Tượng Phật cao nhất miền Bắc đổ sập: Không giấy phép vẫn xây dựng

Thời sựThứ Năm, 09/07/2015 09:47:00 +07:00

Liên quan đến vụ bức tượng Phật cao nhất miền Bắc đổ sập, dù không có giấy phép, nhà chùa Sắc Thiên Vương Quan Âm vẫn cho xây dựng công trình.

(VTC News) - Liên quan đến vụ bức tượng Phật cao nhất miền Bắc đổ sập, dù không có giấy phép, nhà chùa Sắc Thiên Vương Quan Âm vẫn cho xây dựng công trình.


Liên quan đến việc bức tượng Phật hàng chục tấn bất ngờ bị đổ sập cuối ngày 7/7 tại chùa Sắc Thiên Vương Quan Âm (xã An Mỹ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình), UBND xã An Mỹ đã có báo cáo chính thức gửi cơ quan chức năng.

Chùa có nguy cơ tiếp tục sập đổ

Theo đó, hồi 17 giờ ngày 7/7, tại thôn Tô Xuyên xã An Mỹ (Quỳnh Phụ, Thái Bình) đã xảy ra sự cố sập đổ tượng tại công trình Chùa Sắc Thiên Vương Quan Âm, khiến toàn bộ phần thân tượng phá hỏng kết cấu bê tông mái nhà diện tích khoảng 30m2 tại 3 mảng. Tượng đổ xuống vỡ nát (bê tông rời cốt thép). 

Do thời điểm cuối ngày thợ thi công đã nghỉ nên không có thiệt hại về người. Hiện trường cho thấy có hiện tượng tiếp tục sụp đổ vì thân tượng vẫn nằm trên mái nhà.

Sáng 8/7, các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Bình đã có mặt tại hiện trường, thu thập chứng cứ phục vụ công tác điều tra làm rõ vụ việc, ổn định tinh thần nhân dân.

Vụ sập đổ tượng Phật gây thiệt hại về vật chất ước tính khoảng 10 tỷ đồng. Nguyên nhân vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra là rõ.

Trước mắt, chính quyền địa phương áp dụng các biện pháp cấm người không có nhiệm vụ vào khu vực nguy hiểm vì công trình có thể sập đổ thêm, đảm bảo an toàn cho người và tài sản.

Thân tượng cao hàng chục mét bị sập đổ hoàn toàn - Ảnh MK 

Nhiều cái 'không'

Theo báo cáo của UBND xã An Mỹ, chùa Sắc Thiên Vương Quan Âm Tự là ngôi chùa cổ kính, nguy nga có bảo tháp thiên hương, khánh đá, chuông đồng, nhà tăng… có quy mô hoành tráng thuộc làng Tô Xuyên, xã An Mỹ (Quỳnh Phụ,Thái Bình); được xây dựng từ đầu thế kỷ XIV. Sau thời gian 600 năm, chùa xuống cấp và bị phá huỷ trong cuộc chiến tranh chống Pháp. 

Ngày 12/12/2009, nhân dân thôn Tô Xuyên đã họp và nhất trí đề nghị các cấp chính quyền cho phép thôn được xin lại 1.492m2 đất để xây dựng khôi phục lại ngôi Chùa Sắc Thiên Vương Quan Âm bằng nguồn vốn xã hội hoá, không có nguồn vốn Ngân sách Nhà nước.

Trần ngôi chánh điện đang có nguy cơ tiếp tục sập đổ - Ảnh MK 

Thể theo nguyện vọng của nhân dân và nhà chùa, căn cứ vào đề nghị của UBND xã An Mỹ, UBND huyện Quỳnh Phụ và các cơ quan chức năng, ngày 10/12/2010, UBND tỉnh Thái Bình có Quyết định số 2693/QĐ-UBND về việc giao đất cho tín đồ Phật tử và nhân dân thôn Tô Xuyên, xã An Mỹ, huyện Quỳnh Phụ để xây dựng Chùa Sắc Thiên Vương Quan Âm. 

Quyết định giao đất này do UBND xã An Mỹ và Trưởng thôn Tô Xuyên lưu giữ và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Sau khi có Quyết định giao đất của tỉnh UBND, xã An Mỹ đã làm việc với Nhà chùa đại diện là Đại đức Thích Thiện Từ hướng dẫn các thủ tục đầu tư dự án theo quy định, UBND xã sẽ tạo điều kiện cho Nhà chùa khi làm việc với cơ quan chức năng và yêu cầu chỉ khi đủ thủ tục và cấp Giấy phép xây dựng mới được khởi công xây dựng.

Tuy nhiên, trong khi chưa có giấy phép xây dựng thì khoảng đầu năm 2011, nhà chùa đã thuê thợ xây dựng và triển khai thi công xây dựng công trình.

Ngôi chùa được xây dựng trên nền ngôi chùa cũ, có từ thế kỷ thứ 13, nằm giữa cánh đồng xã An Mỹ - Ảnh MK 

Trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến nay, Nhà chùa tiếp tục tổ chức thi công với hình thức thuê thợ của địa phương và thợ bậc cao từ Đà Nẵng đến thi công. 

Nguồn vốn huy động tới đâu làm tới đó, đến ngày 06/7/2015 đã hoàn thành sơ bộ phần thô công trình bao gồm: Khu thờ tự hình lục giác diện tích 665m2 kết cấu khung, cột, mái bê tông cốt thép, chiều cao công trình từ mặt đất đến đỉnh tượng là 29,7m trong đó có phần thân tượng cao 15,2m, đài sen cao 4,9m, tổng toàn bộ tượng và đài sen được đặt trên mái khu thờ tự (Các số liệu trên được trích dẫn theo Bản vẽ thiết kế do Nhà chùa cung cấp cho cơ quan chức năng vào sáng 08/7/2015 sau khi xảy ra sự cố).

Trong thời gian thi công, UBND xã An Mỹ đã nhiều lần nhắc nhở, đôn đốc nhà chùa hoàn chỉnh hồ sơ, song không được nhà chùa hợp tác nên không triển khai được các biện pháp về quản lý nhà nước về xây dựng. Do tính chất nhạy cảm về tôn giáo, UBND xã An Mỹ đã không có biện pháp đình chỉ việc xây dựng nêu trên.

Tại thời điểm xảy ra sự cố cho tới nay, sư trụ trì nhà chùa là Đại đức Thích Thiện Từ không có mặt tại hiện trường và được cộng sự cho biết đã đi nước ngoài (Australia) từ 20 ngày trước. Công việc quản lý giao cho ông Huỳnh Văn Bé, 71 tuổi là cha đẻ Đại đức Thích Thiện Từ có mặt tại địa phương từ năm 2011.

Cũng theo báo cáo của UBND xã An Mỹ, hiện vẫn chưa nắm được nhà thầu khảo sát xây dựng chùa. Nhà thầu thiết kế xây dựng công trình là Công ty Cổ phần Tư vấn kiến trúc An Thái.

Nhà chùa không ký hợp đồng với nhà thầu thi công xây dựng, chỉ thuê thợ địa phương và thợ Đà Nẵng và đóng góp bằng nhân công lao động tại địa phương, không có nhà thầu giám sát thi công xây dựng công trình.

Video tượng Phật tại chùa Sắc Thiên Vương Quan Âm bị đổ sập hoàn toàn
 


Minh Khang
Bình luận
vtcnews.vn