Truyền hình Kẻ sống sót vĩ đại

Tổng hợpThứ Sáu, 25/06/2010 08:00:00 +07:00

Trước sự phát triển vũ bão của Internet, báo chí đang héo mòn; ngành băng đĩa đang khóc dở mếu dở trước những dịch vụ nhạc số như iTunes...

Trước sự phát triển vũ bão của Internet, báo chí đang héo mòn; ngành băng đĩa đang khóc dở mếu dở trước những dịch vụ nhạc số như iTunes; các nhà xuất bản sách tin rằng hồi kết của họ sắp tới... chỉ còn một loại phương tiện truyền thông có thể sống sót, thậm chí tràn đầy cơ hội để trở nên hưng thịnh – đó phải chăng là truyền hình.

 

Cách đây không lâu, TV được coi là một phương tiện giải trí đáng sợ vì sức ảnh hưởng to lớn của nó tới khán giả. Nào là khiến bọn trẻ trở nên lười biếng, ì trệ cả về thể xác lẫn trí tuệ. Nào là khiến đàn ông trở nên bạo lực, đàn bà trở nên phù phiếm... Mũi tên công kích này ngay lập tức chuyển hướng khi Internet trở thành một phương tiện phổ biến trong cuộc sống. Các phương tiện truyền thông bị ngập lụt bởi những câu chuyện liên quan tới Facebook, Blog, YouTube... khiến giới trẻ xa rời thực tại như thế nào, làm lung lay hệ thống chính trị ra sao. Và khi tìm kiếm trên Google, người ta cũng dễ dàng thấy cả trăm, ngàn bài báo có tựa đề “Internet – mối đe dọa của ngành truyền hình”.

Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy giờ đây mọi người xem truyền hình còn nhiều hơn cả trước kia. Nhiều hơn cả lướt web, gửi e-mail, xem DVD, chơi game, đọc báo và nói chuyện điện thoại. Dù rằng truyền hình không còn là vì sao tinh tú duy nhất trên bầu trời, nhưng truyền hình sẽ không biến mất. Thậm chí những công nghệ mới mà người ta nghĩ rằng sẽ đe dọa tới ngành này lại trở thành bệ phóng cho sự phát triển của truyền hình trong tương lai.

Internet có thể đe dọa quảng cáo truyền hình?

Không thể phủ nhận rằng Internet, có dây và không dây, đã tạo ra thử thách ngày càng lớn đối với ngành truyền hình. Nó quyến rũ các nhà quảng cáo với những lời hứa hẹn về độ chính xác cao, đại loại như: “Tại sao lại phải tiêu tốn một đống tiền rải quảng cáo cho hàng triệu người xem truyền hình, để rồi chỉ một vài người trong số họ là hứng thú với sản phẩm ấy? Trong khi đó, nếu quảng cáo trên Internet, chi phí vừa rẻ, vừa phát tán đến đúng nhóm đối tượng khách hàng; hơn nữa, bản thân khách hàng cũng có thể chọn xem thông tin quảng cáo sản phẩm mà họ có nhu cầu.

Tuy nhiên, xét về tính kinh tế, trước đây người ta đã nỗ lực đưa các nội dung của truyền hình, mà điển hình là Thể thao – chương trình thu hút sự quan tâm của nhiều người xem nhất, lên web và điện thoại di động nhưng rồi họ cũng phải thừa nhận rằng đây là một sai lầm. Rõ ràng, hiệu quả kinh tế đem lại từ dịch vụ xem thể thao trực tuyến và trên di động không thể sánh bằng hiệu quả kinh tế từ truyền hình truyền thống. Lý do là khi một nhà cung cấp nội dung có thể đưa các chương trình thể thao lên web hoặc điện thoại di dộng thì tất cả các nhà cung cấp khác cũng có thể làm tương tự. Việc có nhiều nhà cung cấp và nội dung vô hạn đồng nghĩa với giá thành thấp.

Thứ hai, khả năng đưa quảng cáo tới đúng đối tượng khán giả của truyền hình cũng có thể cải thiện để không thua kém Internet. Đơn cử như việc BskyB – công ty truyền hình vệ tinh của Anh – đang thử nghiệm đưa quảng cáo “có định hướng” lên Sky Player – dịch vụ xem video online của hãng. Theo đó, quảng cáo sẽ được tải về hộp đổi tín hiệu TV (set-top box) và gài vào các chương trình đang được phát sóng. Nếu phương pháp này hoạt động hiệu quả thì nó sẽ tạo ra sự khác biệt lớn lao của truyền hình. Khi đó, một công ty sản xuất xe hơi không chỉ có thể quảng cáo về sản phẩm của mình cho hàng triệu người xem truyền hình mà còn có thể quảng cáo một cách chính xác thứ mà từng người xem đang cần. Một đôi vợ chồng trẻ sống trên một căn hộ chung cư cao tầng sẽ được xem quảng cáo về một chiếc xe ô tô mini, còn những người sống ở ngoại thành sẽ được xem quảng cáo về một chiếc xe tải nhỏ. BSkyB dự kiến sẽ chính thức cung cấp hệ thống lọc quảng cáo này cho từng chiếc TV vào năm sau.

Không chỉ thế, truyền hình là phương tiện duy nhất có khả năng kiếm tiền từ những thứ “quấy rầy” khách hàng của họ nếu như các nhà Đài biết cách đưa quảng cáo tới đối tượng xem một cách chính xác hơn. Những hãng truyền hình cáp và vệ tinh ý thức được rằng họ có thứ mà Google không thể có; đó là khán giả “tại chỗ” – khán giả theo dõi trực tiếp các chương trình đang được phát sóng và không thể không xem những quảng cáo chen ngang.

Mạng xã hội – Bệ phóng cho các chương trình truyền hình lớn

Dù thế giới đang ngày càng mở rộng với các thiết bị giải trí cá nhân và các mạng xã hội nhưng không vì thế mà thói quen xem TV bị giảm sút. Các gia đình vẫn ngồi quây quần bên một chiếc TV như họ đã từng làm từ nhiều thập kỷ trước, nhưng giờ đây họ vừa xem phim, vừa sử dụng những thiết bị điện tử khác. Nielsen – một công ty nghiên cứu thị trường uy tín của Mỹ - đã thống kê rằng 13% người xem lễ trao giải Hàn lâm (Academy Awards) của năm nay đều online cùng lúc chương trình được trình chiếu – tăng 9% so với năm ngoái. Tương tự đối với các quốc gia của công nghệ như Nhật và Hàn Quốc, giới trẻ có thể vừa nhắn tin, vừa xem truyền hình trên di dộng mặc dù trước mặt họ đang là một chiếc TV đang lập lòe hình ảnh. Những khán giả “đa năng” này dường như không từ bỏ thứ gì, cả truyền hình và cả các trang web giải trí.

Người ta cũng phát hiện ra rằng tỷ lệ truy cập Google, Facebook, Twitter... luôn tăng đột biến khi có các sự kiện lớn trên truyền hình đang diễn ra, đơn cử như lễ trao giải Oscars, chương trình Super Bowl, hay lễ khai mạc Olympics... Như vậy, đối với các chương trình truyền hình lớn thì mạng xã hội đóng vai trò là người hậu thuẫn đắc lực, nó tạo ra một nơi để bàn tán xung quanh các chương trình TV, giúp các chương trình này ngày càng được nhiều người biết đến sâu, rộng hơn. Vì thông thường, khán giả tản mát khắp mọi nơi, nên chính nhờ khả năng quy tụ họ tại một nơi trong cùng một thời điểm khiến những chương trình truyền hình lớn trở nên đáng giá hơn bao giờ hết đối với các nhà quảng cáo.

Tương lai của truyền hình tương tác

Đối với những chương trình tầm cỡ trung bình, ví dụ như: hài, kịch.. chẳng hạn, thì cuộc sống cũng khó khăn hơn, một phần vì khán giả đã quy tụ hết vào những chương trình lớn được cộng hưởng từ mạng xã hội, phần khác là do sự phổ biến nhanh chóng của các thiết bị ghi hình kỹ thuật số. Các thiết bị này tạo điều kiện cho khán giả lựa chọn những chương trình hits và lãng quên những thứ ít nổi bật. Vậy làm sao để các chương trình này sống sót trong thế giới đầy rẫy những đối thủ nặng ký và những thiết bị số giải trí tân tiến?

Một giải pháp cho câu hỏi đó là lôi kéo mọi người vào các chương trình. Truyền hình rất giỏi tạo ra các nhân vật và câu chuyện được yêu thích nhưng lại không giỏi trong việc khuyến khích khán giả trực tiếp tham gia vào những câu chuyện ấy. Simon Cowell đã chứng minh rằng mọi người sẽ tham gia bình chọn rất tích cực cho các đối thủ trong những cuộc thi tài trên truyền hình. Tuy nhiên, việc khán giả có thể hội thoại với chương trình thì vẫn là một việc chưa được các nhà đài chú ý tới.

Cho tới nay, chỉ có các hãng tin truyền hình là nhận ra và đang nỗ lực áp dụng giải pháp này. Al-Jazeera, một hãng tin của Qatar, đã tạo ra diễn đàn “Minbar Al-Jazeera” để khán giả có thể tự do thảo luận và phản ánh. Bên cạnh đó, CNN cũng triệt để tích hợp mạng xã hội vào các chương trình của mình đồng thời thường xuyên gửi/nhận e-mail từ những người bình luận. Hãng này cũng khuyến khích mọi người chung tay đóng góp các câu chuyện thông qua việc gửi ảnh và video lên website iReport của hãng. Nhờ có sự đóng góp của họ mà CNN mới thu thập được nhiều thông tin quý báu từ những thảm họa, đơn cử như trận động đất ở Haiti xảy ra vào tháng Một vừa qua – nơi mà các nhà báo không thể có mặt tức thì để ghi chép hoặc quay cận cảnh. Để bảo vệ thương hiệu của mình, CNN chọn lọc kỹ càng từ kho tư liệu mà khán giả gửi để tìm ra những thông tin thật và không thật.

Việc tương tác với người xem theo cách này rất quan trọng với CNN nhằm thu hút khán giả vì nó làm giàu ý tưởng cho hãng – cái mà CNN thiếu so với hai đối thủ là Fox News Channel và MSNBC. Tuy nhiên, đây cũng là điều mà mọi hãng tin đều mong muốn. Tại Mỹ, nơi mà người dân đã quá quen thuộc với việc vào Facebook trên tàu điện ngầm, những hãng tin mới sẽ phải cạnh tranh rất khốc liệt để thu hút sự chú ý của nhiều người. Theo một nghiên cứu gần đây do trung tâm Pew Research Center tiến hành, có tới 25% người sử dụng Internet bình luận về các tin tức hoặc blog; 47% gửi e-mail gợi ý bạn bè đọc tin; và đáng ngạc nhiên là có tới 9% trong số họ đóng góp tin tức hoặc những câu chuyện cho các trang tin.

Một cải tiến nữa có thể kể đến của ngành truyền hình, đó là về công nghệ. Hiện nay các nhà đài và các hãng sản xuất thiết bị truyền hình ngày càng cho ra đời những dịch vụ cùng các thiết bị tăng cường tính chủ động và chiều chuộng sở thích cá nhân của người xem. Nếu như Internet cho phép cắt các file nhạc riêng lẻ khỏi album hay các video riêng lẻ khỏi một chương trình lớn thì TV cũng chẳng kém cạnh. Với dịch vụ xem phim theo yêu cầu và những thiết bị hiệu chỉnh TV kỹ thuật số tân tiến, người sử dụng hoàn toàn có thể tự chọn chương trình, lập thành kênh yêu thích, ghi và xem lại, tua, tạm dừng các chương trình, bỏ qua hoặc xem lại quảng cáo, nghe nhạc, hát karaoke, đọc báo, kết nối Internet để giao tiếp với cộng đồng... Nội dung và số lượng kênh đang được các nhà đài ngày càng mở rộng. Nhiều hãng như ABC, Fox và NBC đã đưa những nội dung này lên website của hãng để những người đóng thuê bao hàng tháng dịch vụ xem TV trả tiền (paid-TV) có thể xem miễn phí trên mạng. Đây là một xu hướng thức thời của truyền hình nhằm tăng tính tiện ích cho khách hàng. Nó sẽ trở thành thế mạnh của ngành này nếu trong tương lai luật bản quyền ngày càng được thắt chặt và các website tự do không thể tùy tiện đăng tải các chương trình truyền hình miễn phí.

Nói tóm lại, truyền hình vẫn luôn đứng ở vị trí hàng đầu về khả năng thu hút một khối lượng lớn khán giả trong cùng một thời điểm và trong cả một quãng thời gian dài. Internet và các thiết bị công nghệ cao có thể là mối đe dọa cho những ngành truyền thông khác, chẳng hạn như ngành báo chí, xuất bản đĩa và sách nhưng đối với truyền hình thì công nghệ lại là một phương tiện thúc đẩy sự phát triển. Trong thế giới mà khán giả tản mạn, rải rác thì truyền hình thực sự là phương tiện truyền thông đại chúng có khả năng tập hợp cao nhất, mang tính toàn cầu nhất. Nếu TV có thể kết hợp được cả yếu tố “rộng khắp”, “chính xác” và “phản ứng tức thì với khán giả”, thì nó sẽ còn tiếp tục thịnh vượng hơn nữa.

 
Thu Hồng

Bình luận
vtcnews.vn