Vải thiều Bắc Giang điêu đứng vì mất mùa, rớt giá

Kinh tếThứ Sáu, 04/06/2010 06:25:00 +07:00

(VTC News) - Những vườn vải trơ trọi quả, sản lượng giảm 30 - 40%, mất mùa, rớt giá …, đó là thực tế vụ mùa trên đất vải Bắc Giang.

(VTC News) -Mất mùa, quả kém chất lượng, giá thấp…, đó là thực tế vụ mùa trên đất vải Bắc Giang. Một nỗi buồn in hằn trên khuôn mặt những người nông dân về loại cây trồng đặc sản, một thời từng được kì vọng sẽ giúp họ thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Sản lượng giảm 40%

Chúng tôi đến huyện vùng cao Yên Thế, một trong những nơi có diện tích vải thiều lớn của tỉnh Bắc Giang và cũng là huyện chịu cảnh mất mùa rõ nhất. Những vườn vải bạt ngàn màu xanh, khó quan sát lắm người ta mới nhìn thấy lác đác quả vải. Mới vào mùa mà ngỡ như mùa vải đã kết thúc cách đây từ rất lâu.

Những con đường đổ về trung tâm huyện, nơi có các điểm thu mua vải, mọi năm tấp nập là thế, năm nay, không khí mua bán vắng vẻ, trầm lắng hơn hẳn. Người bán vải lại trở thành thượng đế khi cảnh “cò kè” thêm bớt giá được thay bằng những lời đon đả chào hàng của những lái buôn.

Anh Cường, một chủ thu mua vải năm nay phải “rong ruổi” khắp nơi để tìm hàng. Từ sáng đến trưa, chiếc xe tải cỡ lớn của anh mới chỉ chất được vỏn vẹn gần 1 tấn quả. Năm ngoái, anh chỉ cần “cắm chốt” một chỗ mà vẫn mua đủ vải, anh Cường than vãn: “Vải năm nay ít lắm, chẳng có mấy người có để đi bán. Nhiều hôm các chủ xe phải tranh nhau, kể cả mua vải xấu mới đủ chuyến, thậm chí tôi phải đánh xe vào tận vườn”.

 Mất mùa và chất lượng kém nên thị trường vải thiều năm nay ở Bắc Giang rất “trầm”.

Mùa vải sớm ở Bắc Giang tuy cũng không có sản lượng cao nhưng người dân vẫn bán được giá cao bởi quả đẹp và bán sớm hơn.

“Vải muộn năm nay xấu lắm, anh nhìn xem vừa nhỏ vừa nhiều gai lại còn không sáng mã. Chẳng có hàng thì chúng tôi phải mua chứ như năm ngoái, vải này… loại lâu rồi” - Anh Cường tâm sự.

Cũng theo anh Cường, năm nay các vườn vải thiều trong huyện Yên Thế đều xảy ra tình trạng mất mùa, có nhiều gia đình, vườn vải cả mấy ha cũng không thu được một quả nào.

Để có cái nhìn rõ hơn về tình trạng vải thiều Bắc Giang mất mùa và sự cay đắng của người dân, chúng tôi đến xã miền núi Đồng Tiến – nơi xa xôi nhất của huyện Yên Thế. Theo chân một “lái buôn” vải, chúng tôi đến vườn vải của gia đình anh Nguyễn Văn Xuất (bản Trại Hạ). Chỉ mất 1 buổi sáng, vườn vải rộng hơn 1ha của gia đình anh đã được bẻ hết veo.

Anh Xuất cho biết: “Năm nay mất mùa chán lắm, vải đã ít lại còn xấu, gia đình tôi chỉ bán được có 8 tạ. Các nhà quanh đây đều vậy, nhiều nhà còn chẳng có được quả nào”.

Gia đình chị Nguyễn Thị Đạo được mọi người nhận xét có vườn vải sai và đẹp nhất xã, tuy nhiên năm nay, bẻ quá nửa vườn vải mới được hơn 5 tấn. Chị Đạo ngao ngán nói: “Vườn vải nhà chị có gần 200 cây, dù đã phun thuốc kích thích tăng trưởng cho vải khi ra hoa nhưng quả vẫn  xấu và nhỏ, màu xám, không căng mọng. Chán lắm!”.

 Một tương lai không xa, hình ảnh những tán vải trĩu quả không còn nhiều trên đất Bắc Giang?

Ngoài vườn vải nhà chị Đạo, hầu hết các gia đình khác trong vùng đều chịu cảnh mất mùa, vải kém chất lượng. Có nhà năm ngoái thu được 7 - 10 tấn quả thì năm nay cũng chỉ hoạch được vài tạ hoặc non tấn vải. Đáng buồn hơn, nhiều gia đình có vườn vải rộng trên 1 ha, nhưng sau khi “bòn mót” cũng không thu nổi được 1 tạ quả.

Thiếu hàng "mã mây", giá vải cao nhất cũng chỉ 6.000 đồng/kg

Vải ít thường giá cao nhưng vì quả vải quá xấu nên giá cũng không thể “nhích” lên được so với năm trước. Hiện nay, vải đẹp mà người dân vẫn thường gọi là “mã mây” hay “hàng hoa” bán tại vườn cũng chỉ có giá từ 4.000 – 6.000 đồng/kg, loại xấu hơn chỉ được lái buôn thu mua mua với giá 2.000 – 3.000/kg.
 
Ở các đầu mối mua vải như thị trấn Chũ (huyện Lục Ngạn), Cao Thượng (huyện Tân Yên)…, giá vải cũng chỉ cao hơn từ 1.000 – 2.000 đồng/kg; những chuyến xe chở vải đi tiêu thụ cũng rất thưa thớt. Một lý do khác, vải Trung Quốc năm nay cũng rất nhiều trong khi đó họ vẫn giữ được sản lượng nên sức tiêu thụ vải thiều Bắc Giang không cao.

 Vào vụ mùa, cây vải một thời từng được kì vọng sẽ giúp người dân Bắc Giang thoát nghèo và làm giàu, giờ chỉ còn trơ trọi lá.

Hầu hết ở các địa phương của tỉnh Bắc Giang, nhất là các huyện miền núi như Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam..., tình trạng vải mất mùa, quả kém chất lượng đều diễn ra. Ở huyện Lục Ngạn - “đầu tầu” trồng vải của tỉnh, năm nay sản lượng vải thiều ước tính giảm sút từ 30% đến 40%. Người dân trồng vải Bắc Giang năm nay cũng đã tỏ ra quá mệt mỏi với việc thu hoạch vải, trong cơn “bão giá” thị trường, tiền thuê nhân công thu hoạch, chi phí xăng xe… thậm chí còn vượt lên số tiền mà họ thu được từ việc bán vải.

Tâm lý không còn tha thiết với cây vải đã khiến người dân ít chú ý tới việc chăm sóc cây vải; không quan tâm đến chế độ làm phát triển và ra hoa của vải thiều. Bên cạnh đó, thời tiết khô hạn trong thời gian qua, cây vải không được tưới nước đầy đủ khiến vải non bị rụng nhiều là nguyên nhân khiến hàng loạt vườn vải bị thất thu.

Vải mất mùa, rớt giá diễn ra từ mùa này sang mùa khác càng chất thêm nỗi buồn cho người trồng vải Bắc Giang. Tình trạng người dân chặt cây vải để trồng các loại cây khác cũng diễn ra ở nhiều nơi. Những điều này khiến cho vải thiều ngày càng bị “thất sủng” trong sự phát triển kinh tế của người dân ở Bắc Giang.

Bài, ảnh:Nguyễn Tùng - Tiểu Phương

Bình luận
vtcnews.vn