Trong ngắn hạn, NĐT nên "trốn chạy" khỏi TTCK

Kinh tếThứ Hai, 07/03/2011 01:00:00 +07:00

(VTC News) – "Dòng tiền đổ vào CK sẽ khó có khả năng cải thiện từ 3 – 6 tháng tới. Vì vậy, NĐT ngắn hạn nên thận trọng, chưa nên tham gia vào thị trường này".

(VTC News) – “Trong thời buổi hiện nay, tiền tệ đang thắt chặt, dòng tiền đổ vào chứng khoán sẽ khó có khả năng cải thiện từ 3 – 6 tháng tới. Vì vậy, NĐT ngắn hạn nên thận trọng, chưa nên tham gia vào thị trường” - Công ty TNHH Chứng khoán ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) khuyến nghị.

Tính đến cuối tuần trước, VN-Index chỉ có 13 mã có mức tăng trưởng % của giá cổ phiếu ở mức đương trong vòng một tháng giao dịch trở lại. Điều đó không có gì đáng ngạc nhiên khi VN-Index cũng đã giảm điểm liên tiếp kể từ đầu tháng 2.

Nửa đầu phiên giao dịch ngày cuối tuần vừa rồi (4/3) không có nhiều đột biến. Cầu yếu khiến giá cổ phiếu giảm trên diện rộng, dù mức giảm không lớn. Thanh khoản tiếp tục giảm (17,5 tỷ đồng), thậm chí còn thấp hơn cùng thời gian của phiên trước. Một số mã như KTB thỏa thuận rất sớm với khối lượng lớn càng khiến giá trị giao dịch tạo cảm giác bất an. Đến 9h22 phút VN-Index rơi về đáy 452,61 điểm. Xu hướng giảm của thị trường vẫn chưa kết thúc và những phiên tăng điểm như cuối tuần qua chủ yếu được lôi kéo bởi việc tăng điểm giật cục của các nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn và lượng cung giá rẻ hạn chế.

Có thể nói, thị trường CK hiện đang bị ảnh hưởng chủ yếu bởi hai thông tin là Ngân hàng Nhà nước chính thức ban hành Chỉ thị 01 về việc thắt chặt tiền tệ và Công ty Chứng khoán Kim Long dự định sẽ thay đổi ngành nghề kinh doanh khiến NĐT hoang mang, lo lắng. Nội dung của Chị thị 01 khiến nhà đầu tư lo lắng nhất có lẽ nằm ở mục 2b quy định dư nợ cho vay cho lãnh vực phi sản xuất chỉ được tối đa 16% tổng dư nợ tín dụng. Như vậy, theo tính toán của một số  công ty chứng khoán thì dư nợ cho lãnh vực này trong năm 2011 chỉ tăng thêm tối đa là 10.600 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc thị trường bất động sản và chứng khoán (CK) sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn trong năm 2011.

Công ty TNHH Chứng khoán ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cũng đồng tình với quan điểm trên khi cho rằng: Năm 2011, tình hình sẽ khó khăn hơn nhưng không phải với tất cả các ngành. Nhóm ưu tiên lựa chọn là các công ty xuất khẩu, sản xuất có tỷ lệ nợ thấp, giảm đầu tư vào bất động sản và các công ty có quan hệ theo chiều dọc (thép, vật liệu xây dựng,…) và chứng khoán.

Khi chính sách tiền tệ đang thắt chặt, NĐT ngắn hạn muốn thu lợi nhuận nên thận trọng, chưa nên tham gia vào thị trường chứng khoán. 

Cho tới thời điểm này, theo ghi nhận của pv, trên thị trường CK hiện tại có 2 luồng quan điểm song song tồn tại. Một luồng ý kiến cho rằng: Thị trường CK đã phản ánh tất cả những thông tin xấu, thời gian khủng hoảng này là cơ hội để kiếm tiền. Bên cạnh đó, một luồng quan điểm khác lại khuyến khích: Hiện nay, thị trường kinh tế vĩ mô đang bất ổn, những nhà đầu tư (NĐT) CK nên rời thị trường trong ngắn hạn.

Xung quanh vấn đề này, trong buổi họp báo về ảnh hưởng của lạm phát, chính sách tiền tệ tới thị trường CK, Công ty TNHH Chứng khoán ngân hàng Ngoại thương Việt Nam cho rằng: Những thông tin về vĩ mô đã được đưa ra, các thông tin xấu về thị trường chứng khoán đang được phản ánh dần nhưng thời gian tới, chính sách tiền tệ thắt chặt hơn nữa, một loạt các quyết định, thông tư của Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành như thông tư về lãi suất cơ bản, quy định thời hạn cho vay và phát hành trái phiếu, ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn cung tín dụng của nền kinh tế cũng như những doanh nghiệp cần nguồn vốn đầu tư cho kinh doanh.

VCBS so sánh chi phí cơ hội của việc đầu tư vào chứng khoán so với gửi lãi suất ngân hàng. VCBS giả định: Chi phí cơ hội của việc đầu tư cổ phiếu với mức lợi tức trên một cổ phiếu, trong giai đoạn thị trường tăng trưởng từ hồi tháng 3/2009, mức chênh lệch lãi suất ngân hàng và mức lợi tức trên một cổ phiếu thu hẹp gần như bằng nhau, thị trường bùng nổ tăng 100%. Tuy nhiên, hiện nay, mức chênh lệch, giãn cách này tương đối rộng, khoảng 10%, chưa đủ thu hút NĐT. Do đó, VCBS cho rằng: Khi tiền tệ đang thắt chặt như hiện nay, dòng tiền đổ vào chứng khoán sẽ khó có khả năng cải thiện từ 3 – 6 tháng tới.

“Chúng ta phải đợi 3 – 6 tháng tới xem yếu tố lạm phát có được giải quyết triệt để hay không, dòng tiền chảy về đâu, vì chính sách tiền tệ phải mất một thời gian rất dài để tác động. Chúng tôi kỳ vọng rằng: Đầu năm 2011 cũng giống như 2010, tức là cuối năm không cao hơn đầu năm. Cơ hội của NĐT là xem xét mức nào là mức đáy của thị trường căn cứ vào yếu tố cơ bản, xác định thời điểm tham gia để cuối năm chúng ta có mức lợi nhuận tốt” - Ông Nguyễn Đức Hải, trưởng phòng nghiên cứu phân tích của VCBS nhấn mạnh.

Ông Hải cũng nhắc lại một điều cơ bản: Trong thời buổi hiện nay, giá chứng khoán trực tuyến không phải trong một bình chân không mà phụ thuộc rất nhiều yếu tố: Yếu tố nội tại của bản thân doanh nghiệp, yếu tố vĩ mô và yếu tố tâm lý, niềm tin, sở thích của từng NĐT trong từng thời điểm.

Theo ông Hải, khi tình hình kinh tế vĩ mô bất ổn như hiện tại, NĐT ngắn hạn nên thận trọng, chưa nên tham gia thị trường. “Nếu chúng ta muốn tiếp tục tham gia thị trường, tìm kiếm cơ hội thu lợi nhuận trên sàn CK thì nên chú ý tới việc lạm phát không ảnh hưởng tới ngành nào và túi tiền của chúng ta nên đầu tư vào đâu? Thế mạnh của chúng ta là gì?” – Ông Hải khuyến nghị.


Các NĐT dài hạn nên lựa chọn đầu tư vào các ngành ít ảnh hưởng liên quan tới nguyên liệu cơ bản như cao su, dầu thô, khoáng sản...

Đối với những NĐT dài hạn, tình hình biến động như hiện nay có lẽ ít ảnh hưởng hơn. Ông Hải cho rằng: “Nếu NĐT kỳ vọng vào dài hạn thì không vấn đề gì”. Ông nhận xét: Mặc dù, kết quả kinh doanh của hầu hết các DN chưa công bố hết, kết quả năm 2010 cũng không hề thấp nhưng tại sao CK vẫn giảm. Nhìn vào tương lai, NĐT thấy khá mờ mịt, chính sách tiền tệ thắt chặt, các NĐT quyết định bán, không ở lại thị trường. Tuy nhiên, các NĐT dài hạn thì lại nên cân nhắc mua ngay vào thời điểm này và xem xét: mua cùng cổ phiếu đó nhưng với giá ưu đãi hơn. Với những biến động của thị trường, mức 420 điểm, về mặt kĩ thuật là mức hỗ trợ của VN-Index thời điểm này.

“Trong giai đoạn tới, nếu chính sách ổn định không có dấu hiệu gì xấu có thể thị trường sẽ đi lên nhưng nếu chúng ta tiếp tục lạm phát, Nhà nước tiếp tục tăng lãi suất thì mốc 420 điểm không còn ý nghĩa nữa” – ông Hải dự đoán.

Theo ông Hải, NĐT dài hạn nên lựa chọn đầu tư vào các ngành ít bị ảnh hưởng bởi tác động của chính sách tiền tệ thắt chặt. Những ngành liên quan tới nguyên liệu cơ bản, định giá hầu hết bằng tiền USD như cao su, dầu thô, tài nguyên khoáng sản,… đều tính theo giá thế giới. Do đó, tỷ giá USD có tăng thì cũng có lợi cho nhà đầu tư trong nước. Với dấu hiệu lạm phát tăng lên như hiện nay, việc xuất khẩu sẽ rất phát triển, tỷ giá cao sẽ giúp NĐT có nguồn thu lợi nhuận tốt hơn so với năm 2010.

Bên cạnh đó, các ngành về tiêu dùng là những ngành hiện nay có tốc độ tăng trưởng tăng tốt, ngoài ra, đối với các ngành tiêu dùng bán lẻ, các NĐT cũng cần quan tâm như Vinamilk…

Tiểu Phương



Bình luận
vtcnews.vn