Trịnh Công Sơn, Dao Ánh và những bức thư tình

Văn hóa - Giải tríThứ Sáu, 01/04/2011 09:02:00 +07:00

(VTC News) - Lần đầu tiên, hơn trăm bức thư tình của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gửi cho một trong những bóng hồng bất hủ trong âm nhạc của ông được công bố.

(VTC News) - Lần đầu tiên, hơn trăm bức thư tình của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gửi cho một trong những bóng hồng bất hủ trong âm nhạc của ông được gia đình chính thức công bố.

Hai mươi năm xin trả nợ người
Trả nợ một thời em đã bỏ ai.
Hai mươi năm xin trả nợ dài
Trả nợ một đời em đã phụ tôi

Dao Ánh và cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lúc sinh thời.

Là dòng thơ trên những khuôn nhạc trong bài hát Xin trả nợ người mà nhạc sĩ họ Trịnh viết riêng cho Dao Ánh sau cuộc hội ngộ cách nhau đằng đẵng 20 năm (1964-1993). Dao Ánh (thời gian trước hay được viết tắt là Dao. A hay D.A vì một số lý do tế nhị) có phần ít được biết đến hơn so với những cái tên như Nguyệt (Nguyệt ca), Hoàng Lan (Hoa vàng mấy độ), Bích Khê (Biển nhớ), Hồng Nhung (chùm ca khúc về Bống)… nhưng có thể nói rằng đây là một trong những mối tình lớn nhất, sâu nặng nhất của cố nhạc sĩ.

Nếu như những bóng hồng khác chỉ xuất hiện trong một hoặc hai ca khúc của ông, thì cái tên Dao Ánh tuy không được nói ra nhưng được ngầm hiểu là giai nhân trong hàng loạt những Mưa hồng, Tuổi đá buồn, Như cánh vạc bay, Chiều một mình qua phố, Lời buồn thánh… Và dấu ấn đậm nhất có thể kể đến Xin trả nợ người (1993), bài hát là những ân tình mà Dao Ánh có “trả nợ một đời” cũng “không hết tình đâu” với ông.

Chân dung Dao Ánh thời trẻ.

Trước khi nảy sinh mối tình sâu nặng với Dao Ánh, Trịnh Công Sơn từng yêu thầm Ngô Vũ Bích Diễm – người chị ruột của Dao Ánh. Mối tình ấy gắn liền với những tàn lá long não gầy xanh xao, những con đường “dài hun hút cho mắt thêm sâu”… của xứ Huế mộng mơ. Tuy nhiên phần nhiều của mối tình này là đơn phương từ phía Trịnh Công Sơn, để bao nhiêu tâm sự, nỗi niềm ấy ông trút đầy vào ca khúc mang tên cô – Diễm xưa để bài hát ấy trở thành một thiên tình ca bất hủ của nhạc Trịnh, bài hát được chuyển ngữ sang rất nhiều thứ tiếng như Anh, Pháp, Nhật... Cái tên Bích Diễm chỉ gắn với cố nhạc sĩ trong một giai đoạn ngắn và chỉ qua một bài hát duy nhất, tuy nhiên chỉ qua ca khúc ấy, Diễm lại trở thành một trong những người tình lớn nhất trong âm nhạc Trịnh Công Sơn. Cái bóng quá lớn ấy phần nào át đi chân dung của Dao Ánh…

Những ngày qua, một loạt những chương trình ca nhạc cũng như những ấn phẩm về người nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh đã và đang được gia đình, bạn bè thân hữu cho ra mắt khán thính giả mộ điệu trên cả nước. Ngoài những đêm nhạc xuyên Việt, những buổi triển lãm tranh ảnh mang tên Bóng núi, Người ca thơ, Huế - Sài Gòn – Hà Nội,… thì 4 đầu sách viết về ông, trong đó đáng chú ý nhất là việc lần đầu tiên Những bức thư tình của Dao Ánh và Trịnh Công Sơn chính thức được bà Dao Ánh và gia đình nhạc sĩ cho công bố.
Ngô Vũ Dao Ánh

Hơn 100 lá thư viết tay được bà gìn giữ cẩn thận, kể cả những nhành hoa, chiếc lá ép trong thư cũng được bà nâng niu lưu giữ qua bao năm tháng. Kể cả bức thư điện tử (email) duy nhất và cũng là cuối cùng mà Trịnh Công Sơn gửi cho Dao Ánh trước khi mất 2 tháng. Những lời cuối cùng mà cố nhạc sĩ nhờ người bạn viết giùm mình khi ông đang trên giường bệnh… 300 lá thư được sắp xếp theo 2 giai đoạn từ 1964-1967 (chuyện tình tan vỡ khi Trịnh Công Sơn thất vọng về Dao Ánh) và giai đoạn từ 1980 -1/2001 khi hai người bắt đầu liên lạc lại đến khi ông qua đời.
 

Có một điều ít người biết là vài năm trước đây, trong những chuyến trở về Việt Nam, bà Dao Ánh từng thổ lộ mong muốn công bố những bức thư này và thậm chí đã giao bản thảo cho một nhà xuất bản uy tín trong nước nhưng phía gia đình cố nhạc sĩ không đồng ý vì một số lý do tế nhị. Nay nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của Trịnh Công Sơn, quyển sách mới được ra đời. Âu như cũng là một cái duyên… Theo nhà thơ Nguyễn Duy – người được gia đình nhạc sĩ và người trong cuộc tin tưởng nhờ chấp bút cho quyển sách Trịnh Công Sơn – Thư tình gửi một người và ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh – cô em gái út của nhạc sĩ thì: “Câu chuyện tình yêu của Trịnh Công Sơn lúc này không còn là của riêng một người nữa mà là của nhiều người, như một biểu tượng của tình yêu vậy!”.

Khánh Nguyễn
Bình luận
vtcnews.vn