Trung Quốc đau đầu với bài toán ngoại giao láng giềng

Thế giớiThứ Tư, 30/11/2011 11:22:00 +07:00

(VTC News) - Trung Quốc không nên lấy an ninh làm cớ để gây ảnh hưởng, làm thay đổi tình hình ổn định ở Đông Á mà mình đã hưởng lợi nhiều năm.

(VTC News) - Ngoại giao với các nước láng giềng châu Á của Trung Quốc thời gian qua gặp nhiều khó khăn, có thể nói "điểm sáng không nhiều". Trong bối cảnh như vậy, Trung Quốc tháo gỡ khó khăn đó bằng cách nào? Dưới đây là nhiều ý kiến của các học giả về vấn đề này.

Bài viết do Nghiên cứu Biển Đông giới thiệu

Vào cuối năm 2010 sau khi đặt dấu chấm hết cho một năm ngoại giao láng giềng của Trung Quốc, tình hình dường như trở lại điểm xuất phát. Vào tháng 12 của năm đó, Giáo sư Học viện Quan hệ quốc tế - Đại học Bắc Kinh Vương Dật Đơn đã công bố bài viết trên báo chí, nhìn lại tình hình ngoại giao trong năm, cho biết "điểm sáng không nhiều".

Trong năm đó tranh chấp với Nhật Bản trên biển Hoa Đông, nhất là ở đảo Điếu Ngư (Senkaku) tăng lên; Tiếng nói ở trong nước Ấn Độ về mối đe dọa của Trung Quốc lan truyền rộng; Quan hệ giữa Trung Quốc với Hàn Quốc trở nên nghiêm trọng bởi xảy ra sự kiện tàu Cheonan...

 Sự cố chìm tàu Cheonan đã gây căng thẳng ở Đông Bắc Á hồi năm ngoái

Tương tự như vậy, việc Mỹ tham gia, chỉ đạo và cùng với các nước châu Á tiến hành một loạt cuộc diễn tập quân sự trên biển trong năm 2010 đã thể hiện quyết tâm trở lại châu Á của Mỹ.

Một năm sau, vào cuối năm 2011 tình hình dường như vẫn thế. Tranh chấp ở Biển Đông đột ngột nóng lên khiến quan hệ giữa Trung Quốc với Việt Nam và Philíppin căng thẳng, đồng thời Ngoại trưởng Mỹ H. Clinton trong bài viết "Thế kỷ Thái Bình Dương của Mỹ" xác định rõ trở lại châu Á sẽ là chiến lược của Mỹ trong thế kỷ 21.

Lại có học giả cho rằng tình hình hiện nay càng không dễ lạc quan. Phó chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế, Đại học Bắc Kinh Chu Phong, mới đây trong bài viết trên báo "Liên hợp buổi sáng" của Xinhgapo cho biết: do xảy ra tranh chấp lãnh thổ với Việt Nam và Philíppin, lại thêm sự kiện Chính phủ Mianma ngừng dự án xây đập thủy điện Myitsone do Trung Quốc bỏ vốn khiến quan hệ Trung Quốc - Mianma căng thẳng, quan hệ bình thường giữa Trung Quốc với nước láng giềng đột ngột xuống dốc, "vùng biên giới phía Nam trước đây hòa bình nay dường như trở thành khu vực láng giềng thù địch với Trung Quốc sâu sắc nhất", "chính sách láng giềng thân thiện" của Trung Quốc có thể đưa ngoại giao khu vực của Trung Quốc đến một lĩnh vực chưa biết trước triển vọng.

Chu Phong cho rằng Trung Quốc cần bắt đầu cung cấp cho các nước những giá trị chung cần thiết, không chỉ về thương mại mà phải bao gồm cả sự lãnh đạo, quản trị khu vực hoàn thiện trên cơ sở tinh thần pháp trị, tôn trọng nhân quyền và kinh tế khu vực tăng trưởng. Chỉ có như vậy, nước láng giềng mới thực lòng nghĩ đến lợi ích của Trung Quốc, những sự kiện như "sự kiện Myitsone" mới không tái diễn.

Vương Dật Đơn còn kiến nghị về ngoại giao láng giềng là, sự can dự sáng tạo của ngoại giao Trung Quốc phải có trọng điểm là khả năng giải thích về mặt chính trị, tin cậy lẫn nhau về quân sự, lòng tin rộng rãi về ngoại giao và hợp tác trong kinh tế thương mại, làm một nước lớn vừa khiêm tốn vừa thận trọng.

"Thành bại của nước lớn, chủ yếu do bản thân"

Theo cách nhìn nhận của Robert S. Kaplan, nghiên cứu viên cao cấp thuộc Trung tâm an ninh nước Mỹ mới, "phạm vi thế lực" của Trung Quốc bao gồm năm nước Trung Á, Đông Nam Á, Pakixtan, bán đảo Triều Tiên và khu vực Viễn Đông Nga. Robert S. Kaplan đã đề xuất quan điểm nói trên trong bài viết đăng trên tạp chí "Foreign Affairs".

 Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc

George Friedman, nghiên cứu viên thuộc Trung tâm nghiên cứu vấn đề quốc tế - Học viện công nghệ Massachusetts cho rằng Trung Quốc đương đại đã hình thành nên được vị thế kiểm soát ổn định đối với "xung quanh".

Tuy nhiên, Giáo sư Đại học Khoa học công nghệ Trung Quốc ở Đài Bắc Bao Thuần Lượng đã không đồng ý với nhận định như vậy mà cho rằng Trung Quốc tuy vẫn chưa có khả năng chủ đạo trật tự thế giới hoặc Đông Á nhưng bởi nước Mỹ đã cảm nhận được áp lực dịch chuyển quyền lực, các nước xung quanh cũng có tâm lý lo sợ mất đi tính tự chủ nên Mỹ và các nước xung quanh Trung Quốc "đều rất dễ chìm vào trạng thái nghi ngờ hợp lý về việc đề phòng Trung Quốc, nếu Mỹ đi đầu cân bằng với Trung Quốc thì không ít nước xung quanh sẽ nổi lên hưởng ứng".

Vì thế trong bài viết mới đây Bao Thuần Lượng cho rằng cho dù Trung Quốc hết sức duy trì quan hệ hữu nghị với Mỹ và các nước xung quanh nhưng một số nước xung quanh thỉnh thoảng cũng vẫn có sự thăm dò chiến lược. "Giấu mình chờ thời theo hướng vẫn có hành động" là phương châm ngoại giao tối ưu nhất đối với Trung Quốc hiện nay.

Vương Dật Đơn cho rằng Trung Quốc cần phải có một chiến lược lớn trung hạn và dài hạn mang tính sáng tạo, hay cũng có thể nói dưới tiền đề không phủ nhận chính sách "không can thiệp công việc nội bộ của nước khác", không từ bỏ giấu mình chờ thời, sẽ tham gia nhiều hơn vào các công việc quốc tế với thái độ tích cực hơn, làm một "nước lớn khiêm tốn và thận trọng".

Tuy nhiên, trong một lần diễn giảng, Vương Dật Đơn thừa nhận vấn đề an ninh chủ quyền và an ninh biên giới của Trung Quốc là đặc biệt khó khăn hóc búa. Vương Dật Đơn đã tính toán rằng cho đến năm 2010, Trung Quốc đã có những ngòi nổ đang tồn tại với 10 nước trong vấn đề chủ quyền.

 Tàu hải giám Trung Quốc trên Biển Đông

Vương Dật Đơn đã mô tả đối sách mà Trung Quốc cần áp dụng là "không cần ngộ nhận cho rằng Trung Quốc đã bị âm mưu của Mỹ bao vây, trói chân trói tay, lại càng không thể phô bày thế kình địch tử chiến đến cùng với nước lớn siêu cường vào lúc này."

Vương Dật Đơn cho rằng có một việc Trung Quốc cần phải thấy rõ là, một nước láng giềng yên ổn, một môi trường xung quanh vững chắc và một tiến trình hợp tác khu vực đi vào chiều sâu sẽ cực kỳ có lợi cho sự phát triển của bản thân Trung Quốc. Trung Quốc cần phải tích cực thể hiện thiện chí của mình chứ không phải đối kháng hay đối đầu, phải tăng cường loại bỏ nghi ngờ trong các công việc liên quan đến quốc phòng, tuyên truyền quân sự đối ngoại, "bằng mọi cách tránh để cho những công tác này trở nên gay gắt và tránh phải đặt bài ngửa" trong những tranh chấp phức tạp như tranh chấp chủ quyền.

Mỹ đem lại thách thức nhưng cũng đem lại cơ hội

Từ cách đây hai năm mặc dù việc "Mỹ trở lại châu Á" đã là đề tài được thảo luận nhiều trên báo chí trong nước, nhưng cho đến nay, cùng với cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ đang đến gần, các ứng viên đua nhau làm rõ chính sách cầm quyền của mình, chiến lược châu Á của Mỹ cũng đang chính thức được đưa ra, vì thế bài viết của Ngoại trưởng H. Clinton được các nhà phân tích coi là cơ sở cho chính sách ngoại giao của Obama nhiệm kỳ tiếp theo.

Trong bài viết của bà Clinton, châu Á trong tương lai được xác định là trật tự hợp tác dưới sự chủ đạo của Mỹ, Trung Quốc được coi là một đối tác hợp tác quan trọng.

Ngoại trưởng Hillary viết: Một nước Trung Quốc vươn lên đầy triển vọng có lợi cho nước Mỹ, thông qua hợp tác chứ không phải đối đầu, hai nước đều có thể được hưởng lợi rõ ràng. Về bài viết này, báo chí trong nước phản ứng khác nhau. Có báo đặt câu hỏi "ý đồ trở lại châu Á của Mỹ là Mỹ muốn làm gì", thắc mắc về thái độ của Hillary Clinton.

 "Một nước Trung Quốc vươn lên đầy triển vọng có lợi cho nước Mỹ!"

Trong khi đó, Phó giám đốc Học viện quan hệ quốc tế - Đại học Nhân dân Trung Quốc Kim Xán Vinh cho rằng điều này là rất bình thường, do có các nước ở hàng đầu như Trung Quốc, Ấn Độ nên địa vị của châu Á thế kỷ 21 đương nhiên sẽ vượt xa địa vị của châu Âu trên toàn cầu hiện nay.

Kim Xán Vinh cho rằng Trung Quốc không cần thiết phải có sự ứng biến với chiến lược của Mỹ, mà cần phải "dĩ bất biến ứng vạn biến", xử lý tốt vấn đề phát triển trong nước, với bên ngoài sẽ tiếp tục "giấu mình chờ thời", thêm nhiều bạn, giảm bớt thù. Báo Thuần Lượng cũng cho rằng trừ phi nước Mỹ không đủ sức hoặc không có ý đối đầu với Trung Quốc ở Đông Á, nếu không thì trật tự Đông Á sẽ khó có chuyển biến căn bản.

Việc Trung Quốc cần làm là phải duy trì cục diện như hiện nay trước khi có sự thay đổi về so sánh lực lượng. Trong khi đó, một bài bình luận trên tờ "thời báo châu Á" đã nhắc nhở Trung Quốc rằng trong khi Mỹ "trở lại châu Á", Trung Quốc không được vì khó khăn địa chính trị mà thay đổi nguyên tắc "hòa bình phát triển" và chính sách ngoại giao lấy an ninh làm cơ sở.

Tác giả bài bình luận cho rằng Trung Quốc không nên bắt chước biện pháp lấy an ninh làm cớ để gây ảnh hưởng của Mỹ, một mực làm thay đổi tình hình ổn định ở Đông Á mà mình đã hưởng lợi nhiều năm.

Đương nhiên không phải bất cứ ai cũng đều coi chiến lược châu Á của Mỹ là mối đe dọa. Phó giáo sư Tôn Học Phong thuộc Viện nghiên cứu vấn đề quốc tế - Đại học Thanh Hoa nhắc nhở mọi người không được coi thường một thực tế là chính chiến lược này của Mỹ sẽ đem lại cơ hội giúp cho chính sách khu vực của Trung Quốc có hiệu quả hơn, chẳng hạn như đem lại không gian phát triển cho mô hình hợp tác "10+3" mà Trung Quốc khởi xướng, từ đó làm yếu đi ý đồ của Nhật Bản và một số nước ASEAN muốn thành lập Hội nghị cấp cao Đông Á để hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc.

Ngoài ra, Mỹ là đòn bẩy quan trọng nhất ở Đông Á, lợi dụng tâm lý lo sợ của các nước khu vực Đông Á đối với Trung Quốc nên những năm gần đây, các biện pháp kinh tế và an ninh của Trung Quốc bị mất hiệu quả, Trung Quốc vừa xây dựng Khu thương mại tự do với ASEAN đi theo chiều sâu nhưng cũng vừa làm cho bất đồng với các nước ASEAN trong vấn đề Biển Đông sâu sắc thêm, làm cho hiệu quả trong nỗ lực thông qua sức hút kinh tế làm hòa dịu lo ngại của các nước xung quanh của Trung Quốc bị giảm mạnh.

Nay Trung Quốc có thể lợi dụng thời cơ Mỹ trở lại châu Á để loại bỏ lo ngại của các nước xung quanh về an ninh, từ đó tiếp tục nâng cao hiệu quả chiến lược trong chính sách khu vực của Trung Quốc. Cũng có quan điểm cho rằng chiến lược châu Á của Mỹ dần dần rõ thêm, tạo cơ hội để Trung Quốc xác định rõ hơn cơ cấu mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Mỹ.

Giám đốc Học viện Quan hệ quốc tế - Đại học Bắc Kinh Vương Tập Tư cho rằng mâu thuẫn về cơ cấu khu vực giữa Trung Quốc và Mỹ rõ hơn sẽ giúp Trung Quốc áp dụng chiến lược rõ ràng, xác định rõ hai nước Trung-Mỹ đứng trước cạnh tranh trong những vấn đề nào, có thể hợp tác trong lĩnh vực nào. Trung Quốc có thể nhờ đó để xác định rõ điểm tới hạn trong chính sách của mỗi bên, thực tế như vậy sẽ có thể đặt cơ sở cho việc xây dựng khuôn khổ chiến lược ổn định ở khu vực Đông Á.

Theo Báo "Thanh niên Trung Quốc" số ra 10/11/2011
Vũ Hiền
(gt)

>> Xem bài viết trên Nghiên cứu Biển Đông

Bình luận
vtcnews.vn