Từ hôm nay 16/3: Hà Nội ra quân 'truy quét' rượu độc

Sức khỏeThứ Năm, 16/03/2017 06:29:00 +07:00

Sau hàng loạt ca ngộ độc rượu, từ hôm nay (16/3), Hà Nội sẽ ra quân "truy quét" rượu độc.

Tại cuộc họp đánh giá tình hình triển khai các giải pháp khẩn cấp phòng chống ngộ độc methanol (cồn công nghiệp) diễn ra sáng 15/3 tại UBND TP Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, từ ngày 22/2 – 14/3, Hà Nội đã ghi nhận 25 ca ngộ độc rượu methanol, trong đó đã có 3 bệnh nhân tử vong, 4 bệnh nhân hiện đang được điều trị tại Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai). Số người ngộ độc rượu tập trung nhiều ở quận Đống Đa (10 ca) và Cầu Giấy (10 ca)…

Cơ quan chức năng đã tiến hành xét nghiệm nhanh 429 mẫu rượu, trong đó lấy 46 mẫu xét nghiệm tại Labo và kết quả có 5 mẫu vượt giới hạn cho phép.

Ngoài ra, trong 2 tuần qua, các đoàn kiểm tra liên ngành từ thành phố đến quận/huyện đã tiến hành kiểm tra gần 1.600 cơ sở, niêm phong gần 20 nghìn lít rượu, tiêu huỷ 140 lít không nguồn gốc và tiến hành xử phạt 149 cơ sở với số tiền gần 500 triệu đồng.

Tại cuộc họp, đại diện Phòng Cảnh sát hình sự (Công an TP Hà Nội) cho biết, sau khi xảy ra các vụ việc khiến nhiều người ngộ độc rượu, 1 người tử vong trên địa bàn quận Đống Đa, Công an TP đã yêu cầu Công an quận Đống Đa khẩn trương điều tra, làm rõ đối tượng sản xuất, kinh doanh, bán cho người dân uống gây ngộ độc, tử vong…

kim-tra-ru

 Lực lượng chức năng của Hà Nội kiểm tra chất lượng rượu tại một nhà hàng trên địa bàn.

Hiện, Giám đốc Công an TP đã chỉ đạo chuyển tất cả hồ sơ ngộ độc rượu về phòng Cảnh sát hình sự, tiến hành khởi tố vụ án, xử lý những trường hợp liên quan đến rượu methanol.

Đại diện Công an TP Hà Nội cũng kiến nghị, khi phát hiện rượu không rõ nguồn gốc, không nhãn mác phải lập tức tiêu hủy. Đối với các chợ, cần giao cho ban quản lý chợ kiểm soát chặt chẽ những cơ sở, cá nhân kinh doanh cồn, viên cồn pha rượu. Đối với các hộ gia đình nấu rượu cần có hướng dẫn quy trình và giám định kiểm soát mức độ an toàn.

Cũng tại cuộc họp, các ý kiến của các đại biểu cho rằng, cần quản lý chặt chẽ việc kinh doanh, buôn bán cồn công nghiệp tại các cửa hàng, khu chợ... Bởi vì những viên cồn được thả vào trong nước có thể “biến” thành rượu.

Bên cạnh đó, cần tuyên truyền, kiểm soát tình hình tiêu thụ rượu tại các khu vực đông dân cư, trường đại học, công trường xây dựng, đặc biệt tại các quận như: Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Đống Đa… Đây cũng là những địa bàn tập trung đông sinh viên, người lao động…

Video: Rượu chứa methanol độc hại, nguy hiểm chết người

Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu yêu cầu, từ ngày 16/3, toàn thành phố Hà Nội sẽ ra quân đồng loạt tổng rà soát, kiểm tra từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, các cửa hàng, nhà hàng, quán nước…

Đợt ra quân này sẽ kéo dài trong 1 tháng (từ ngày 16/3- 15/4). Riêng các sở, ngành của thành phố phải thành lập 10 đoàn; các quận/huyện cũng phải tổ chức 10 đoàn kiểm tra liên ngành.

Việc thanh, kiểm tra rượu cũng áp dụng giống kiểm ATVSTP được triển khai thời gian qua. Cụ thể, Phó Chủ tịch UBND các quận/huyện/thị xã của thành phố phụ trách ATVSTP phải trực tiếp đi kiểm tra ít nhất 2 lần/ tháng; Chủ tịch UBND xã/phường/thị trấn phải ít nhất đi kiểm tra 1 lần/ tuần; Phó Chủ tịch UBND xã/phường/thị trấn phải trực tiếp đi kiểm tra ít nhất 2 lần/tuần, ghi rõ biên bản ngày giờ đi kiểm tra.

“Đợt ra quân lần này phải làm quyết liệt, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chỉ ra quân tập trung cao điểm trong những ngày đầu.

Ngoài việc kiểm tra những cơ sở kinh doanh, sản xuất rượu thủ công, nhỏ lẻ còn phải tăng cường quản lý các nhà máy sản xuất rượu, cơ sở sản xuất có truyền thống.

Qua kiểm tra, nếu phát hiện cơ sở bán rượu không rõ nguồn gốc, nhãn mác là phải tịch thu hết, gửi mẫu về Sở Y tế kiểm nghiệm” - Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Sửu nói.

Đồng thời giao cho Sở Y tế, Sở Công Thương xây dựng dự thảo chế tài quản lý rượu trên địa bàn và phải trình lãnh đạo thành phố trước 31/3 vì hiện chưa có quy định cụ thể.

(Nguồn: Sức khỏe đời sống)
Chuyên đề: Tin nóng trong ngày
Bình luận
vtcnews.vn