Vì lý do đó, mà hàng loạt hổ có những cái tên xấu xí như: Mặt Xám, Sứt Tai, Điên, Đen, Sên…
Công nhân phải lọc hết mỡ và rắc một chút muối trước khi cho hổ ăn. 

Hiện tại, con hổ sống thọ nhất ở Vườn thú Hà Nội, cho đến lúc này là con Lep, giống hổ Amur, được đưa từ Đông Đức về năm 1992. Khi về Việt Nam, con hổ này nặng 70kg, chưa được một năm tuổi.

Tính ra, đến nay, Lep được 19 tuổi. Tuy nhiên, bộ dạng của nó thì thật thảm hại. Một số nhà báo đã nhìn chú hổ Lep này rồi “khóc thương” cho số phận của loài hổ bị giam cầm trong cũi sắt.

Thực tế Lep đã được chăm sóc rất công phu, nên nó mới sống được đến bây giờ. Hàng ngày, Lep vẫn ăn đầy đủ 2 bữa, với tiêu chuẩn 4,5kg thịt bò và 0,5kg sườn lợn.
Mặc dù ăn vẫn khỏe, song hổ Lep cứ ngày một teo tóp đi vì tuổi già. 

Nó vẫn xơi hết từng ấy thức ăn, nhưng vì đã già, tiêu hóa thức ăn kém, nên mỗi ngày lại sọp đi. Cơ thể Lep cứ dài nhằng ra, khuôn mặt và cặp mông thì tóp lại, đi đứng cứ xiêu vẹo, không còn giữ được dáng vẻ oai hùng của chúa sơn lâm nữa. Theo tính toán thì nó chỉ sống được đôi năm nữa là cùng. Dù sao, ở điều kiện nuôi nhốt, Lep cũng được xếp vào hàng đại thọ rồi.

Vì sống “trong cũi”, chúng ít được vận động, nên hổ sinh ra lắm bệnh tật. Mà lũ hổ tuy sức mạnh vô địch, song sự chịu đựng lại rất kém cỏi. Cứ mắc bệnh, bất kỳ nặng nhẹ, là chúng bỏ ăn, rồi ủ rũ như thể… sắp chết.

Vậy nên, anh em công nhân phải cắt cử thường trực theo dõi chúng suốt 24/24. Bất kể có điều gì bất thường, phải thông báo với lãnh đạo và lập tức bác sĩ thú y có mặt khám chữa bệnh cho chúng.

Ngày nào cũng như ngày nào, cứ 7h30 sáng, anh em phải vào chuồng hổ, lấy mẫu phân của từng con xem xét. Nếu phân của chúng có màu đen như bình thường thì không sao, nhưng chỉ cần phân nát, táo hoặc có màu khác lạ là phải tiến hành khám và trị bệnh dứt điểm.
Chia phần chính xác. 

Bước tiếp theo là quan sát dáng đi, điệu bộ, khuôn mặt. Nếu dáng đi uể oải, điệu bộ ủ rũ, mệt mỏi, nghĩa là có vấn đề. Mắt có dử, lèm nhèm, mũi có nước hoặc khô quá, thì chứng tỏ hổ đang ốm.

Khổ nỗi, giống hổ kiếm ăn đêm, lại ngủ rất ít, nên anh em cũng phải thức cùng để theo dõi, trực chiến. Suốt đêm, chúng đi lại, gầm gừ loanh quanh trong chuồng. Ban ngày cũng chẳng thấy nó ngủ mấy. Chúng chỉ nằm phủ phục, nhắm mắt một lát. Nếu có người đến gần, lập tức nó tỉnh dậy. Anh Thọ bảo: “Giống hổ đến là khổ. Ngủ cũng trong tư thế tấn công, kiếm mồi”.

Đợt vất vả nhất là hồi con Lô bị rò xương hàm. Cán bộ, công nhân gần như mất ăn mất ngủ lo cho nó. Nó là con hổ duy nhất được tổ chức sinh nhật hàng năm, bằng nến và bánh ga-tô. Suốt mấy ngày nó chẳng chịu ăn uống, cơ thể sa sút rất nhanh.
Hổ Lô bị rò xương hàm khiến các cán bộ, công nhân mất ăn mất ngủ. 

Sau khi các bác sĩ khám xét, điều trị không có hiệu quả, đã quyết định đưa nó đến Bệnh viện Đường Sắt để chụp X-quang. Xác định rõ bệnh tật, đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả, bệnh rò xương hàm của nó mới khỏi.

Mặc dù hổ là loài rất mạnh, sống trong môi trường hoang dã nên bản năng của nó chịu được đủ các loại thời tiết mưa nắng, giá rét. Thế nhưng, mùa nắng, vẫn phải dùng quạt đá, máy lạnh thổi vào chuồng cho hổ mát, còn mùa đông, thì mỗi con đều có một máy sưởi quạt hơi ấm vào chuồng.

Anh Thọ kể vui: “Cứ mùa đông đến, anh em lại phải lo sưởi ấm cho hổ. Thế nhưng, mỗi khi thả ra sân, chúng lại nhảy ùm xuống bể nước bơi bì bõm. Mình ở trên bờ, mặc áo khoác còn rét run lập cập, nhưng hai ông hổ giống Amur thì cứ nằm ngâm mình dưới bể nước. Chúng là loài hổ Siberi, sống ở vùng băng tuyết, nên cái lạnh ở Việt Nam có nhằm nhò gì”.

Từ ngày đưa đàn hổ vào chuồng nhốt tạm, điều kiện chăm sóc đàn hổ lại càng nghiêm ngặt, chặt chẽ hơn. Anh em công nhân, kỹ sư làm bất cứ việc gì liên quan đến các “chúa”, cũng phải báo cáo cho ban lãnh đạo xem có được phê duyệt hay không. Nhiều lúc, thấy bọn hổ có vẻ bức xúc vì lâu không được dầm nước, nhưng các anh cũng không dám tự tiện cho chúng tắm. Kể cả việc xịt vòi nước vào người chúng, giúp chúng thoải mái hơn, cũng phải báo cáo để ban lãnh đạo phê duyệt.
Loài hổ ngủ rất ít nên chăm sóc cũng cũng vất vả hơn. 

Thức ăn dành cho hổ, so với các loài khác (nhất là loài… ăn cỏ), thì toàn cao lương mỹ vị. Suất ăn của mỗi ông hổ là 5kg thịt một ngày, trong đó, có 4kg thịt bò bắp, hoặc thăn và 1kg sườn lợn.

Mỗi sáng, anh em phải dậy sớm, làm công tác kiểm tra đống thịt vừa được chuyển đến, xem có tươi nguyên hay không. Chỉ cần dính một chút xíu mỡ, cũng phải lọc bỏ sạch sẽ.

Ngồi xem các anh lọc thịt, cân, chia, đong đếm, rồi trộn một lượng muối chính xác vào những tảng thịt trước khi cho hổ ăn, mới thấy công việc chăm hổ công phu thế nào.

Thế nhưng, trong bữa ăn trưa của các cán bộ, công nhân, chỉ thấy có đĩa rau, vài lát thịt bạc nhạc rất mỏng manh. Lương Nhà nước trả ba cọc ba đồng, ăn như hổ, có mà 3 ngày thì hết sạch lương.

Tôi hỏi chuyện hiểm nguy tính mạng khi chăm bầy hổ này. Anh Thọ bảo: “Bọn mình coi lũ hổ như con, ai lại kể tội chúng nó ra làm gì”. Dù các anh không kể, nhưng tôi biết, đã không ít lần tính mạng các anh treo trước miệng chúa sơn lâm. Trên cổ tay anh Ước, vẫn còn nguyên vẹn vết sẹo chạy dài, do răng nanh của một con hổ cắm phập vào. Rồi chuyện anh Hải may mắn thoát khỏi miệng hùm, với một cơ thể bê bết máu…

Phạm Ngọc Dương

Bình luận
vtcnews.vn