U19 Việt Nam được chăm sóc cẩn thận ra sao?

Thể thaoThứ Bảy, 05/10/2013 06:41:00 +07:00

Nhận được phản ánh của đội U19 Việt Nam về các món ăn Hồi giáo không hợp khẩu vị với các thành viên, một giải pháp được đưa ra ngay tức thì.

Nhận được phản ánh của đội  U19 Việt Nam về các món ăn Hồi giáo không hợp khẩu vị với các thành viên, một giải pháp được đưa ra ngay tức thì.

Theo đó, lãnh đạo đội bóng làm việc với khách sạn 5 sao Grand Blue Wave và yêu cầu có bếp riêng để chế biến món ăn theo khẩu vị của người Việt và cũng bố trí một chỗ ăn riêng biệt.

Ông Trương Hùng, Phó Chủ tịch HĐQT của Nutifood, nhà tài trợ dinh dưỡng cho học viện HA.GL – Arsenal JMG, đã đưa 6 chuyên gia từ Việt Nam sang khách sạn Grand Blue Wave gồm 1 bếp trưởng, 3 bếp phó, một ông chủ nhà hàng, 2 chuyên gia dinh dưỡng. Đặc biệt, một đầu bếp Việt đang sở hữu chuỗi nhà hàng được đánh giá là ngon thứ 7 ở Kuala Lumpur cũng hợp tác, nấu ăn cho U19 Việt Nam.

U19 Việt Nam được chăm lo cẩn thận ăn uống
 U19 Việt Nam được chăm lo ăn uống cẩn thận (Ảnh: Tùng Lê)

Những chiến sĩ trên mặt trận dinh dưỡng đã mang rất nhiều gia vị Việt Nam sang khách sạn Grand Blue Wave, trong đó có cả “những món rất hiếm khi thấy ở bên ngoài biên giới”. Đó là mẻ, là mắm tôm, là lá lốt…

Đến sân bay, hải quan yêu cầu để toàn bộ số nước mắm lại và chỉ được thông quan khi các đầu bếp thú thật là mang gia vị sang Malaysia để phục vụ đội U19 Việt Nam. Ở đất nước Hồi giáo này, thịt lợn là đồ ăn bị cấm nhưng vẫn có 2 kg giò chả được mang vào khách sạn và chỉ sau vài phút, số thực phẩm ấy đã được tiêu thụ hết veo trong sự thòm thèm của rất nhiều cầu thủ.


Không đứng bếp vẫn có món ngon


Hồ hởi tới khách sạn Grand Blue Wave và chuẩn bị làm rất nhiều món, đủ cả ba miền Bắc – Trung – Nam cho hợp khẩu vị với từng cầu thủ. Nào là kế hoạch nấu phở, bún bò Huế, hủ tiếu, bún chả… nhưng rồi các siêu đầu bếp Việt Nam lại bị cấm vào bếp.

“Không dễ để được chế biến các món ăn trong bếp người Hồi giáo. Ở khách sạn này, mỗi nguyên liệu đều phải được chứng nhận đáp ứng tiêu chuẩn Halal (tức là tiêu chuẩn thức ăn cho người theo đạo Hồi). Người ta không cho mình chế biến trên bát đĩa, dao thớt của họ vì sợ ta sử dụng những thực phẩm không tịnh. Thế là, các siêu đầu bếp của Việt Nam đành phải đứng ngoài, đóng vai… quản đốc”, bếp trưởng Lê Thanh Hà cho biết.
Đầu bếp Việt ở Malaysia
 Đầu bếp Việt ở Malaysia (Ảnh: Tùng Lê)

Không thể trực tiếp vào bếp, các chuyên gia dinh dưỡng của Việt Nam quyết định thực đơn, yêu cầu về thực phẩm, cách chế biến với đủ các món rán, hấp, xào, tiềm…

Ngoài các món ăn chính được thực hiện từ gà, bò, cá, hải sản, các cầu thủ còn được thưởng thức món rau luộc chấm với xì dầu dầm trứng, cơm trắng, canh chua…. và tráng miệng bằng chè bà Ba. Đội ngũ dinh dưỡng cũng lên lịch cho một bữa ăn ở ngoài, tại khu phố Tàu nhưng chính những chuyên gia này là người thử trước, phải an toàn, không đau bụng mới đưa đội U19 Việt Nam đến thưởng thức.


“Lần đầu tiên, nấu một bữa ăn cho 30 người mà khó khăn trăm bề. Nhưng cũng được an ủi vì cầu thủ khen ngon, ăn hết sạch khẩu phần ăn của mình, người làm cũng thấy hạnh phúc. Đó cũng là tất cả những gì chúng tôi có thể làm được để hỗ trợ, cổ vũ đội U19 Việt Nam”, chuyên gia dinh dưỡng Trần Thị Minh Nguyệt tâm sự.

Thay mặt đội, HLV Guillaume Graechen bộc bạch: “Tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến đội ngũ chuyên gia dinh dưỡng bởi những món ăn theo phong cách Việt Nam rất ngon, hợp khẩu vị với các bạn trẻ. Điều này sẽ giúp họ ăn ngon, ngủ sâu và đảm bảo về thể lực”.

"Ở Việt Nam, tôi thấy các CLB bỏ rất nhiều tiền ra để chuyển nhượng, mua cầu thủ nhưng không quan tâm đúng mức đến chế độ dinh dưỡng trong khi đây là yếu tố rất quan trọng, đóng góp trực tiếp vào thành tích của mỗi đội", ông Trương Hùng, Trưởng đoàn dinh dưỡng nhìn nhận.

Theo Bongdaplus

Bình luận
vtcnews.vn