V-League hết thời dùng tiền mua thành công

Thể thaoThứ Hai, 25/04/2016 04:00:00 +07:00

Ở sân chơi V-League, từ lâu chuyện thưởng “nóng” được xem là một trong những yếu tố chi phối tới phong độ của cầu thủ và thành tích các CLB

Ở sân chơi V-League, từ lâu chuyện thưởng “nóng” được xem là một trong những yếu tố chi phối tới phong độ của cầu thủ và thành tích các CLB. Thế nhưng, bóng đá có những lí lẽ riêng và không phải lúc nào tiền thưởng cũng là tất cả.

Tiền thưởng – liều “doping” cực mạnh

Mặc dù nhiều lãnh đạo CLB, HLV và cầu thủ lên tiếng khẳng định không chơi bóng vì tiền thưởng nhưng không thể phủ nhận khoản tiền mang tên “thưởng nóng” có tác dụng  hệt như một liều “doping” cực mạnh và đôi khi trở thành cứu cánh cho không ít CLB ở những trận đấu, thời điểm mang tính then chốt của cả một mùa giải.
Bình Dương (trái) và HN T&T luôn thưởng nóng và nhiều trong mấy năm vừa qua
Bình Dương (trái) và HN T&T luôn thưởng nóng và nhiều trong mấy năm vừa qua 
Với hầu bao rủng rỉnh, đã từ lâu B.Bình Dương được xem là điểm đến “màu mỡ” của rất nhiều cầu thủ khi đội bóng đất Thủ luôn nằm tốp đầu những đội bóng chịu chơi nhất với mức thưởng “nóng” cao ngất ngưởng.

Nếu chỉ tính riêng ở sân chơi V-League, trung bình với mỗi một chiến thắng, B.Bình Dương sẽ thường nhận được số tiền thưởng là 400 triệu đồng/ sân nhà, 500 triệu đồng/trận thắng sân khách.

Một đội bóng khác là FLC Thanh Hóa cũng cho thấy sự “thay da đổi thịt” cùng với mức lũy tiến của khoản tiền thưởng nóng. Kể từ khi tập đoàn FLC tiếp quản đội bóng xứ Thanh, ngoài sự đầu tư về tiền bạc để nâng cấp chất lượng đội hình, lãnh đạo CLB còn sẵn sàng “phá két” tăng gấp đôi số tiền thưởng sau mỗi trận thắng. Từ số tiền thưởng 300 triệu trước kia được kích lên gấp đôi 600 triệu cho 1 trận thắng sân khách và 500 triệu cho một trận thắng sân nhà. 

Và sẽ là thiếu sót nếu không nhắc tới bầu Hiển với những khoản thưởng rất nóng và cách thưởng khác người. Theo tiết lộ của cựu HLV trưởng CLB Hà Nội T&T Phan Thanh Hùng, người từng gắn bó 6 năm với đội bóng Thủ đô, toàn đội sẽ nhận được khoảng 400 triệu đồng cho một trận thắng, hòa được nhận 300 triệu đồng. 

Và sẽ có những ngoại lệ theo từng trận, BLĐ sẽ có thưởng thêm cho cá nhân cầu thủ xuất sắc. Hoặc khi bầu Hiển nở nụ cười tươi rói bước xuống sân, cầu thủ biết ngay là họ sẽ được nhận thêm vài trăm triệu tiền thưởng vượt khung.

Có một thực tế là Bình Dương, HN T&T đã cùng nhau thống trị bóng đá Việt Nam gần đây, còn FLC Thanh Hóa thì đang vươn lên thành một thế lực ở mùa giải 2016.

Bên cạnh đó, không chỉ các CLB top đầu vung tiền cạnh tranh chức vô địch mà CLB đang vật lộn với cuộc chiến trụ hạng cũng lấy tiền thưởng ra làm tấm bùa hộ mệnh để kích thích tinh thần, sự quyết tâm của các cầu thủ.
Hải Phòng đang dẫn đầu V-League dù không có nhiều tiền (Ảnh: Quang Minh)
Hải Phòng đang dẫn đầu V-League dù không có nhiều tiền (Ảnh: Quang Minh) 
Điển hình là CLB XSKT Cần Thơ. Hồi đầu mùa V-League 2015, lãnh đạo đội treo thưởng cho mỗi trận thắng là 250 triệu đồng. Tới thời điểm đến cuối mùa, khi đội bóng có nguy cơ rớt hạng, con số này tăng gấp đôi lên 500 triệu đồng, cùng với đó là khoản thưởng riêng 2,5 tỷ đồng nếu trụ hạng thành công. Kết thúc V-League 2015, đội bóng Tây đô xuất sắc trụ hạng và có lẽ “tiên dược” tiền thưởng đã phát huy tối đa tác dụng.

Một đội bóng khác là HAGL, dù bầu Đức thường không treo thưởng trước mỗi trận đấu. Tuy nhiên ở những lượt trận cuối V-League 2015 có tính chất sinh tử liên quan tới việc trụ hạng, với mỗi chiến thắng HAGL sẽ được thưởng khoảng 500 triệu đồng. Kết quả, HAGL trụ hạng không tưởng với những chuỗi trận thăng hoa cuối mùa.

Không nằm ngoài xu thế thưởng nóng tại V-League, các CLB khác như ĐTLA, QNK Quảng Nam, Than Quảng Ninh, SLNA, Đà Nẵng, Sài Gòn FC cũng móc hầu bao thưởng đội bóng trung bình khoảng 300 triệu đồng cho mỗi chiến thắng. Và tùy theo tính chất từng trận đấu, số tiền thưởng mỗi trận có thể vượt khung quy định.

Clip Hải Phòng 2-1 Than Quảng Ninh vòng 7
Tiền thưởng không phải là tất cả

Thành công của một đội bóng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như nhân sự, lối chơi, bản sắc…và tiền luôn đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, không phải lúc nào tiền cũng là tất cả.

Ở mùa bóng V-League 2015, trong lúc CLB Đồng Nai rơi vào tình cảnh chạy trốn suất xuống hạng, lãnh đạo đội bóng đã tăng mức thưởng từ  từ 300 lên 500 rồi 800 triệu cho một trận thắng. Thậm chí, HLV trưởng của CLB Đồng Nai sẵn sàng bỏ tiền túi treo thưởng thêm cho các cầu thủ tuy nhiên, “mưa tiền” cũng không cứu được Đồng Nai khi thầy trò Trần Bình Sự vẫn xuống hạng như thường.

Hay như CLB ĐTLA, họ vốn là đội bóng chơi ấn tượng nhất gia đoạn lượt đi V-League 2015 nhưng ở giai đoạn lượt về lại có những chuỗi trận vô cùng thất vọng khi để thua 4 trận liên tiếp và mộ trong những nguyên nhân được chỉ ra là do lùm xùm chuyện cầu thủ bị chậm trả lương thương.

Mặt khác, trường hợp của Hải Phòng hay Sanna Khánh Hòa là những ví dụ khác để chứng minh cho mệnh đề, thành công không phụ thuộc vào tiền thưởng nhiều hay ít.

Ở quãng thời gian 2008-2012 được xem là thời kỳ hoàng kim của đội Hải Phòng. Khi đó, với mỗi chiên thắng, đội bóng đất Cảng nhận được số tiền thưởng kếch xù lên tới cả nửa tỷ đồng. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây đội bóng không còn dư dả về mặt tài chính. 

Hiện tại, ở sân chơi V-League 2015-2016, các cầu thủ Hải Phòng đang phải khoác lên mình những chiếc “áo sạch”, tức là áo đấu không có logo thương hiệu và đồng nghĩa với việc không có tiền tài trợ từ doanh nghiệp giống như các đại gia FLC Thanh Hóa, B.Bình Dương hay Hà Nội T&T.

Thế nhưng, hãy nhìn xem đội bóng đất Cảng đã làm được những gì khi mang thân phận “con nhà nghèo” vượt khó với mức tiền thưởng mà họ nhận được thuộc dạng eo hẹp nhất V-League (khoảng 200 triệu cho một chiến thắng). 

STT

CLB

Tiền thưởng

Sân nhà

Sân khách

1

FLC Thanh Hóa

500 triệu

600 triệu

2

B.Bình Dương

400 triệu

500 triệu

3

Hà Nội T&T

300 triệu

400 triệu

4

Sài Gòn FC

300 triệu

400 triệu

5

SLNA

250 triệu

300 triệu

6

SHB.Đà Nẵng

250 triệu

300 triệu

7

QNK.Quảng Nam

250 triệu

300 triệu

8

XSKT.Cần Thở

250 triệu

300 triệu

9

Than Quảng Ninh

250 triệu

300 triệu

10

HAGL

250 triệu

500 triệu

11

ĐTLA

250 triệu

300 triệu

12

S.Khánh Hòa

250 triệu

300 triệu

13

Hải Phòng

200 triệu

250 triệu

Mùa giải trước, Hải Phòng cán đích ở vị trí thứ 6 chung cuộc với 11 trận thắng, 8 trận hòa và 7 trận thua và ở thời điểm hiện tại khi V-League 2016 đi qua 6 vòng đấu, đội bóng đất Cảng chễm trệ ngôi đầu với 6 trận thắng toàn thắng. Rõ ràng, với những chiếc áo “sạch” không thể nói rằng, tiền thưởng đã giúp Hải Phòng bay cao và bay xa ở 2 mùa bóng qua.

Cũng giống như Hải Phòng, Sanna Khánh Hòa cũng không có ngân sách hùng mạnh nên số tiền thưởng mà họ nhận được sau mỗi trận thắng cũng rất khiêm tốn khoảng 200 tới 300 triệu. Tuy nhiên, thầy trò HLV Võ Đình Tân vẫn thi đấu xuất sắc khi họ trở thành “chú ngựa ô” của mùa giải V-League 2015, cán đích ở vị trí thứ 5 chung cuộc và họ 2 lần đánh bại nhà đương kim vô địch B.Bình Dương trong cùng một mùa giải.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn nhưng có một nghịch lý là tiền thưởng của nhiều CLB có xu thế tăng lên chứ không hề giảm đi. Thế mới có chuyện nhiều SVĐ vẫn vắng như chùa bà đanh trong khi tràn ngập thông tin ông bầu này, đội bóng kia vẫn nhận thưởng nóng cả nửa tỷ đồng.

Nguồn: Thể thao văn hóa
Bình luận
vtcnews.vn