Trung Quốc giảm nhập khẩu: 'Bạn hàng' nào lao đao nhất?

Kinh tếThứ Hai, 31/08/2015 05:13:00 +07:00

Trung Quốc giảm tỷ lệ nhập khẩu 14,6% trong 7 tháng đầu năm, các quốc gia trên thế giới làm bạn hàng thân thiết chuyên xuất khẩu vào Trung Quốc đã bị ảnh hưởng

(VTC News) - Với mức giảm tỷ lệ nhập khẩu 14,6% của Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm, các quốc gia trên thế giới là bạn hàng thân thiết chuyên xuất khẩu vào Trung Quốc cũng không khỏi lao đao.

Từ đầu năm cho tới tháng 7 vừa qua, Cơ quan Hải quan Trung Quốc báo cáo rằng lượng hàng hóa nhập khẩu từ Úc vào Trung Quốc đã giảm 15 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái - một sự sụt giảm lớn tương đương với khoảng 1% GDP của nước này.

Và không chỉ riêng Úc, còn rất nhiều quốc gia khác cũng đang rơi vào tình trạng bị sụt giảm lượng hàng hóa xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, với tỷ lệ giảm có thể tương đương từ 1 - 2% GDP của mỗi nước.

Cũng theo báo cáo của hải quan Trung Quốc, Trung Quốc giảm nhập khẩu nói chung trong suốt 7 tháng đầu năm đã giảm khoảng 14,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ nhập khẩu của Trung Quốc nói chung trong suốt 7 tháng đầu năm đã giảm khoảng 14,6% so với cùng kỳ năm trước - Ảnh minh họa
Theo trang The Guardian, sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc đã gây ra một hiệu ứng tác động tới nhiều quốc gia khác, trong đó có thể kể tới những quốc gia có liên kết xuất khẩu lớn với đại lục này.

Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan là những quốc gia châu Á được xem như những nhà cung cấp có sự kết nối mật thiết với các lĩnh vực sản xuất, chế tạo của Trung Quốc.

Nhưng riêng Việt Nam thì đang được cho là có xu hướng ngược lại, với lượng hàng hóa xuất khẩu vào Trung Quốc đã giảm đi đáng kể dù trong một số tháng thực tế có tăng so với năm trước.

Tại khu vực Thái Bình Dương, Australia và New Zealand là những nước bị ảnh hưởng rất lớn, với kim ngạch xuất khẩu giảm khá lớn, tương đương với nhiều phần trăm GDP.

Tuy nhiên mỗi nước có một ngành bị ảnh hưởng riêng, như ở Úc là ngành công nghiệp khai thác mỏ, còn ở New Zealand chủ yếu là các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là sữa.

Còn ở châu Phi, hầu hết các quốc gia ở đây đã được Trung Quốc "bao tiêu" từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 do sức cầu khổng lồ về các nguồn tài nguyên thiên nhiên của quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Để rồi đến nay, khi Trung Quốc gặp hạn, quốc gia nào có sự phụ thuộc xuất khẩu vào Trung Quốc càng lớn thì càng bị ảnh hưởng rõ rệt, như Angola được đánh giá là "nạn nhân" số một khi mặt hàng chủ yếu xuất sang Trung Quốc là dầu mỏ và khí đốt.

Lượng hàng xuất khẩu từ khu vực châu Phi vào Trung Quốc kể từ đầu năm tới nay cũng đã giảm tới hai lần so với cùng kỳ năm trước, chưa kể giá cả hàng hóa đang ở mức thấp kỷ lục khiến cho áp lực nên khu vực này lại càng lớn.

Anh, Pháp và Ý là những quốc gia ở châu Âu không bị ảnh hưởng nhiều, mặc dù xuất khẩu mặt hàng cao cấp của cả ba nước cũng đã có những khó khăn.

Đáng ngạc nhiên nhất khi Đức chịu thiệt hại nặng nề nhất, với lĩnh vực xuất khẩu siêu xe và các loại máy công cụ chính xác, còn ở Bỉ là mặt hàng kim cương.
Châu Âu là khu vực ít nhiều đang gặp khó trong lĩnh vực xuất khẩu hàng cao cấp vào Trung Quốc - Ảnh minh họa
Châu Âu là khu vực ít nhiều đang bị tác động trong việc Trung Quốc giảm nhập khẩu ở lĩnh vực hàng cao cấp - Ảnh minh họa 
Tại khu vực Nam Mỹ
, một trong những quốc gia chịu tác động nhiều nhất là Chile, cụ thể là ở lĩnh vực xuất khẩu đồng.

Những nơi thuộc vùng Andes cũng bị sụt giảm xuất khẩu trong ngành công nghiệp khai khoáng, còn ở vùng phía nam là về xuất khẩu nông sản - đặc biệt là đậu nành.

Theo giá USD, Mỹ sẽ thiệt hại tương đối nhiều, ước tính lên tới gần 12 tỷ USD. Tuy nhiên mức thiệt hại này có vẻ không "nhằm nhò" gì với một cường quốc kinh tế, khi nó chỉ tương đương với khoảng 0,1% GDP của Mỹ.

Canada cũng là quốc gia gây một sự ngạc nhiên lớn khi cho đến nay vẫn không thấy có sự giảm nào lớn trong các lĩnh vực xuất khẩu có ràng buộc với Trung Quốc.

Sang tới khu vực Trung đông, hầu hết hàng xuất khẩu vào Trung Quốc của khu vực này là các mặt hàng năng lượng, bao gồm cả uranium từ Jordan.

Tuy nhiên với tình hình Trung Quốc giảm nhập khẩu như hiện nay thì có thể các quốc gia như Ả-rập Xê-út và Qatar sẽ phải tìm đến một bạn hàng thân thiết mới để nhập khẩu dầu và khí đốt của mình.

Huyền Trân
Bình luận
vtcnews.vn