Vầng mặt trời trong căn gác nhỏ

Thời sựChủ Nhật, 02/01/2011 04:16:00 +07:00

(VTC News)- Căn gác ấy chỉ chừng vài chục mét vuông nhưng chứa đựng bởi hàng ngàn tư liệu quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

(VTC News)- Căn gác ấy chỉ chừng vài chục mét vuông nhưng chứa đựng bởi hàng ngàn tư liệu quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Cũng trong căn gác nhỏ ấy có một nhân chứng lịch sử 81 tuổi đời, 55 năm tuổi Đảng và gần 30 năm âm thầm tự học hỏi, sưu tầm, tập hợp hiện vật, tư liệu về Bác Hồ. 

Từ sau lũy tre lên chiến khu

Cụ làm chỉ một điều ước: Mong mọi người dân Việt Nam luôn hướng về Bác Hồ kính yêu và mãi mãi đi theo con đường mà Bác đã lựa chọn. Và nhiều công trình khoa học lịch sử, khoa học, luận văn, các cuộc vận động sinh hoạt chính trị tư tưởng lớn đạt kết quả cao đã được thực hiện từ những nguồn tư liệu vô giá ở căn gác nhỏ này. 

Cụ Sơn và tập tư liệu đang sưu tầm (ảnh: VH)

Cụ là Nguyễn Đình Sơn, sinh năm 1930, tại xã Đông Yên, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá, hiện đang sống tại căn gác nhỏ số 14/42 đường Lê Văn Hưu, phường Tân Sơn, TP Thanh Hoá. Đây là lần thứ hai trong đời tôi được cụ tiếp và nói chuyện. Vẫn vóc dáng quắc thước, nhanh nhẹn ấy, cụ vẫn miệt mài với công việc của mình là trọn lòng với Bác kính yêu. Duy chỉ có một điều rất khác lúc này khi nói chuyện với cụ, đó là tôi phải ghi vào giấy các nội dung cần thiết, rồi cụ nhìn chữ và kể chuyện với tôi. Con gái cụ, bảo với tôi rằng: “Bố em giờ không thể nghe được nữa. Mọi việc đều phải ghi ra trong giấy”.  

Điều tôi muốn tìm hiểu ở cụ là những ngày cụ có may mắn vinh dự được làm chiến sĩ cận vệ trong đơn vị bảo vệ Bác Hồ và Chính phủ. Như chạm vào mạch nguồn của kỷ niệm, một dòng chảy của ký ức được cụ kể một cách say sưa, nhiệt tình. Sắp xếp lại từ những câu chuyện mà cụ Sơn đã kể, tôi tạm đưa ra một bản “trích ngang” tóm lược về quá trình tham gia cách mạng của cụ Sơn: Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, đông anh em tại làng Cẩm Nga, xã Đông Yên, Đông Sơn, Thanh Hoá. Cụ thân sinh là một thầy đồ nho trong làng nhưng nghề “gõ đầu trẻ” thời buổi ấy đã không nuôi nổi đàn con nheo nhóc khiến mấy người chị, em của cụ đã phải lần lượt ra đi vì nạn đói và dịch bệnh. Những tháng năm đen tối dưới chế độ cũ ấy đã khắc sâu trong ký ức tuổi thơ nặng nề khiến cụ sớm có ý thức tham gia phong trào cách mạng để giải phóng dân tộc, giải phóng quê hương. 

Từ năm 1945, cụ đã tham gia phong trào cách mạng. Ở địa phương làm cán bộ nông hội xã, rồi đội trưởng du kích thôn… Năm 1946, cụ tình nguyện làm liên lạc cho tỉnh đội Thanh Hoá. Nhờ sự nhanh nhẹn, tinh tường, Nguyễn Đình Sơn đã trở thành đầu mối giao liên an toàn và tuyệt mật của đại đội chủ lực tỉnh đội Thanh Hoá thời bấy giờ. 

Qua các chặng đường phục vụ chiến dịch từ Tây Bắc đến Việt Bắc lúc nào, ở đâu Nguyễn Đình Sơn cũng đều tích cực đi đầu. Nhờ thông minh, hoạt bát, nhanh nhẹn và giỏi võ thuật nên cụ được chọn vào làm việc ở khu căn cứ địa Tân Trào với nhiệm vụ dẫn các đoàn khách đến làm việc với TW và Bác Hồ. 

Bác tặng lời, tặng khăn

Trong cụ còn nguyên vẹn kỷ niệm lần đầu tiên được gặp Bác Hồ. Đó là một ngày cuối tháng 7/1954 tại khu rừng Đại Từ- Thái Nguyên, Bác đến thăm và huấn thị cho các đơn vị phục vụ ở ATK. Lời Bác dạy ngày nào giờ vẫn còn khắc sâu trong trái tim và khối óc của cụ Sơn. Cụ nhớ lại lời Bác dạy: “Các chú phải coi mọi công tác cách mạng, các bộ phận liên quan nhau như cái đồng hồ, bộ phận nào, việc gì cũng đều quan trọng cả. Từ Chủ tịch nước đến người dân vệ sinh trong TP đều quan trọng như nhau. Nếu làm tròn nhiệm vụ đều vinh quan cả. Các chú về tiếp quản thủ đô phải giữ kỹ luật nghiêm minh, phải thực hành cần- kiệm- liêm- chính”. 

Khắc ghi lời Bác, Nguyễn Đình Sơn đã nỗ lực làm tròn nhiệm vụ. Cuối năm ấy, cụ được bầu là Chiến sĩ thi đua của đơn vị, được Bác Hồ tặng một cái khăn mặt của đồng bào Thượng biếu Bác. Ngày 27/1/1955, cụ Vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Cụ luôn tâm niệm phải nỗ lực, rèn luyện về mọi mặt, nâng cao trình độ làm sao cho xứng đáng là người đầy tớ của nhân dân. Tháng 2/1955, cụ được điều về công tác tại Cục 40 (Cục cảnh vệ) cơ động bảo vệ Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch và bảo vệ Bác Hồ khi Bác đi công tác. Được gần Bác và các đồng chí trong Chính phủ, cụ Sơn đã học hỏi được nhiều điều bổ ích để phục vụ đất nước. Cụ vinh dự được 4 lần nhận Huy hiệu Bác Hồ về những thành tích đóng góp cho đất nước. 

Về vườn và lối mở

Năm 1982, được nghỉ hưu cũng là lúc trong cụ trỗi dậy ý thức trách nhiệm sưu tầm tư liệu về Bác, đặng góp ích giúp cho đời để lại cho thế hệ mai sau. Cụ trở thành vị Chủ nhiệm của Ban đề tài lịch sử 2253/ NV Thanh Hoá. Lại những tháng ngày hăm hở như người giao liên năm xưa cụ có mặt ở tất cả mọi nơi, gặp gỡ mọi người có tư liệu về Bác để sưu tầm, tập hợp hoặc để tìm hiểu xác minh. Chẵng quản nắng, mưa, lúc trong Nam, ngoài Bắc, cụ cần mẫn lẵng lẽ cùng Ban đề tài theo đuổi công việc tâm huyết của mình. 

Cụ Nguyễn Đình Sơn (bên trái) sưu tập tất cả tư liệu về Bác Hồ, từ các bài báo đến các kỷ vật sống khác (ảnh: VH) 

Ngồi cạnh tôi có ông Cẩm Hải- trưởng khối phố Lam Sơn 1, phường Tân Sơn cũng đang chăm chú nghe cụ Sơn kể về những năm tháng được phục vụ Bác Hồ. Ông Cẩm Hải nói: “Cụ Sơn là một người có tâm, có tấm lòng với Đảng, với quê hương và với một lòng tôn kính Bác Hồ. Cụ là hình ảnh, là biểu tượng đẹp cho các thế hệ con cháu học tập và noi theo. Tuy tuổi đã cao, sức khoẻ đã kém so với vài năm trước, song việc Đảng, việc dân, cụ đều tham gia tích cực góp ý để cùng cấp uỷ và khu phố xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Nhiều đoàn tham quan trong nước, trong tỉnh đã đến gặp cụ và được cụ nói chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nhiều bạn trẻ đã đến với cụ, được nghe cụ kể chuyện về Bác. Nhiều người tìm đến cụ Sơn để có những tư liệu phục vụ cho một công trình nghiên cứu khoa học nào đó. Tất cả, cụ đều sẵn lòng tiếp chuyện”. 

Hễ nghe nói ở đâu có tư liệu hiện vật về Bác là cụ Sơn thu xếp lên đường đi ngay, bất kể ngày, đêm, xa, gần, mưa, nắng. Cứ nghe nói về Bác, có người hỏi chuyện về Bác thì dù bận việc gì cụ cũng hoãn ngay lại, kể cả là… ốm!

Bán kỷ vật ngày cưới

Thật không thể quên được câu chuyện cụ Sơn bán 2 chiếc nhẫn cưới (2 chỉ vàng) mà người vợ đã cất giữ làm kỷ niệm mấy chục năm trước để lấy tiền in tập bản thảo, thẩm định tư liệu đầu tiên về Bác Hồ với nhân dân và lực lượng vũ trang Thanh Hoá. Tập tài liệu này dày 69 trang, in 50 bản. Đó cũng chính là khởi thuỷ của cuốn sách “Bác Hồ với Thanh Hoá- Thanh Hoá làm theo lời Bác” xuất bản năm 1990.

Cụ Sơn bên cạnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (ảnh: tư liệu) 

Bây giờ, khi đối diện với kho di sản vô giá về Bác trong căn nhà mà cụ Sơn đã hiến đất và quyên góp tiền của con cháu cùng bạn bè xây dựng dành riêng để trưng bày các hiện vật tư liệu về Bác, tôi mới thực sự thấy hết sự trân quý nó. Kho tư liệu phong phú, đa dạng tới mức có thể làm được bao nhiêu luận án tiến sĩ và bấy nhiêu công trình nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực: Sử học, triết học, xã hội học, đạo đức học… Đứng trước “nhà bảo tàng” ấy, lòng tôi thầm tự hỏi: Sẽ có bao nhiêu người nữa đang chờ đợi lắng nghe những câu chuyện thấm đẫm tình đời, tình người để học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh từ những kỷ vật vô giá mà cụ Sơn dành cả cuộc đời mình để tìm kiếm và nâng niu?

Nhân chứng sống

Cụ Sơn vinh hạnh được gặp gỡ trực tiếp 39 nhân chứng sống từng gặp, làm việc, được nghe Bác Hồ nói chuyện. Cụ đã thu thập, xác minh trên 100 tấm ảnh và hơn 60 tư liệu, bút tích văn bản của Bác Hồ trong những lần Bác vào thăm Thanh Hóa. Và hàng ngàn bài báo, tư liệu của các tác giả viết về Bác Hồ đăng trên các báo đã được cụ tập hợp lại rồi bỏ tiền túi ra đi ép Plactic. 

Điều làm cụ thấy ý nghĩa nhất là những tư liệu này đều được các cơ quan chức năng như Viện bảo tàng Hồ Chí Minh… giám định, công nhận và coi đó là những tư liệu lịch sử vô cùng quý giá về Bác Hồ. Những đóng góp của cụ đã góp phần xứng đáng vào việc xuất bản 4 cuốn sách: “Bác Hồ với Thanh Hoá, Thanh Hoá làm theo lời Bác” (Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ và Ban tư liệu 2253 xuất bản); cuốn “TNXP Thanh Hoá, những chặng đường lịch sử” (Tỉnh đoàn và Ban đại diện TNXP xuất bản); “Chung một tấm lòng với Bác” (NXB Lao động) và “Trọn lòng với Bác kính yêu” (NXB Văn hoá - Thông tin)... 

Cụ Sơn báo cáo về tư liệu Bác Hồ cho đồng chí Vũ Kỳ thư ký của Bác nghe (ảnh: tư liệu) 

Đồng nghiệp của tôi- anh Đinh Ngọc Diệp- là người bạn thân thiết của cụ Sơn đưa ra nhận xét: “Ông Sơn là một người bình dị như bao người bình dị khác. Đất nươc có giặc thì đi TNXP đánh giặc. Giặc tan rồi thì cùng nhân dân dựng xây cuộc sống mới. Đến lúc nghỉ hưu, còn chút lực tàn cuối đời, ông lại lọ mọ, gắng gỏi sưu tầm, tìm kiếm di sản về Bác Hồ, làm của để dành cho muôn đời con cháu mai sau… nhằm nhân lên mãi lòng nhân ái bao la của Người”. 

Trong lời nói đầu cuốn sách “Trọn lòng với Bác kính yêu”, nhà sử học Dương Trung Quốc đã nói: “Sẽ có ý kiến khác nhau về giá trị khoa học công việc của cụ Sơn, song khẳng định chắc chắn rằng trong thời buổi kinh tế thị trường để có được con người giàu tâm huyết đam mê trong việc sưu tầm, nghiên cứu tư liệu về Bác Hồ như cụ Sơn thì thật quý, hiếm và trân trọng biết bao. Hiện nay toàn Đảng, toàn dân ta đang thực hiện “Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, những tấm gương như cụ Nguyễn Đình Sơn là những nhân tố mới cần được nhân rộng ở các địa phương, các ngành, đơn vị”. 

Văn Hùng
Bình luận
vtcnews.vn