Từ sự kiện Ngô Bảo Châu: Khi giò cầu thủ đắt hơn đầu GS

Giáo dụcThứ Hai, 13/09/2010 06:10:00 +07:00

(VTC News) - Số tiền 1 triệu USD từng được đồn là N.Sài Gòn chi cho Công Vinh tương đương số lương GS Ngô Bảo Châu nhận trong… 333 năm nếu về VN làm việc.

(VTC News) - Cũng đã gần một tháng kể từ thời khắc cái tên Ngô Bảo Châu được xướng lên ở Trung tâm hội nghị quốc tế Hyderabad (HICC) với giải thưởng Fields danh giá nhất thế giới toán học. Những cung bậc cảm xúc tuyệt vời lan tỏa qua hàng triệu người Việt Nam trong giây phút trưa 19/8/2010 cũng sẽ dần lắng lại. Lắng lại, để ngẫm kỹ và thấy cần thay đổi thật mạnh mẽ cơ chế đãi ngộ nhân tài, để tương lai Việt Nam có nhiều hơn nữa những Ngô Bảo Châu cùng những đóng góp của họ cho công cuộc phát triển đất nước.

1. Trong cái ngày Ngô Bảo Châu nhận Huy chương Fields từ tay Tổng thống Ấn Độ Shrimati Pratibha Patil, cùng với hàng triệu người khác, chúng tôi - các phóng viên Báo điện tử VTC News cũng đã có một ngày đáng nhớ. Túc trực từ 11h trước màn hình máy tính để theo dõi trực tiếp diễn biến từ HICC, chúng tôi phải đợi 60 phút để được nghe diễn văn khai mạc Đại hội Toán học thế giới (ICM) của Tổng thống Shrimati Pratibha Patil.

Khoảnh khắc vinh quang của khoa học Việt Nam: Giáo sư Ngô Bảo Châu nhận Huy chương Fields 2010.


Sự hồi hộp tăng lên theo thời gian. Sau bài phát biểu dài 20 phút của Tổng thống Patil, hết phần giới thiệu Ủy ban bầu chọn giải Fields, Giáo sư László Lovász - Chủ tịch Hội Toán học thế giới đang phát biểu. Bất chợt, Giáo sư Ngô Bảo Châu xuất hiện trên khung hình, ngay hàng ghế đầu tiên.

GS Châu ngồi bên cạnh 3 người khác, 2 trong số đó là Stanislav Smirnov và Cédric Villani, những ứng cử viên nặng ký cho giải “Nobel Toán học” cùng với Ngô Bảo Châu. Ngay thời điểm đó, tôi nhận ra, đó chính là 4 người được trao giải Fields, trong đó có Ngô Bảo Châu. Niềm tin của tôi được kiểm chứng ở nghi thức trao Huy chương. Lúc đó tôi mới biết người thứ tư cùng đoạt giải với Ngô Bảo Châu trên hàng ghế đầu là một người Israel, Giáo sư Elon Lindenstrauss.

Giáo sư Hoàng Tụy nói: “Ngô Bảo Châu đã làm nên một Điện Biên Phủ trên mặt trận khoa học”. Một người bạn của tôi lại nhận xét: “Chúng ta đã thắng trong một trận đấu bóng bằng đầu”.

2. Niềm vui chiến thắng thì luôn được diễn tả theo những cách thức giống nhau. Khi mà các tờ báo Việt Nam đang dành những vị trí trang trọng nhất để tôn vinh Giáo sư Ngô Bảo Châu thì ở một đất nước khác, Israel, các tờ báo điện tử cũng vinh danh Elon Lindenstrauss như một vị anh hùng. Giáo sư Elon Lindenstrauss làm việc Viện Toán học Einstein, thuộc Đại học Hebrew ở Jerusalem.

Báo chí Israel vinh danh Elon Lindenstrauss.

“GS Đại học Hebrew trở thành người Israel đầu tiên đoạt giải thưởng Toán học tương đương với giải Nobel” - dòng tiêu đề của bài báo viết về chiến công của Lindenstrauss trên trang tin điện tử của Đại học Hebrew, kèm theo một video giới thiệu về ông, với những lời nhận xét của đồng nghiệp. Bài báo này được tờ báo về khoa học eurekalert.org đăng tải lại.

Tờ JTA tán dương: “GS Đại học Hebrew giành giải thưởng Toán học hàng đầu”. Jerusalem Post viết: “Người Israel giành giải 'Nobel Toán học'”. Israel National News bình luận: “Giáo sư Israel giành giải thưởng Toán học danh giá”. The Sacramento Bee: “Người Israel cùng 3 người khác giành giải thưởng Toán học quan trọng”. Haaretz: “GS Đại học Hebrew đoạt Huy chương danh giá Fields”. Globes Online: “Nhà Toán học Israel giành Fields Medal”…

3. Lindenstrauss học Toán và bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Hebrew. Ông được mời tới làm việc tại Viện nghiên cứu cao cấp Princeton, trở thành trợ giảng tại Đại học Stanford trước khi trở thành Giáo sư Đại học Princeton vào năm 2004. Từ bỏ vị trí mơ ước của tất cả các nhà Toán học trên thế giới, năm 2009, Lindenstrauss trở về Israel làm việc tại Đại học Hebrew và một năm sau đoạt giải “Nobel Toán học”.

Thành công của Giáo sư Ngô Bảo Châu có được phụ thuộc nhiều vào nền giáo dục tiên tiến của Pháp.


Sau giải thưởng danh giá mà Ngô Bảo Châu vừa giành được, Giáo sư Lê Tuấn Hoa, Phó Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam nhận định: “Ngô Bảo Châu giành được giải thưởng Fields, thành tựu ấy trước hết phải thuộc về nước Pháp và trường Đại học với những người thầy đã tạo ra môi trường nghiên cứu cho Châu phát huy hết năng lực, tài năng của mình. Nếu nhận đó là thành tựu của Toán học Việt Nam là không chính xác”.

Bởi vậy, câu chuyện của Lindenstrauss gợi lên một ước mơ cháy bỏng khác: một ngày nào đó, sẽ có một nhà Toán học Việt Nam làm việc tại một trường Đại học hoặc một Viện nghiên cứu trong nước đoạt được Fields Medal.

Không thể phủ nhận ảnh hưởng của giáo dục Việt Nam đối với Ngô Bảo Châu qua việc truyền cho anh vốn kiến thức về Toán ban đầu và cả niềm đam mê Toán học như chính cha anh, Giáo sư Ngô Huy Cẩn thừa nhận. Dẫu vậy, sẽ rất khó để từ nền tảng sơ khai ấy, một người Việt có thể làm nên những công trình kỳ vĩ ở tầm vóc giải thưởng Fields nếu làm việc trong điều kiện ở Việt Nam, như lời khẳng định của Giáo sư Lê Tuấn Hoa: “Sau Châu, VN còn có nhiều mầm Toán khác có thể trở thành những chuyên gia hàng đầu thế giới trong tương lai. Tiếc là những mầm toán trưởng thành trong nước vẫn còn ít, các đỉnh cao đều được nuôi dưỡng ở những nền Toán học nước khác. Những người thành danh chưa được quy tụ để toán học VN có thể trở thành rừng cây lớn”.

4. Một ngày trước Lễ trao giải Fields, ở một lĩnh vực khác, dư luận trong nước rộ lên tin đồn chân sút Lê Công Vinh được Navibank Sài Gòn đặt giá 1 triệu USD trong 3 năm.

V.League đã trở thành giải đấu số 1 Đông Nam Á nhờ các nhà đầu tư như bầu Hiển, bầu Đức... (Ảnh: Quang Minh)

Nếu đem số tiền 1 triệu USD ấy trả lương cho Giáo sư Ngô Bảo Châu trong trường hợp anh ở lại Việt Nam làm việc, nó sẽ tương đương mức lương mà Giáo sư nhận được trong… 333 năm! Tức là, số tiền 1 triệu USD ấy đủ để trả lương cho 6 Giáo sư như Ngô Bảo Châu trong cả đời (mức lương tối đa của Giáo sư Ngô Bảo Châu nếu ở lại Việt Nam làm việc là 5 triệu đồng/tháng).

Câu chuyện “Công Vinh triệu đô” sau đó đã được cả Navibank Sài Gòn và CLB sở hữu Công Vinh - Hà Nội T&T phủ nhận, song cũng đủ tạo ra một vết gợn. Rõ ràng, giá trị của các cầu thủ, các ngôi sao làng giải trí,… đang tăng nhanh chóng mặt, song ở phía ngược lại, đời sống và điều kiện làm việc của những nhà khoa học cống hiến âm thầm lại chưa được quan tâm, đầu tư một cách đúng mực để mang lại những thành quả lớn lao hơn.

Đơn cử như trường hợp của Việt Thắng. Giá trị chuyển nhượng của “Thắng bế” một năm trước là mức 8 tỷ đồng, tương đương mức lương mà những Giáo sư đầu nghành như Giáo sư Hoàng Tụy nhận được trong 133 năm.

"Giò" cầu thủ đắt hơn “đầu" Giáo sư bao nhiêu lần?

5. Theo tìm hiểu của tôi, kể từ khi bắt đầu công việc giảng dạy tại Đại học Chicago từ tháng 9 tới, Giáo sư Ngô Bảo Châu có thể nhận được mức lương lên đến 300.000 USD/năm, gấp 100 lần mức lương tối đa có thể nhận được nếu ở lại làm việc trong nước.

Để những nhà khoa học làm việc trong nước giành được vinh quang như GS Ngô Bảo Châu thì chính sách chiêu hiền đãi sĩ của nhà nước cần phải được điều chỉnh.

Mới đây, báo Tiền Phong công bố một thống kê đáng để giật mình: Trong 1.000 Tiến sĩ Toán ở Việt Nam, chỉ có 150 người theo đuổi nghề Toán. Vẫn biết rằng tiền bạc không phải là yếu tố quá quan trọng với những người làm khoa học nhưng họ vẫn cần được đảm bảo những điều kiện vật chất tối thiểu để sinh sống và làm việc.

Những năm gần đây, các nước châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản xuất hiện làn sóng dịch chuyển, đưa các nhà khoa học ở nước ngoài trở về nước. Với Việt Nam, để đạt được thành công đó thì chính sách chiêu hiền đãi sĩ của Nhà nước cần phải thay đổi, như lời phát biểu mới đây của Giáo sư Lê Tuấn Hoa: “Nghiên cứu Toán học ở Việt Nam đang quá thiếu thốn những điều kiện tối thiểu. Nếu không có những thay đổi trong chính sách và đầu tư cho Toán học từ hôm nay, có lẽ chúng ta cũng chỉ có thể tự hào về gốc Việt của những nhà khoa học, còn thành tựu thật sự của họ phải thuộc về những quốc gia khác”.

Chuyện doanh nhân Đào Hồng Tuyển có nhã ý tặng Giáo sư Ngô Bảo Châu một biệt thự ở Tuần Châu (GS Châu sau đó đã trân trọng cảm ơn và từ chối nhận) cho thấy một điều: Trong bối cảnh cơ chế trọng dụng nhân tài còn chưa tương xứng với nhu cầu phát triển của đất nước, khoa học Việt Nam rất cần lòng hảo tâm của các tổ chức, các cá nhân để duy trì và phát triển, giống như V.League sau 10 năm đã trở thành giải đấu số 1 khu vực Đông Nam Á nhờ những Mạnh Thường Quân như bầu Đức, bầu Hiển, bầu Trường,…

Trong một tuần ngắn ngủi về Việt Nam, GS Ngô Bảo Châu đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc ra đời Quỹ Vì tinh thần hiếu học. Những kế hoạch ban đầu của Quỹ, theo GS Ngô Bảo Châu, sẽ không lớn về quy mô nhưng chắc chắn hiệu quả về chất lượng. Với những gì GS Châu đã làm được, chúng ta có thể tin tưởng sẽ có nhiều bạn trẻ được tạo điều kiện và đường hướng tốt để tiếp nối Ngô Bảo Châu.

6. Sự kiện Ngô Bảo Châu không chỉ thổi bùng khát vọng của giới trẻ và những nhà khoa học chân chính ở Việt Nam, mà còn là một cú hích lớn để cải tạo cơ chế đãi ngộ nhân tài còn nhiều hạn chế so với thực tiễn. Những động thái và phát biểu của các vị lãnh đạo Nhà nước về sự kiện đã cho thấy, trong một tương lai gần, những rào cản không hợp thời sẽ dần dần được phá bỏ. Và như thế, hy vọng rằng câu chuyện so sánh rất khập khiễng và đáng buồn, như giữa "giò" cầu thủ với "đầu" giáo sư, chỉ là chuyện của quá vãng.

Bích Bích

* Bạn có đồng tình với những quan điểm đưa ra trong bài viết? Theo bạn cần làm gì để Việt Nam có thêm nhiều nhân tài tương tự GS Ngô Bảo Châu có thể đóng góp cho sự phát triển của đất nước? Hãy viết ý kiến vào ô thảo luận cuối bài. Trân trọng!
Bình luận
vtcnews.vn