Từ phố Lê, rạp mình tiễn biệt ông – Nhà văn Băng Sơn!

Văn hóa - Giải tríThứ Hai, 06/09/2010 07:52:00 +07:00

(VTC News) - Tôi biết, biết từ rất lâu rồi, tâm hồn ông đã ngấm vào đất, vào nước, vào tán lá, thớ gỗ long não, vào từng khúc cua, ngã rẽ 36 phố phường…

(VTC News) - Sớm nay thân xác ông về với đất, tâm nguyện được hóa tro xuôi khúc đỏ Hồng Hà còn bỏ ngỏ vì nhiều lẽ từ con cháu ông, nhưng tôi biết, biết từ rất lâu rồi, tâm hồn ông đã ngấm vào đất, vào nước, vào tán lá, thớ gỗ long não, vào từng khúc cua, ngã rẽ 36 phố phường…

 

Từ sớm nay, phố Lê (nhà riêng của nhà văn Băng Sơn ở 66 Lê Văn Hưu) vắng ông mãi mãi. Những vỉa hè đã in dấu chân ông từ thuở “chưa lát gạch, bùn lội và bụi mù bốn mùa quen thuộc, từ thuở treo lá cờ Pháp cờ Nhật ra cửa mỗi ngày lễ tết đến tưng bừng cờ đỏ sao vàng đón chào Cách mạng khởi nghĩa thành công...”, không bàn chân ông hạ nhịp.

 

Cây long não vào mùa lá rụng, lá cây tươi thơm, khô rụng càng thơm không còn người hà hít, không còn người đếm vành nứt lõi lão thớ gỗ hỏi chuyện đời từ lát cắt thân cây. “Tôi không biết” – ông không biết hay chỉ là bỏ ngỏ những nỗi đời, nỗi phố mùa chuyển biến để mọi người phải cảm nhận?

Từ nay, phố phường Hà Nội không còn dấu chân ông. 
 

 “...Cũng có người vào đài hóa thân Hoàn Vũ, chiếc máy ghi hình tắt đi là ngọn lửa trong đó bùng lên một cách bí mật đau lòng kẻ ở. Nắm tro (hay bình tro) di hài tung lên ngọn sóng sông Hồng hay được ký thác bốn năm tầng hay nghĩa địa? Nắm tro có bao giờ than thở hay nhớ tiếc một đời từng sống giữa người yêu dấu và xóm giềng dăm bảy chục năm, nay một đi là vĩnh viễn chia lìa…” (trích "Đời một phố" - tùy bút của Nhà văn Băng Sơn)

Từ sớm nay, phố Lê vẫn cứ rộn ràng “hàng phở gà nổi tiếng, khách đóng hẳn ô tô đánh rầm, vào ăn xỉa tiền không tiếc…” vẫn cứ nườm nượp người ra vào ngõ Chân, nơi có “hấp thuốc Bắc, cùng chân gà nướng, bê thui, cháo ngan, bánh rán, bánh chuối, món lẩu tôm, lẩu cá…” thơm lừng mùi mắn tôm mỗi tối… mà không còn ai nhận ra cái mùi thơm mắm tôm ấy thực tình “nồng gắt đến hắt xì hơi” từ một người sành thanh vị Hà thành như ông.

 

Từ sớm nay, phố Lê vẫn cứ nhấp nháy đèn đủ màu “báo hiệu đây là hàng ăn, đây là khách sạn, là nhà hát Karaoke…” mà không người hiểu nó là cái kiểu cách thấp thoáng trong tiểu thuyết Tàu xưa “treo cái chổi ra cổng để cho người biết đó là tửu quán, là quán rượu bình dân…”

 

Từ sớm nay, phố Lê còn mấy người nhớ được “những cụ giáo Hinh từng dạy nhiều thế hệ học trò”, “bà Chắt nấu cao khỉ, ông bà Tự Lập làm nghề thợ may từ chiếc áo cánh có nắp túi hình báng súng hơi chéo đến chiếc sơ mi thường dúm ngực cùng chiếc quần Tây rộng thùng thình mang dáng thời đại từng khoảng thời gian”? Mấy người nhớ được “ông chủ nhà in, từng có ô tô riêng, khi vào công tư hợp doanh chỉ còn cái bậc dốc cho xe lên xuống như nhắc nhở nét xưa mờ xóa”? Mấy người nhớ được “ông cụ Thọ công chức lưu dụng có cả một đàn con đông đúc nhưng vẫn có thể ăn trắng mặc trơn vì lương cao gấp mấy chục lần anh cán bộ “thoát ly” từ kháng chiến trở về thành phố?” Mấy người nhớ được “vợ chồng anh tài xế lái xe tải rồi chuyển sang lái xe khách, sống ung dung ngay cả thời bao cấp nhọc nhằn, mọi người phải ăn bo bo, phải xếp hàng bốn lít dầu hỏa mỗi tháng để đun bếp…”? Và còn ai nhớ “nghệ sĩ sân khấu Huỳnh Chinh từng làm phó trưởng đoàn Kịch nói trung ương vẫn mặc áo đại cán vá vai đi làm từ phố Lê đến phố Nguyễn Bỉnh Khiêm có trụ sợ Đoàn kịch…”?

 Phố Lê Văn Hưu, nơi nhà văn Băng Sơn sống suốt mấy thập kỷ qua.
 

Có thể có, có thể không, nhưng từ sớm nay thì phố Lê không còn người nhớ kỹ, nhớ sâu và kể về những nhịp tuần sinh phố Lê trong cái “bừng mắt” mấy thập kỷ qua hay, đặc sắc, và tinh tế như ông.

 

Từ một con phố, ra nhiều con phố và rộng hơn là cả Hà Nội, nhiều nhiều lắm những con phố tựa phố Lê đi vào tâm khảm ông bình dị mà sâu sắc.

 

Đất phố không “đẻ” ra mà cứ mỗi ngày chật đi, vòng quay cuộc đời của một ngưỡi lõi phố như ông cũng không nối dài thêm mà đã khép lại. Và có thể với những người mới ở phố Lê, họ chẳng biết, chẳng để ý đến sự ra đi của ông như cái cách ông từng nhìn thấu tường vách mỗi nếp nhà để cảm nhận.

 

Thôi thì mỗi người mỗi cảnh, mỗi cuộc mưu sinh, mỗi cuộc làm ăn, mỗi cuộc tuần du, mỗi cuộc sống… đã vô tình, hữu ý ngụ cùng phố với ông mà nhớ nhớ quên quên, mà sắc nét hay mờ nhạt bóng ông. Nhưng vẫn còn đó rất rất nhiều người trong đó có tôi cảm tạ ông, lưu dấu ông về những nét chữ tài hoa mấy thập kỷ ông dày công khắc họa về Hà Nội, nơi lúc ông xa chỉ 1 tháng nữa thôi sẽ tròn 1000 năm tuổi.

Từ phố Lê và 36 phố phường Hà Nội, xin rạp mình tiễn biệt ông!

Hà Thành
15h, ngày 3/9/2010

 

Bình luận
vtcnews.vn