Truyền hình đang rớt giá?

Tổng hợpThứ Hai, 22/11/2010 04:21:00 +07:00

Câu trả lời là… không hề, kể cả trong lĩnh vực vận động bầu cử .

Truyền hình đang rớt giá?

 
 

Câu trả lời là… không hề, kể cả trong lĩnh vực vận động bầu cử .

Mặc dù Internet ngày càng tỏ ra hiệu quả trong việc vận động gây quỹ cho các chính trị gia song, các phương tiện truyền thông truyền thống, đặc biệt là truyền hình, vẫn là sự lựa chọn hàng đầu nhằm gửi đi thông điệp trong các chiến dịch bầu cử tại Mỹ.

Hai năm trước đây, Barack Obama – lúc đó vẫn đang là ứng cử viên – đã vận dụng Internet thành công trong việc vận động quỹ và ông đã huy động được hàng triệu cử tri. Các chính trị gia trên khắp đất nước, trong đó có Meg Whitman và Jerry Brown đến từ California, đã tranh thủ mạng xã hội như Facebook và Twitter. Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích, khi chiến dịch bầu cử vào giai đoạn nóng bỏng nhất thì các ứng cử viên lại quay trở về những phương tiện truyền thông truyền thống thay vì sử dụng Internet để quảng bá hình ảnh.

Và khi ấy, ngay cả bưu chính – một dịch vụ truyền thông lâu đời với 235 năm lịch sử – cũng trở thành phương tiện được sử dụng để quảng cáo nhiều gấp 13 lần so với thư điện tử. Khi cuộc bầu cử vào giai đoạn trung kỳ, các mục quảng cáo trên đài truyền hình ở bang California, đặc biệt là ở thành phố Los Angeles, trở nên đắt giá hơn bao giờ hết. Một nhà tổ chức chiến dịch cho biết chi phí quảng cáo 30 giây trên truyền hình tăng đột biến trong những ngày cuối của chiến dịch bầu cử. Nếu như 2 năm trước, giá của mỗi quảng cáo như thế này là 2.000 USD thì năm nay là 5.000 USD.

Các nhà phân tích dự kiến rằng chi phí quảng cáo cho các ứng cử viên trên truyền hình khắp đất nước trong năm nay sẽ rơi vào khoảng 3 tỷ USD. Ít nhất 650 triệu USD sẽ được chi cho việc gửi tờ rơi trực tiếp vào các hòm thư. Các đài phát thanh và các phương tiện thông tin đại chúng truyền thống còn lại sẽ thu về 250 triệu USD. Trong khi đó, nguồn đầu tư cho quảng cáo trên các website chỉ vào khoảng 50 triệu USD.

Lý do đằng sau sự chênh lệch này nằm ở chỗ: khoản tiền đầu tư của các chính trị gia quá lớn, và họ sẽ không sẵn lòng thử nghiệm tính hiệu quả của nó trên một phương tiện mới, mặc dù giờ đây khả năng kiểm soát thói quen truy cập Internet của người sử dụng là hoàn toàn thực thi.

“Truyền hình tiếp cận được một lượng lớn khán giả trong cùng một thời lượng ngắn và bạn sẽ không có lợi thế này nếu sử dụng Internet. Chúng tôi đang chờ đợi sự thay đổi; tuy nhiên, mọi người vẫn tin tưởng và ưa chuộng các quảng cáo trên TV hơn.” – Wayne Johnson, chủ tịch của hãng truyền thông Johnson Agency, đơn vị phụ trách quảng bá hình ảnh cho ứng cử viên Đảng Cộng hòa, cho biết.

Theo các nhà marketing, truyền hình có sức thuyết phục rất lớn đối với cử tri. Các chính trị gia có thể gây ảnh hưởng tới khán giả trên một khu vực địa lý rộng lớn có định hướng. Trong khi đó, các website Internet thu hút vô vàn khán giả trên toàn hành tinh, không phân biệt một khu vực cụ thể nào. Bên cạnh đó, khán giả xem truyền hình không thể không xem các quảng cáo chen ngang những chương trình họ yêu thích, trong khi người truy cập web trên Internet có thể bỏ qua quảng cáo ngay lập tức chỉ bằng 1 cú nhấp chuột.

Theo ước tính, chi phí cho quảng cáo của giới chính trị Mỹ năm nay sẽ tăng 11% so với năm 2008. Một trong những lý do chính dẫn tới điều này là năm nay luật của Mỹ cho phép bắt đầu từ tháng 1/2010 tất cả các tập đoàn và các tổ chức đều có thể tự thực hiện các chiến dịch quảng bá cho các chính trị gia với quy mô không giới hạn. Việc này tạo nên một phong trào quảng cáo rầm rộ giữa các tổ chức chính trị nhằm gây ảnh hưởng tới cử tri.

Bên cạnh đó, theo chủ tịch của tổ chức truyền thông Kantar Media – ông Evan Tracey, có một yếu tố quan trọng hơn đó là sự cạnh tranh theo vùng ngày càng khắc nghiệt. “Chính trị gia trên khắp đất nước đều lo sẽ bị thất bại và giữa họ diễn ra một cuộc đua nhằm giành được quyền quảng cáo trên những phương tiện truyền thông uy tín ở các thị trường như New York, Texas, và California”. Meg Whitman – một ứng cử viên Đảng Cộng hòa – đã rót hơn 140 triệu USD vào các quảng cáo trên TV để được bầu làm thống đốc bang California.

Các Đài truyền hình ở Los Angeles năm nay cũng gặt hái được nhiều hơn 50% so với doanh thu năm 2008. Tính đến tuần thứ ba của tháng 9 vừa qua, doanh thu quảng cáo cho giới chính trị đã đem lại cho họ 150 triệu USD.

Năm nay, các Đài ở California, New York, Florida và Colorado đều có sức hấp dẫn mạnh mẽ; các hãng CBS Corp., News Corp., Walt Disney Co., NBC Universal và Tribune Co. (sở hữu kênh KTLA-TV 5 và tờ Los Angeles Times) thu về nguồn lợi dồi dào. Những Đài không phải tiếng Anh cũng được hưởng lây bởi rõ ràng, các chính trị gia hoàn toàn không muốn bỏ sót những cử tri là dân nhập cư – một bộ phận không nhỏ tại Mỹ.

Như vậy, có thể thấy rằng, trong năm 2010, các phương tiện truyền thông như bưu chính, báo chí, radio, điện thoại... vẫn là một phương thức quảng bá hữu ích của giới chính trị trong việc tiếp cận đối tượng cử tri ở tầm vi mô; tuy nhiên, truyền hình mới là sự lựa chọn số một của cả ứng cử viên và cử tri trên diện rộng. Quảng cáo trên Internet dẫu năm nay tăng trưởng hơn năm 2008 nhưng vẫn chỉ chiếm chưa đến 2% tổng ngân quỹ của giới chính trị. Đối với họ, truyền thông kỹ thuật số đến nay vẫn chỉ như một “đứa con riêng”.

 Bài: Thanh Thảo - Ảnh: hts


Bình luận
vtcnews.vn