Văn hóa ĐTDĐ

Tổng hợpThứ Ba, 24/05/2011 10:20:00 +07:00

Ở thời đại ngày nay, người ta ăn cũng điện thoại, ngủ cũng điện thoại. Điện thoại đã trở thành vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày.

Ở thời đại ngày nay, người ta ăn cũng điện thoại, ngủ cũng điện thoại. Điện thoại đã trở thành vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng hãy sử dụng sao cho chiếc điện thoại di động là người bạn thân thiết của chúng ta theo một chiều hướng tích cực và có văn hóa. Nhiều người cho rằng, nên chăng đã đến lúc phải xếp hành vi sử dụng điện thoại vào việc đánh giá tư cách một con người? Và sau đây là những lời khuyên hữu ích khi sử dụng ĐTDĐ.

 

1. Đừng cố bịt microphone

Đây là một thói quen của khá nhiều người dùng điện thoại di động. Đôi khi chúng ta dùng tay bịt microphone khi tạm thời dừng cuộc đối thoại để nói điều gì đó với những người xung quanh. Cách này chỉ hiệu quả trên điện thoại bàn mà thôi. Độ nhạy của microphone trên điện thoại di động lớn hơn rất nhiều, và vẫn có thể bắt được âm thanh ngay cả khi bạn đã bịt nó lại.

Vậy giải pháp nào cho trường hợp này? Chúng ta có thể sử dụng một trong 2 chức năng mà gần như điện thoại nào cũng có. Đầu tiên là phím Hold để đưa người ở đầu dây bên kia vào trạng thái chờ, trong lúc chờ họ có thể nghe nhạc từ điện thoại của bạn. Chức năng thứ hai là Mute, microphone sẽ được tắt hoàn toàn và bạn có thể yên tâm nói chuyện với người bên cạnh. Đây là 2 phương pháp hiệu quả 100%, chắc chắn đầu dây bên kia sẽ không thể biết bạn đang nói gì.

 2. Nếu bạn sử dụng Microphone đi kèm tai nghe, không cần phải dí nó lên miệng

Thêm một trường hợp khác cho việc đánh giá thấp khả năng của microphone. Người ta mô tả sản phẩm này với cụm từ “rảnh tay đàm thoại” là có lý do. Microphone đi kèm bộ tai nghe có độ nhạy cực lớn và có thể thu lại giọng nói của bạn rất rõ ràng kể cả khi nó được thả xuống ngực. Vì vậy việc cầm microphone và đưa lên miệng mỗi lúc nói là điều không hề cần thiết.

Có thể trong một vài trường hợp khi bạn đang ở một nơi quá ồn ào, việc đưa microphone lên giúp loại bỏ tiếng ồn xung quanh. Tuy nhiên vẫn nhiều người có thói quen đưa microphone lên gần miệng mọi lúc mọi nơi.

 3. Nói nhỏ thôi

Nói chuyện quá to trên điện thoại là một thói quen rất xấu. Không những làm người nghe máy cảm thấy khó chịu mà còn gây ác cảm cho những người xung quanh. Một người lịch thiệp và có văn hóa luôn nói chuyện một cách nhỏ nhẹ để tránh làm phiền những người xung quanh. Nếu bạn không muốn bị đánh giá là một kẻ thô lỗ thì hãy bỏ thói quen này ngay.

 4. Hãy gỡ miếng dán màn hình có sẵn trên điện thoại

Những miếng dán trên màn hình di động của bạn chỉ có tác dụng bảo vệ màn hình từ lúc xuất xưởng tới khi bạn đã mua nó. Sau đó người dùng nên bóc miếng dán này ra, tuy nhiên nhiều người vẫn tiếc rẻ và cho rằng miếng dán này vẫn còn có ích. Thậm chí một số hãng còn in chữ hoặc hình lên miếng dán này để buộc người dùng phải bóc ra. Tuy mỏng và trong suốt, nhưng miếng dán đi kèm vẫn có thể là màu sắc hiển thị bị sai lệch. Nếu là màn hình cảm ứng thì độ nhạy sẽ giảm đi đáng kể.

 5. Đừng để “đũa mốc chòi mâm son”

Vài người mua những chiếc điện thoại cực kỳ đắt tiền và phong cách, nhưng lại khoác cho nó 1 bộ vỏ cũng cực kỳ xấu xí. Thế mới biết chẳng phải ai cũng có khiếu thẩm mỹ. Nếu bạn muốn bảo vệ chiếc điện thoại thân yêu thì cũng đừng nên đặt nó trong một cái bao cục mịch và xấu xí. Giá trị và vẻ đẹp của chiếc điện thoại bạn sở hữu dễ dàng bị hủy hoại chỉ vì một phụ kiện rẻ tiền. Vì vậy sẽ là ý kiến hay nếu hỏi ý kiến bạn bè để lựa chọn một chiếc vỏ phù hợp.

 6. Để chuông điện thoại quá to

Trừ khi bạn bị lãng tai hoặc thường xuyên làm việc trong môi trường quá nhiều tiếng ồn, thì chớ nên đặt chuông điện thoại âm lượng lớn. Tiếng chuông quá lớn sẽ gây ảnh hưởng tới những người xung quanh bạn. Hãy đặt mức âm lượng vừa phải để bạn có thể nghe thấy mỗi khi có người gọi hoặc tin nhắn, nếu không bạn sẽ nhận được những cái nhìn khó chịu của mọi người.

 7. Tự tin vào các loại «màn hình siêu bền»

Các loại smartphone màn hình cảm ứng hiện đại thường được trang bị 1 lớp thủy tinh được quảng cáo là siêu bền, chống xước và chống va đập. Một sản phẩm điển hình cho kiểu quảng cáo này là Gorilla Glass, mà nhà sản xuất thông tin rằng nó có độ cứng và dẻo gấp nhiều lần thủy tinh thông thường. Dĩ nhiên không ai bảo Gorilla Glass là không bền, nhưng như thế không có nghĩa là nó sẽ đủ sức đương đầu với tất cả mọi vật cứng trong túi quần của bạn, càng không có nghĩa là nó sẽ không vỡ nếu bạn đánh rơi. Vài chiếc chìa khóa, một chiếc dũa móng tay kết hợp với túi quần bò chật đều có thể khiến mặt màn hình của bạn  thành ra xước như... mặt giặc. Hơn thế nữa, có rất nhiều sản phẩm sử dụng Gorilla Glass vẫn dễ dàng vỡ tan màn hình khi rơi hoặc va đập. Thử lên Google tìm kiếm và bạn sẽ gặp không ít máy rơi vào trường hợp này. Giải pháp? Dùng dán màn hình, cẩn thận hơn khi nhét máy vào túi, tránh để chung máy với vật cứng và trên hết là chớ có đánh rơi.

 8. Dùng ảnh bản thân làm hình nền cho điện thoại

Những người để ảnh bản thân mình làm phông nền thường bị đánh giá là người tự phụ, đặc biệt là nam giới. Điều này chẳng khác gì mang theo một bức ảnh của bản thân bên mình, thi thoảng lại giở ra... ngắm nghía. Nếu bạn có nhu cầu ngắm nghía bản thân, có lẽ 1 chiếc gương là hoàn toàn đủ, hãy để hình nền trên điện thoại được yên.

Trái lại, nếu như bạn sử dụng một bức ảnh của người thân để làm hình nền thì lại là chuyên hoàn toàn bình thường, thậm chí còn chứng tỏ rằng bạn là con người có tính cách hướng nội, thích sống vì gia đình.

 9. Chờ đến lúc máy hết sạch pin mới sạc

Một vài người có thói quen chờ đến khi máy tắt ngóm mới đem đi sạc. Họ cho rằng pin sẽ bị “chai” nếu sạc quá sớm. Tuy nhiên điều này chỉ đúng với những loại pin cũ, hiện nay đa số thiết bị di động đều sử dụng pin Li-Ion chống “chai” pin. Hơn nữa, sạc liên tục và giữ cho pin luôn đầy sẽ giúp bạn tránh khỏi những tình huống khẩn cấp phải dùng điện thoại nhưng chẳng may hết pin. Bạn nên có ít nhất 2 bộ sạc, để ở nhà và nơi làm việc. Không nên quá hà tiện vì chúng chẳng hề đắt. Dự phòng một bộ sạc tại nơi làm việc sẽ giúp bạn luôn giữ pin ở trạng thái đầy. Hơn nữa đỡ phải đi hỏi mượn các đồng nghiệp, một vài lần thì không sao nhưng đừng để đến lúc “giọt nước làm tràn ly”.

 10. Vứt điện thoại lung tung, hay quên không mang theo điện thoại bên mình.

 Nhiều người có thói quen quẳng điện thoại linh tinh rồi biến đi đâu mất. Chẳng may có cuộc gọi đến thì những người xung quanh sẽ phải ngồi nghe nhạc chuông của bạn. Tất nhiên những người lịch sự thì chẳng bao giờ động đến điện thoại người khác và họ sẽ chờ đến khi cuộc gọi chấm dứt, nhưng nhỡ đầu dây bên kia liên tục gọi lại thì sao? Kể cả những người dễ tính nhất cũng phải phát khùng lên.

Hơn thế nữa, những người nóng tính cũng sẽ cảm thấy rất bực mình khi bạn có điện thoại di động mà chẳng khác gì điện thoại... cố định. Gọi nhiều lần không được dễ gây cảm giác ức chế, nhất là khi có việc gấp. Để điện thoại hớ hênh cũng tạo điều kiện cho những kẻ cơ hội, đây là kinh nghiệm đau thương của nhiều người, họ đã không bao giờ được gặp lại chiếc điện thoại thân yêu của mình nữa. Tốt nhất là nên giữ điện thoại bên mình mọi lúc mọi nơi, “cẩn tắc vô ưu”.

 11. Dùng nhạc chuông “khó chịu” và không tắt chuông lúc cần thiết

Nhạc chuông của bạn không phải chỉ 1 mình bạn nghe thấy. Hãy chọn nhạc chuông phù hợp và đừng để những người xung quanh bạn phải phì cười hoặc liếc mắt ác cảm. Ở nơi công cộng hoặc làm việc, chống chỉ định những loại nhạc chuông “xì-tin”, tục tĩu v.v… Người ta sẽ đánh giá bạn đấy. Hơn nữa, khi đi vào những nơi trang trọng như đám tang tốt nhất là tắt chuông điện thoại. Đừng để giữa lễ viếng lại vang lên tiếng gà gáy hay 1 tràng cười khanh khách. Trong phòng học, phòng họp cũng vậy.

 12. Nháy máy và đợi người khác gọi lại

Rất nhiều người tỏ ra khó chịu bị nháy máy và phải gọi lại. Điều này có thể châm chước được nếu bạn đang dùng gói trả trước và còn rất ít tiền. Tuy nhiên việc này chỉ nên xảy ra một vài lần, bằng không bạn sẽ bị coi là một đứa keo kiệt. Và mọi người thì ghét tính keo kiệt.

 13. Gọi điện thoại ngay cả khi có thể nhắn tin

Một cuộc gọi đòi hỏi người nghe phải bỏ dở công việc họ đang làm để bắt máy. Nếu không có việc gì gấp, tin nhắn là một giải pháp tốt để người nhận có thể đọc lúc họ rảnh tay.

Ai chẳng bực khi đang có việc quan trọng mà nhận phải một cuộc gọi “tâm sự”, họ chỉ muốn dập máy càng sớm càng tốt mà thôi. Hoặc nếu bạn nghĩ rằng cuộc gọi chỉ trong khoảng 10 giây thì tốt nhất nên nhắn tin.

 (Theo GenK)

Thành Trung

Bình luận
vtcnews.vn