Văn hoá, nhìn từ hội chọi trâu: Rất gần sự phản phúc, bạc tình

Thời sựThứ Bảy, 15/07/2017 16:48:00 +07:00

TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng việc một "ông trâu" vô địch mang vinh quang rất lớn cho ông chủ nhưng lại bị giết ngay sau đó thì đó không phải là cách ứng xử có ân, có nghĩa.

Xung quanh vụ việc 'ông trâu điên' húc tung chủ nhân trên sân chọi trâu Đồ Sơn 2017, TS Nguyễn Sĩ Dũng (Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) đã có góc nhìn rất riêng.

trau choi 8

 TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng chính việc thương mại hoá xô bồ lễ hội chọi trâu hay bất kỳ lễ hội nào khác chắc chắn sẽ dẫn đến nhiều hệ quả tiêu cực.

Trâu húc chết chủ trong lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là một tai nạn hay một hệ quả khó tránh của lễ hội?

Quả thực, khẳng định là tại nạn hay là hệ quả đều không dễ. Điều dễ khẳng định hơn là việc thương mại hoá xô bồ lễ hội chọi trâu hay bất kỳ lễ hội nào khác chắc chắn sẽ dẫn đến nhiều hệ quả tiêu cực.

Lễ hội chọi trâu ban đầu chỉ được tổ chức ở Đồ Sơn, Hải Phòng. Nhưng trong thời gian gần đây, kiểu lễ hội như vậy đã được tổ chức ở hàng chục nơi khác. Nếu lễ hội ở Đồ Sơn là truyền thống văn hoá, thì lễ hội chọi trâu ở những nơi khác chỉ đơn thuần là một kiểu showbiz, một kiểu khai thác thương mại mà thôi. Người ta tổ chức để thu tiền và bán thịt trâu.

Công bằng mà nói, cho dù là truyền thống văn hoá, thì đằng sau rất nhiều lễ hội là lợi ích kinh tế. Ít nhất, thì người ta tổ chức lễ hội cũng để thúc đẩy du lịch, để quảng bá hình ảnh cho địa phương. Lễ hội còn mang đến rất nhiều nguồn thu khác như từ các dịch vụ đi kèm, từ các vật phẩm văn hoá, tâm linh... Thiếu động lực kinh tế, các lễ hội khó được bảo tồn và phát triển.

Vấn đề vì vậy, không phải là tìm cách chống lại lợi ích kinh tế của các lễ hội, mà là bảo đảm bản chất văn hoá của chúng. Kinh tế và văn hoá không nhất thiết phải mâu thuẫn với nhau, mà ngược lại còn hỗ trợ và bổ sung cho nhau.

Lấy lễ hội chọi trâu Đồ Sơn làm ví dụ, chúng ta sẽ thấy giữ cách làm truyền thống là rất đáng băn khoăn về văn hoá, mà chưa chắc đã mang lại lợi ích kinh tế lớn hơn.

Một "ông trâu" vô địch mang vinh quang rất lớn cho ông chủ. Từ một người ít ai biết, chủ nhân của nó có thể trở nên nổi tiếng khắp vùng, khắp nước. Thế thì giết ông trâu vô địch để bán thịt với giá cao không phải là cách cư xử có ân, có nghĩa.

Về mặt văn hoá, cũng như về mặt đạo lý, đây là cách cư xử rất có vấn đề. Nó là một cái gì đó rất gần với sự phản phúc, sự bạc tình, bạc nghĩa... Đây chắc chắn không phải là văn hoá. Không có thứ văn hoá nào phục vụ cho những điều như vậy cả!

Có người sẽ lập luận rằng đây là truyền thống của cha ông nên chúng ta phải gìn giữ. Đồng ý là phải gìn giữ. Nhưng muốn gìn giữ được thì phải phát triển. Chúng ta đang sống trong một thời đại rất khác với cha ông mình trước đây.

Thực ra, chúng ta vẫn có thể thu được những lợi ích kinh tế to lớn bằng cách đối xử tử tế với những ông trâu đã thắng cuộc. Chăm sóc các ông trâu này để lấy giống có thể là cách khai thác thương mại hết sức hiệu quả.

Video: Chơi trâu chọi, các chủ trâu ở Đồ Sơn phải đầu tư bao nhiêu?

Ở nhiều nước trên thế giới, dòng giống của "nhà vô địch" sẽ đắt gấp hàng chục, hàng trăm lần các con khác. Cách làm này còn giúp lưu giữ nguồn gen quý giá cho việc phát triển các giống trâu chọi sau này.

Một ông trâu vô địch còn có thể được sử dụng để quảng cáo cho rất nhiều vật phẩm để bán trên thị trường. Đó là chưa nói tới việc có thể tổ chức các tour du lịch để giới thiệu về lễ hội chọi trâu và khách du lịch sẽ có điều kiện "chiêm ngưỡng" tận mắt những "ông" trâu vô địch.

Cách hành xử như trên chắc chắn là có văn hoá hơn và cũng mang lại lợi ích kinh tế hơn. Làm cho các lễ hội trở nên văn hoá hơn để đạt được những lợi ích kinh tế lớn hơn là xu hướng mà chúng ta cần thúc đẩy.

TS Nguyễn Sĩ Dũng
Bình luận
vtcnews.vn