Trung Quốc sắp hoàn thành 2 đường băng trái phép ở Trường Sa

Thế giớiChủ Nhật, 17/01/2016 06:09:00 +07:00

(VTC News) - Trung Quốc đang đẩy mạnh tốc độ xây dựng sân bay trái phép trên đá Vành Khăn, đá Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

(VTC News) - Trung Quốc đang đẩy mạnh tốc độ xây dựng sân bay trái phép trên đá Vành Khăn, đá Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Theo tờ Philippines Inquirer, Trung Quốc đã gần như hoàn thiện đường băng trái phép trên đá Vành Khăn, quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Cùng lúc đó, đường băng trái phép trên đá Xu Bi cũng được Trung Quốc đẩy nhanh tốc độ xây dựng. 
Đường băng Trung Quốc xây trái phép trên đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh vệ tinh chụp hôm 8/1/2016 của CSIS
Đường băng Trung Quốc xây trái phép trên đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh vệ tinh chụp hôm 8/1/2016 của CSIS  
Tổ chức Sáng kiến minh bạch Hàng hải châu Á hôm 16/1 vừa qua công bố hình ảnh vệ tinh cho thấy Bắc Kinh đang xây dựng hai đường băng nói trên.
Tờ Nikkei Asian Review dẫn nguồn Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) cho biết, Trung Quốc đang xây dựng đường băng dài 2.644 m trên đá Vành Khăn và đường băng dài 3.250 m trên đá Xu Bi.
Tuần trước, Trung Quốc ngang nhiên cho máy bay đáp xuống sân bay trên đá Chữ Thập, cũng thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Bắc Kinh sau đó biện hộ rằng hoạt động này "phục vụ lợi ích công cộng, giúp đỡ cộng đồng hàng không quốc tế tránh thảm họa tương tự MH370".
Chuyên gia của CSIS nói đường băng trên đá Chữ Thập xây mất 7 tháng, nhưng Trung Quốc có vẻ như chỉ cần 3 - 4 tháng để xây hai đường băng còn lại ở Vành Khăn và Xu Bi.
Đường băng dài 3.250 m và rộng 55 m mà Trung Quốc xây trái phép trên đá Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: CSIS
Ảnh vệ tinh cho thấy đường băng dài 3.250 m và rộng 55 m mà Trung Quốc xây trái phép trên đá Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: CSIS 

Sân bay trái phép  trên đá Chữ Thập có diện tích 23.000m2, bao gồm đường băng, hai khu vực cất, hạ cánh cho trực thăng.
Sân bay này được nói là đủ diện tích cho 8 tới 10 chiếc máy bay dân dụng Boeing 737 cất, hạ cánh. 
Nếu được sử dụng cho mục đích quân sự, sân bay này đáp ứng được 10 chiếc máy bay cảnh báo sớm Y-8 do Trung Quốc tự sản xuất, hoặc máy bay tuần thám, máy bay trinh sát và lắp đặt thêm các hệ thống gây nhiễu điện tử. 
Sân bay trái phép này cũng được cho là có thể cùng lúc chứa 24 tới 48 chiếc chiến đấu cơ J-10, J-11 đang được sử dụng rộng rãi trong không quân Trung Quốc. 
Nhiều trang tin quân sự Trung Quốc hô hào, số máy bay này đủ sức "chiến đấu hết mình với bất cứ quốc gia nào Đông Nam Á và cả hàng không mẫu hạm Mỹ".
Năm ngoái, khi báo chính thống Trung Quốc lác đác đăng tải thông tin về hoạt động cải tạo, bồi lấp trái phép của nước này tại Trường Sa của Việt Nam, đã có không ít ý kiến cho rằng đây là bàn đạp để Bắc Kinh thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông.
Liên quan đến hoạt động bay của Trung Quốc, như đại diện Cục Hàng không Việt Nam đã nhiều lần khẳng định, cơ quan quản lý FIR Hồ Chí Minh của Việt Nam không hề nhận được bất kỳ thông báo nào của Trung Quốc về kế hoạch bay như họ nói. 
Vào ngày 30/12/2015, khi đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội thông báo cho đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam về việc Trung Quốc sẽ sử dụng tàu bay dân sự thực hiện các chuyến bay ra đá Chữ Thập, Việt Nam đã ngay lập tức phản đối và yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ hành động này. 
Việc Trung Quốc tuyên bố coi việc cho máy bay ra đá Chữ Thập là “các hoạt động hàng không quốc gia” thực chất là nhằm khẳng định yêu sách chủ quyền phi lý của họ đối với quần đảo Trường Sa, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa. 


Văn Việt (Theo Philippines Inquirer, Nikkei)
Bình luận
vtcnews.vn