Tuổi già

Tổng hợpThứ Hai, 16/12/2013 11:15:00 +07:00

Những bà già Mỹ trắng tóc bạc da mồi, những ông già quặm mặt cau có, chỉ giãn ra thoải mái khi có một bé con lên biểu diễn.

Chưa bao giờ tôi thấy nhiều người già và tàn tật như vậy. Khu nhà già hay viện dưỡng lão Deerbrook ở thành phố tôi đang ở chỉ là một trong những khu dưỡng lão cỡ nhỏ,  chừng trăm phòng đổ lại, vậy mà khi nhìn những người già ngồi xe lăn hay chậm chạp đi lại sau cái walker (một cái khung sắt có bánh xe để người tàn tật vịn vào khi di chuyển) tôi giật mình, sao mà có nhiều người già nhìn quá tội nghiệp như vậy, nhất là khi nhìn họ ngồi thành dãy, xe lăn tiếp xe lăn trong khán phòng xem những em bé (trong đó có con tôi) biểu diễn đàn dương cầm. 

 

Những bà già Mỹ trắng tóc bạc da mồi, những ông già quặm mặt cau có, chỉ giãn ra thoải mái khi có một bé con lên biểu diễn. Một người già đi ngược chúng tôi khi chúng tôi đang hớn hở đi ra ngoài sảnh, ông khoảng ngoài 70 tuổi, ông đi rất chậm sau cái walker, thỉnh thoảng lại dừng lại nghỉ lấy sức. Lưng ông hơi còng, miệng ông mím chặt, gương mặt ông chứa đầy sự chịu đựng thường gặp ở những người già tuổi ông.
Nhẫn nại chịu đựng – là điều mà tôi luôn cảm nhận được mỗi khi nhìn thấy một người già. Có một người khác trong con người này, một con người từng trai trẻ, lưng thẳng, da bóng căng tràn sức sống, từng có con cái, cháu chắt. Ông đã có những ngày tuyệt vời, sáng đi làm tối về nhà, cuối tuần đi bar với bạn bè, hoặc trồng cây sau vườn, hoặc ngồi trước hiên nhà uống bia nghe nhạc. Những ngày tháng ấy hạnh phúc biết bao, một đời người ấy ngọt ngào êm ấm biết bao, mà giờ đây tất cả đã bị chôn vùi vào quên lãng. Một đời người đang bị gom lại, nhốt trong hình hài môt người già tàn tật và bất lực. Những ngày tháng hoàng kim ấy không có vẻ liên quan gì với ông già  ốm yếu và bệnh tật này. Tay áp út của ông đeo nhẫn, vậy là ông đã có gia đình. Vậy có thể ông hạnh phúc hơn tôi nghĩ. Vậy có thể ông có gia đình ở đâu đó trên đất nước rộng lớn này, có thể có một đàn cháu hay chỉ một đứa cháu mà may mắn lắm ông sẽ được gặp môt năm 1-2 lần. Xã hội Mỹ được xem là một xã hội không dành cho người già, viết tới đây tôi nhớ bộ phim “No country for old men”. Ở đây người già có thể được nhận sự hỗ trợ đặc biệt từ xã hội nếu thời trẻ họ đi làm đóng thuế đầy đủ nhưng sẽ không bao giờ có sự yêu thương chăm sóc mà bất cứ người già nào cũng mơ ước. Thời gian, tình yêu thương, sự kiên nhẫn và tiền bạc là những thứ người già nào cũng cần nhưng xã hội và gia đình không dành cho họ.

 

Cuộc đời tôi rồi cũng sẽ bị nhốt trong một hình hài yếu đuối, bệnh tật? Hơn bất cứ điều gì khác, kể cả cái chết, tôi sợ không điều khiển được cơ thể mình, tôi sợ sự già yếu, bệnh tật hành hạ mình hết ngày này sang tháng khác. Tôi muốn một cái chết nhẹ nhàng, ra đi trong giấc ngủ như bà nội. Phải rồi, như bà nội, năm 83 tuổi, sau khi ăn bữa trưa, bà lên võng nằm và ra đi trong giấc ngủ, không có trăn trối, không có bi kịch, không cần con cháu phải lo lắng, hầu hạ mình những ngày cuối đời. That’s the way to do it (Đó là cách đúng đắn để làm chuyện đó) Bạn thân Marsha của tôi đã thốt lên khi nghe tôi kể. Bà của Marsha, ra đi năm 92 tuổi, trong toilet ở nhà riêng của bà.  Khi ông Marsha qua đời năm bà 82 tuổi, bà ở 10 năm một mình, con cháu ở gần mỗi cuối tuần lại đến thăm và đi chợ giùm nhưng họ biết rõ bà của họ, mẹ của họ cần một đời sống riêng tư, theo ý bà thích, theo cách bà thích, nên họ hoàn toàn đông ý việc bà ở riêng cho đến lúc bà qua đời. Cha của Marsha bây giờ vẫn còn ân hận tại sao lại để cho mẹ mình chết trong lúc đi vệ sinh nhưng cả gia đình bạn ấy đều cho rằng bà nội đã chọn cách sống một mình thì với họ, chết một mình là điều tất yếu, dù thần chết đến ở đâu đi nữa cũng không là điều quan trọng. 
Tôi biết, rồi ai cũng sẽ già và chết. Tôi hiểu rõ quy luật của muôn đời. Không chừa một ai. Cả cuộc đời tôi, tất cả những ngày tháng tốt đẹp nhất của tôi rồi sẽ tới ngày bị nhốt trong một cơ thể, hoặc tàn tật, hoặc yếu đuối hoặc cả hai. Tôi biết mình  nên trân quý hiện tại, Tôi biết mình  nên sống lành mạnh, giữ gìn sức khỏe, Tôi biết mình  không nên nghĩ quá nhiêu về con đường trước mắt. Nhưng lòng tôi không khỏi lo lắng, suy tư khi cho những người già quanh mình, những người thân yêu của tôi và bản thân tôi, hôm nay khi tôi đi bộ trong sảnh đường của khu nhà già. 

Lâm An
Bình luận
vtcnews.vn