Vàng giả SJC: Chuyên gia khẳng định "khó phân biệt"

Kinh tếThứ Bảy, 28/08/2010 10:13:00 +07:00

(VTC News) - Đối với vàng giả SJC, những người trong nghề, nhìn quen mới có thể phân biệt được, còn “chắc chắn NTD không thể nào biết được”.

(VTC News) - Đối với vàng giả SJC, những người trong nghề, nhìn quen mới có thể phân biệt được, còn “chắc chắn NTD không thể nào biết được” – Đó là nhận định của không ít chuyên gia vàng Việt Nam khi đánh giá về tình trạng giả vàng tinh vi này.


Quá tinh vi

Chiều 26/8, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC thông báo vừa phát hiện khoảng 50- 60 lượng vàng miếng SJC (loại 1 lượng) đã bị mài mòn (vàng bào), không đúng trọng lượng tiêu chuẩn hoặc làm nhái không đúng với chất lượng vàng miếng SJC 999.9.

Vàng giả (trái)và thật mặt khắc chữ số. Ảnh: TL 
Thông tin này khiến một số người tiêu dùng (NTD) tỏ ra hoang mang, bởi sau 20 năm có mặt trên thị trường, chiếm trên 80% thị phần vàng miếng ở Việt Nam, đây là lần đầu tiên, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn phát hiện ra vàng nhái của SJC.

Theo anh Nguyễn Công Hiếu, trưởng phòng bán lẻ của Công ty vàng bạc đá quý Phú Quý: Từ khi có thông tin từ phía SJC, ngay ngày hôm đó (28/08), “khách khi vào cũng có hỏi nhân viên bán hàng nhưng ít thôi, vì thương hiệu vàng SJC đã là một thương hiệu rất lớn trong lòng người dân rồi”.

Vì chưa có một quy trình chuẩn để giải thích với khách hàng, nên với những vị khách lo lắng về chất lượng của sản phẩm hoặc phân vân trong cách phân biệt vàng giả - vàng thật, cửa hàng Phú Quý đã kịp thời in những thông tin đăng tải trên các báo, sau đó đưa ra cho khách hàng xem cùng với lời cảnh giác: “Đã có vàng giả, khách hàng đi mua cần để ý, chú ý những dấu hiệu nhỏ có thể phát hiện bằng mắt thường”.

Thông tin cần biết để giải quyết tình huống mua phải vàng giả

Đại diện công ty SJC cho biết, nếu mua nhầm vàng giả thương hiệu SJC, người mua nên khiếu nại trực tiếp với nơi đã bán vàng. Nếu không giải quyết được thì nhờ cơ quan chức năng giải quyết. Các miếng vàng giả nhãn hiệu SJC không phải do SJC làm ra nên công ty không thể bù đắp thiệt hại cho người mua nhầm hàng giả. Còn nếu mua phải vàng gian lận thì bên bán cũng phải giải quyết vì vàng do công ty SJC chế tác là đủ tiêu chuẩn và trọng lượng, công ty không thể chịu trách nhiệm đối với vàng đã qua lưu thông và bị cố ý gian lận.

Khi một cây vàng của Phú Quý giao ra ngoài, nhân viên luôn chỉ vào dấu lượng, nhắc nhở khách hàng nhìn kỹ: Nếu vàng 1 lượng thì trên cây vàng sẽ có có dấu 1 lượng, 5 chỉ có dấu 5 chỉ. Các cây vàng giả các series của nó sẽ bị nhòe. Ngoài ra, nhân viên Phú Quý cũng lưu ý khách mua một số đặc điểm cơ bản như: Trên miếng vàng của công ty vàng bạc đá quý SJC bao giờ cũng có chữ Saigon Jewelry company, phía dưới có chữ “SJC Rồng Vàng 999.9”, quan trọng nhất là số chỉ trọng lượng 37,5 gram (1 lượng) và ở mặt sau cây vàng có hình con rồng. Miếng vàng không được vênh, không được rập dấu của bất kỳ một doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc nào.

“Ví dụ: Khi miếng vàng SJC có dấu của Phú Quý là không được” – anh Hiếu giải thích cụ thể hơn.

Đặc biệt, một miếng vàng được cho là an toàn nhất phải chú ý ở khâu bao bì. Bao bì bên ngoài quanh viền của SJC chính hiệu luôn luôn phải có chữ SJC.

Theo anh Hiếu: “Hiện tại, công nghệ làm giả chưa tinh vi nên mình vẫn có thể phân biệt mắt được”. Anh nghĩ là: “Sau đợt này, công ty vàng bạc SJC nên giúp khách hàng phân biệt rõ ràng hơn một chút. Vì bọn tôi làm quen thì nhìn được thôi, để nói một quy chuẩn thì hơi khó, do thực tình chưa có quy chuẩn gì”.

Phó tổng Giám đốc Công ty Vàng bạc Phú Quý, ông Phạm Hải Âu khẳng định rằng: Không phải cho tới bây giờ (khi xảy ra hiện tượng vàng giả) mà vì quyền lợi khách hàng, từ trước tới nay, khi khách hàng vào giao dịch tại Phú Quý đều được nhân viên tại đây hướng dẫn tỉ mỉ dấu hiệu nhận biết vàng thật như thế nào, cũng như kiểm tra quy cách. Tại mỗi quầy hàng đều có bảng ghi dẫn khách hàng rất cụ thể và rõ ràng.

Tại công ty vàng bạc Bảo Tín Minh Châu, khi có thông tin về vàng giả SJC, đã có một bộ phận chịu trách nhiệm được đào tạo thêm để có cách nhận biết vàng SJC giả một cách rõ ràng nhất.

Trao đổi với PV VTC News, anh Hoàng Hữu Định, phụ trách kinh doanh vàng nguyên ngoại tệ của Bảo Tín Minh Châu cho biết: Trước đây, ở Hà Nội đã xảy ra tình trạng này, nhưng ở ngoài là vàng, ở trong không phải là vàng. Miếng vàng làm giả hồi đó cũng rất thô sơ, thủ công, hoa văn cũng rất đơn giản, không có quy mô làm giả, chỉ là bắt chước giống như sự khác nhau giữa một cái bánh làm bằng máy một cái bánh được làm bằng tay.

Lần này, SJC bị giả, theo anh Định: “Thực sự là tinh vi hơn”. Anh Định lý giải: Trước hết, nó đều là vàng và vàng khác tuổi, độ bóng đẹp tương đối. Loại này làm từ nguyên liệu vàng 9,5- 9,7 tuổi. Do vậy, nếu so với vàng 10 tuổi của SJC thì mỗi miếng vàng một lượng, người mua sẽ bị thiệt hơn 1,4 triệu đồng tính theo giá vàng chiều 26/8 (29,05 triệu đồng/lượng).

Chuyên gia khẳng định: Người dân khó thể nào biết được

Căn cứ vào một số điều nhận biết thì anh Định cho rằng: Chỉ những người nhìn quen mới biết thôi, còn “chắc chắn NTD không thể nào biết được”.

Vàng giả (trái) và thật mặt khắc con rồng Ảnh: TL 
Hiện tại, để tránh tình trạng hàng giả, cũng như phương án SJC đề ra, Bảo Tín Minh Châu yêu cầu dán giấy bảo đảm của doanh nghiệp vào miếng vàng đó.

Tuy nhiên, theo ý kiến riêng của bản thân anh Định thì “đó chỉ là cách khắc phục trước mắt còn nếu tính lâu dài, mình nghĩ cũng không ổn. Bởi vì khi quay khỏi cửa hàng, ai chẳng dán được cái giấy đó”. “Đây chỉ là cách giải quyết trước mắt, cũng là cái bất cập khiến NTD xáo trộn, vì khi NTD biết được thông tin này, ảnh hưởng rất lớn”, với cách dán giấy bảo hành “mình nghĩ chưa thực sự làm NTD yên tâm”– anh Định thẳng thắn nói.

Ở Hà Nội, hiện tại, chưa phát hiện ra một trường hợp nào “dính” tình trạng vàng giả SJC này, nhưng theo phán đoán của một số chuyên gia vàng trong nước: Khi trong Sài Gòn đã phát hiện ra 50 - 60 lượng vàng giả như thế thì thị trường ngoài Bắc này cũng có thể có rồi nhưng liệu quan trọng là đã phát hiện được ra hay chưa thôi.

Với câu hỏi” Vàng rồng Thăng Long liệu có khi nào bị làm giả không”, anh Định khẳng định: “Để lọt được vàng rồng Thăng Long, mình nghĩ là rất khó”.
 
Để tránh tình trạng làm giả Vàng rồng Thăng Long, Bảo Tín Minh Châu nghiêm ngặt, chặt chẽ ngay từ khâu đào tạo nghiệp vụ tư những ngày đầu tiên nhân viên vào học việc tại công ty.

Theo thông tin từ anh Định, đội ngũ nhân viên ngay từ khâu học việc đã cho xem tất cả vàng nhẫn, vàng ngày xưa, chỉ ra từng chi tiết trên một miếng vàng dù là nhỏ nhất. Để khi một miếng vàng sản xuất ra có thể bị lỗi, người đầu tiên phát hiện ra điều này sẽ luôn luôn là nhân viên.

Ngoài ra, theo anh Định, một điều nữa minh chứng cho việc vàng rồng Thăng Long rất khó làm giả đó là: SJC kinh doanh từ rất lâu đời, trong khi đó, vàng Bảo Tín Minh Châu mới chỉ từ năm 2007. Rồng của SJC là rồng chìm, còn rồng của Bảo Tín Minh Châu là rồng nổi. “Làm giả rồng nổi rất là khó, hơn nữa có chữ ký của tổng giám đốc. Có những hoa văn nổi, nên để làm được cái này hoàn toàn không hề dễ”.

Tuy nhiên, từ kinh nghiệm của SJC, một số doanh nghiệp kinh doanh vàng cũng cảnh giác, đề phòng hơn với vàng thương hiệu, độc quyền của mình.

Hiện công ty SJC cũng đang phối hợp với cơ quan chức năng tích cực kiểm tra nhằm phát hiện vàng giả, vàng nhái có mặt trên thị trường. Theo bà Trần Ngọc Anh, phòng maketting Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC, số lượng vàng giả cũng chỉ nằm trong số 50 – 60 lượng vàng giả đã phát hiện, ngoài ra, hiện tại không lưu hành ở trong dân.

Vì vậy, bà Ngọc Anh khuyên: “NTD không có gì phải hoang mang”. Trước có bất kỳ một nghi vấn nào, NTD nên kiểm tra xem miếng vàng đó có nằm trong bao bì của SJC hay không bởi “miếng vàng còn nguyên trong bao của SJC, miếng vàng này đảm bảo nhất về trọng lượng và tuổi vàng”.



Tiểu Phương
Bình luận
vtcnews.vn