Trung tâm môi giới việc làm "ma" lách luật như thế nào?

Kinh tếThứ Hai, 11/10/2010 07:03:00 +07:00

(VTC News) – Khi thu được phí môi giới dưới danh nghĩa "tiền đặt cọc", bằng cách này hay cách khác, công ty sẽ buộc “các nhân viên tập sự” tự động bỏ cuộc...

(VTC News) – Theo Đại úy Nguyễn Mạnh Hùng, Phó trưởng CAP Thượng Đình, các trung tâm môi giới việc làm hiện nay “núp bóng” công ty TNHH và sử dụng chiêu “lách luật” bằng việc đăng thông báo tuyển dụng nhân sự trực tiếp cho công ty mình. Nhưng khi thu được phí môi giới “trá hình” với tên “tiền đặt cọc”, bằng cách này hay cách khác, công ty sẽ buộc “các nhân viên tập sự” tự động bỏ cuộc, phá bỏ hợp đồng…


Như đã phản ánh trong bài Mất tiền oan vì Trung tâm môi giới việc làm kiểu mới, thời gian vừa quabáo điện tử VTC News nhận được nhiều đơn thư của độc giả gửi tới tòa soạn tố cáo địa chỉ ở phố Cự Lộc (phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) có dấu hiệu lừa đảo bằng việc đăng tin tuyển dụng, thu phí xin việc của người lao động rồi sau đó tìm cách từ chối không nhận người làm.

Không chỉ những nạn nhân của trung tâm này bức xúc mà chính người dân ở gần địa chỉ này đã trực tiếp theo dõi, đứng đơn tố cáo Trung tâm này. Theo ý kiến của các hộ dân, trung bình mỗi ngày có khoảng 20 người chủ yếu là các bạn sinh viên tìm đến địa chỉ trên để xin việc.

Địa chỉ số 4 ngõ 102 Trường Chinh (phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội) cũng bị tố cáo tương tự. Nhưng đáng lưu ý hơn, có bạn sinh viên đã cam đoan trong lá đơn “cầu cứu” VTC News rằng đã tận mắt chứng kiến một bạn nam sinh khác bị một nhóm đối tượng tại địa chỉ này đánh đập khi quay lại đòi tiền phí đã nộp.

Trong cuộc trao đổi với VTC News mới đây, CAP Thượng Đình, CAP Phương Mai đã xác nhận có nghe thông tin liên quan đến hai địa chỉ trên. Nhưng công việc kiểm tra, xác minh “hành vi phạm tội” này theo cơ quan công an thực sự là một vấn đề nan giải bởi những chiêu “lách luật” tài tình mà nhóm đối tượng đang áp dụng.

Đại úy Nguyễn Mạnh Hùng, Phó trưởng CAP Thượng Đình, cho biết: “Hiện nay, tại địa chỉ ở phố Cự Lộc (Thượng Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) là trụ sở của Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Du lịch Thành Vinh. CAP cũng xác nhận thông tin cho rằng địa chỉ này là một trung tâm môi giới việc làm trá hình, tuyển dụng nhân sự để thu phí của người lao động. Thậm chí, cũng có sinh viên đã đến CAP trình báo nhưng sinh viên nàylaij không có bất cứ bằng chứng nào chứng tỏ là “nạn nhân” của hành vi lừa đảo trên.

 Những thông báo tuyển dụng luôn hấp dẫn người lao động đặc biệt là giới sinh viên(nguồn Internet)

"Chúng tôi đã tiến hành kiểm tra hoạt động kinh doanh tại địa chỉ trên và kết quả xác minh cho thấy: Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Du lịch Thành Vinh được cấp phép hoạt động từ tháng 7/2010 với vốn điều lệ là 389 triệu đồng. Ngành nghề kinh doanh của Công ty này lên tới 33 ngành trong đó có Dịch vụ giới thiệu việc làm không bao gồm Cung ứng môi giới xuất khẩu lao động. Ngoài ra, mẫu thuế hay các thủ tục hành chính khác hoàn toàn hợp lệ”, Đại úy Hùng nói.

Về đơn tố cáo Công ty TNHH Du lịch Đầu tư và Thương mại Thành An cũng có địa chỉ tại đây, Đại úy Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, do mới chuyển công tác về phường Thượng Đình nên những hoạt động trước đó tại địa chỉ này, anh chưa nắm được. Hiện tại, anh mới nghe nói đến những hoạt động “lẩn khuất” của Công ty TNHH Thành Vinh mà thôi.

Đồng chí Vũ Tiến Giáo, CSKV phường Phương Mai cũng xác nhận, CAP đã nhận được đơn tố cáo địa chỉ số 4 ngõ 102 Trường Chinh tổ chức giới thiệu việc làm, thu phí người lao động. Tuy nhiên, CSKV Giáo cho biết, đơn thư tố cáo này CAP mới nhận được 1 tuần. Do hiện tại, CAP đang tập trung nhân lực để phục vụ an ninh trật tự dịp Đại lễ nên chưa triển khai kiểm tra hoạt động kinh doanh tại địa chỉ này. Trao đổi với VTC News, CSKV Vũ Tiến Giáo khẳng định, không có việc đánh đập sinh viên khi nam sinh này quay lại đòi phí như đơn thư độc giả phản ánh.

Khó khăn trong công tác giám sát hoạt động kinh doanh

Trong cuộc trao đổi với VTC News vừa qua, Đại úy Nguyễn Mạnh Hùng, Phó trưởng CAP Thượng Đình, đã thẳng thắn chia sẻ về những khó khăn của cơ quan CA trong việc xác minh, kiểm tra cũng như bảo vệ các “nạn nhân”của các trung tâm môi giới việc làm.

Theo Đại úy Hùng, trung tâm môi giới việc làm nay được “khoác áo” là các công ty TNHH vốn từ lâu đã là bài toán khó đối với công tác quản lý. “Mấy năm trước, các trung tâm này hoạt động công khai thậm chí có cả phố giới thiệu việc làm. Giờ gắn mác công ty, chiêu “lách luật” này quả thực đã gây khó khăn trong công tác điều tra của cơ quan công an”, Đại úy Hùng chia sẻ.

Đại úy Hùng cho biết, “chiêu” mà các “công ty” môi giới thường xuyên áp dụng đó là xin giấy phép kinh doanh, sau đó đăng tin tuyển dụng nhân sự với những mức lương hấp dẫn. Đặc biệt, yêu cầu công việc đưa ra không quá cao chủ yếu là dành cho những lao động phổ thông.

Chưa hết, khi người lao động đến xin việc, bằng cách này hay cách khác, các công ty này sẽ đưa ra những lý do để người đến xin việc nộp phí (từ 100.000 – 350.000 đồng). Những thỏa thuận lao động chủ yếu bằng miệng hoặc nếu có hợp đồng cũng sẽ được phía “công ty” giữ lại sau khi nêu ra một lý do thỏa đáng nào đó.

Hiện nay, theo Đại úy Hùng, các “công ty” kiểu này thường có móc ngoặc với một vài công ty khác (đóng tại các phường khác nhau) để thu thêm phí của người lao động. Sau đó, những “công ty” này sẽ đưa ra những công việc mà biết chắc người lao động không thể hoàn thành khiến người lao động chán nản, bỏ cuộc và tự phá bỏ hợp đồng.

...nhưng rất có thể đó là một trung tâm môi giới việc làm đang núp bóng "công ty" TNHH để móc túi người lao động?

“Hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp thì liên quan đến nơi cấp đăng ký kinh doanh đó là Phòng đăng ký kinh doanh của quận, huyện hoặc Sở Kế hoạch đầu tư; cơ quan cấp thuế là chi cục thuế hoặc cơ quan thuế của thành phố. Còn công tác đảm bảo ANTT là của công an nhưng riêng về vấn đề này cũng lại có nhiều cấp.

Các đơn vị nghiệp vụ như CSKT sẽ nắm sâu hơn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp còn CAP chỉ nắm tình hình chung, biểu hiện hoạt động kinh doanh và những biểu hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Chỉ khi nào có đơn từ tố cáo, CAP mới vào cuộc điều tra.

Hiện nay, để có thể xóa bỏ những “công ty” môi giới việc làm cần phải có sự phối hợp đồng bộ từ các cơ quan chức năng. Phải quán triệt ngay từ khâu cấp giấy phép kinh doanh, cấp mã thuế... Tuy nhiên, “yêu cầu” này quả thực là rất khó. Bởi việc xin giấy phép thành lập một công ty TNHH, một giấy phép đăng ký kinh doanh hiện nay quá dễ. Thậm chí, còn có cả dịch vụ cấp giấy phép thành lập công ty với giá rất rẻ chỉ từ 2 triệu đồng với hàng chục thậm chí hàng trăm ngành nghề kinh doanh”, Đại úy Hùng nói.

Trong bài toán chưa có lời giải về “nạn” lừa đảo môi giới việc làm này, theo Đại úy Hùng, một phần lỗi thuộc về những người lao động. “Nhiều người khi đi xin việc rất kém hiểu biết, kém trong khả năng nhận định công việc mình sẽ làm. Nhiều người tin vào mức lương đến 4 triệu đồng/tháng (tương đương với lương sĩ quan) cho một công việc mà yêu cầu chỉ đòi hỏi lao động ở mức phổ thông trong vài tiếng đồng hồ mỗi ngày.

Chưa kể, khi đi xin việc, dẫu biết đó là những công việc mình không thể hoàn thành hay mù mờ về công việc người ta giao nhưng người lao động cũng nộp phí và ký vào hợp đồng lào động và hợp đồng này cũng để phía công ty giữ nên khi sự việc xảy ra, người lao động không có một bằng chứng nào trong tay để chứng minh”, Đại úy Hùng chia sẻ.

Đại úy Hùng cũng cảnh báo: Trước đây các trung tâm giới thiệu việc làm dễ bị xử lý vì ngoài chức năng đã được quy định, trung tâm đó phải có ký kết giữa đơn vị cung ứng lao động và đơn vị tuyển dụng lao động. Nhưng nay “núp bóng” công ty, họ có đủ tư cách pháp nhân để tuyển dụng lao động cho công ty mình nên tốt nhất để tránh trở thành “nạn nhân” của hoạt động môi giới việc làm này, người lao động nên tỉnh táo và lựa chọn những trung tâm giới thiệu việc của nhà nước khi có nhu cầu xin việc.

Thu Hiền

Bình luận
vtcnews.vn