Từ Táo quân đến Quan thanh tra: Nổ ‘bom tấn’ giữa vấn nạn tham nhũng

Văn hóa - Giải tríThứ Năm, 25/02/2016 07:03:00 +07:00

(VTC News) - Từ tiếng cười trào lộng của Táo Xã hội tới vai trò đạo diễn của "Quan thanh tra", NSƯT Chí Trung đều đề cập tới vấn nạn tham nhũng đầy bức xúc.

(VTC News) - Từ tiếng cười trào lộng của Táo Xã hội tới vai trò đạo diễn của "Quan thanh tra", NSƯT Chí Trung đều đề cập tới vấn nạn tham nhũng đầy bức xúc.

- Được biết, sắp tới, Nhà hát Tuổi  trẻ có dựng vở “Quan thanh tra” của nhà văn Nikolai Gogol với ý tưởng xuyên suốt là câu chuyện chống tham nhũng. Dường như, từ “Táo quân” với tiếng cười trào lộng của Táo xã hội tới “Quan thanh tra” do anh đạo diễn, đều gặp nhau ở điểm phản biện lại vấn nạn nhức nhối nhất trong xã hội hiện nay – nạn tham nhũng?

Vấn nạn tham nhũng đã được báo chí nói tới nhiều, hô hào nhiều tới mức đã trở thành khẩu hiệu. Tuy nhiên, để mang đề tài này vào kịch nói hay điện ảnh, thì không phải dễ, cho cả người dàn dựng lẫn đối tượng tiếp nhận.

Có những bộ phim của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần đã phần nào chạm tới đề tài này rất thành công như “Ma làng”, “Bí thư tỉnh ủy”, “Gió làng Kình”…

Còn trên sân khấu, phải kể tới Táo quân 2016. Chương trình đã nói đúng và nói trúng về “quốc nạn” nhức nhối nhất đang tồn tại trong xã hội, đó là thực trạng tham nhũng tràn lan khắp mọi nơi.
Dàn nghệ sĩ tại Táo quân 2016
Táo quân 2016 là sự trở lại của tiếng cười thâm thúy, sâu cay
Nhìn lại Táo quân 2016, một sản phẩm được đạo diễn Đỗ Thanh Hải và ê kíp “ném ra” giữa mảnh đất màu mỡ, đó là khi nỗi bức xúc của người dân về tình trạng nhũng nhiễu đục khoét bị đẩy lên tới mức cao nhất. Bằng ngôn ngữ biểu đạt trào lộng sâu cay, thâm thúy, chương trình đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của khán giả.

Đặc biệt nhất, Táo quân đã dám nói tới nguyên nhân sâu xa của tham nhũng, đó là từ trước tới nay, chúng ta mới chỉ giải quyết được “phần ngọn”, còn phần gốc, chính là nạn buôn quan bán chức, “buôn voi” ấy, đang tồn tại như một điều hiển nhiên của cuộc sống.

Tới “Quan thanh tra”, vấn đề tưởng chừng đã cũ, được viết ra cách đây hàng trăm năm, nhưng hóa ra vẫn nguyên ý nghĩa thời sự.

Nếu như Táo quân dùng vòng quay tham nhũng để đề cập thì “Quan thanh tra” lại sử dụng hình ảnh lũ chuột, biểu hiện cho sự đục khoét xã hội, tạo ra một sự “ép phê” nhất định cho người xem.

Video Táo quân 2016:
- Anh sẽ mang tới cho người xem điều gì, từ một “Quan thanh tra” được đánh giá như một trong những hình mẫu của ngòi bút trào lộng phê phán?

“Quan thanh tra” là vở kịch từ năm 1835 của nhà văn Gogol, tái hiện lại một thời kỳ đen tối của nước Nga mà ở đó, người dân nói chung và người nông dân nói riêng bị bần cùng hóa.

Trước khi dựng vở này, giám đốc nhà hát Tuổi trẻ Trương Nhuận có nói với tôi, tìm một vở để dàn dựng trong năm nay, gọi nôm na là “bom tấn” của sân khấu kịch.

Tôi ngẫm nghĩ mãi, một vở bi kịch thì không hợp lắm, không phải vì nó không hay mà vì đặt không đúng bối cảnh.

Thời điểm này người người ta cần gì? Người ta cần những thứ nhẹ nhàng, vui vẻ, giúp mỗi người có hứng thú với cuộc sống chứ không phải nước mắt hay nỗi buồn vay mượn từ cảm xúc của người khác.

Cuối cùng tôi đã chọn “Quan thanh tra”. Từ 115 trang, tôi cô đọng lại trong 2 tiếng,
Quan thanh tra sẽ đề cập tới vấn nạn tham nhũng dưới góc nhìn trào lộng
Quan thanh tra sẽ đề cập tới vấn nạn tham nhũng dưới góc nhìn trào lộng 
Xuyên suốt vở kịch, khán giả sẽ thấy, đèn cứ bật lên là các quan lại đi lại, cười nói rộn rã, nhưng tắt đèn đi là các vị quan lập tức biến thành những con chuột. Những con chuột ấy đục khoét và làm cho xã hội đang tươi đẹp trở nên bần cùng, hỗn loạn.

Đặc biệt, những ngôn ngữ đương đại đều được đưa vào, khiến tác phẩm gần gũi hơn với người xem.

- Anh dường như rất biết cách tìm những chủ đề nóng, gần gũi với khán giả đương đại để kéo họ đến rạp?

Người ta thường bảo, những vở kinh điển được làm giải quyết vấn đề giải ngân, khâu oai của đạo diễn, khâu sướng của diễn viên. Nhưng tôi hy vọng, chất lượng vở diễn “Quan thanh tra” sẽ kéo khán giả đến với sân khấu kịch.

Tôi quan niệm, người làm nghệ thuật phải chủ động tìm kiếm những chủ đề của cuộc sống, đưa đến cho người xem những thông điệp để cùng lý giải.

Tôi muốn được dàn dựng những vở diễn mà mình cảm thấy phù hợp với mong muốn của nhiều người. Bằng chứng là tôi dựng rất nhiều vở kịch thành công, bởi tôi hiểu mong muốn của họ, một bộ phận khán giả ngày càng “teo tóp” dần đi, số lượng ngày càng ít dần đi.

Chúng tôi không muốn chỉ chăm chăm kiếm tiền, hay làm tầm thường hóa nghệ thuật. Kiếm tiền cần nhưng chưa đủ, cái đủ chính là sự tiếp cận của khán giả, làm cho khán giả họ chấp nhận được những sản phẩm của mình.

Sản phẩm văn hóa, đầu tiên phải là sản phẩm đã, còn khi tất cả cùng nâng niu nó, nó sẽ trở thành tác phẩm, chứ không phải đẻ ra đã thành tác phẩm văn hóa.

Nhiều người nghĩ rằng, những vở cổ điển, kinh điển phải được hơi thở cổ điển, kinh điển giải mã nó, chứ không được áp đặt, hoặc không được đời hóa nó.

Tôi thì tôi quan điểm hoàn toàn khác, cái gì chăng nữa, thì tôi và diễn viên đều phải làm sản phẩm văn hóa, sau đó trở thành tác phẩm nếu xứng đáng đưa cho khán giả. Vì khán giả là người cuối cùng tiếp nhận sản phẩm văn hóa đó.

- Trước “Quan thanh tra”, anh từng dựng lại những vở cũ của Lưu Quang Vũ cũng rất thành công và đầy hơi thở thời đại?

Thực tế là sự trăn trở để làm vở diễn cho có đầu có cuối, có thông điệp và tồn tại trong lòng khá giả là mong muốn của Nhà hát nói chung và cá nhân tôi nói riêng.

Có người hỏi tại sao tôi không dàn dựng những vở mới bây giờ. Thú thực, tôi nhận được rất nhiều kịch bản, nhưng đọc không “vào”, đọc không rung cảm. Mà nguyên tắc của tôi là không rung cảm, tôi không làm. Mình phải rung cảm mình mới truyền tải được điều đó đến người xem.

Những tác phẩm của các tác giả bây giờ thiếu đi đời sống thực, khiến tôi không tìm thấy thông điệp và sự nhân văn.
Còn những vở cũ của Lưu Quang Vũ, không những khiến tôi rung cảm thực sự, mà còn có thể đưa tiếng nói thời đại vào đó, như “Mùa hạ cuối cùng”, “Ai là thủ phạm”, “Lời thề thứ 9”.

“Quan thanh tra” của Gogol cũng vậy, một ngòi bút trào lộng bậc thầy, tái hiện lại thực trạng tham nhũng nhức nhối cách đây hàng trăm năm vẫn đầy ý nghĩa với đời sống đương đại. Tôi hy vọng, “Quan thanh tra” sẽ kéo được khán giả tới rạp, góp tiếng nói của mình, bằng ngôn ngữ nghệ thuật riêng, cùng cả xã hội chống lại vấn nạn đang bị đẩy lên thành nỗi bức xúc cao nhất của người dân hiện nay.

Xin cảm ơn anh!
 
Nằm trong chuỗi dự án “Chắp cánh niềm tin” dành tặng 100 đêm kịch cho khán giả cả nước, một ngân hàng trên địa bàn Hà Nội tiếp tục dành tặng 3000 vé xem hài kịch “Quan Thanh tra” và “Ai sợ ai” nhân dịp đầu Xuân Bính Thân 2016. Vở "Quan thanh tra" ra mắt vào tối 27/2, tại Nhà hát Tuổi trẻ, số 11 Ngô Thị Nhậm, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

“Quan thanh tra” là tác phẩm nằm trong nằm trong bộ sách tuyển chọn “100 tác phẩm kinh điển của sân khấu thế giới". Dưới ngòi bút phê chế diễu của nhà văn Gogol những thói hư tật xấu trong đám quan lại tham nhũng được khắc họa đầy hài hước và hóm hỉnh.

Không chỉ có một nội dung hấp dẫn, hài kịch “Quan thanh tra” còn được áp dụng những công nghệ ánh sáng và hình ảnh hiện đại qua màn chiếu nhằm tái hiện hình ảnh các biệt thự cổ kính, khung cảnh kiến trúc cổ kính với mái vòm lâu đài thế kỷ 19, trang trí sân khấu gợi mở cùng với vũ điệu âm nhạc rộn ràng của những thiếu nữ xứ sở bạch dương trong trang phục dân tộc... Những tình huống sân khấu trớ trêu và những vai diễn tính cách đầy nét hóm hỉnh hài hước sẽ được thể hiện sinh động, hấp dẫn qua dàn diễn viên nổi tiếng của Nhà hát Tuổi trẻ.

An Yên (thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn