'Vay nợ lãi suất rẻ của Trung Quốc rồi kiện đòi lãnh thổ có được không?'

Thời sựThứ Ba, 17/11/2015 11:57:00 +07:00

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa đề xuất không vay tiền, nhận tiền viện trợ từ Trung Quốc vì có nhiều bất lợi trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ

(VTC News) - Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa đề xuất không vay tiền, nhận tiền viện trợ từ Trung Quốc vì có nhiều bất lợi trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

Sáng 17/11, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đã nêu câu hỏi chất vấn Thủ tướng Chính phủ liên quan đến vấn đề vay tiền Trung Quốc.

Ông Nghĩa cho biết nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc trên hầu hết các lĩnh vực và tình trạng này đang đe dọa chủ quyền và nền kinh tế nước ta.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM)
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) 
“Ở nhiều quốc gia lân cận và trên thế giới thì Trung Quốc nổi tiếng là mang đồng tiền đi trước và chi phối vào chính trị. Cử tri đề nghị không vay tiền và nhận viện trợ tiền của Trung Quốc, ít nhất là trong thời điểm này bởi vì Trung Quốc đang tranh chấp, thậm chí là đang chiếm lãnh thổ của Việt Nam và đe dọa tiếp tục chiếm Biển Đông”, ông Nghĩa nói.

“Nhận viện trợ và vay ODA lãi suất rẻ của Trung Quốc thì sau này có kiện đòi lãnh thổ liệu có làm được không?”, đại biểu Nghĩa đặt câu hỏi.

Vị đại biểu TP.HCM cũng cho rằng: “Nếu trưng cầu ý dân thì tôi tin rằng, cử tri sẽ không đồng tình việc vay tiền và nhận viện trợ của Trung Quốc vì còn nhiều nguồn khác có thể vay được”.


Cũng có cùng băn khoăn về việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) cho biết hiện nay Trung Quốc đang tiến hành bồi đắp, xây dựng các đảo nhân tạo trên Biển Đông.

“Chính phủ có biện pháp nào để giải quyết tình trạng này. Đề nghị Chính phủ cho biết các chính sách hỗ trợ với kiểm ngư, cảnh sát biển?”, đại biểu Lê Nam đặt câu hỏi.

Sáng mai 18/11,Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có khoảng 75 phút để trả lời chất vấn. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ trực tiếp trả lời những vấn đề các đại biểu nêu.

Hình ảnh cho thấy Trung Quốc đang gấp rút xây dựng công trình trên đảo Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép năm 1988)
Hình ảnh cho thấy Trung Quốc đang gấp rút xây dựng công trình trên đảo Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép năm 1988)  
Trước đó, sáng 16/11, Trưởng Ban Dân nguyện - Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (QH) Nguyễn Đức Hiền đã có bản tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII.

Đối với lĩnh vực ngoại giao, cử tri nhiều tỉnh tiếp tục bày tỏ thái độ bức xúc đối với những vi phạm của Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt là hành động xây dựng đảo nhân tạo tại một số điểm thuộc quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, ngang nhiên đánh bắt cá trên vùng biển Việt Nam, tấn công các tàu của ngư dân Việt Nam.

Cử tri nhiều tỉnh đề nghị: "Phải có các giải pháp đấu tranh khả thi, quyết liệt hơn, rõ ràng hơn; tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè, dư luận quốc tế trong việc đối phó với Trung Quốc. Đặc biệt cần sớm hoàn thiện các thủ tục pháp lý khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế".

“Thận trọng hơn trong các chính sách đối ngoại, cân nhắc khi hợp tác, ứng xử đối với một số nước bạn, đặc biệt là Trung Quốc. Hạn chế các chính sách thỏa hiệp để đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia, chủ quyền dân tộc; đồng thời thông tin kịp thời, đầy đủ tình hình biển Đông...”, ý kiến cử tri nêu rõ.

Trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi đầu tháng 11/2015, Trung Quốc đã chuyển khoản vay ưu đãi bên mua trị giá 300 triệu USD sang sử dụng cho dự án đường cao tốc Móng Cái - Vân Đồn; bổ sung khoản vay ưu đãi chính phủ 250 triệu USD cho dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và công bố kế hoạch cung cấp viện trợ 1 tỷ nhân dân tệ trong 5 năm tới để giúp Việt Nam xây dựng các công trình cải thiện dân sinh như trường học, bệnh viện.

Video: Quốc hội thảo luận những vấn đề nóng

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn