Trong khúc ca khải hoàn 1975, có sự đóp góp không nhỏ của văn học Xô Viết

Văn hóa - Giải tríThứ Sáu, 08/05/2015 08:05:00 +07:00

trong khúc khải hoàn của ngày toàn thắng 1975, có sự đóng góp không nhỏ của văn học nghệ thuật Xô Viết nói chung, văn học nghệ thuật thời kỳ Chiến tranh Vệ quốc

(VTC News) - Dịch giả Thúy Toàn rưng rưng, trong khúc khải hoàn của ngày toàn thắng 1975, có sự đóng góp không nhỏ của văn học nghệ thuật Xô Viết nói chung, văn học nghệ thuật thời kỳ Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại nói riêng.

thúy toàn
Dịch giả Thúy Toàn 
- Từng có nhiều năm tháng gắn bó với nước Nga, cũng như chuyển ngữ rất thành công những tác phẩm văn học Nga sang tiếng Việt, ông đánh giá thế nào về đóng góp của các tác phẩm văn học nghệ thuật Xô Viết nói chung, văn học nghệ thuật thời kỳ Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại nói riêng đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc?


Tôi vẫn thường tự nhận, trong con người tôi chảy chung hai dòng máu, tâm hồn tôi được nuôi dưỡng bằng hai dòng suối mát lành, của Nga và Việt Nam. Mỗi lần nói về nước Nga, nói về những tác phẩm văn học nghệ thuật Xô Viết là một lần như thấy chính Tổ quốc mình trong ấy.

Văn học Xô Viết nói chung, văn học thời kỳ Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại nói riêng dã có tác động sâu sắc đến lớp lớp thanh niên Việt Nam khoác ba lô lên đường ra trận thời chống Mỹ. Những tác phẩm ấy trở thành sách gối đầu giường, nuôi ý chí thắng thù của người chiến sĩ, là nguồn động viên to lớn cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

Có lẽ, linh hồn cuộc chiến tranh Vệ quốc của nhân dân Liên Xô đến với Việt Nam phải kể đến Đợi anh về của nhà thơ Nga - Xô viết Simonov do nhà thơ Tố Hữu dịch năm 1947-1948.

Bài thơ, đã nói lên tất cả, chiến tranh đau thương và khát vọng ngày hòa bình, độc lập dân tộc. Đợi anh về không chỉ có sức ảnh hưởng đến thế hệ người lính tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp, mà còn nối dài sang kháng chiến chống Mỹ. Tác phẩm đã góp phần đưa cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại của nhân dân Xô Viết và cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc Việt Nam trở thành một trong những chương oai hùng nhất của lịch sử nhân loại.

Điều tôi ấn tượng nhất là những tác phẩm trữ tình Nga, sau khi được dịch sang tiếng Việt, trở thành sổ tay trong ba lô của các chiến sĩ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Mang theo ra trận là những cuốn sách sục sôi ý chí, nhưng cũng là những bài thơ trữ tình như Kachiusa, như Puskin…chiến tranh đau thương, nhưng vẫn đầy sự lãng mạn.
đàn sếu
Trên mảnh đất các chiến trường xưa, người ta đã dựng các tượng đài, phù điêu với biểu tượng đàn sếu bay  
23 năm sau Ngày chiến thắng, nhà thơ Rasul Gamzatov viết nên những vần thơ sống mãi trong bài Đàn sếu. Bài thơ đã đến với Việt Nam đúng vào thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, và được càng trở nên nổi tiếng khi được phổ nhạc.

Được đánh giá là một trong những bài hát hay nhất thế kỷ 20, Đàn sếu da diết như một lời tưởng nhớ đến những người con của Tổ quốc đã vĩnh viễn nằm xuống trong lòng đất mẹ vì Ngày chiến thắng.


Trong văn xuôi, ký thì rất nhiều, từ Những người Xô Viết chúng tôi do Vũ Ngọc Phan dịch, Lòng yêu nước do Thép Mới dịch, Thép đã tôi thế đấy do Thép Mới và Huy Vân dịch…được lớp lớp thanh niên truyền tay nhau, nuôi ý chí sục sôi đánh thù của bao thế hệ.

Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, còn nhiều tác phẩm văn học Xô Viết như Truyện núi đồi và thảo nguyên, Người thầy đầu tiên, Cây phong non trùm khăn đỏ…là những tác phẩm đặc biệt, trữ tình nhưng động viên rất nhiều, chứ không phải cứ hô hào chiến đấu mới là cổ động.

Chính những áng thơ, văn viết về quê hương đất nước, về tình cảm nam nữ nó đã nuôi sức sống cho con người, là nguồn động lực để người lính ra trận, để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

Ai từng đọc Nhật ký Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm…sẽ thấy những tác phẩm văn học Xô Viết thời kỳ đó tác động tới tư tưởng, tình cảm của họ như thế nào.

Video ca khúc Thời thanh niên sôi nổi:


- Trên trận tuyến đánh thù ác liệt thuở ấy, những vần thơ trữ tình do ông chuyển ngữ vẫn có mặt trong những chiếc ba lô người lính, trong bức thư gửi về cho hậu phương…hẳn khiến ông có nhiều cảm xúc?

Xúc động lắm, người lính ra trận vẫn mang theo bản dịch thơ Puskin chép tay, rồi viết thư gửi về cho người vợ, người yêu những vẫn thơ da diết yêu thương ấy.

Còn nhớ cách đây mấy năm, một người Mỹ từng tham gia cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã trở lại Việt Nam để tìm chủ nhân của cuốn nhật ký bằng tranh, và tập thơ Puskin chép tay mà ông đã lấy được trong một trận đánh. Điều tuyệt vời, là người họa sĩ, chiến sĩ ấy vẫn còn sống.

Rồi Nguyễn Tuấn Ngọc, chiến sĩ công binh chở xăng ở Tây Ninh. Khi đến trạm dừng của Tây Ninh, thấy ông trạm trưởng có một cuốn thơ Puskin, Nguyễn Tuấn Ngọc đã mượn và ngồi chép tay tất cả, rồi mang theo vào chiến trường.

Hay trong cuốn hồi ký của Vũ Mão, anh kể, anh đã gửi về cho người yêu những vần thơ của Puskin.

Trong những năm tháng chống Mỹ, tôi còn dịch các tác phẩm của một số nhà thơ Xô Viết. Những bài thơ tôi dịch là suy ngẫm của một nhà trí thức Nga với quê hương đất nước, với cuộc cách mạng thay đổi cuộc đời của cả một dân tộc. Bên cạnh đó là tình cảm với quê hương, trăn trở trước sự đổi thay của quê hương đất nước.
chiến tranh vệ quốc
Hình ảnh người lính Hồng quân Meliton Kantaria cắm cờ Xô Viết trên tòa nhà Quốc hội Đức, đánh dấu sự kết thúc của Chiến tranh thế giới thứ II.

- Được biết, vào năm 1962, khi Việt Nam đang tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, ông nằm trong nhóm tác giả biên soạn tập thơ đầu tiên của Liên Xô, những tác phẩm ấy đã có tác động như thế nào đến thanh niên thời kỳ đó?

Năm 1962 tôi tham gia cùng Hội nhà văn, tuyển chọn, xuất bản tập thơ đầu tiên của Liên Xô được dịch sang tiếng Việt. Các bài thơ chủ yếu được dịch từ bản tiếng Pháp, còn với những tác giả không có bản tiếng Pháp thì trực tiếp dịch từ tiếng Nga, với tiêu chí chọn những tác giả điển hình cho các thế hệ nhà thơ Xô Viết.

Những tác phẩm ấy, đã trở thành nguồn động viên to lớn cho cả dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Video ca khúc Chiều hải cảng:


- Ngay sau khi Liên Xô tan rã, chỉ vài tháng sau ông đã xuất bản “Tôi phải nói về nước Nga” để viết về đất nước ông từng gắn bó, tình cảm ấy, sau hơn nửa thế kỷ vẫn sâu nặng như thuở nào?


Ngày đó, và cả bây giờ, tôi luôn nói về nước Nga, bởi dân tộc Nga, tính cách Nga, con người Nga, nguồn cảm hứng từ cuộc chiến trai Vệ quốc vĩ đại của Nga, đã trở thành một phần máu thịt trong tôi.

Những bài thơ trong tập ấy là của các nhà thơ Nga, họ nói về tình yêu với nước Nga, với những cảnh rừng Bạch Dương, với làng quê…khiến họ thấy gắn bó, để họ thấy sự nghiệp của mình là chính nghĩa. Họ cầm súng chiến đấu vì mảnh ấy, vì những người thân yêu ở quê nhà.

- Xin cảm ơn ông!

An Yên(thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn