Ung thư thành đại dịch ở Việt Nam 5 năm tới: Tại sao nói 'cái chết đến từ xe máy'?

Sức khỏeThứ Hai, 14/12/2015 08:00:00 +07:00

Khoảng 40 triệu chiếc xe máy đang lưu thông tại Việt Nam là một trong những căn nguyên gây ung thư.

(VTC News) – Nhiều chuyên gia khẳng định, khoảng 40 triệu chiếc xe máy đang lưu thông tại Việt Nam là một trong những căn nguyên gây bùng phát bệnh ung thư.

Ước tính mỗi năm trên toàn cầu có hơn 14,1 triệu người mới mắc và 8,2 triệu người chết do ung thư, trong đó gần 70% là ở các nước đang phát triển. Hiện khoảng 23 triệu người đang sống chung với ung thư. Nếu không có các biện pháp can thiệp kịp thời thì con số này sẽ lên tới 30 triệu vào năm 2020.

Năm 2010 ở Việt Nam có 126.307 ca ung thư mới mắc ở cả hai giới, trong đó hơn 54.000 nữ và 72.000 nam. Ước tính trong năm 2020 sẽ có ít nhất gần 200.000 ca ung thư mới mắc.

Mới đây, trên trang facebook cá nhân của mình, Tiến sĩ kinh tế hàng không Lương Hoài Nam đã chia sẻ bài viết "Ung thư sẽ thành đại dịch ở Việt Nam trong 5 năm tới" và nêu lên một nhận định thu hút được nhiều tranh luận của cộng đồng.

Ông Lương Hoài Nam nói: "Tôi luôn tin rằng "dịch ung thư" ở nước ta có mối liên hệ với xe máy: nền giao thông xe máy là nguồn gốc của ăn bẩn, uống bẩn, thở bẩn, ở bẩn và thói xuề xoà, cẩu thả về an toàn trong mọi lĩnh vực hoạt động".

Video: Hiểm họa vô sinh, ung thư từ miếng dán hoạt hình Trung Quốc
Nhận định của tiến sĩ Lương Hoài Nam được sự đồng tình của nhiều người, trong đó trả lời trên VTC News, Giáo sư Hoàng Chương – Chủ nhiệm Dự án văn hóa giao thông, Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn & Phát huy văn hoá dân tộc Việt Nam cũng bày tỏ bức xúc về nền văn hoá giao thông xe máy nước nhà và tiếp tục đề xuất cấm xe máy.

Liên quan đến vấn đề này, VTC News tiếp tục trao đổi với các chuyên gia để làm rõ căn nguyên cái chết đến từ những chiếc xe máy như nhận định của nhiều người nói trên.

Chỉ tên chất gây ung thư trong khí thải xe máy


Trong cuốn sách ‘Cẩm nang phòng, trị ung thư’, GS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư TP. HCM cho biết: Năm 2030, sẽ có xấp xỉ 21,4 triệu ca mới và 13,2 triệu ca chết. Trong đó, ung thư phổi và ung thư vú có tỉ lệ cao nhất.

Như vậy, ung thư phổi đang đe dọa nhân loại. Nhiều nhận định cho rằng, một trong những nguyên nhân gây ung thư phổi là do khí thải từ những chiếc xe máy.

Trong khí thải xe máy có benzene - chất gây ung thư.
Đem vấn đề này trao đổi với bác sỹ Phạm Đình Tuần, người thường xuyên tiếp xúc và điều trị bệnh nhân ung thư, bác sỹ Tuần khẳng định: Chắc chắn khí thải từ xe máy đã gây ra ung thư. Điều này không phải mới và các chuyên gia đã ‘chỉ mặt, đặt tên’ cho chất gây ung thư có trong khí thải xe nói chung và xe máy nói riêng đó là Benzene”.

Mới đây, tổ chức y tế thế giới (WHO) đã công bố danh sách 116 yếu tố gây ung thư. Trong đó, benzene đứng ở vị trí 46.

Benzen (C6H6) là một hợp chất hữu cơ không màu, dễ cháy và dễ bay hơi. Chúng ảnh hưởng tới sự trao đổi oxy trong máu, ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Cơ thể tiếp xúc với benzene một thời gian dài có thể gây ung thư máu.

Video: Cách đẩy lùi ung thư khiến bạn bất ngờ


Và theo công bố của Trung tâm nghiên cứu Ung thư Quốc tế, tiếp xúc với hóa chất benzene trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi.

Nếu sống, làm việc ở nơi có quá nhiều vật dụng chứa benzene, hít thở không khí chứa nhiều benzene lâu ngày có thể bị tổn thương não không hồi phục, mờ mắt, nhức đầu kinh niên hay ngất xỉu. Với phụ nữ, nhiễm benzene có thể gây teo buồng trứng và hậu quả là vô sinh, gây rối loạn kinh nguyệt. Với đàn ông có thể làm biến dạng hoặc giảm chất lượng tinh trùng.

Bác sỹ Tuần nói: Sau khi các benzene đi vào cơ thể, cơ thể sẽ cố gắng cô lập chúng thông qua quá trình biến đổi sinh học, để những chất này dễ tan hơn và dễ dàng đào thải ra khỏi cơ thể hơn.

Nhưng quá trình này cũng làm cho những tác nhân gây ung ở dạng hòa tan độc hại hơn. Cơ chế này giống như cơ chế gây ung thư của 3-4 benzenpyren có trong thuốc lá.

Hiện nay, tình trạng xe máy quá cũ, không phải đăng kiểm vẫn được lưu thông càng
thải khí độc ra môi trường. Do đó để hạn chế những tác hại, cần có sự kiểm soát và giảm lượng khí thải xe máy.

Dù đeo khẩu trang, vẫn dính bệnh

Vụ Môi trường (Bộ GTVT) vừa công bố ô nhiễm không khí tại Hà Nội đã vượt quy chuẩn cho phép chủ yếu là hàm lượng bụi cao hơn 1-2 lần tiêu chuẩn. Hầu hết các vị trí nghiên cứu tại Hà Nội (ngoại trừ khu vực hồ Hoàn Kiếm) đã bị ô nhiễm bởi bụi TSP, PM10, Benzene. Một số vị trí khác có dấu hiệu ô nhiễm bởi NO2 và CO

Đề cập đến vấn đề khí thải từ xe máy gây ô nhiễm, thậm chí gây ung thư cho nhiều người, ông Trần Sỹ Thắng, chuyên về cơ khí ô tô, Giám đốc công ty sản xuất thiết bị cơ khí trên đường Phạm Văn Đồng, Hà Nội bày tỏ nhiều băn khoăn.

Ông cho rằng, tình hình khí thải từ xe máy hiện nay rất đáng báo động. Vấn đề triệt để là kiểm soát lượng khí thải từ ô tô và xe máy. Vì khi cả môi trường bị ô nhiễm thì dù có ngồi nhà vẫn hít phải khí độc, dù đeo khẩu trang khí độc vẫn tấn công cơ thể.

 
Theo thông tin từ Bộ Giao thông vận tải, hiện cả nước có khoảng 1,5 triệu ô tô và 40 triệu phương tiện xe máy tham gia giao thông. Trong đó, chỉ tính riêng Hà Nội có khoảng 6 triệu xe máy và TP.HCM có 8 triệu xe máy đang lưu thông.

Với lượng xe máy lớn như vậy, ông Thắng đặt câu hỏi: Nhà nước đã có những văn bản đưa ra lộ trình thực hiện về tiêu chuẩn mức khí thải với xe máy nhưng phải chăng chưa triệt để?

Theo ông Thắng, khí thải xe máy gây ô nhiễm phụ thuộc vào nguyên liệu sử dụng cho xe và chất lượng động cơ. Khi ô tô hay xe máy vận hành, động cơ tốt thì nhiên liệu được đốt hết. Nhưng nhiều xe máy ở Việt Nam, chất lượng kém do dùng quá lâu khiến nhiên liệu không được đốt hết vẫn thải ra không khí.

"Hiện nay, ô tô còn được kiểm định, chứ xe máy thì chưa. Động cơ xe máy không tốt như ô tô nên chắc chắn xe máy gây ô nhiễm hơn ô tô. Do đó, giải pháp là cần đưa nhiên liệu sạch vào sử dụng như chạy bằng điện, chạy xăng sinh học.

Người đi xe máy khi dừng đèn đỏ nên tắt động cơ và vấn đề kiểm định xe máy dù khó cũng nên làm sớm", ông Thắng nói.

Sự thật đáng sợ ở 10 ngôi làng ung thư của Việt Nam


Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg về việc quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với ôtô, môtô 2 bánh sản xuất, lắp ráp trong nước và nhập khẩu mới.

Trong đó đáng chú ý là việc đẩy nhanh việc nâng tiêu chuẩn khí thải áp dụng đối với ôtô. Cụ thể, từ ngày 1/1/2017 sẽ chính thức áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 4 đối với ôtô, bỏ qua tiêu chuẩn khí thải mức 3. Từ ngày 1/1/2022 sẽ nâng lên tiêu chuẩn khí thải mức 5.

Đối với môtô 2 bánh, tiêu chuẩn khí thải mức 3 sẽ chính thức được áp dụng kể từ ngày 1/1/2017.

Các mức tiêu chuẩn khí thải 3, 4 và 5 được giải thích là tiêu chuẩn về phép thử và giới hạn gây ô nhiễm có trong khí thải tương ứng với các mức tiêu chuẩn khí thải Euro 3, Euro 4 và Euro 5 được Ủy ban Kinh tế châu Âu hoặc Liên minh châu Âu áp dụng đối với xe cơ giới.



Nguyễn Tâm


Bình luận
vtcnews.vn