Truyện tranh “Bé lợn, lớn bò” châm biếm những gì?

Giáo dụcThứ Hai, 28/05/2012 05:16:00 +07:00

Truyện phản ánh hai vấn đề xã hội “nóng hổi”: thịt lợn siêu nạc ăn vào là mắc bệnh và thực trạng dạy văn theo khuôn mẫu trong nhà trường.

Truyện phản ánh hai vấn đề xã hội “nóng hổi”: thịt lợn siêu nạc ăn vào là mắc bệnh và thực trạng dạy văn theo khuôn mẫu trong nhà trường.

Hai vấn đề xã hội nóng hổi trong 1 câu chuyện

“Cơn sốt” “Sát thủ đầu mưng mủ” vừa qua chưa kịp im ắng bao lâu thì tác giả Thành Phong lại tiếp tục gây “sốt” với tác phẩm truyện tranh “Bé lợn, lớn bò”. Nội dung truyện xoay quanh bài kiểm tra tập làm văn với tựa đề “Tả con lợn” của học sinh lớp 4 Nguyễn Văn Tèo. Bài văn của Tèo được diễn tả lại theo hình thức truyện tranh.

  
Một trang trong truyện tranh đang gây “sốt” hiện nay. 

Nội dung xoay quanh câu chuyện về chú lợn 102 được nuôi ở nhà Tèo. Phần mở bài, Tèo giới thiệu và miêu tả về chú lợn mình yêu thích đúng với những điều mình biết và cảm nhận. Tiếp đó, Tèo kể về quá trình lớn nhanh như thổi của chú lợn nhờ một loại thức ăn “thần kỳ” mà bố Tèo cho ăn mỗi ngày. Chỉ sau vài tháng, chú lợn lớn nhanh như thổi, chẳng mấy chốc đã to bằng… con voi.

Từ sự miêu tả ấy, Tèo liên hệ tới sự nhỏ bé của mình. Theo lý giải, bố Tèo không bao giờ cho cậu ăn thịt mà chỉ cho ăn rau. Mỗi lần thắc mắc, Tèo nhận được câu trả lời: “Cái thằng này ngu như lợn! Mày không thấy bố mày cho lợn ăn gì hay sao mà còn đòi ăn thịt lợn?”.

Tiếp tục, Tèo kể chuyện lợn 102 được xuất chuồng. Trước khi bán, bố Tèo cho lợn uống rất nhiều nước với mục đích càng nặng càng tốt. Trong quá trình bán lợn, Tèo còn kể thêm về việc người lái buôn xin bố Tèo mấy gói vị bò (ướp vào khiến thịt lợn ăn như thịt bò) và chuyện bố Tèo dặn cách sử dụng gói gia vị ấy.

Với bài văn miêu tả này, Tèo nhận được điểm 3 với lời phê: “Lời văn lủng củng, sai chính tả, ngôn ngữ thô tục, không phản ánh đúng thực tế cuộc sống. Cần tham khảo thêm văn mẫu”.

Sau khi được đăng tải trên trang cá nhân của mình, “Bé lợn, lớn bò” đã được nhiều trang mạng khác đăng tải lại với hàng nghìn lượt truy cập và bình luận. Rất nhiều người thích thú và coi đây là truyện tranh được viết không phải cho trẻ con mà cho cả người lớn bởi ý nghĩa sâu xa và thâm thúy của nó.

Anh Đức Minh, nhân viên kinh doanh (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Đây là truyện tranh xoay quanh bài văn miêu tả của Tèo về con lợn nhưng có ý nghĩa thật sâu xa. Dù là truyện tranh nhưng nó mang tính thời sự cao, đã phản ánh đúng thực trạng thịt lợn siêu nạc do ăn hóa chất độc hại trong thời gian qua.

Đúng là người bán thịt không dám ăn thịt, người bán rau không dám ăn rau, chỉ có người tiêu dùng không biết. Còn cơ quan chức năng thì mãi mới phát hiện ra”. Nickname Inu 87 thất vọng chia sẻ: “Đọc truyện này thì thấy như sau: Đạo đức thì mất, con người ích kỷ chỉ nghĩ đến cái lợi riêng nhưng rồi cũng là tự giết lẫn nhau, không tránh khỏi luật nhân quả của ông trời. Còn giáo viên thì giáo điều, xa rời thực tế, lý thuyết suông”.

Truyện còn đề cập đến vấn đề đạo đức trong kinh doanh buôn bán. Bên cạnh đó nó còn phê phán cách dạy của giáo viên đối với học sinh. Dạy học sinh mà lấy văn mẫu ra bắt học sinh làm theo sẽ khiến hạn chế khả năng sáng tạo của học sinh.

Cô giáo T.T.M, giáo viên dạy môn ngữ văn trường THCS Dương Xá, Hà Nội chia sẻ: “Truyện đã phản ánh đúng về thực tế xã hội. Đi ra chợ hay vào các siêu thị người tiêu dùng đều lóa mắt trước các thực phẩm được bày bán, loại nào cũng được quảng cáo là tốt cho cơ thể nhưng thực chất không biết như thế nào bởi các chất phụ gia độc hại vẫn được bày bán công khai trên thị trường”.

Cần thay đổi đề thi môn văn cho học sinh thành phố

Cô giáo T.T.M dạy môn ngữ văn trường THCS Dương Xá, Hà Nội nhận xét:“Tôi cho rằng truyện cũng đã phản ánh đúng một phần về thực trạng dạy văn trong nhà trường. Các bài văn muốn đạt điểm cao phải viết đúng theo khuôn mẫu.

Bởi bắt các em học sinh thành phố tả con lợn rất khó đạt điểm cao vì các em không biết và chưa được nhìn con lợn bao giờ nên không tả được. Hay việc tả dòng sông, các em sẽ tả đó là những dòng sông với nước đen ngòm, hôi thối, nhiều rác thải…

Vì vậy để có được điểm tốt, chắc chắn các em học sinh sẽ vào mạng tải văn mẫu hoặc đi mua văn mẫu... Xuất phát từ thực tế, cần thay đổi cách ra đề văn đối với học sinh ở khu vực thành phố”.


Theo Nguoiduatin

Bình luận
vtcnews.vn