Tưng bừng lễ hội ở thủ phủ dệt lụa lớn nhất Việt Nam

Thời sựChủ Nhật, 01/03/2015 08:55:00 +07:00

Sáng 1/3 (tức 11 tháng Giêng âm lịch), người dân làng Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội) đã nô nức tổ chức Lễ hội làng truyền thống.

Sáng 1/3 (tức 11 tháng Giêng âm lịch), người dân làng Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội) đã nô nức tổ chức Lễ hội làng truyền thống. Dù là hoạt động được tổ chức hàng năm, nhưng chỉ 5 năm một lần, làng mới lại có một lễ rước hoành tráng như năm nay.

Lễ hội làng nghề dệt lụa Vạn Phúc là một hoạt động truyền thống của người dân làng Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội), thường được tổ chức trong 3 ngày từ 11 đến 13 tháng Giêng âm lịch, nhằm chào đón xuân mới đồng thời tôn vinh tổ nghề.

Khác với nhiều năm trước, hội làng năm Ất Mùi 2015 đặc biệt quy mô và hoành tráng, không chỉ bởi chu kì 5 năm - 1 lễ rước được lặp lại, mà đây còn là dịp người dân làng Vạn Phúc có cơ hội được giới thiệu sản phẩm truyền thống của mình tới du khách thập phương thông qua việc khai trương khu Trung tâm kinh doanh Lụa Vạn Phúc vào ngày 12 tháng Giêng âm lịch.

Lễ rước của làng nghề Vạn Phúc có nhiều nét đặc sắc, thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời của làng nghề như đoàn rước lụa với những cô gái trẻ quẩy quang gánh chở lụa trên vai, hay chiếc khung cửi cổ "di động" với một nữ nghệ nhân ngồi dệt lụa bên trong...
Đoàn rước tập trung tại đình làng Vạn Phúc để làm lễ dâng hương trước khi rước kiệu Thành Hoàng Làng đi du xuân. 
Kiệu Đức Thành Hoàng - Ả Lã Đê Nương, Thần hiệu sắc phong Nga Hoàng Đại Vương, người có công lập ấp Vạn Bảo, truyền đức, truyền chữ, truyền nghề cho dân. 
Đoàn rước đưa kiệu đi một vòng quanh làng với ý nghĩa tâm linh là đưa Đức Thành Hoàng đi du xuân đầu năm mới. 
Đi đầu đoàn rước là đội múa lân 
Theo sau là đội rước ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" được viết tại làng lụa Vạn Phúc vào tháng 12/1946. Khi đó, làng lụa Vạn Phúc là an toàn khu của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ. 
Hội cựu chiến binh, thanh niên xung phong, dân quân tự vệ. 
 
Hội làng thu hút sự quan tâm của không chỉ người dân mà còn của cả du khách thập phương. 
 
Xe chở khung cửi cổ đi qua cổng làng Vạn Phúc. 
Bên trong khung cửi có một nữ nghệ nhân ngồi dệt lụa. 
Những cô gái trẻ quẩy quang gánh chở lụa trên vai. 
Những hình ảnh này đã tạo nên nét đẹp riêng có của làng lụa Vạn Phúc nói chung và lễ hội làng nghề nói riêng. 
Những người phụ nữ trong làng diện áo dài, đội nón đi theo xe rước lụa. 
Rất đông người dân đã đội mưa đứng xem lễ rước trong trật tự. 
Trong 3 ngày hội làng, hầu hết các hộ gia đình đều dừng sản xuất. Nhiều gia đình còn sắm sửa cả mâm cúng để đón Đức Thành Hoàng khi kiệu đi qua trước nhà. 

Nguồn: Tienphong
Bình luận
vtcnews.vn