Trung Quốc lại cố ý xuyên tạc sự thật, bẻ lái dư luận

Thế giớiThứ Ba, 31/05/2011 10:17:00 +07:00

(VTC News) - Hôm nay (31/5), Trung Quốc tiếp tục đưa ra những luận điệu xuyên tạc về sự việc tàu hải giám nước này xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

(VTC News) - Hôm nay (31/5), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiếp tục đưa ra những luận điệu xuyên tạc về sự việc tàu hải giám nước này xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hôm 26/5.

Trong cuộc họp báo ngày hôm nay (31/5), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du tiếp tục tuyên bố:
"Việc tàu hải giám Trung Quốc tiến hành xử lý theo luật đối với tàu thăm dò hoạt động phi pháp của Việt Nam là hoàn toàn chính đáng. Chúng tôi yêu cầu phía Việt Nam lập tức chấm dứt các hoạt động xâm phạm chủ quyền, không nên gây thêm rắc rối mới."

 

Luận điệu này rõ ràng đã xuyên tạc sự thật và cố tình đánh lạc hướng dư luận; có thể gây bất lợi cho Việt Nam ở ít nhất 3 điểm:

- Thứ nhất, bóp méo sự thật, biến việc tàu hải giám Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam thành việc tàu thăm dò Việt Nam xông vào vùng biển Trung Quốc. Trên thực tế, vụ việc diễn ra tại lô 148, cách bờ biển Nha Trang của Việt Nam 120km, tức nằm rất sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hợp pháp của Việt Nam theo Công ước luật biển 1982.

- Thứ hai, biến việc tàu Trung Quốc vô cớ gây hấn và gây tổn thất cho tàu Việt Nam thành việc Việt Nam gây hấn, tiếp đó, mở rộng thành luận điệu yêu cầu Việt Nam kiềm chế, tránh làm phức tạp thêm tình hình; khiến dư luận trong nước Trung Quốc và dư luận quốc tế hiểu lầm Việt Nam.

- Thứ ba, cố gắng tạo ra một tiền lệ về tranh chấp trên một khu vực vốn không hề có tranh chấp, mà hoàn toàn nằm trong vùng chủ quyền hợp pháp của phía Việt Nam. Từ đó, "biến hóa" khu vực này thành khu vực đang tranh chấp.

 Buổi họp báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 31/5

Tuy nhiên, ngay trong cuộc họp báo hôm 29/5, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga đã nhấn mạnh:

"Việt Nam kiên quyết phản đối hành động của phía Trung Quốc phá hoại, cản trở các hoạt động thăm dò khảo sát bình thường của Việt nam trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gây thiệt hại lớn cho tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam.

Hành động này đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của mình, vi phạm Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc, trái với tinh thần và lời văn của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002 cũng như nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam và Trung Quốc.

Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay, không để tái diễn những hành động vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời bồi thường thiệt hại cho phía Việt Nam."


Bà Nguyễn Phương Nga đồng thời nhấn mạnh:

"Cần làm rõ một số điểm như sau:

Thứ nhất là, khu vực Việt Nam tiến hành thăm dò hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam theo công ước luật biển của LHQ 1982. Đây hoàn toàn không phải là khu vực tranh chấp, lại càng không thể nói là khu vực “do Trung Quốc quản lý”. Trung Quốc đang cố tình làm dư luận hiểu nhầm khu vực không có tranh chấp thành khu vực tranh chấp.

Thứ hai là, Việt Nam luôn tuân thủ nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước là giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình. Không có nhận thức chung nào nói rằng Trung Quốc có quyền cản trở các hoạt động của Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Chính hành động này của Trung Quốc đã đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước.

Thứ ba là, Trung Quốc kêu gọi giải quyết các tranh chấp liên quan bằng biện pháp hòa bình, nhưng chính hành động của Trung Quốc đang làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông."

Đông Linh

Bình luận
vtcnews.vn