Vấn nạn xin - cho khiến nhiều đảng viên trở nên nhỏ bé, hèn mọn

Thời sựThứ Hai, 25/01/2016 12:41:00 +07:00

Tồn tại suốt nhiều năm nay, nhưng cơ chế xin - cho lại là một vấn nạn mà khi bàn đến người ta chỉ biết lắc đầu ngao ngán.

Tồn tại suốt nhiều năm nay, nhưng cơ chế xin - cho lại là một vấn nạn mà khi bàn đến người ta chỉ biết lắc đầu ngao ngán.

Từ hội nghị Trung ương Đảng 12, 13, 14 khóa XI cho đến bây giờ đang diễn ra Đại hội XII Đảng Cộng sản Việt Nam, sáng nào tập thể dục, các cụ hưu cũng tụ tập bàn bạc về nội dung, đặc biệt là chuẩn bị nhân sự của Đại hội.

Các cụ là ai? Là những đảng viên kỳ cựu từng đi qua chiến tranh Vệ quốc khốc liệt, từng vật lộn, vượt qua thời kỳ “tập trung quan liêu bao cấp” nghiệt ngã, từng tham gia và thụ hưởng thành quả 30 năm Đổi mới. Họ là giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ các trường đại học, các viện nghiên cứu; là cán bộ trung cao cấp của Đảng và Nhà nước.
Nhiều cán bộ nghỉ hưu nhưng vẫn tâm huyết với công việc hệ trọng của Đảng, đất nước (Ảnh minh họa: Internet)
Nhiều cán bộ nghỉ hưu nhưng vẫn tâm huyết với công việc hệ trọng của Đảng, đất nước (Ảnh minh họa: Internet) 
Phần đông các cụ tuy tuổi cao, nhưng vẫn thường xuyên nghe đài, xem hình, đọc báo hàng ngày. Không ít cụ vẫn nhanh tay lia “chuột”, mổ cò bàn phím, lên “Phây” đàm luận. Nói như vậy có nghĩa là các cụ còn minh mẫn. Một khi trí tuệ còn minh kết hợp với kinh nghiệm sống đầy đặn thì ý kiến các cụ là có “nhìn trước, ngó sau” và mong muốn được đóng góp ý kiến với Đảng.

Một điểm chung của cán bộ hưu trí là nghĩ thẳng, nói thật, đậm chất phản biện. Điều mà khi còn đương chức không phải là phổ biến. Thế nhưng, Đảng, Nhà nước, Mặt trận tập trung xin ý kiến một số cụ ở Trung ương và chọn lọc một số địa phương, còn đại đa số cán bộ hưu trí ở cơ sở không được tham gia góp ý có tổ chức.

Người viết bài này sinh hoạt trong một đảng bộ phường ở Thủ đô hơn 2.000 đảng viên, cả chục năm nay mà chưa một lần được tổ chức góp ý văn kiện Đảng, Hiến pháp mới một cách đích thực. Nói đích thực ở đây là chất lượng, là có thời gian nghiên cứu cần thiết, có kế hoạch cụ thể, có tiếp thu, phản hồi.

Sự thật là Tuyên giáo thành phố Hà Nội đưa xuống cơ sở Bản Hiến pháp sửa đổi và kèm theo ý kiến thúc giã là hai ngày sau xin lại ý kiến để kịp tổng hợp báo cáo lên trên. Dự thảo văn kiện đại hội Đảng XII lấy ý kiến đảng viên cơ sở trong một ngày. Vậy nên đa số ý kiến là đồng ý với dự thảo. Kiểu lấy ý kiến đóng góp vào văn kiện Đảng như thế là hình thức.

Vậy nên các cụ tranh thủ “diễn đàn thể dục” để bày tỏ, tranh luận. Người viết bài này xin chấp bút như sau:

Sau 40 năm thống nhất đất nước, 30 năm đổi mới chúng ta giành được nhiều thắng lợi căn bản như báo cáo của Đảng đã khẳng định, nhưng so với các nước trong khu vực và trên thế giới, nước ta vẫn còn bước dừng, thậm chí tụt hậu.

Các cụ tâm đắc với ý kiến phát biểu tâm huyết tại Đại hội Đảng XII của đồng chí Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư. Phải đổi mới thể chế chính trị để mở lối cho phát triển.

Phải đổi mới quyết liệt công tác cán bộ từ Trung ương xuống địa phương, từ lãnh đạo đến cán bộ cơ sở. Đặc biệt là phải đẩy lùi và từng bước xóa bỏ cơ chế “xin - cho”. Đây là cơ chế nảy sinh trong lòng chúng ta và phá ta từ trong ra.

Cơ chế này còn tồn tại ngày nào là phá hoại, làm mục ruỗng nền tảng đạo đức ngày ấy. Xin - cho làm cho cán bộ, đảng viên, người dân nhỏ bé, hèn mọn, mất hết tự tin, tự trọng, chỉ dẻo mồm xin xỏ.

Xin không được thì chửi, bôi nhọ, thậm chí dùng bàn tay xã hội đen để triệt hạ lẫn nhau. Tết nào cũng cấm biếu xén, nhưng càng cấm càng biếu, cấm dùng xe công thì chạy xe tư, không đi cửa trước thì luồn cửa sau, e ngại trực tiếp đưa quà cho sếp thì nhờ phu nhân sếp nhận hộ.

Đau khổ là những dịp ơn nghĩa truyền thống như hiếu, hỷ, sinh nhật, lì xì ngày Tết, rằm trung thu…biến thành “hối lộ” công khai. Các cụ đưa ra nhiều ví dụ lắm, toàn chuyện con cháu, họ hàng, làng quê mình.

Một ông có hai cháu tốt nghiệp đại học loại khá hẳn hoi mà cả mấy năm nay không xin được việc làm tử tế. Các địa chỉ xin vào đều ra giá “có 500 triệu việc này mới xong”.

Có bà xin chuyển con đang ở ngoại thành về nội thành cho gần nhà phải chạy vạy, vay nóng để kịp lót tay ít nhất là 50 triệu, nhiều hơn là vài ba trăm triệu. Còn lo lót để thăng chức thì các cụ hưu không thể tưởng tượng nổi, phải tính trăm nghìn đến cả triệu đô la Mỹ.

Thấy hết, biết hết, nhưng không ai dám tố cáo, bởi người thân đang chờ câu trả lời: “nhận hay không”, bởi sợ vi phạm những điều cấm kỵ, mang tiếng là “gây mất đoàn kết”.

Từ cái đơn to nhất là cấp ngân sách, thiêng liêng nhất là vào Đảng đến đơn từ nhỏ nhất là đưa con em vào trường học, báo tử, khai sinh, kết hôn, ly hôn, vào hộ nghèo, thoát nghèo… đều phải có chữ “xin”. Có cho ắt phải xin. Ai xin? Ai cho? Ai to, ai trên, ai có quyền, có lực thì cho. Cấp dưới, kẻ nhỏ, yếu thế, thường dân thì phải xin. Nghe nhiều quá, ong hết cả tai, vị đại tá, từng đi qua chiến tranh giữ nước, bảo vệ biên giới buột mồm: “Cho tôi xin hai chữ bình yên thôi”.

Phải nhìn thẳng vào thực trạng “lợi ích nhóm” để có dũng khí, có giải pháp tích cực hạn chế đến xóa bỏ. Cách đây ba năm, tôi có bài báo về “Lợi ích nhóm”, nhưng không có tờ nào đăng. Mãi khi Tổng Bí thư nói rõ thực trạng này thì một tờ báo mới dùng, nhưng tất nhiên phải cắt bỏ những bình luận mạnh mẽ.

Thật sự thông cảm với cái khó của cơ quan báo chí và nhà báo. Nói sao, viết sao cho trên không phê phán, kỷ luật, dưới, dân không chê thì thật là nan giải. Lợi ích nhóm nói nhiều trong hội nghị, qua hội thảo, đã thành đề mục in đậm trong nghị quyết để chống trả quyết liệt. Nhưng càng nói, càng chống, căn bệnh này càng phát triển, càng tinh vi.

Đỉnh cao của lợi ích nhóm là kết hợp giữa lợi ích kinh tế với quyền lực, hoạch định chính sách. Nguy hiểm hơn, có nơi, có lúc kéo bè kết cánh với xã hội đen. Lợi ích nhóm đi ngược lại lợi ích dân tộc, nhân dân, cộng đồng là bước phát triển cao của tham nhũng.

Một khi tham nhũng kết hợp với lãng phí, chạy theo thành tích thì hậu quả vô cùng tai hại. Lúc đó, phá Đảng, phá chế độ không còn là nguy cơ từng cảnh báo mà là hiện thực nghiệt ngã.

Giám sát quyền lực là vấn đề được cán bộ hưu trí bàn luận nhiều. Các vị từng là người có chức, có quyền nên rất hiểu sử dụng quyền lực, nay càng lo lắng, bất an khi quyền lực có nơi, có lúc tập trung đến “độc đoán chuyên quyền”.

Lý luận là “tập trung dân chủ”, là “tập thể lãnh đạo, cá nhân chịu trách nhiệm” là lập pháp, hành pháp, tư pháp dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thực tiễn là “khi vui thì vỗ tay vào/Đến khi hoạn nạn thì nào thấy ai”.

Thành tích là của chung. Khi có khuyết điểm, sai lầm, không ai đứng ra chịu trách nhiệm. Trách nhiệm cá nhân cao nhất của người đứng đầu là khi có sai lầm, khuyết điểm thì nhanh chóng nhận lãnh, đến mức nào đó phải từ chức. Lịch sử Đảng và Nhà nước ta có nhiều tấm gương lãnh tụ nhận khuyết điểm trước dân, xin từ chức và được dân kính trọng. Ngày nay thật hiếm.

Quốc hội, Hội đồng Nhân dân thực hiện nhiều cuộc giám sát chuyên đề được cử tri và nhân dân hoan nghênh, nhưng xử lý hậu giám sát kém hiệu quả. Có nhiều vụ việc rơi vào “đánh trống bỏ dùi”. Khẩu hiệu hành động “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” có từ lâu, nhưng thiếu sức sống, kém hiệu quả vì một điều hết sức cốt tử là chưa công khai, rõ ràng, minh bạch. Đảng viên, nhân dân muốn góp ý cho các ứng cử viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII lắm, nhưng không tìm ra danh sách.

Cán bộ hưu trí, nhân dân rất kỳ vọng vào chức năng giám sát, phản biện của Mặt trân Tổ quốc Việt Nam. Việc làm của Trung ương Mặt trận đã thấy rõ, rất hoan nghênh và ủng hộ, nhưng cấp địa phương thì mờ nhạt. Đặc biệt là cấp cơ sở.

Tôi đã có lần được dự hội nghị tiếp xúc đại biểu Hội đồng nhân dân Quận, giữa thủ đô Hà Nội. Sau khi nghe ý kiến của cử tri, vị đại biểu HĐND quận xin tiếp nhận đầy đủ và báo cáo lại Thường vụ Quận ủy. Một lần khác, vị đại biểu HĐND phường đọc báo cáo hoạt động của Ủy ban Nhân dân để cử tri đóng góp ý kiến.

Một khi cán bộ Đảng cử, dân bầu ở cơ sở chưa rành chức năng nhiệm vụ của mình, cái gì cũng báo cáo Đảng ủy, Ủy ban Nhân dân, xin ý kiến Thường vụ thì làm sao giám sát, phản biện được. Nếu không làm triệt để, bài bản, xây dựng từ cơ sở thì “giám sát, phản biện” chỉ là suông.

Khi vị đại tá về hưu xin hai chữ bình yên thì yên bình đầu tiên là giữ cho bằng được toàn vẹn mặt đất, vùng biển, vùng trời của nước nhà. Đảng, Nhà nước, Nhân dân phải biết, phải nhớ và tôn vinh các chiến sỹ, đồng bào, cán bộ, đảng viên đã hy sinh trong chiến tranh Vệ quốc và bảo vệ biên giới, biển đảo. Vị đại tá này từng chiến đấu ở Thanh Thủy, hàng năm lên thắp hương cho các liệt sỹ trên đó.

Tôi từng chiến đấu, công tác từ mùa hè 1978 đến mùa xuân 1982 ở biên giới Đông Bắc nên chúng tôi hay đàm đạo với nhau. Chúng tôi thấu hiểu và ghi tạc chiến công cùng nỗi đau thắt ruột xé lòng ở đây.

Ông tâm đắc với phát biểu tại Đại hội XII của Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư TW Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam: “Việc dựng nước đi đôi với giữ nước, xây dựng gắn liền với bảo vệ Tổ quốc là quy luật tồn tại và phát triển của đất nước. Xây dựng tiềm lực, sức mạnh tổng hợp của đất nước ngay từ thời bình là kế sách “lo giữ nước từ lúc nước chưa nguy”.

Nguồn: VOV
Bình luận
vtcnews.vn