Vào bếp cùng Savouydays.com

Tổng hợpThứ Sáu, 12/04/2013 09:34:00 +07:00

Ngoài sự khéo tay vốn đã trở thành thiên chức của người phụ nữ, họ cũng không kém phần cá tính khi xây dựng riêng cho mình food styling

Bếp online, hay còn gọi là các food blog đang trở thành một trào lưu mới trên Internet. Chủ nhân của food blog là những người phụ nữ mê nội trợ, nấu nướng để chiêu đãi chồng, con, bạn trai, những người thân trong gia đình. Ngoài sự khéo tay, đảm đang vốn đã trở thành thiên chức của người phụ nữ, họ cũng không kém phần cá tính khi xây dựng riêng cho mình food styling (phong cách ẩm thực) và trở thành các food photography (nhiếp ảnh gia về ẩm thực). Ðoàn Thu Trang – chủ nhân của trang Savourydays.com - một địa chỉ quen thuộc của các chị em yêu làm bánh, thích món ăn thuần Việt – là một người như thế.

Học nấu bếp

Ghé qua Savourydays.com, người ta sẽ cảm nhận được sự ấm cúng như một căn bếp thực sự. Những danh mục món ăn được xếp mạch lạc. Khu dành cho bếp bánh. Khu của các món ăn Việt, được xếp ra theo danh mục: món điểm tâm, khai vị, món mặn hàng ngày, kho – om – luộc – hấp – hầm, các món nướng, canh – rau – soup… Có lẽ đọc phần mở đầu này là một thách thức dành cho các độc giả đang đói meo sau ngày dài làm việc vất vả.

Ðắm mình vào không gian ấy, tưởng Thu Trang là một bà mẹ trẻ tối ngày bận bịu trong bếp để nấu cho chồng con những món ăn ngon, hạnh phúc trong thế giới nhỏ bé của mình. Nhưng khi gặp gỡ, câu chuyện lại hoàn toàn khác với trí tưởng tượng. Ngoài phần nữ tính, tỉ mẩn, khéo léo, biết vun vén ấy, blog cũng hé lộ phần cá tính khác trong Trang, đó là nhiếp ảnh và du lịch.

 

Một nghiên cứu sinh bận rộn

Cựu học sinh chuyên Anh của trường Ams, cựu sinh viên tiếng Nhật Khoa Kinh tế đối ngoại – ÐH Ngoại thương, tốt nghiệp thạc sĩ Kinh tế tại Hà Lan, và bây giờ là nghiên cứu sinh tại Bỉ. Ðó là profile của Ðoàn Thu Trang.

Tốt nghiệp Ðại học, mẹ cảm thấy rất lo lắng khi cô con gái “chỉ biết học” sẽ đi xa nhà và không có mẹ ở bên chăm sóc hàng ngày. Mẹ Trang đã mở một khóa dạy nấu ăn cấp tốc các món đơn giản nhất để con gái có thể “sống sót” ở nước bạn: thịt kho, cá kho, trứng rán, rau luộc… Sang Hà Lan, có một căn phòng nhỏ xíu trong ký túc xá với bếp chung dành cho gần 20 người, Trang vẫn quyết định đi chợ tự nấu ăn, vừa đảm bảo sức khỏe, vừa tiết kiệm. Quan trọng hơn, cô nàng hơn 20 năm ăn cơm Việt ấy cảm thấy không thể sống tiếp ở nước bạn khi ngày nào cũng ăn bánh mì.

Trang bắt đầu tự mày mò nấu ăn. Ban đầu, để mẹ yên tâm, Trang chụp ảnh các món mình mới nấu và up lên FB để mẹ ở nhà xem. Ði chợ mua sắm ở Châu Âu khá đắt đỏ, đặc biệt là các loại rau gia vị. Cô nàng bắt đầu phải tính toán xem món nào, gia vị nào có thể kết hợp với nhau thành món mới, để tận dụng nguyên liệu. Trang hì hụi lên mạng tìm công thức để thử nghiệm. Cứ vậy, bí kíp nấu ăn của cô gái nhỏ học xa nhà đầy dần lên.

Cô nàng độc thân vui vẻ

Khi chuyển tiếp nghiên cứu sinh ở Bỉ, Trang thuê được một căn hộ độc lập rộng rãi hơn với bếp riêng. Cửa sổ phòng ăn trông thẳng sang một tòa lâu đài cổ kính. View hoàn toàn hợp lý với những cô nàng hay mơ mộng. Tuy nhiên, khí hậu ở đây lại khá buồn tẻ: lạnh và âm u. “Vô tình”, cô nàng đột nhiên được sở hữu một cái lò nướng. Con đường gian nan với bánh trái bắt đầu từ đây. Những mẻ bánh đầu tiên nhiều khi bay thẳng từ lò nướng vào… sọt rác. Rồi tỷ lệ thành công cứ cao dần. Càng về sau, bạn đồng nghiệp càng quen với những hộp bánh ngọt nhỏ xinh mà Trang mang đến cho những giờ uống trà giải lao. Cảm giác những chiếc bánh nhỏ xinh ấm nóng nở phồng trong lò đã sưởi ấm những buổi chiều muộn, giúp Trang vơi đi nỗi nhớ người bạn trai ở nơi xa cách.

 

Sau đó, trong những bữa tiệc liên hoan của nhóm, Trang lại phụ trách một món gì đó. Nhưng cô nàng không dại cứ mãi thể hiện món bánh Âu. Với bạn quốc tế, Trang lại đãi món Việt theo đúng cách Việt: nem, phở, bún…

Làm việc 8 tiếng mỗi ngày trong phòng nghiên cứu, buổi tối, khi bạn bè Bỉ về với gia đình, hoặc đi bar, đi club, thì Trang về nhà. Cảm giác muốn làm một cái gì đó có ích cho bản thân, cho cộng đồng, cũng để tự ủ ấm mình thường trực đến trong suy nghĩ. Không còn là những món ăn đủ chất đơn thuần để phục vụ bản thân, Trang đã đưa chúng lên Internet. Savourydays.com ra đời.

Bếp Online ấm cúng

Hai năm gắn bó với trang food blog của mình, cũng là thời gian cuộc sống của Thu Trang thay đổi rất nhiều. Bận việc ở phòng nghiên cứu đến 7, 8 giờ tối, hai ngày cuối tuần sẽ dành trọn vẹn cho việc đi chợ và nấu các món ăn theo công thức mới. Thành viên theo dõi trang food blog càng đông, đồng nghĩa với việc email thắc mắc/hỏi/đáp mọi thứ về nấu ăn càng tăng. Có những buổi tối Trang muốn tranh thủ đọc một vài trang sách, nhưng khoảng 100 câu hỏi tích tụ trong ngày khiến cô nàng lại miệt mài ngồi trả lời. Ðó là lý do mỗi ngày của cô nàng độc thân này bận như con mọn. Và niềm vui lớn nhất với Trang, đó là nghe những phản hồi về sự thành công của các món ăn mới ra lò.

 

Ðiều mà Trang cảm thấy có ý nghĩa nhất trong công việc thầm lặng này của mình, là có thể khơi gợi bản năng tự nhiên của người phụ nữ. Thiên hướng  chăm lo, gần gũi, chia sẻ với người khác luôn có trong trái tim phụ nữ. Và khi đứng trước gian bếp của Trang, với những món ăn được bài trí, chụp ảnh rất tinh tế, những cốc tách đáng yêu, những bông hoa nhỏ xinh…, nhiều chị em trước đó rất vụng về cũng mong muốn được vào bếp ngay. Cho chồng thưởng thức để F5 cuộc sống lứa đôi, cho những đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn, cho những người bạn trai luôn mơ ước về người vợ đảm đang. Và đôi khi, không phải để chứng minh bất kỳ điều gì hết, mà đơn giản chỉ là những người phụ nữ tìm thấy niềm vui, sự tự tin, yêu đời trong chính căn bếp của mình.

Trang chia sẻ, làm bếp cũng khiến Trang xả stress rất nhiều. Ðộng tác nhào bột, ủ bánh… đôi khi cũng giống như động tác thể dục thư giãn. Chạy đi chạy lại bày biện chụp ảnh đến khi món ăn nguội cả đi để có những pha pose ảnh ưng ý. Rửa cả âu bát đĩa sau khi sắp đặt qua lại. Lọ mọ mày mò về ánh sáng, kỹ thuật nhiếp ảnh, ống kính… Ngần ấy công việc không tên khiến Trang bận rộn nhưng luôn vui tươi.

 

Từ chuyên gia nấu ăn thành chị Tầm T

Những lá thư khiến Trang ấn tượng nhất, đôi khi lại không phải về kỹ thuật nấu nướng. Nhiều người xa lạ sẵn sàng trao gửi những câu chuyện riêng tư của mình với Trang, khiến cô nàng lại trở thành anh Bồ Câu, chị Tầm Thư “bất đắc dĩ”. Như một cô bé 18 tuổi chia sẻ rằng không thích đi theo những con đường mà bố mẹ đã vạch sẵn cho mình, chỉ mong trở thành một đầu bếp. Hay những người vợ, người mẹ chia sẻ về sự hàn gắn gia đình, khi mà bữa ăn ấm cúng có thể xóa bớt đi những sai lầm, mâu thuẫn nhỏ bé. Hoặc niềm vui của người mẹ trước ánh mắt sung sướng, nụ cười thơ ngây của đứa con khi được ăn bánh mẹ làm sau mỗi giờ tan học.

Trang muốn giấu kín về bạn trai lâu năm của mình. Một anh chàng đã được Trang chiêu đãi nhiều lần khi còn có cơ hội gặp nhau ở Châu Âu. Còn bây giờ, khi Trang ở phương trời xa xôi và anh đã về nước, anh lại trở thành trợ thủ đắc lực cho cô. Xây dựng trang web, hướng dẫn kỹ thuật chụp ảnh, phê bình viên trước những bức ảnh chưa đẹp, chân loong toong khi Trang ra mắt cuốn sách dạy nấu ăn đầu tiên, mặc dù toàn được ăn món “ngó” qua website. Trang nói, mỗi khi nấu nướng, nghĩ tới căn bếp tương lai - thơm nức, ấm cúng bên chồng con - lại thấy một niềm hạnh phúc nhen nhóm…

Mẹ Tôm

Bình luận
vtcnews.vn