‘Trốn’ thịt để ăn cá: Lo ngay ngáy ăn phải hóa chất gây ung thư

Sức khỏeThứ Tư, 25/11/2015 12:12:00 +07:00

Cá đánh bắt xa bờ được ngâm hóa chất bảo quản, cá ngắc ngoải sắp chết được rắc bột để làm khỏe lại khiến người tiêu dùng băn khoăn nếu ăn vào có bị ung thư?

(VTC News) – Cá đánh bắt xa bờ được ngâm hóa chất bảo quản, cá ngắc ngoải sắp chết được rắc bột để làm khỏe lại khiến người tiêu dùng băn khoăn nếu ăn những con cá như vậy có bị ung thư?

Lo với chất bột khiến cá sắp chết khỏe lại?


Mới đây, truyền thông Trung Quốc đưa tin về chuyện cá sắp chết khỏe lại nhờ một chất bột kỳ lạ. Theo video do truyền hình Trung Quốc đăng tải và một số báo Việt Nam đăng lại, con cá trong chậu nước đang nằm im, khi được rắc chút bột trắng vào thì bỗng quẫy mạnh.

Con cá sắp chết khỏe lại nhờ chất bột lạ.
Sau đó, nhiều tin đồn cho rằng nếu ăn những con cá như vậy có khả năng ung thư.  Ông Li Xiaozheng, viện Khoa học nghiên cứu thủy sản Quảng Tây, Trung Quốc cho biết có thể đó là bột natri peroxide. Hóa chất này, sau khi được hòa tan trong nước, giải phóng khí oxy nên có thể làm cá ‘ốm yếu’ khỏe lại.

Video cá sắp chết hóa khỏe lại sau khi có chất bột lạ


Tuy nhiên, ông Li nói dùng tinh chất natri peroxide có thể không độc nhưng nếu dùng hóa chất công nghiệp thì cần phải hết sức cẩn trọng.

Phân tích về chất bột lạ được cho vào cá, một độc giả chia sẻ: Khi bạn thêm natri peroxide vào nước, chúng sẽ tạo ra oxy và sodium hydroxide. Người khác nói: ‘Nếu tôi không nhầm, natri peroxide không ngay lập tức tạo ra oxy khi được cho vào nước. Ban đầu, nó sẽ phản ứng là Sodium Hydroxide + Hydrogen Peroxide. Hydrogen peroxide này phản ứng với Dioxide Carbon trên mặt nước và tạo ra ô xy.

Theo một chuyên gia, trong ngành thủy sản sử dụng liều lượng nhỏ Hydrogen Peroxide vào nước để sản xuất oxy, đặc biệt là khi có quá nhiều carbon dioxide trên mặt nước. Điều này giúp cho cá có thể hô hấp dễ dàng. Vì vậy, mới có hình ảnh cá 'sắp chết' bỗng khỏe lại.

Trao đổi với VTC News, ông Trần Đăng Ninh, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm kiểm chứng và tư vấn Chất lượng nông lâm thuỷ sản cho rằng: Nếu sử dụng nhóm chất liên quan đến peroxide thường tạo ra phản ứng ô xy hóa khử tốt.  Chất này ảnh hưởng đến hợp chất hữu cơ, hoạt hóa hoạt động. Các sinh vật đều bị ảnh hưởng bởi o xy hóa khử nên khi cho chất này vào còn có  tác dụng diệt khuẩn.

Băn khoăn chất bảo quản cá

Chất lượng cá được rất nhiều bà nội trợ quan tâm vì thời gian gần đây, nhiều người tiêu dùng đã chú ý tăng cường cá vào bữa ăn gia đình thay vì thịt lợn, thịt bò.  Tuy nhiên, khi ra chợ để mua cá, nhiều người không khỏi băn khoăn về chất lượng.

 
Chị Thu Huệ, một bà nội trợ ở Thịnh Quang, Hà Nội cho biết: Nếu có thời gian, tôi thường vào  siêu thị mua cá có đầy đủ nhãn mác rõ ràng cho an tâm nhưng nhiều khi đi chợ gần nhà tiện thì mua luôn cá biển.

Thỉnh thoảng tôi có mua cá nục về ăn. Họ thường để đông cứng đá, chẳng biết có tươi hay không. Có lần sau khi đun, cá có mùi khai nồng, tôi phải vứt đi. Ngoài ra, gia đình tôi đặc biệt thích ăn cá kìm, nhưng có lần mua về, sau khi rửa sạch, tôi thấy trên mình cá có những mảnh nhỏ màu xanh lam bám chặt lấy da cá. Tôi rửa mãi mà những mảnh xanh vẫn bám chặt lấy.

Theo khảo sát của phóng viên, tại chợ Thái Thịnh, giá cá kìm khoảng 50 -65 nghìn đồng/kg; Cá nục từ 40 -45 nghìn đồng/kg. Mức giá khá rẻ nhưng chất lượng thì không  có gì đảm bảo và để phân biệt cá có được dùng chất bảo quản hay không là điều không tưởng.

Trước đó, chia sẻ với VTC News, TS Đỗ Thị Yến, Phó giám đốc Trung tâm đào tạo và phát triển sản phẩm thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội, cá biển đạt tiêu chuẩn bảo quản phải được cấp đông trong hầm chứa đá ngay từ khi vừa đánh bắt cá xong và luôn được để trong đá, kể cả khi vận chuyển thì mới đảm bảo.

Thông thường, trên những tàu cá lớn có đá để  bảo quản lạnh. Cá được đánh bắt sẽ tiến hành cấp đông ở nhiệt độ - 35 độ C, sau khi sản phẩm đạt chuẩn sẽ được đưa vào bảo quản trong phòng lạnh -18 độ C.

Còn cá biển chỉ được ướp muối khi muốn làm cá khô. Phương pháp ướp muối thường làm cá mặn, làm mất vị cá.

‘Thực tế, có những ngư dân làm ăn rất nghiêm túc, họ bảo quản cá bằng cách cấp đông đúng quy trình. Vì vậy, không nên vì vài trường hợp nhỏ lẻ mà nói rằng cứ cá biển là có bảo quản bằng ure. Nếu nói vậy sẽ rất ảnh hưởng đến ngành thủy sản của ta’, bà Yến nói.

Tuy nhiên, vì lợi nhuận, có những ngư dân đã không đảm bảo việc cấp đông cho cá biển mà bảo quản cá bằng urê. Để khẳng định cá có ure hay không cần phải có sự kiểm tra, kiểm nghiệm của các cơ quan chức năng.

Phân tích về cơ chế cho ure vào bảo quản cá biển, bà Yến cho rằng: Nếu pha ure vào nước để bảo quản cá thì lại không hợp lý. Vì phải cho ure vào với đá sẽ làm cho độ lạnh sâu hơn, khi đó mới bảo quản được. Và nếu có thì người ta sẽ ướp cá ngay từ khi còn trên tàu đánh bắt.

Nhưng quan trọng nhất là ngưỡng ure được cho vào bảo quản là bao nhiêu mới hại cho người ăn. Vì bản thân trong thịt một số loại cá cũng có sẵn ure như cá nhám.

Nhận biết cá có ướp ure rất khó, mắt thường không phát hiện ra được. Ở các nhà máy lớn thu mua cá, họ có cả một quy trình tiêu chuẩn chất lượng, chất lượng cá được kiểm nghiệm chặt chẽ. Vì vậy, mua cá biển của các công ty này thường đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.


Tuy nhiên, cá được bán ở chợ còn trôi nổi thì không được kiểm soát chặt. Khi chọn cá, vì cá được cấp đông, cứng đơ, sẽ rất khó phân biệt. Nhưng khi cá đã được rã đông, sờ vào thịt cá thấy có độ đàn hồi là cá có chất lượng tốt.

Ngoài ra, nếu cá đã rã đông, sau đó bán không hết được cấp đông lại thì chất lượng sẽ giảm đi nhiều.

Bà Yến phân tích, phân đạm có tính diệt khuẩn, mặt khác khi ướp cá sẽ phân huỷ tạo thành các chất nitrat, nitrit. Hai chất này, ướp với cá chuyển thành oxit nitric làm chậm phát triển của độc tố làm hỏng cá (do Clostridium botulinum tiết ra) giữ cho cá chậm ôi, chậm trở mùi, mất mùi nên kéo dài được thời gian bảo quản cá, làm cho cá giữ được màu sắc, nhất là màu hồng ở mang cá.

U-rê có thể sinh ra ammoniac và axit cyanic gây độc cho người sử dụng. Do thế, phân đạm bị cấm dùng bảo quản thực phẩm.

Khi ăn phải các loại thịt, hải sản có chứa dư lượng phân ure cao thì người ăn có thể bị ngộ độc cấp tính với các triệu chứng đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy có thể dẫn đến tử vong. Còn nếu thường xuyên ăn phải những thức ăn có ướp ure, nhưng hàm lượng thấp, sẽ bị ngộ độc mãn tính, với các dấu hiệu mất ngủ kéo dài, đau đầu, nhức mỏi cơ thể, giảm trí nhớ...

Với người tiêu dùng, bà Yến nói, khi mua cá cần quan sát để phân biệt cá ướp đạm ure. Với loại cá này, trông thì tươi, màu cá đậm, mang cá cũng hồng tươi hơn bình thường nhưng độ đàn hồi không cao. Xem kỹ, người mua có thể nhận thấy khác thường: cá có mùi khai, khi nấu có mùi khai nặng hơn.
Trước tình trạng vi phạm an toàn thực phẩm ngày càng trở nên phức tạp, Bộ NN và PTNT vừa công bố đường dây nóng nhằm kịp thời tiếp nhận thông tin tố giác, phản hồi của nhân dân về các hành vi vi phạm trong quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản.

Theo đó, khi phát hiện các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm, các tổ chức, cá nhân có thể liên hệ qua đường dây nóng theo số điện thoại: 08042526 hoặc 0917.808.113, hoặc gửi qua thư điện tử theo địa chỉ: [email protected], hoặc liên hệ trực tiếp với Thanh tra Bộ Nông nghiệp và PTNT (địa chỉ: Tầng 3, nhà B6, số 2 phố Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội).

Đường dây nóng hoạt động thông suốt, liên tục 24/24 giờ trong ngày.

Tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin tố giác về dấu hiệu, hành vi vi phạm sẽ được giữ bí mật danh tính theo quy định của pháp luật. Thông tin của tổ chức, cá nhân cung cấp là chính xác, có giá trị phục vụ cho công tác thanh tra, xử lý vi phạm sẽ được chi thưởng theo quy định.


Nguyễn Tâm


Bình luận
vtcnews.vn