Trường Thực nghiệm: Học không thi cử, không chấm điểm

Giáo dụcThứ Hai, 14/05/2012 07:00:00 +07:00

(VTC News)- Vì sao “Công nghệ giáo dục” ra đời đã 35 năm nay, người khen cũng nhiều mà người chê không ít, bỗng nhiên sống dậy?

(VTC News)- Vì sao “Công nghệ giáo dục” mặc dù ra đời đã 35 năm nay và người khen cũng nhiều mà người chê không phải là ít, bỗng nhiên sống dậy?


Một trong những sự kiện giáo dục “hót” nhất hiện nay là chuyện hàng trăm phụ huynh đã đạp đổ cổng sắt ùa vào trong sân trường PTCS Thực nghiệm (Hà Nội) để tranh suất mua hồ sơ thi vào lớp 1 cho con cháu.

Vì sao “Công nghệ giáo dục” (vẫn còn được gọi là thực nghiệm), mặc dù ra đời đã 35 năm nay và người khen cũng nhiều mà người chê không phải là ít, bỗng nhiên sống dậy? Để hiểu rõ hơn hiện tượng này chúng ta hãy cùng nghe cha đẻ của “Công nghệ giáo dục”- GS TS Hồ Ngọc Đại giãi bày.

GS Hồ Ngọc Đại - "cha đẻ" của mô hình thực nghiệm (Ảnh: Nguyễn Đình Toán) 

Đưa Công nghệ giáo dục vào Việt Nam
           
-  Thưa ông, ông bắt đầu câu chuyện về “công nghệ giáo dục” (CNGD) như thế nào?

GS Hồ Ngọc Đại: Có một chuyện vui thế này, hồi còn đi dạy học môn toán tôi được xếp loại giáo viên giỏi qua các kỳ hội thao ngành. Tôi cứ thắc mắc: “Mình mà là giáo viên giỏi thì vô lý quá!”. Từ đó, tôi cứ trăn trở: toán học thì có thể nhập cảng được nhưng phương pháp sư phạm thì không.

Sau khi nghe tôi nói ý định muốn đi sâu nghiên cứu giáo dục nhằm nâng cao nghiệp vụ sư phạm, một người bạn vong niên là giáo sư Đặng Nghiêm Vạn đã khuyên: “Cậu có gan đi vào sư phạm, sao không đi thẳng vào tâm lý học?”.

Một lời khuyên ngẫu hứng chăng? Chỉ biết rằng lời khuyên ấy đã thuyết phục được tôi và tôi dứt khoát tìm cách nghiên cứu tâm lý học. Cuối năm 1960, tôi sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh tại trường Đại học Lômônôxôp. Tại đây, tôi có may mắn là được gặp các nhà sư phạm nổi tiếng như Galperin, Elkônhin, Đavưđốp...

- Và ông bắt đầu “sao chép” các ý tưởng của các nhà sư phạm này?

GS Hồ Ngọc Đại: Hồi đó ở Liên Xô có một lý thuyết mới hình thành. Lý thuyết này mới, gây bỡ ngỡ đến mức người ta không cho dạy ở những khoa chính thống. Thế là tôi vào học ở Trường thực nghiệm 91 Matxcơva.

Đây là “cuốn sách tâm lý học” mở ra trước mắt tôi. Hàng ngày tới trường trực tiếp theo dõi các giờ thực nghiệm trên lớp. Vào học một cách rất hồn nhiên.

Cứ thế suốt hai năm ở trường thực nghiệm học tập cật lực từ sáng sớm cho tới tối mịt. Tôi tự mày mò làm các phép thử đo nghiệm trên những trẻ em đang học. Và tôi bất chợt nhận ra rằng các nhà tâm lý học - thầy của mình đã “dùng công cụ mới vào việc chuyên chở vật liệu cũ”.

Có thể sửa chữa được trì trệ này chăng? Tôi đề nghị: “Cho tôi thử dạy toán hiện đại cho trẻ em ngay từ lớp 1 và cấp I”. Làm được chăng? Đa số bỏ phiếu chống.

Chỉ có hai người ủng hộ. Một người là Viện sĩ V. Đavưđốp, hơn tôi năm tuổi, ủng hộ với lý do: “Lạ thật! Chúng ta nghiên cứu khoa học, chúng ta lại đi ngăn cản một nhà khoa học tìm tòi chăng?”.

Người thứ hai là một viện sĩ lão thành nhưng với một cái thở dài: “Thôi được, chàng trai trẻ ạ, cậu cứ làm đi. Nếu thành công thì vòng nguyệt quế sẽ khoác lên đầu cậu, còn thất bại thì gánh nặng sẽ trút lên đôi vai già của tôi đấy!”.

Hai vòng thực nghiệm dạy toán hiện đại cho trẻ em lớp 1, lớp 2 và 3 (bậc tiểu học ở Liên Xô khi đó) đã thành công và luận án tiến sĩ của tôi là bản tổng kết công cuộc thực nghiệm đó.
Hàng trăm phụ huynh đội mưa, thức trắng đêm để mua hồ sơ cho con vào trường Thực nghiệm ngày 13/5 (Ảnh: Phạm Thịnh)

- Vậy thực chất thì CNGD được hiểu như thế nào, thưa ông?

GS Hồ Ngọc Đại: Có thể diễn đạt bằng công thức: A  a, trong đó “A” là thành tựu của nền văn minh hiện đại như khoa học, nghệ thuật, lối sống và “a” thuộc nhân cách trẻ em, còn “” là quy trình công nghệ.

Có thể nói, CNGD là công nghệ biến nội dung “A” của nền văn minh hiện đại ở bên ngoài trẻ em (khoa học, nghệ thuật, lối sống...) thành cái “a” trong mỗi học sinh, có nghĩa là từ “A” chuyển thành “a”.

Kết quả thực tế là trẻ em ngay từ ở lớp 1 đã vừa có năng lực thực tiễn (biết đọc, viết tiếng mẹ đẻ), lại vừa có năng lực tư duy phân tích, khác về chất với cách học theo lối bắt chước. Với đối tượng lối sống cũng vậy, trẻ em bắt đầu cuộc sống xã hội trong tập thể học sinh từ lớp 1.

Toàn người tốt gây khó khăn cho tôi

- Thưa ông, khi đưa cái CNGD ấy về nước thì ai là người cản trở ông nhiều nhất?

GS Hồ Ngọc Đại: Sau này, có một lần Tổng Bí thư Đỗ Mười hỏi tôi: “Trong công việc của mình, ai gây khó khăn cho anh nhiều nhất?”. Tôi trả lời là “Toàn người tốt gây khó khăn cho tôi”.

“Tại sao lại thế?” - ông Đỗ Mười ngạc nhiên. Tôi trả lời: “Vì những người tốt đó họ tưởng tôi làm sai, để bảo vệ nền giáo dục đương thời nên họ phải chống lại lý thuyết của tôi”.

Phải nói thật là lý thuyết của tôi đã đảo ngược lại toàn bộ nền giáo dục của nước ta. Ví dụ, tôi đề ra các nguyên tắc: học trò là trung tâm chứ không phải là thầy giáo; học là chơi chứ không phải là quá trình vật lộn đau khổ; học không có thi cử, không có chấm điểm...

- Thế còn ý kiến của các nhà khoa học nước ta lúc đó ra sao?

GS Hồ Ngọc Đại: Khoảng năm 1978, tôi có mời một cuộc họp lớn lắm, gần 70 người. Thành phần toàn là giới chóp bu của khoa học cả, như Trần Đại Nghĩa, Tôn Thất Tùng, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Văn Hiệu...

Anh em họ nói đùa là “Hôm nay thằng nào đầu độc thì cả nền khoa học Việt Nam chết hết”. Và nói chung là giới khoa học Việt Nam ủng hộ. Kết thúc hội nghị, giáo sư Tạ Quang Bửu nói với tôi: “Không ai nói ra nhưng trong thâm tâm họ đều ủng hộ cậu cả!”.

- Vậy ý kiến của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người đứng đầu Hội đồng cải cách giáo dục thời bấy giờ?

GS Hồ Ngọc Đại: Sau khi về nước, tôi được Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Hội đồng Chính phủ tổ chức đón tiếp tại Văn phòng chính phủ, nay là Phủ Chủ tịch, rất thân mật.

Ông hỏi rất nhiều chuyện. Cuối cùng, ông hỏi về cải cách giáo dục. Tôi nói: “Cái cải cách giáo dục mà chúng ta đang làm hiện nay sẽ thất bại”. Ông đứng dậy đi đi lại lại (sau này người ta nói với tôi là khi nào cụ Đồng giận lắm thì mới làm thế).

Một lúc sau, ông trịnh trọng: “Thưa tiến sĩ, tại sao chưa làm mà tiến sĩ đã thấy thất bại?”. Tôi chỉ nói mấy lý do của sự thất bại.

Một là, cuộc cải cách giáo dục này được chuẩn bị trong vòng hơn 20 năm, lại chuẩn bị trong thời chiến. Nay sang thời bình rồi nên phải khác.

Thứ hai, đòi hỏi của cuộc cách mạng hiện nay đã khác.

Thứ ba, những mục tiêu kinh tế, chính trị của đất nước sau chiến tranh hoàn toàn khác. Nếu giả dụ như hai mươi năm chuẩn bị vừa rồi là đúng thì khi sang tình hình mới đã là không đúng nữa. Nếu như hai mươi năm trước chuẩn bị không đúng thì sang quá trình mới càng không đúng.

Sau gần hai, ba tiếng đồng hồ trao đi đổi lại, cuối cùng ông Đồng hỏi: “Vậy thì tiến sĩ muốn gì? Có đề nghị gì với Chính phủ không?”. Tôi nói: “Tôi xin đi dạy lớp 1”.

Kết thúc cuộc gặp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng quyết định: “Thôi, cứ để chị Bình (bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Bộ Giáo dục thời bấy giờ - TG) triển khai cải cách giáo dục, còn anh Đại cho mở trường thử nghiệm lớp 1”.      

>> Xem tiếp phần 2: GS Hồ Ngọc Đại: Tôi là kẻ gây bất hòa

Cách làm giáo dục của Hồ Ngọc Đại là đưa người thầy vào vị trí hướng dẫn, cộng sự với trò. Tức là mọi thầy giáo đều thi công cùng học trò trên lớp học và cho ra sản phẩm tương đương với sản phẩm thực nghiệm. Cách làm đó Hồ Ngọc Đại gọi là CÔNG NGHỆ DẠY HỌC.

Công việc này được Hồ Ngọc Đại thực sự bắt đầu từ năm học 1978-1979 ở Giảng Võ, Hà Nội. Lựa chọn Hà Nội để thể nghiệm một phương pháp giáo dục hầu như còn hoàn toàn xa lạ với người Việt Nam thời bấy giờ, Hồ Ngọc Đại đã đem cả cuộc đời và học vấn tiến sĩ để “đánh cược” với nền giáo dục truyền thống hiện tại.

Ban đầu chỉ là một cơ sở thực nghiệm khoa học giáo dục vẻn vẹn có hơn chục cán bộ nghiên cứu và giáo viên. Đến nay hệ thống giáo dục thực nghiệm đã được xây dựng ở phần lớn các tỉnh thành trong cả nước.

Tuy nhiên có một điều kỳ lạ là, ngay từ khi công nghệ giáo dục này ra đời, cho tới nay đã gần 35 năm tồn tại, nhưng người ta vẫn không ngớt tranh luận về hiệu quả đích thực của nó. Người khen cũng nhiều, mà kẻ chê cũng không phải là ít.

 




 Lê Thọ Bình

 (Thực hiện)



Bình luận
vtcnews.vn