Trung Quốc 'ngồi trên lửa' nhìn Mỹ - Nhật – Australia tập trận

Thế giớiThứ Ba, 21/07/2015 03:24:00 +07:00

Quân đội Trung Quốc đang để mắt dõi theo cuộc tập trận của thủy quân lục chiến Mỹ - Nhật Bản – Australia tại bãi Down Under, Australia.

Quân đội Trung Quốc đang để mắt dõi theo cuộc tập trận của thủy quân lục chiến Mỹ - Nhật Bản – Australia tại bãi Down Under, Australia.

Theo Bloomberg, cuộc tập trận được tổ chức ở một khu vực được cho là “kín đáo” của Australia, càng khiến dư luận thế giới, nhất là Trung Quốc chú ý.

Thêm vào đó, đây được cho là một cuộc tập trận quy mô lớn với sự tham gia tới 30.000 thành viên, 200 máy bay, 3 tàu ngầm và 21 tàu chiến thử nghiệm trong trường hợp chiến tranh thực sự xảy ra.
Cuộc tâp trận của quân đội Mỹ - Nhật Bản - Australia tại bờ biển của quốc gia châu Đại dương
Cuộc tâp trận của quân đội Mỹ - Nhật Bản - Australia tại bờ biển của quốc gia châu Đại dương 
Cuộc tập trận diễn ra từ 5-21/7, với các nội dung diễn tập về đổ bộ bờ biển, nhảy dù, tác chiến đường phố, tồn tại dưới những điều kiện hết sức khắc nghiệt… Bởi thế, sự lựa chọn một khu vực vùng sâu vùng xa Australia được nhận định là môi trường lý tưởng để rèn luyện binh sĩ.

Theo Phó đô đốc Australia David Johnston, nước này mời 30 quốc gia cử quan sát viên tham gia cuộc tập trận chung trong đó đáng chú ý là những quan chức trong quân đội Trung Quốc.

Ông Johnston nói: “Cuộc tập trận rất minh bạch. Chúng tôi thường xuyên liên lạc với các quan chức Trung Quốc để họ không phải quan ngại về những động thái của Australia”.

Australia đóng vai trò quan trọng đối với an ninh trong khu vực Thái Bình Dương. Thách thức lớn của nước này là vừa thắt chặt quan hệ chiến lược với Nhật Bản, đồng minh của Mỹ, mà không đụng chạm đến Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của mình.

Tuy nhiên theo Giáo sư Hugh White, chuyên gia nghiên cứu chiến lược thuộc Đại học Quốc gia Australia, thì dù Australia có mời Trung Quốc làm quan sát viên cũng không khiến nước này bớt lo ngại, khi Nhật Bản cũng là một thành viên của “Bộ 3 tập trận”. “Sự có mặt của Tokyo có nguy cơ chọc giận Bắc Kinh”.

“Mỹ, Nhật Bản và Australia đang hành xử ngày càng giống như họ là khối đồng minh ba bên; lý do là muốn đáp trả lại việc Trung Quốc thách thức trật tự mà Mỹ muốn thiết lập ở châu Á. Các lãnh đạo Trung Quốc nắm rõ xu hướng này và chắc chắn họ không thích điều đó”, Giáo sư White nhận định.

Video Nhật Bản tập trận chiếm đảo

Tuần qua, Hạ viện Nhật Bản đã thông qua Dự luật An ninh mới cho phép quân đội Nhật Bản có quyền hỗ trợ quân sự cho đồng minh và tham chiến ở nước ngoài, lần đầu tiên kể từ sau Thế chiến thứ hai.

Dự luật An ninh mới vẫn còn chờ Thượng viện thông qua, nhưng các chuyên gia nhận định Dự luật này chắc chắn được thông qua do liên minh cầm quyền của Thủ tướng Shinzo Abe chiếm đa số ghế ở Thượng viện.

Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định: sự thay đổi trong chính sách an ninh là yếu tố then chốt để đối phó với thách thức mới. Nếu được thông qua, Dự luật này sẽ có tác động lớn tới an ninh khu vực.

Phát biểu với báo chí ngay sau Dự luật an ninh mới được Hạ viện thông qua, Thủ tướng Shinzo Abe nhấn mạnh: “Môi trường an ninh của Nhật Bản đang đối mặt với những tình hình phức tạp ngày càng gia tăng. Trong bối cảnh đó, Dự luật an ninh mới là văn bản cần thiết nhằm bảo vệ người dân Nhật Bản cũng như ngăn ngừa chiến tranh”.

Tuyên bố này đang làm “dậy sóng” mối quan hệ Nhật – Trung. Và ngay sau đó là cuộc tập trận Mỹ - Nhật – Australia diễn ra.

Ông James Schoff, nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Carnegie Endowmen ở thủ đô Tokyo (Nhật Bản), nhận định: “Sự trỗi dậy của Trung Quốc chắc chắn khiến Nhật Bản phải tăng cường quan hệ quốc phòng với Australia”.

Trung Quốc có tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Bên cạnh đó, Bắc Kinh thời gian qua gia tăng hoạt động xây dựng đảo nhân tạo trái phép tại Biển Đông, bất chấp sự phản đối của các nước trong khu vực.

Ngày 18/7, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Scott Swift đã thực hiện chuyến bay trên chiếc P-8 Poseidon khi ông đến thăm Philippines, một đồng minh thân cận của Mỹ và là nước đang có tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông. Trung Quốc ngày 20/7 phản ứng lại bằng cách yêu cầu Mỹ đứng ngoài cuộc những tranh chấp ở vùng biển này.

Nguồn: VOV
Bình luận
vtcnews.vn