Vẫn công nhận kết quả thi tốt nghiệp của 11 tỉnh ĐBSCL

Giáo dụcThứ Sáu, 24/06/2011 07:48:00 +07:00

(VTC News)- “Về góc độ học sinh thì các em không sai nên Bộ GD&ĐT sẽ không chấm lại và chấp nhận kết quả sơ bộ mà các địa phương đã duyệt…”

(VTC News)- “Về góc độ học sinh thì các em không sai nên Bộ GD&ĐT sẽ không chấm lại và chấp nhận kết quả sơ bộ mà các địa phương đã duyệt…”


Chiều qua 23/6, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã gặp gỡ báo chí để thông báo về việc 11 sở GD&ĐT các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL có biên bản thỏa thuận cách chấm thi các môn tự luận tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2011 được dư luận phản ánh là “cho điểm vô tội vạ”

Trả lời báo chí về kết luận sự việc nêu trên, ông Nguyễn Vinh Hiển, thứ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định: “Tôi xin nhắc lại, Bộ GD&ĐT vẫn khẳng định chỉ có duy nhất một hướng dẫn chấm thi. Theo quy chế, khi thảo luận về hướng dẫn chấm có vấn đề gì băn khoăn hay thắc mắc thì cần phải hỏi lại Bộ chứ không được tự mình sáng chế. Như chúng ta đã biết, năm nay Bộ điều chỉnh lại hướng dẫn chấm môn Văn cũng xuất phát từ việc các địa phương phản ánh lại những điểm chưa hợp lý. Xin nhấn mạnh rằng, quyền điều chỉnh hướng dẫn chấm thi là của Bộ chứ không phải là Sở GD&ĐT hay Hội đồng chấm thi”.

"Biên bản thống nhất..." của lãnh đạo bộ môn ngữ văn được lập vào ngày 5-6 tại TP Cần Thơ. đã gây xôn xao dư luận

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng cho rằng việc thảo luận là điều cần thiết và việc Bộ đồng ý cho các tỉnh ĐBSCL họp để trao đổi cách hiểu và vận dụng hướng dẫn chấm thi là có thật. Vấn đề này Bộ đã khẳng định ngay sau khi báo chí phản ánh.

Ông Hiển cũng đưa ra kết luận nghiêm khắc: “Nhưng phải khẳng định các địa phương đã nêu một đường nhưng lại làm quá, làm quá đến mức độ ra một cái hướng dẫn mà theo đánh giá sơ bộ của những người có chuyên môn thì thấy rằng đã có biểu hiện hạ thấp yêu cầu về chấm thi. Như vậy rõ ràng các địa phương này đã vi phạm quy chế. Vì sao lại nói là vi phạm? Vì hướng dẫn của họ đã được đưa đến các Hội đồng chấm thi để vận dụng. Sắp tới Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với UBND các địa phương này để xem xét xử lý tuy nhiên cần có thời gian và quy trình”.

Trả lời câu hỏi của PV rằng liệu Bộ GD&ĐT có chấm lại để đảm bảo tính công bằng của kỳ thi, lãnh đạo Bộ cũng chia sẻ: “Về góc độ học sinh thì các em không sai nên Bộ GD&ĐT sẽ không chấm lại và chấp nhận kết quả sơ bộ mà các địa phương đã duyệt, đồng thời cũng tạm thời công nhận tốt nghiệp cho những em đủ điều kiện”.

Theo Bộ GD&ĐT, đơn vị này không đặt ra vấn đề chấm lại bởi vì khi đối chiếu bảng hướng dẫn chấm thi của địa phương với của Bộ thì đã thấy sự sai phạm rồi. Bên cạnh đó văn bản hướng dẫn này đã được sử dụng tại một số Hội đồng chấm thi là có thật. Như vậy mức độ sai phạm là đã rõ nên việc chấm lại là không cần thiết.

Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, việc xử lý sai phạm cần phải có quy trình và có nhiều mức độ và đối tượng sai phạm khác nhau. Chẳng hạn như, có những người đứng ra tổ chức cho việc thảo luận, có những người tham gia thảo luận, có những người hướng dẫn …

Ông Hiển cũng khẳng định: “Tôi cũng xin nhấn mạnh, việc xử lý sai phạm của cán bộ giáo viên (bao gồm lãnh đạo sở, giám khảo chấm thi…) là do địa phương đó phụ trách do sự phân cấp. Về phía Bộ thì chắc chắn sẽ phối hợp với các địa phương để làm sáng tỏ tính chất, mức độ sai phạm này.

Thanh tra ủy quyền mà ký vào văn bản thống nhất thì cũng được coi là vi phạm. Như các bạn đã biết, gọi là thanh tra của Bộ nhưng thực tế đều là những người địa phương của 11 tỉnh này mà thôi”.

Phạm Thịnh


Bình luận
vtcnews.vn