Trò chuyện với "cô bé đặc biệt" trong lễ mừng GS Châu

Tổng hợpThứ Tư, 01/09/2010 06:17:00 +07:00

(VTC News) - "Chú Châu không chỉ là người học tập miệt mài, không chỉ say mê với toán học vốn bị gọi là khô khan mà chú còn là người rất yêu nghệ thuật..."

(VTC News) -  Trần Lâm Tuyết Anh học sinh lớp 9 H1 trường THCS Trưng Vương, Hà Nội  - người học sinh duy nhất, đại diện cho khối học sinh cả nước phát biểu tại lễ chào mừng Giáo sư Ngô Bảo châu đoạt giải thưởng Fields tối 29/8 vừa qua. Tuyết Anh được nhiều người  đánh giá là  rất "đặc biệt" khi em phát biểu dõng dạc trước hàng ngàn người.



Trần Lâm Tuyết Anh.
- Tâm trạng của em như thế nào khi biết mình sẽ là học sinh duy nhất đại diện cho khối học sinh cả nước phát biểu tại lễ mừng Giáo Sư Ngô Bảo Châu đoạt giải thưởng Fields?

Như mọi người cũng biết, GS Ngô Bảo Châu là một nhà toán học lớn không chỉ của Việt Nam mà cả thế giới. Công trình nghiên cứu của GS là một thành công vĩ đại cho toàn ngành toán học. Vì vậy, khi biết rằng mình được đại diện cho các bạn học sinh có bài phát biểu tại lễ chào mừng GS Châu đoạt giải Fields, em tự hào và vui sướng lắm. Lúc ấy, em cũng có chút lo lắng vì biết sẽ có rất nhiều người dõi theo khi mình đang nói như vậy. Nhưng sau đó, được thầy cô và bố mẹ động viên, em đã vững tâm lên nhiều.

 
- Chọn Trần Lâm Tuyết Anh trong số mấy trăm học sinh trường THSC Trưng Vương, hẳn ở em có điều đặc biệt lắm mà các học sinh khác không có?

Thực ra, các bạn ở trường Trưng Vương, ai cũng giỏi, nhất là lớp chuyên toán. Nhưng có lẽ, điều đặc biệt ở em là luôn được các thầy cô tín nhiệm, đặt niềm tin rằng em sẽ hoàn thành tốt công việc được giao như những gì em vẫn làm được từ trước đến nay.

Mặt khác, do em đạt được một số thành tích trong học tập, đặc biệt là những giải thưởng liên quan đến toán học – ngành GS Châu theo đuổi nên thầy cô đã chọn em đại diện cho trường phát biểu trong buổi lễ trọng đại này.


- Từ lúc biết tin đến ngày buổi lễ chính thức diễn ra, hẳn Tuyết Anh đã phải “đứng trước gương” tập nói rất nhiều?

(Cười). Em không đứng trước gương mà chọn phương án đóng kín cửa để luyện đọc. Cái gì cũng thế, phải rèn luyện mới làm tốt được mà.

- Tại lễ mừng công GS Ngô Bảo Châu, cô học trò Trần Lâm Tuyết Anh đã khiến mọi người rất ngạc nhiên vì phát biểu thật tự tin và dõng dạc. Có vẻ như em hoàn toàn không lo lắng hay hồi hộp chút nào?

Thực ra lúc đầu em cũng khá run nhưng khi lên sân khấu, thấy rất nhiều người đang nhìn mình, hình ảnh của mình đang được chiếu cho mọi người cả nước xem, em nghĩ nếu mình còn hồi hộp khiến bài phát biểu không tốt thì còn đáng xấu hổ hơn là tự tin nói lên suy nghĩ, cảm tưởng.

 
- Vậy cảm xúc của em khi ấy có khác nhiều so với lúc tập luyện ở nhà?

Khác nhiều chứ. Khi nhận được tin em chưa hình dung được rằng sẽ có quá đông người tham dự. Lúc phát biểu, nhìn xuống hội trường đông nghẹt người, cả Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và GS Ngô Bảo Châu đều hướng mắt về mình, cảm giác trong em khó tả lắm. Nó pha trộn giữa sự vui sướng tự hào, hồi hộp, lo lắng..... Em phải nén những cảm xúc ấy vào trong để hoàn thành tốt bài phát biểu của mình.

- Khi em phát biểu, nhiều người nói em có phong thái của một nhà lãnh đạo, chắc ở lớp, Tuyết Anh cũng luôn giữ chức cán bộ?

Vâng, hiện tại em vẫn là lớp trưởng lớp chuyên toán 9H1.

Hồi lớp 1 em cũng giữ chức ấy, nhưng sau đó chú tâm cho việc học nên thôi. Khi lớn hơn một chút, em nhận thấy nếu chỉ học sẽ không đủ mà phải tham gia các hoạt động để hòa nhập với mọi người, vì thế, em lại tiếp tục làm cán bộ. Em học được nhiều, có thêm nhiều mối quan hệ bạn bè, tính cách cũng hòa đồng hơn nhờ việc làm lớp trưởng trong 3 năm cấp II này.

- Bài phát biểu của em là với vai trò người đại diện cho khối học sinh cả nước, vậy bây giờ, với tư cách cá nhân, em sẽ nói gì về GS Ngô Bảo Châu?

Với em, Giáo sư Ngô Bảo Châu là một nhà toán học vĩ đại lắm. GS không chỉ là người học tập miệt mài, không chỉ say mê với toán học vốn bị gọi là khô khan mà chú ấy còn là người rất yêu nghệ thuật, văn chương lại biết đánh đàn nữa chứ....

Trần LâmTuyết Anh 

- Ngày sinh: 30/08/1996

-Lớp 9 H1 trường THCS Trưng Vương, Hà Nội

- Bảng nhãn cuộc thi Trạng Nguyên Nhỏ Tuổi (2004)

- HCB Olympic Toán Châu Á Thái Bình Dương (2009)

- HCV Olympic Toán học mở rộng (2010)

- HCB Olympic Toán Singapore mở rộng (2010)

- Danh hiệu “Cháu Ngoan Bác Hồ - Chủ nhân Thăng Long 1000 năm” (2010).

- Thành công của vị GS này có ảnh hưởng như thế nào đến cô học trò Tuyết Anh – đàn em học chung dưới mái trường Trưng Vương mà GS Châu từng theo học?

Thành công của GS Châu ảnh hưởng khá lớn đến em. Trước, em chỉ nghĩ đơn thuần, chú Châu là người học rất giỏi và em cũng muốn học giỏi như thế. Nhưng khi tham dự buổi lễ, em nghĩ mình không chỉ cần học tốt mà cần giữ vững niềm tin quyết tâm theo đuổi đam mê như lời chúc cuối bài phát biểu GS đã dành cho học sinh chúng em “chúc các bạn trẻ luôn giữ được niềm tin, niềm say mê để đi tiếp con đường mình đã chọn”.

- Đó cũng là niềm đam mê với toán học?

Không. Em thích toán nhưng em muốn theo kinh tế. Đây cũng là ngành ứng dụng rất nhiều kiến thức toán học và có sự dung hòa giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Em mơ ước rằng, sau này, mình cũng có thể trở thành một Ngô Bảo Châu tiếp theo ở lĩnh vực kinh tế, một giải Nobel kinh tế chẳng hạn (cười).

-Trong bài phát biểu, em có nhắc đến trách nhiệm của người học sinh và lời hứa giữ vững niềm tin, đam mê học tập, đưa Việt Nam sánh vai các cường quốc năm châu. Vậy lời hứa của riêng cá nhân người đại diện cho khối  học trò này là gì?

Lời hứa của cá nhân em cũng vậy thôi. Em luôn tin, Việt Nam không thiếu người giỏi, chỉ là họ chưa biết cách học, cách làm việc và gặp đúng môi trường thuận lợi. Có thể đất nước mình còn khó khăn về cơ sở vật chất cho giáo dục, nhưng em hi vọng, nhiều quốc gia sẽ đầu tư vào Việt Nam để tạo môi trường thuận lợi cho những nhân tài của Việt Nam phát triển. Em cũng sẽ như các bạn, tiếp tục học thật tốt để vinh danh dân tộc ta trên trường quốc tế.

- Cảm ơn em. Chúc em thành công trên con đường đã chọn.

Trà Sữa(thực hiện)

  Mỗi người VN đều tự hào khi GS Ngô Bảo Châu đoạt giải "Nobel toán học". Hãy viết vào ô thảo luận cuối bài để:
 
- Hiến kế làm sao để Việt Nam có nhiều Ngô Bảo Châu hơn nữa.

- Hiến cách để cùng GS Ngô Bảo Châu tạo lập, phát triển hiệu quả Quỹ Khuyến học NBC mà ông dự định thành lập.

- Bàn luận về khát vọng Việt Nam, làm sao để chúng ta vươn lên đứng đầu trong nhiều ngành khoa học kỹ thuật trên thế giới.


Bình luận
vtcnews.vn