Tuyên truyền, giáo dục lịch sử có đóng góp to lớn với lực lượng công an nhân dân

Thời sựThứ Ba, 18/08/2015 11:17:00 +07:00

Công an nhân dân Việt Nam với lịch sử 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà Đảng và nhân dân giao phó.

(VTC News) - Công an nhân dân Việt Nam với lịch sử 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà Đảng và nhân dân giao phó. Trong thành tựu đó có sự đóng góp to lớn của công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử và truyền thống của Công an nhân dân Việt Nam.

Lực lượng Công an nhân dân tham gia diễu binh, diễu hành tại Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước
Lực lượng Công an nhân dân tham gia diễu binh, diễu hành tại Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước  
Mục đích công tác tuyên truyền, giáo dục là nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, chiến sĩ Công an và các tầng lớp nhân dân về lịch sử vẻ vang và truyền thống hào hùng của Công an nhân dân; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và xây dựng lực lượng Công an nhân dân.

Thông qua đó, khơi dậy tinh thần yêu nước, niềm tự hào, phát huy bản chất cách mạng, không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, trung thành tuyệt đối với Tổ quốc và Nhân dân, với Đảng và Nhà nước, góp phần xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu và chiến thắng của Công an nhân dân Việt Nam.
Nội dung, công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử, truyền thống đã tập trung vào hai vấn đề trọng tâm:
Một là, tuyên truyền, giáo dục về sự ra đời, quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng Công an nhân dân trong 70 năm qua.
Ngay từ cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh (1930-1931) Đảng ta đã chủ trương thành lập "Đội Tự vệ đỏ" để hỗ trợ cho các cuộc đấu tranh của quần chúng, chống địch khủng bố, bảo vệ cán bộ và tuần tra canh gác, bảo vệ xóm làng, giữ gìn trật tự trị an ở những nơi có chính quyền Xô viết. Ở nhiều địa phương cũng thành lập các đội tự vệ với tên gọi khác nhau như: Đội Xích vệ ở Hải phòng, Đội Tuyên truyền xung phong ở Hà Nội, Đội Tự vệ công nhân ở Sài Gòn – Chợ Lớn, Tự vệ vũ trang ở Ninh Bình, Tự vệ bảo an ở Sa Đéc...

Mặc dù phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh bị địch đàn áp, nhưng đã để lại nhiều kinh nghiệm quý, trong đó có việc tổ chức, duy trì và phát triển lực lượng tự vệ. Trong “Thông cáo cho các xứ”, Thường vụ Trung ương Đảng khẳng định vai trò của Đội tự vệ và chỉ đạo: “Một vấn đề rất quan trọng cho sự đấu tranh của quần chúng bây giờ là vấn đề tổ chức đội tự vệ của công nông. Các đảng bộ phải góp sức với Công, Nông hội mà hết sức hô hào cổ động thiệt rộng trong quần chúng ý nghĩa và lợi ích của đội tự vệ ...”[1].

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Đảng (tháng 3/1935) đề cập sự cần thiết tổ chức ra Tự vệ đội để: “a) Ủng hộ quần chúng hàng ngày; b) Ủng hộ quần chúng trong các cuộc tranh đấu; c) Ủng hộ các cơ quan cách mạng và chiến sĩ cách mạng của công nông; d) Quân sự huấn luyện cho lao động cách mạng. Chống quân thù giai cấp tấn công và làm cho vận động cách mạng phát triển thắng lợi”[2].

Đầu năm 1940, Trung ương Đảng chủ trương thành lập “Ban Công tác đội” làm nhiệm vụ bảo vệ An toàn khu, giải thoát cho cán bộ khi bị địch bắt, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương, được trang bị vũ khí và huấn luyện kỹ thuật chiến đấu. Ngày 15/5/1945, Xứ uỷ Bắc kỳ thành lập “Đội danh dự trừ gian” có nhiệm vụ diệt trừ bọn Việt gian và vũ trang tuyên truyền, chiến đấu khi cần thiết.

Ngày 04/6/1945, Tổng bộ Việt Minh tuyên bố thành lập khu giải phóng và công bố 10 chính sách lớn của Việt Minh. Ngay sau đó, các tổ chức “Đội trinh sát”, “Đội hộ lương diệt ác” ra đời, cùng với “Đội tự vệ đỏ”, “Ban Công tác đội” và “Đội danh dự trừ gian” làm nhiệm vụ thủ tiêu lực lượng của phát xít Nhật, trừ khử bọn Việt gian, trừng trị bọn lưu manh, bảo vệ chính quyền cách mạng, thực hiện 10 chính sách lớn của Việt Minh. Đây chính là các tổ chức tiền thân của Công an nhân dân Việt Nam.
Trên cơ sở các tổ chức tiền thân đó, ngay sau khi cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám giành thắng lợi ở Hà Nội vào ngày 19/8/1945, ở các tỉnh Bắc Bộ đã lập Sở Liêm phóng, Trung Bộ lập Sở Trinh sát, Nam Bộ lập Quốc gia tự vệ cuộc để trấn áp phản cách mạng, giữ gìn an ninh, trật tự, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Ngày 21/02/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 23-SL thành lập Việt Nam Công an vụ, gồm Nha Công an Trung ương, ở 3 miền lập sở Công an, ở các tỉnh lập ty Công an. Ngày 12/5/1951, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 05-CT/TW, quy định nhiệm vụ và tổ chức Nha Công an Việt Nam (trực thuộc Bộ Nội vụ).

Ngày 16/02/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 141-SL đổi tên Nha Công an Việt Nam thành Thứ Bộ Công an. Tại kỳ họp từ ngày 27/8 đến 29/8/1953, Hội đồng Chính phủ ra Nghị quyết đổi tên Thứ Bộ Công an thành Bộ Công an. Đây là sự kiện đánh dấu bước trưởng thành, lớn mạnh của Công an nhân dân Việt Nam. Ngày 12/12/2005, Chủ tịch nước ký Lệnh số 30/2005/L-CTN công bố Luật Công an nhân dân, trong đó quy định: “Ngày 19 tháng 8 hằng năm là Ngày truyền thống của Công an nhân dân và là Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
Hai là, tuyên truyền, giáo dục về truyền thống vẻ vang của Công an nhân dân Việt Nam qua 70 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành.
Từ những tổ chức tiền thân như “Đội Tự vệ đỏ”, Công an nhân dân đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, có vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị Việt Nam, đóng góp to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng quang vinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, được sự đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân, lực lượng Công an nhân dân đã phát huy lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm, kiên cường, ý chí quyết tâm chiến đấu và chiến thắng, hun đúc nên những truyền thống tốt đẹp, đó là: (1) Trung thành tuyệt đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nhân dân. (2) Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ, dựa vào dân để làm việc và chiến đấu thắng lợi. (3) Đoàn kết, thống nhất, dân chủ, kỷ luật nghiêm minh, phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các lực lượng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.(4) Độc lập tự chủ, tự lực, tự cường và tiếp thu, vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm bảo vệ an ninh, trật tự và những thành tựu khoa học kỹ thuật – công nghệ phục vụ công tác, chiến đấu.(5) Tận tụy trong công việc, cảnh giác, bí mật, mưu trí, sáng tạo, dũng cảm, kiên quyết, khôn khéo trong chiến đấu, chủ động phòng ngừa, tiến công tội phạm. (6) Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, có lối sống văn hóa, ham học hỏi, cầu tiến bộ. (7) Quan hệ hợp tác quốc tế trong sáng, thủy chung, nghĩa tình. Những truyền thống đó đã và đang được các thế hệ Công an trân trọng, giữ gìn, ra sức bồi đắp ngày càng thêm tốt đẹp, rực rỡ.
Những nội dung về lịch sử, truyền thống đã được lực lượng Công an phối hợp với các cấp, các ngành triển khai tuyên truyền, giáo dục dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng:
Một là, đưa nội dung lịch sử và truyền thống vào chương trình học tập, giảng dạy trong hệ thống các trường Công an và đưa vào các quy định của Ngành. Một trong 5 Lời thề danh dự của Công an nhân dân là: “Ra sức học tập, thực hiện nghiêm túc 6 điều Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy Công an nhân dân, luôn xứng đáng với danh dự và truyền thống của Công an nhân dân Việt Nam”[3].

Một trong 10 điều kỷ luật của Công an nhân dân là: “Không có lời nói, hành động xâm hại đến Tổ quốc Việt Nam, đến uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam, đến sự vững mạnh của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đến danh dự và truyền thống của Công an nhân dân Việt Nam”[4].
Hai là, tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng nhân Ngày truyền thống Công an nhân dân 19/8 hằng năm. Ngành Công an đã phối hợp với ngành Tuyên giáo biên soạn, phát hành tài liệu và hướng dẫn tuyên truyền rộng rãi trong hệ thống chính trị, bồi dưỡng báo cáo viên, tuyên truyền viên.

Trong lực lượng Công an đã tổ chức các cuộc giao lưu, gặp mặt truyền thống, biểu dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu lịch sử, truyền thống; phát động các phong trào “Nghĩa tình đồng đội”, “Hướng về cội nguồn” Đền ơn đáp nghĩa”…Đặc biệt, vào các dịp kỷ niệm năm tròn, năm chẵn Ngày truyền thống, Lễ kỷ niệm cấp nhà nước đã được tổ chức trọng thể để ôn lại lịch sử, truyền thống của Ngành...
Ba là, phát động phong trào “Công an nhân dân học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy”. Ngày 11/3/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng chí Giám đốc Công an Khu XII đã dạy cán bộ, chiến sĩ Công an phải rèn luyện Tư cách người Công an cách mệnh: “Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính. Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ. Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành. Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép. Đối với công việc, phải tận tụy. Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”. Từ đó, việc học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy đã trở thành phong trào rộng lớn.

Tại Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn về “Tư cách người Công an cách mệnh”, GS.TS. Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định: Công an các đơn vị, địa phương trong cả nước đã liên tục phát động phong trào thi đua với nhiều hình thức, biện pháp phong phú, sáng tạo nhằm vận dụng, thực hiện có hiệu quả 6 điều Bác Hồ dạy vào từng lĩnh vực công tác và tu dưỡng, rèn luyện hằng ngày của mỗi cán bộ, chiến sĩ. Bộ trưởng nhấn mạnh, lực lượng Công an nhân dân cần đưa phong trào phát triển lên một tầm cao mới, sâu sắc, toàn diện hơn, kết hợp với tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, với các phong trào thi đua "Vì an ninh Tổ quốc"...
Bốn là, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, cổ động trực quan. Ngành Công an đã phối hợp với các cơ quan tuyên truyền, báo chí ký kết các chương trình phối hợp tuyên truyền, tổ chức hội thảo, tọa đàm, gặp mặt phóng viên, cộng tác viên để tuyên truyền, nhất là nhân các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội quan trọng của đất nước; thường xuyên tổ chức các cuộc triển lãm, các hoạt động giao lưu văn hoá, văn nghệ, thể thao; xây dựng các các cụm thông tin, pa nô, áp phích, bảng điện tử, khẩu hiệu hành động ở trụ sở cơ quan, các khu trung tâm, khu dân cư…
Năm là, xây dựng Bảo tàng Công an nhân dân và các Khu di tích lịch sử Công an trở thành địa chỉ đỏ giáo dục lịch sử, truyền thống như: Di tích Nha Công an Trung ương[5]; di tích Căn cứ Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam [6]; di tích An ninh Khu IX[7]; Di tích Hòn Đá Bạc [8]…Tại những nơi này đã thường xuyên đón khách tham quan, học tập, tổ chức các hoạt động về nguồn, báo công, hội trại, giao lưu truyền thống....
Đặc biệt, trong dịp tổ chức kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân và 10 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhiều hoạt động giáo dục lịch sử, truyền thống được tổ chức như: Sinh hoạt chính trị trong toàn lực lượng Công an với chủ đề: “Phát huy truyền thống vẻ vang, Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ”; tổ chức các hoạt động về nguồn, Hội trại “Vì an ninh Tổ quốc” cho các đoàn viên ưu tú tại các khu di tích lịch sử; tổ chức cuộc thi tìm hiểu về truyền thống của Ngành; bình chọn và tuyên dương 70 tập thể, cá nhân xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tổ chức Đại hội thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” lần thứ VII, liên hoan sân khấu toàn quốc “Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân” lần thứ III. Tổng cục Chính trị phát động, tổ chức cuộc thi “Viết cho đồng đội, viết cho người thân”, thi sáng tác các tác phẩm nghệ thuật về đề tài “Tuổi trẻ Công an nhân dân”.

Thông qua Cuộc thi, Ban Tổ chức đã chọn những bài tiêu biểu in thành Cuốn sách “Viết cho đồng đội, viết cho người thân”. Cuốn sách “là thông điệp của cái đẹp, mang tính nhân văn sâu sắc, bảo tồn và phát huy những truyền thống quý báu của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam”[9]. Vào ngày 18/8/2015, Lễ kỷ niệm cấp quốc gia sẽ được tổ chức trọng thể tại Trung tâm Hội nghị quốc gia và nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao sôi nổi...
Ngoài những hình thức cơ bản trên, lực lượng Công an và các cấp, các ngành đã tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền giáo dục một cách sáng tạo, đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn, vùng miền, đem lại hiệu quả thiết thực.
Trong thời gian tới, công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử, truyền thống tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả, góp phần làm sáng rõ thêm lịch sử, truyền thống vẻ vang của Công an nhân dân. Để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân giao phó, đòi hỏi lực lượng Công an phải nhận thức sâu sắc tình hình trong nước, quốc tế và nhiệm vụ của mình, thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Công an thì phải đánh địch thường xuyên, lúc chiến tranh có việc, lúc hòa bình lại càng nhiều việc. Còn chủ nghĩa đế quốc, còn giai cấp bóc lột là còn bọn phá hoại”[10].

Công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử, truyền thống cần được tăng cường hơn nữa, giúp cho cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân không ngừng nêu cao truyền thống, nhận thức rõ trách nhiệm của mình: “Làm công an không phải làm “quan cách mạng”. Làm công an là để giữ trật tự an ninh cho nhân dân, xem xét tìm tòi âm mưu phản động làm hại nhân dân”[11].

Các cấp uỷ đảng cần tăng cường chỉ đạo đổi mới phương thức tuyên truyền, lồng ghép nội dung tuyên truyền, giáo dục lịch sử, truyền thống Công an nhân dân với các hoạt động tuyên truyền giáo dục truyền thống, lịch sử Đảng và dân tộc, nhất là nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Ngành Công an cần thường xuyên phối hợp với các cơ quan tuyên truyền, báo chí, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, giáo dục; coi trọng hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền miệng gắn liền với công tác dân vận, phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân, huy động nhân dân tham gia bảo vệ an ninh trật tự; đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tập hợp, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực tham gia có hiệu quả phong trào với tinh thần: “phải đi đường lối quần chúng thì nhân dân mới tin yêu, giúp công an và công an mới thành công được. Phải đoàn kết nội bộ, đoàn kết với nhân dân và với các ngành thì công việc mới thắng lợi”[12].
Cho dù đã đạt được những thành tựu rất quan trọng, song công tác tuyên truyền giáo dục lịch sử và truyền thống vẫn luôn là nhiệm vụ cấp thiết, thường xuyên. Hơn ai hết, mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải là những tuyên truyền viên xuất sắc, truyền đi ngọn lửa nhiệt huyết từ trái tim mình.

Cùng với các lĩnh vực khác, công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử, truyền thống sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, không ngừng đổi mới nội dung, phương thức, phát huy sức mạnh của các lực lượng, phương tiện tuyên truyền, nâng cao chất lượng hiệu quả, góp phần xây dựng ý chí và niềm tin, quyết tâm hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
[1] . Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 3, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.2.
[2] . Bộ Công an: 60 năm Công an nhân dân Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2006, tr. 44.
[3] Ban hành theo Quyết định số 09/2008/QĐ-BCA(X11) ngày 03/01/2008 của Bộ trưởng Bộ Công an.
[4].Ban hành theo Quyết định số 09/2008/QĐ-BCA(X11) ngày 03/01/2008 của Bộ trưởng Bộ Công an.
[5]. Ở xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.
[6]. Tại xã Tân Lập huyện Tân Lập, tỉnh Tây Ninh.
[7]. Tại xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang.
[8]. Tại xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.
[9]. Nhiều tác giả: Viết cho đồng đội, cho người thân, Nxb Công an nhân dân, năm 2015, tr.7.
[10] . Bộ Công an: 60 năm Công an nhân dân Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2006, tr. 28.
[11] . Bộ Công an: 60 năm Công an nhân dân Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2006, tr. 25.
[12] . Bộ Công an: 60 năm Công an nhân dân Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2006, tr. 30.

TS. Nguyễn Thị Thu Hà,
Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền Ban Tuyên giáo Trung ương

Bình luận
vtcnews.vn