Trình diễn khỏa thân "Bay lên" chưa được cấp phép

Văn hóa - Giải tríThứ Bảy, 05/03/2011 07:03:00 +07:00

"2 buổi trình diễn của họa sĩ Lại Thị Diệu Hà, chúng tôi chỉ biết thông tin sau khi buổi biểu diễn diễn ra và lắng nghe dư luận từ phía truyền thông, khán giả".

Trước hàng loạt các sự kiện trình diễn mang tính chất phản cảm và nhận được nhiều phản đối của dư luận thời gian gần đây, đáng chú ý là những màn trình diễn khỏa thân và hành xác của họa sĩ Lại Thị Diệu Hà, chúng tôi đã có cuộc trao đối với ông Nguyễn Văn Trực, trưởng phòng quản lý nghệ thuật - Sở VHTTDL Hà Nội về việc quản lý và cấp phép cho những chương trình này.

- Thưa ông, hiện nay đang có rất nhiều dư luận xung quanh những màn trình diễn đương đại của họa sĩ Lại Thị Diệu Hà trong thời gian gần đây, với tư cách là một đơn vị cấp phép cho những hoạt động biểu diễn trong TP Hà Nội, ông có thể thông tin thêm về những buổi biểu diễn này được không?

- Tôi xin trả lời anh rằng chúng tôi là đơn vị cấp phép cho những hoạt động biểu diễn của các chương trình nghệ thuật diễn ra trển địa bàn TP Hà Nội, nhưng hai buổi trình diễn của họa sĩ Lại Thị Diệu Hà, chúng tôi chỉ biết thông tin sau khi buổi biểu diễn diễn ra và lắng nghe dư luận từ phía truyền thông, khán giả. Chứ trước khi diễn ra những buổi biểu diễn đó, chúng tôi chưa hề biết gì về hình thức, nội dung của chúng.

Ông Trực khẳng định, màn biểu diễn Bay lên của Diệu Hà chưa được cấp phép; đúng hơn là nghệ sĩ chưa từng xin phép. 
- Nghĩa là những buổi biểu diễn này chưa được cấp phép?

- Nói đúng hơn là những người tổ chức, bản thân nghệ sĩ của những sự kiện này không xin giấy phép từ bên Sở VH-TT-DL TP Hà Nội. Điều đó tôi có thể khẳng định chắc chắn.

- Lâu nay, những người nghệ sĩ vẫn nói với nhau rằng, thủ tục đi “xin xỏ” để có giấy phép thông hành cho một buổi biểu diễn là khá… rườm rà. Ông nghĩ gì về ý kiến này, liệu đó có phải là lý do để có những buổi trình diễn vẫn diễn ra mà không có được cấp phép?

Chúng tôi là một cơ quan nhà nước, nên mọi việc làm đều theo quy định của nhà nước và pháp luật. Quy định về cấp phép, kiểm tra các hoạt động nghệ thuật là một quy định chung đã được ban hành và chúng tôi thực hiện theo quy định đó khi có những cá nhân, đơn vị, tổ thức sự kiện đến xin giấy phép cho hoạt động của họ.

Chưa nói đến việc càng ngày, những thủ tục của việc xin cấp phép hoạt động nghệ thuật càng được rút gọn, về thời gian duyệt cũng đã được rút ngắn 7 ngày thay vì 10 ngày như trước; ngoài duyệt qua ảnh, video, chúng tôi sẽ mời các cơ quan có liên quan đến để duyệt trực tiếp đối với các chương trình nghệ thuật trình diễn tại chỗ.

Nếu một người nghệ sĩ, một nhà tổ chức chương trình nào nói rằng thủ tục đi xin cấp phép cho hoạt động của họ là rườm ra, là hành chính thì tôi nghĩ đó chỉ là những ngụy biện cho việc cố tình trốn tránh những thủ tục pháp lý cho một chương trình biểu diễn mà thôi.

- Tôi có thể hiểu những nguyên nhân của việc cố tình “trốn tránh” đó là gì, thưa ông?

- Với một chương trình biểu diễn luôn có một nội dung nhất đinh. Nguyên nhân của việc trốn tránh đó là do sợ chương trình của mình không được cấp phép vì có những nội dung không phù hợp với văn hóa, với thuần phong mỹ tục của Việt Nam.

Vả lại, bản thân một người nghệ sĩ bao giờ cũng có cái tôi rất lớn, họ luôn không muốn một ý kiến, một định hướng nào để điều chỉnh lại hình thức, nội dung buổi biểu diễn của họ cho phù hợp.

Màn hành xác bằng bàn là được biểu diễn gần đây nhất của Diệu Hà. 
Là một đơn vị làm quản lý văn hóa, dĩ nhiên những chương trình văn hóa hay, có nội dung đặc sắc thì chúng tôi luôn tạo mọi điều kiện để sớm hoàn thành và đưa nó đến gần hơn với công chúng, nếu nó hay, nó tốt đẹp.

Tôi lấy ví dụ là ba kỳ trình diễn của nghệ sĩ Đào Anh Khánh trước đây để hướng đến kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội với quy mô và sự đầu tư rất lớn. Khi được trình hồ sơ, chúng tôi đã không ngại tạo điều kiện bằng cách duyệt trực tiếp những màn trình diễn để góp ý, chỉnh sửa những chỗ cần thiết. Và sau khi được cấp phép và chương trình diễn ra, rõ ràng nó mang những hiệu ứng rất tốt trong lòng khán giả, công chúng.

Trao đổi với phóng viên về việc quản lý các tác phẩm nghệ thuật trình diễn, ông Phạm Đình Thắng, Cục phó Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết: “Trong quy chế hoạt động nghệ thuật biểu diễn, nghệ thuật trình diễn không đuợc coi là một hoạt động biểu diễn chuyên nghiệp. Những tác phẩm không qua khâu thẩm định và cấp phép tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các địa phương đều vi phạm quy chế. Không ai có thể cấm được người cố tình vi phạm. Còn trong trường hợp nghệ sĩ biểu diễn không xin phép, khi sự việc bị phát hiện thì Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ có công văn gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch địa phương nơi diễn ra hoạt động nghệ thuật trình diễn đó đề nghị làm rõ sự việc và giải quyết”.  

 
- Quay trở lại với vấn đề phía trên, với những chương trình chưa được cấp phép mà vẫn diễn ra thì sẽ xử lý thế nào, thưa ông?

- À, lúc đó vấn đề lại không thuộc quyền kiểm soát của chúng tôi nữa. Lúc đó sẽ có các bên như thanh tra, công an văn hóa vào cuộc điều tra và xử lý mức độ vi phạm nặng nhẹ thế nào là theo pháp luật.

- Theo ông, những khó khăn của việc quản lý chương trình nghệ thuật và cấp phép hiện nay là gì?

- Khó khăn lớn nhất có lẽ là việc chưa đồng thuận về việc phân công trực tiếp quản lý các hoạt động nghệ thuật. Những hoạt động nghệ thuật trình diễn nửa thuộc quyền quản lý của Cục nghệ thuật biểu diễn, nửa lại thuộc quản lý của Cục triển lãm, mỹ thuật. Ngay việc chưa đồng thuận như thế cũng tạo ra một số khó khăn nhất định.

Nhưng theo tôi, khó khăn hơn hết vẫn là ở ý thức của người nghệ sĩ, khi họ muốn biểu diễn “chui”, thì khó có thể ngăn được!

- Thời gian gần đây, trình diễn và nghệ thuật đương đại vào Việt Nam chủ yếu là qua những hợp tác, giao lưu văn hóa và trình diễn của nghệ sĩ nước ta với các chương trình, hợp tác với các nước bạn như Đan Mạch, Nhật Bản… Vậy ông đánh giá như thế nào về những sự hợp tác trên?

- Trước tiên mọi sự giao lưu, hợp tác văn hóa với các nước bạn là một việc làm hết sức có ý nghĩa, nó tăng cường sự giao lưu, hợp tác quốc tế không chỉ trên lĩnh vực văn hóa. Nhưng cũng phải nói thêm rằng, sự giao lưu đó đi theo con đường nào, chính thống hay không chính thống, và mục đích của hoạt động đó là gì, tốt hay xấu thì vẫn cần được xác định, để ngày có những hoạt động giao lưu, hợp tác văn hóa tốt đẹp, mang đến những bữa ăn tinh thần tốt nhất cho công chúng thay vì khiếp đảm, sợ hãi với những trò trình diễn gây sốc, trái với nền tảng văn hóa, đạo đức của dân tộc.

Nghệ sĩ Lại Thị Diệu Hà đã có hai cuộc biểu diễn trước công chúng gây ấn tượng khá mạnh. Lần đầu tiên là vào tháng 8 năm ngoái với màn "Bay lên" trong đó chị cởi bỏ hết quần áo cho đến khi không còn một mảnh vải che thân, lấy hồ dán lên khắp cơ thể rồi nằm giữa đống lông màu xanh. Khi lông phủ lên khắp người, chị bắt một con chim trong lồng, ngậm vào mồm và nhả ra cho con chim bay.

Lần tiếp theo cách đây không lâu, cũng với nữ nghệ sĩ đó, chị dùng bàn là, những miếng bì lợn và cả… da tay của mình để tạo ra hiệu ứng cho khán giả. Chị đã đề nghị các phóng viên không đưa tin chụp ảnh về chương trình, tuy nhiên các bức ảnh vẫn xuất hiện trên mạng và một số tờ báo điện tử.

 
Theo Anh Cuông (Lao động Online)

 

Bình luận
vtcnews.vn