Tuyệt chiêu của các nhà khoa học Việt Nam chống bệnh sốt xuất huyết

Sức khỏeThứ Năm, 01/10/2015 12:07:00 +07:00

Sử dụng tác nhân sinh học Wolbachia - “tiêm vắc xin cho muỗi” giúp phòng chống Sốt xuất huyết Dengue.

(VTC News) - Sử dụng tác nhân sinh học Wolbachia - “tiêm vắc xin cho muỗi” giúp phòng chống Sốt xuất huyết Dengue.


Sốt xuất huyết Dengue (SXH) hiện nay đang là vấn đề y tế công cộng rất lớn trên toàn  cầu và được Tổ chức y tế thế giới (WHO) đánh giá là một trong những bệnh do véc tơ truyền quan trọng nhất.

Bệnh SXH được phát hiện vào những năm 50 của thế kỷ trước, đã liên tục lan rộng ra các quốc gia trên thế giới, hiện đang lưu hành ở trên 100 quốc gia thuộc chủ yếu tại các khu vực có khí hậu nhiệt đới và á nhiệt đới như vùng Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương.

 
Gần đây, các vụ dịch SXH đã liên tiếp xảy ra ở 5 trong số 6 khu vực là thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chỉ trừ khu vực Châu Âu. Giai đoạn ghi nhận báo cáo đầu tiên từ năm 1955-1959, trung bình trong giai đoạn này mỗi năm chỉ có khoảng 908 ca.

Tuy nhiên giai đoạn từ 1960-1969 có số ca mắc trung bình cao gấp hơn 15 lần so với giai đoạn trước đó. Số ca mắc này tiếp tục tăng cao trong các giai đoạn tiếp theo, đến năm 2010 số ca mắc SXH trên thế giới đã lên tới 2.204.516 ca.

Tại khu vực Đông Nam Á, có tới 7 trong số 10 nước của khu vực bị SXH nặng nề, là nguyên nhân hàng đầu của các trường hợp nhập viện và tử vong ở trẻ em; tỷ lệ mắc SXH trong khu vực tăng lên đáng kể trong vòng 17 năm qua và từ năm 1980 trở lại đây số mắc SXH đã tăng lên gần gấp 5 lần so với 30 năm về trước.

Năm 2015, theo thông báo của WHO ngày 22/9/2015, SXH gia tăng ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt tại khu vực châu Á Thái Bình Dương: Malaysia đã ghi nhận 85.448 trường hợp mắc, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2014 và tăng 300% so với cùng kỳ năm 2013; Philippines tăng 10,2%; Căm pu chia tăng 170%; Thái Lan tăng 100% so với cùng kỳ năm 2014; Ấn Độ ghi nhận số mắc cao nhất trong vòng 5 năm qua.


Tại Việt Nam, hàng năm  vẫn ghi nhận từ 50.000 đến 100.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó khoảng trên 80% số trường hợp mắc ghi nhận ở các tỉnh khu vực phía nam do đặc điểm khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều thuận lợi cho muỗi phát triển.  Bệnh có tính chất chu kỳ, bùng phát 4-5 năm/ lần.

Trong năm 2015, mặc dù số trường hợp mắc thấp hơn so với giai đoạn 2009-2013, tuy nhiên vẫn tăng hơn so với năm 2014 là năm có số mắc sốt xuất huyết thấp nhất trong vòng 30 năm qua.

Năm nay cũng là năm có xu hướng gia tăng số mắc của các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.


Để chủ động phòng chống bệnh sốt xuất huyết nhằm giảm thiểu số trường hợp mắc cũng như tử vong, các chuyên gia thống nhất nhận định cùng với việc áp dụng tốt các phương pháp mới trong việc nâng cao khả năng phát hiện sớm các dấu hiệu nguy hiểm của bệnh nhân tại các cơ sở y tế.

Vai trò của truyền thông nguy cơ đóng vai trò hết sức quan trọng nhằm thay đổi hành vi của người dân trong việc loại trừ các ổ chứa bọ gậy sốt xuất huyết như lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, đậy kín nắp các bể đựng nước sinh hoạt, thường xuyên thay rửa nước trong các bình bông (lọ hoa).

Đồng thời, người dân cần chủ động đến các cơ sở y tế sớm ngay khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên để được khám, điều trị sớm nhằm giảm thiểu các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.


Bệnh sốt xuất huyết Dengue được lây truyền qua muỗi Aedes và hiện nay phòng chống bệnh dịch này còn gặp nhiều khó khăn vì chưa có vắc xin phòng bệnh cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng chống chủ yếu và có hiệu quả là dựa vào kiểm soát véc tơ truyền bệnh.

Một trong những nghiên cứu đang được thử nghiệm tại đảo Trí Nguyên, Việt Nam là dùng vi khuẩn Wolbachia để gây nhiễm vào muỗi, làm cho muỗi chết sớm và hạn chế vi rút Dengue nhiễm và phát triển được trên muỗi nhiễm đó.

Wolbachia là vi khuẩn nội bào, sống trong tế bào côn trùng và truyền từ thế hệ này sang thế hệ tiếp theo thông qua trứng của côn trùng.

Wolbachia được tìm thấy tự nhiên trong khoảng hơn 60% các loài côn trùng sống xung quanh con người, bao gồm cả những loài muỗi thường hay đốt người, tuy nhiên nó lại không tồn tại trong muỗi Aedes aegypti, véc-tơ chính truyền bệnh SXH.

Tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu dự án bắt đầu nghiên cứu về Wolbachia từ năm 2006 với sự hỗ trợ của các chuyên gia quốc tế. Dự án đã cấy và nhân nuôi thành công muỗi Aedes aegypti địa phương mang Wolbachia tại phòng thí nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ.

Trên cơ sở khoa học và thực tiễn thu được qua các giai đoạn nghiên cứu từ năm 2006 - 2013, hoạt động thả muỗi Aedes aegypti mang Wolbachia đã được Bộ Y tế phê duyệt vào tháng 4/2014 trên thực địa hẹp Đảo Trí Nguyên, NhaTrang, với dân số trên 3.000 dân.

Vào tháng 5/2014, muỗi Aedes aegypti nhiễm Wolbachia đã được tiến hành thả tại từng hộ gia đình trên đảo. Sau 27 tuần thả muỗi Aedes aegypti, tỷ lệ muỗi Aedes aegypti nhiễm Wolbachia tại đây là 87%.

Kết quả giám sát quần thể muỗi Aedes aegypti tự nhiên vào tháng 5/2015 cho thấy nhiễm trên 95%. Như vậy, các kết quả nghiên cứu tại đảo Trí Nguyên đã chứng minh khả năng có thể xâm nhập vào quần thể muỗi Aedes aegypti tự nhiên của vi khuẩn Wolbachia.

Như vậy bước đầu nghiên cứu đã cho thấy muỗi mang Wolbachia sau khi thả đã thiết lập và thay thế gần như toàn bộ quần thể muỗi Aedes aegypti tự nhiên.

Ngoài ra theo kết quả giám sát ca bệnh mắc SXH từ giữa năm 2014 đến nay, tại đảo Trí Nguyên không ghi nhận ổ dịch SXH tập trung hay ca mắc SXH địa phương nào. Chính vì lý do này mà các nhà khoa học nói rằng việc sử dụng Wolbachia cho muỗi không khác gì việc “tiêm vắc xin cho muỗi”.

Từ việc hạn chế vi rút Dengue nhiễm và phát triển trên muỗi, đến việc thời gian sống của muỗi rút ngắn lại mà tác động hiệu quả tới việc phòng chống bệnh sốt xuất huyết.

» Sốt xuất huyết, 16 người tử vong
» Bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, có thể gây suy tạng, tử vong
» Đáng ngại dịch sốt xuất huyết tăng cao

Nam Anh

Bình luận
vtcnews.vn