Từ Tokyo đến Tripoli: Yêu thương thay cho thù hận

Bạn đọc viếtThứ Hai, 21/03/2011 12:40:00 +07:00

(VTC News) - Dẫu có coi nhau như bè bạn thì cuộc sống này vẫn còn bao thảm họa rình rập, thế mà con người lại đối xử với nhau không theo cách là bè bạn.

(VTC News) - Những ngày này, cả thế giới đang hướng về Nhật Bản. Đất nước Phương Đông, đất nước của những con người đầy sáng tạo nhưng cũng phải chịu lắm đau thương.

Có lẽ, người Nhật hiểu hơn ai hết sự đau khổ của thảm họa thiên tai và cả nhân tai nữa. Hơn nửa thế kỷ trước, bởi nhiều nguyên nhân, người Nhật đã phải chịu đựng đòn “thử nghiệm” của hạt nhân nguyên tử, nay cũng là người Nhật đang nỗ lực hết mình để ngăn ngừa một thảm họa cũng xuất phát từ hạt nhân nguyên tử.

Qua sự từ tốn, bình tĩnh chấp nhận hiện thực và phong cách xử lý của người Nhật, chúng ta không thể không có chút liên tưởng tới hình ảnh của nhiều người Trung Quốc đang đổ xô đi mua muối iod lo cho bản thân mình, không thể không liên tưởng tới cảnh chen chúc nhau để có một chỗ thuận lợi hơn trong các buổi lễ hội của người Việt chúng ta.

Ông Akio Komiri bật khóc tại cuộc họp báo 

Cũng có lẽ trong quá khứ, họ cũng từng như chúng ta, nhưng ngay cả thế, là người đi sau, chúng ta sao vẫn phải đi những tháng ngày tối tăm đã qua của họ. Nhìn hình ảnh ông Akio Komiri, giám đốc công ty điện lực Tokyo bật khóc khi thừa nhận rằng phóng xạ rò rỉ từ lò phản ứng hạt nhân tại nhà máy điện Fukushima No.1 bị hư hại có đủ độ nguy hại để có thể giết chết nhiều người, mới thấy bản lĩnh và lòng tự trọng của người Nhật. Hình ảnh đó liệu có mang lại điều suy nghĩ gì trong người Việt chúng ta về ý thức trách nhiệm, về lòng tự trọng nghề nghiệp của những ai là người có bổn phận trước đồng bào mình?

Thế giới đến với những tháng đầu năm con Mèo có nhiều chuyện không vui. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, bạo loạn chết người ở các nước thế giới thứ ba, động đất, núi lửa, sóng thần ở nhiều nước, và bây giờ là thiên tai khủng khiếp và nguy cơ ô nhiễm phóng xạ tại Nhật Bản. Trong khó khăn, mất mát, cả thế giới đang cùng chung tay nhau vượt qua. Đó là bức tranh đẹp về lòng nhân ái. Tiếc rằng, dẫu có coi nhau như bè bạn thì cuộc sống này vẫn còn bao thảm họa rình rập, thế mà con người lại đối xử với nhau không theo cách là bè bạn. Chuyện chia rẽ, kích động biểu tình, bạo loạn, việc chuyên quyền, độc đoán đối với đồng bào, việc lợi dụng danh nghĩa tốt đẹp để can thiệp, đe dọa vũ trang vẫn là thái độ không phải là không phổ biến để cư xử với nhau của nhiều quốc gia đối với các quốc gia khác.

Tuần qua, dư luận thế giới đau đáu hướng về Nhật Bản, cầu mong cho người Nhật vượt qua được thảm họa, hình như vô tình đã quên đi hàng triệu con người trên đất Libya đang sống giữa những làn đạn hận thù. Rồi lại thêm sự nghiệt ngã của đạn bom từ những nền văn minh khác can thiệp nữa.

Vài ba chục triệu đô la cho cuộc hỗ trợ người Nhật chẳng là gì so với hàng tỷ đô la chi cho các cuộc chiến chỉ trong một ngày của người Mỹ. Thế mới thấy sự oái oăm của loài người. Lấy đạn bom để ngăn chặn đạn bom, lấy tính mạng thay thế tính mạng, lấy hận thù thay cho hận thù, chẳng lẽ đó là phong cách ứng xử nhân đạo đã được người ta lựa chọn? Nếu chỉ lấy đi quyền năng của một kẻ độc tài, có cần thiết phải tước đi hòa bình của một đất nước? Iraq, Afghanistan liệu đã là một đất nước hòa bình sau khi các chế độ của Saddam Hussein, của Taliban đã bị chôn vùi?

Cuối cùng rồi thì con người cũng sớm phải ngồi lại với nhau để nói với nhau lời sẻ chia, thông cảm. Sau can qua, những kẻ thù của nhau rồi sẽ là bạn của nhau, nếu muốn tốt đẹp cho tất cả. Thái độ kẻ cả, cường quyền có thể lấn át được lương tri ngày hôm nay, nhưng không thể che lấp được lịch sử, không thể lấn át được mãi mãi. Chúng ta cần được sự tôn trọng lẫn nhau chứ không cần sự khiếp sợ, khinh miệt của kẻ khác.

Yêu thương thay cho thù hận. Bài học đã được học nhiều từ quá khứ, nhưng hình như nhiều người chưa thuộc.

Vũ Thảo Nguyên

Bình luận
vtcnews.vn