U19 Việt Nam phải bịt tai lại mà chơi bóng

Thể thaoThứ Hai, 07/10/2013 11:36:00 +07:00

Ông thầy người Pháp cho rằng nhiều cầu thủ U19 có thể chơi bóng ở châu Âu nhưng lúc này, họ phải bịt tai lại mà tập trung chơi bóng.


Ông thầy người Pháp cho rằng nhiều cầu thủ U19 có thể chơi bóng ở châu Âu nhưng lúc này, họ phải bịt tai lại mà tập trung chơi bóng.

U19 Việt Nam: Hãy bịt tai lại mà chơi bóng

- Đến bây giờ cảm giác của chúng tôi vẫn còn lâng lâng, lẫn một chút tiếc nuối khi U19 Việt Nam để tuột chức vô địch U19 ĐNÁ 2013. Còn ông thế nào, thưa HLV Guillaume Graechen?

Đó có lẽ không chỉ là cảm giác của bạn, của tôi mà còn rất nhiều người. Nhưng bóng đá là thế, chúng ta phải chấp nhận, điều quan trọng nhất là đội bóng đứng dậy sau thất bại ấy như thế nào.

 
Các em chưa là gì cả, các em sẽ là người thất bại nếu như… thất bại ở các giải đấu tiếp theo.
 
- Lúc về đến sân bay Tân Sơn Nhất, thày trò ông được đón chào như những người hùng. Đến nay, người Việt Nam vẫn còn sục sôi với màn trình diễn của U19 Việt Nam tại giải đấu đó…

Trong suy nghĩ của tôi, chúng tôi không chiến thắng cái gì cả. Nhưng thú thật, tôi rất bất ngờ với việc các CĐV chào đón chúng tôi nồng nhiệt như thế.

Họ bàn tán khắp cả nước, đó là một điều hạnh phúc với những người làm công tác huấn luyện như tôi. Xin cám ơn tất cả mọi người!


- Vậy ông có sợ các cầu thủ “bay lên khỏi mặt đất” không?


Tôi đã nói với cầu thủ rằng: Các em chưa là gì cả, các em sẽ là người thất bại nếu như… thất bại ở các giải đấu tiếp theo. Ngày hôm qua đã là quá khứ, hãy hướng về phía trước vì con đường dẫn đến cầu thủ chuyên nghiệp còn rất dài. Bây giờ, hãy biết bịt tai lại mà chơi bóng…
u19 Việt Nam
 U19 Việt Nam quyết tâm giành chiến thắng

Nhiều cầu thủ đủ trình độ đi Châu Âu

-Giới chuyên môn cho rằng, U19 Việt Nam đang sở hữu những cầu thủ tài năng, đa phần đến từ học viện bóng đá HAGL - Arsenal JMG. Theo ông, chúng ta cần làm gì để lứa cầu thủ này phát triển lên một tầm cao mới?

Rất khó để trả lời câu hỏi này bởi anh cũng biết rằng, hợp đồng giữa tôi với LĐBĐ Việt Nam vẫn chưa rõ ràng. Mặt khác, tôi vẫn còn hợp đồng với học viện HAGL. Vì vậy, trước mắt tôi sẽ huấn luyện các cầu thủ tham dự vòng loại U19 châu Á 2014 rồi sẽ tính tiếp.

-Ông đánh giá cầu thủ nào cao nhất trong các trận đấu vừa qua?

Với tôi, cầu thủ nào cũng được đánh giá cao. Vậy nên, rất khó để chọn ai, bỏ ai. Các anh cũng là những người có chuyên môn, vậy hãy tự đánh giá theo cảm quan của bản thân nhé…(Cười)


- Công Triều, Công Phượng, Tuấn Anh và Xuân Trường, đã từng qua London tập huấn cùng đội trẻ của Arsenal. Cho đến bây giờ, rất nhiều người vẫn kỳ vọng đây sẽ là những cầu thủ Việt Nam đủ khả năng chơi bóng ở châu Âu. Quan điểm của ông thế nào?


Không chỉ 4 cầu thủ nói trên mà một số cầu thủ khác cũng có thể thi đấu ở châu Âu. Tuy nhiên, các em cần phải học phong cách bóng đá kiểu “điền kinh” ở châu Âu. Đấy là điều chúng ta phải khắc phục, bởi ở cùng độ tuổi, các cầu thủ Việt Nam có kỹ thuật vượt trội so với các cầu thủ ở nơi khác, nhưng khi thi đấu, chỉ mình yếu tố này thì chưa thể mang lại  hiệu quả cao.

U19 Việt Nam
 Tương lai rất rộng mở với các thành viên U19 Việt Nam

- Ông đã theo dõi lĩnh vực đào tạo bóng đá trẻ tại Việt Nam trong  7 năm, theo ông, có phải các tài năng trẻ đang dần cạn kiệt? Ví dụ như đợt tuyển sinh khóa III (2013-2020) vừa qua, học viện chỉ tuyển 9 em, trong đó, có 5 em dự bị, tức nếu đào tạo 1 năm không đạt sẽ bị loại.

Vấn đề không phải là cạn kiệt các tài năng, mà chúng ta chưa thật sự đầu tư nghiêm túc vào địa hạt bóng đá trẻ. Trước đây, học viện HAGL hay một số trung tâm khác là lá cờ đầu thì bây giờ đã có thêm các lò của VPF, Viettel… Đó cũng là một tín hiệu vui.


Riêng học viện HAGL, nếu trước đây chúng tôi được tiếp xúc từ 8.000-10.000 em, thì bây giờ chỉ còn khoảng 4.000 em. Bởi thế, công tác tuyển sinh gặp những khó khăn nhất định.
 
Chính vì vậy, chúng tôi sẽ thực hiện chính sách mới để thu hút nhân tài, đó là cánh cửa luôn mở rộng với mọi cầu thủ. Họ có thể đến tập luyện và kiểm tra bất kỳ lúc nào.


Vẫn sợ đi xe máy

- Sau 7 năm sống tại Việt Nam, ông cảm thấy đất nước, con người nơi đây như thế nào?


Có độ vênh nhất định giữa 2 nền văn hóa Pháp và Việt Nam. Ở Pháp, nhịp sống vội vã hơn nên dễ gặp nhiều stress hơn. Còn ở Việt Nam, người dân sống rất chan hòa, họ tận hưởng nhiều hơn.


- Còn chuyện ăn uống, có lẽ đến bây giờ, anh đã trở thành một “thổ địa” đích thực?


Thực ra, hồi còn bé, tôi đã được ăn các món ăn châu Á ở Pháp. Tôi không quá khó để thích nghi với văn hóa ẩm thực ở đây. Giờ  sống ở Việt Nam, tôi được ăn các món ăn gốc ở Việt Nam, đó là một điều quá tuyệt vời.


- Có một điều không thể không nói tới, đấy là “văn hóa xe máy” ở Việt Nam. Nhiều người nước ngoài sống ở Việt Nam lâu năm nhưng họ vẫn thốt lên rằng: “Ôi, tôi sợ phát khiếp!”. Còn Guillaume Graechen như thế nào?

 
Chúng tôi sẽ thực hiện chính sách mới để thu hút nhân tài, đó là cánh cửa luôn mở rộng với mọi cầu thủ. Họ có thể đến tập luyện và kiểm tra bất kỳ lúc nào.
 
Tôi cũng sợ đi xe máy ở Việt Nam nhưng chẳng phải sợ chuyện trên đường có nhiều xe máy. Vấn đề ở đây là ý thức người ngồi trên chiếc xe đó. Tôi thấy ở Việt Nam rất nhiều người tham gia giao thông theo kiểu mạnh ai, nấy chạy, bất chấp luật lệ.


- Ông đã kết hôn với một phụ nữ người Việt Nam. Vậy trong tương lai, gia đình ông sẽ định cư ở Pháp hay tại đây?

Điều này còn phụ thuộc vào công việc. Nếu sau này tôi bị điều đi nơi khác thì tôi phải đưa cả gia đình đi theo. Nhưng đến khi về hưu, tôi sẽ cân bằng thời gian sống tại quê nội lẫn quê ngoại.

- Câu hỏi cuối cùng dành cho ông. Giả sử sau này, nếu con trai ông chơi bóng giỏi và muốn chơi bóng ở Việt Nam, liệu rằng ông có ủng hộ?

Tôi được giáo dục từ nhỏ rằng, điều đầu tiên là phải biết bảo vệ con cái và hỗ trợ cho nó phát triển. Tôi tôn trọng quyết định của con cái và chỉ giúp đỡ con những điều tốt nhất. Nếu con tôi chọn chơi bóng ở đây thì tôi ủng hộ ngay. Vâng, tôi là con rể của đất nước Việt Nam mà.

- Xin cám ơn, xin chúc ông có thật nhiều hạnh phúc với bóng đá và gia đình của mình tại Việt Nam!


Theo Bongdaplus

Bình luận
vtcnews.vn